Bản tin trên SBS tiếng Hmong về gia đình tị nạn người Hmong Việt được tái định cư ở Úc

Ngày 16 tháng 10, 2023

http://machsongmedia.com

Ở Úc có một cộng đồng nhỏ người Hmong gốc Lào. Khi được tin một gia đình Hmong Việt đến Úc tái định cư, họ vui mừng và đã cử người ra phi trường đón tiếp. Họ hứa sẽ yểm trợ gia đình chị tị nạn trong việc hội nhập đời sống mới. Trước đó, Hội Ái Hữu Gia Long Sydney đã gây quỹ để giúp đỡ gia đình này nộp phạt để khỏi phải ngồi tù ở Thái Lan. Gia đình tị nạn người Hmong Việt này thật may mắn vì được cả cộng đồng Hmong và đồng hương Việt ưu ái giúp đỡ.

Ngày 14 tháng 10 vừa qua, chương trình phát thanh SBS tiếng Hmong ở Úc đã chạy tin về gia đình tị nạn này:  https://www.sbs.com.au/language/hmong/hmv/podcast-episode/hmong-family-that-arrived-recently-in-australia/wpjkpjzgy

Dưới đây là bản dịch tiếng Việt của Johnny Huy:

Khoảng 2 tuần trở lại đây đã có 1 gia đình người Hmong Việt Nam tị nạn tại Bangkok, Thái Lan đã được tái định cư sang nước Úc. Vì chính phủ Thái không ký công ước tị nạn năm 1951 và Hiệp định liên quan đến Tình trạng Người tị nạn” năm 1967, còn được gọi là Nghị Định Thư 1967, nên dù có được công nhận tư cách tị nạn thì người tị nạn vẫn không được bảo vệ. Vậy tại sao người ta vẫn đến Thái lan xin tị nạn và ai đang giúp đỡ họ?

Theo anh Tony Lee, người đứng đầu tổ chức Hmong Society Victoria cho biết đã có một tổ chức tìm kiếm anh và nhờ anh giúp đỡ thông dịch cho gia đình người Hmong Việt Nam này.

Anh Tony Lee nói “Có một vài người Mỹ thuộc tổ chức Urban Life đã tìm kiếm và thấy trang facebook page của chúng tôi là Hmong Society Victoria. Họ đã liên lạc và hỏi tôi rằng liệu có người Hmong nào đang sinh sống tại Victoria không? Và họ cũng muốn biết rằng liệu tôi có giúp đỡ họ thông dịch được không? Vì gia đình Hmong Việt Nam này không biết tiếng Anh nên họ đang cần một người giúp đỡ thông dịch. Tôi đồng ý và nói với họ rằng tôi rất vui được giúp đỡ vì dù sao cũng cùng là người Hmong, dù thế nào cũng cần phải giúp đỡ họ”.

Anh Lee cũng nói thêm rằng anh đã cùng một phụ nữ da trắng người Australia ra phi trường Sydney Airport để đón gia đình này vào khoảng 2 tuần trước.

“Hôm Thứ Sáu vừa rồi (tức ngày 29/9/2023) tôi đã cùng với một phụ nữ da trắng người Úc ra phi trường đón gia đình người Hmong Việt Nam này từ Sydney, sau đó từ Sydney về Melbourne. Hiện tại họ đang ở Ringwood. Tôi cũng cùng đi xem ngôi nhà mà tổ chức hỗ trợ họ đã thuê cho họ ở. Tôi và gia đình người Hmong Việt Nam này chưa từng biết nhau trước đó, chỉ là khi tổ chức hỗ trợ gia đình này liên lạc với tôi nhờ giúp đỡ thông dịch nên tôi mới biết họ từ đó.”

