Cuối tháng 11: LHQ rà soát Việt Nam về xoá bỏ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc

  • Nhiều tổ chức xã hội dân sự Việt đóng góp thông tin cho cuộc rà soát

Mạch Sống, ngày 17 tháng 10, 2023

http://machsongmedia.com

Ngày 29 và 30 tháng 11 tới đây, uỷ ban LHQ chuyên trách sẽ rà soát Việt Nam về thực thi Công Ước Quốc Tế về Xoá Bỏ Mọi Hình Thức Kỳ Thị Chủng Tộc (International Convention on the Elimination of all Forms of Racial Discrimination, CERD).

Để chuẩn bị cho cuộc rà soát này, BPSOS đã đóng góp 3 bản báo cáo với Uỷ Ban CERD. Đóng góp cho nội dung báo cáo gồm có Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, tổ chức Người Thượng vì Công Lý, và tổ chức Người Hmong cho Nhân Quyền.

“Trong thể chế hiện nay, người dân ở trong nước không thực sự có quyền giám sát hoạt động của nhà nước,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiểm Chủ Tịch BPSOS nhận định. “Nhưng thông qua các định chế nhân quyền LHQ như Uỷ Ban CERD, người dân ở Việt Nam có thể yêu cầu nhà nước giải trình về những điểm quan tâm của mình.”

Hình 1 – Những tín đồ Tin Lành người Hmong bị đuổi khỏi làng vì không từ bỏ đạo, Tỉnh Sơn La, tháng 4 năm 2017

Trong tinh thần đó, BPSOS đã hợp tác với các tổ chức kể trên để thu gom thông tin về vi phạm bởi và đề xuất các khuyến nghị cho nhà nước Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, như:

  • Đàn áp tự do tôn giáo hay niềm tin
  • Tổ chức tôn giáo bị biến thành cộng cụ đàn áp
  • Cưỡng chế đất đai của người bản địa
  • Cáo buộc quan điểm chính trị (phản động, chống đối nhà nước, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, v.v.)
  • Chính sách ép bỏ đạo dẫn đến tình trạng vô quốc tịch của tín đồ Tin Lành Hmong và Thượng
  • Sự tác hại của chính sách kỳ thị lên trẻ em người bản địa Hmong và Thượng

Uỷ Ban CERD dựa một phần vào những đóng góp từ xã hội dân sự để quyết định các chủ đề mà nhà nước Việt Nam cần sẵn sàng để trả lời tại cuộc rà soát.

Theo Ts. Thắng, BPSOS sẽ cử một toán 4 người đến Geneva tham dự cuộc rà soát. Họ sẽ họp trước với Uỷ Ban CERD vào ngày 27 tháng 11 để cung cấp thông tin cập nhật về các báo cáo. Trong suốt cuộc rà soát, toán này sẽ góp ý với Uỷ Ban CERD trong trường hợp đoàn đại diện nhà nước Việt Nam trả lời không đúng, không đủ sự thật.

“Chúng tôi sẽ có một giàn nhân sự để sẵn sàng phối kiểm thông tin và phản biện, nếu cần.”

Đây không là lần đầu tiên BPSOS tham gia các cuộc rà soát của LHQ đối với Việt Nam. Trước đây, BPSOS đã đóng góp báo cáo và hiện diện tại các cuộc rà soát về quyền của phụ nữ, quyền của trẻ em, quyền dân sự và chính trị, quyền không bị tra tấn…

Cũng như những lần trước, bộ phận truyền thông của BPSOS sẽ tường thuật trong nhiều ngôn ngữ về cuộc rà soát kéo dài 2 ngày sắp đến.

Trong các ngày 28 – 30 tháng 11, BPSOS hướng dẫn một đoàn 30 người có mặt tại thủ đô Praha của Cộng Hoà Séc để tham gia Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng về Tự Do Tôn Giáo Hay Niềm Tin. Sự kiện này cũng sẽ được tường thuật trực tuyến.

Các báo cáo chung do BPSOS nộp cho Uỷ Ban CERD có thể tìm thấy tại: https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/15/TreatyBodyExternal/countries.aspx?CountryCode=VNM&Lang=EN

Bài liên quan:

Rà soát Việt Nam về kỳ thị chủng tộc: Các chủ đề chính
https://machsongmedia.com/vietnam/quyenconnguoi/2034-ra-soat-viet-nam-ve-ky-thi-chung-toc-cac-chu-de-chinh

Viết một bình luận