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, người điều hành tổ chức Boat People SOS (BPSOS), là một tổ chức NGO tại Mỹ, hiện tại đang tài trợ cho một văn phòng pháp lý hỗ trợ người tìm kiếm tị nạn tại Bangkok, Thái Lan cho biết:

“Chúng tôi có một văn phòng gồm toán luật sư tại Bangkok giúp đỡ người tìm kiếm tị nạn lập hồ sơ xin tị nạn với UNHCR. Nếu không có những nỗ lực hỗ trợ pháp lý như vậy thì việc tìm kiếm tư cách tị nạn rất trần ai.”

Chị Jay (không phải tên thật) cho biết chị rất hạnh phúc vì cuối cùng gia đình chị cũng tới được Úc Châu.

“Tôi rất hạnh phúc khi gia đình tôi đã đặt chân tới Úc Châu. Tôi sẽ luôn ghi nhớ những ân tình của chính phủ Úc khi đã chấp nhận gia đình tôi và cho gia đình tôi có một cuộc sống hợp pháp. Hôm nay gia đình tôi đã có một cuộc sống mới không phải lo lắng sợ hãi. Tôi rất hạnh phúc.”

Tiến sĩ Thắng cho biết thêm rằng sẽ có thêm nhiều gia đình người Hmong tới Úc Châu. Ông nói:

“Chúng tôi biết và hy vọng rằng không lâu nữa sẽ có thêm nhiều gia đình người Hmong Việt Nam từ Thái Lan đến định cư tại Úc Châu. Chúng tôi có thông tin và danh sách nhiều gia đình đã được chuẩn bị cho việc tái định cư. Hiện tại đang có khoảng 700 người Hmong theo đạo Tin Lành ở Thái Lan và khoảng hơn phân nửa trong số họ đã được công nhận tư cách tị nạn và dần được phỏng vấn tái định cư”.

Khi được hỏi rằng tại sao người Hmong lại rời khỏi đất nước Việt Nam để đi xin tị nạn thì tiến sĩ Thắng trả lời rằng:

“Lý do chính là vì họ bị đàn áp tôn giáo khi họ từ bỏ tập tục cũ và theo đạo Tin Lành. Khi đã quá nhiều người Hmong từ bỏ tập tục cũ sang đạo Tin Lành, chính quyền thấy rằng sẽ khó để quản lý. Vì vậy họ bắt đầu tìm cách đàn áp. Chính quyền ép người Hmong quay lại phong tục tập quán cũ thờ ông bà tổ tiên, nhưng đã có nhiều người Hmong thà chết chứ không chịu bỏ đạo vì vậy họ đã bị đàn áp và đuổi ra khỏi làng, họ đã chạy trốn khắp nơi. Đây là những lý do vì sao họ đành phải rời bỏ đất nước ra đi”.

Sự đàn áp không những xảy ra trên sắc tộc Hmong mà còn xảy ra với những sắc tộc ít người khác. Tiến sĩ Thắng nói thêm:

“Không chỉ riêng sắc tộc Hmong, những sắc tộc ít người khác cũng gặp tình trạng tương tự khi họ từ bỏ đức tin cũ chuyển sang theo đạo Tin Lành. Điển hình như những người Montagnard ở Tây Nguyên, người Khmer Krom ở phía Nam Việt Nam. Chính quyền cho rằng sự thay đổi tôn giáo, sự đoàn kết của từng sắc tộc có nguy cơ ảnh hưởng đến nền an ninh quốc gia. Chính quyền sẽ khó lòng kiểm soát vì vậy họ tìm cách đàn áp và kìm hãm”.

Dù sao đi nữa thì chính quyền Việt Nam cũng không thừa nhận các cuộc đàn áp đối với những cộng đồng sắc tộc thiểu số nói trên. Chính quyền Việt Nam cũng đã tham gia vào các công ước UN về các quyền của người thiểu số và kỳ thị chúng tộc. Vì vậy tiến sĩ Thắng nói rằng tháng tới đây sẽ diễn ra phiên rà soát nhà nước Việt Nam về việc thực thi Công ước Quốc tế Xóa bỏ mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc xem Việt Nam có làm đúng với những gì đã cam kết hay không. Tiến sĩ Thắng nói:

“Cuối tháng 11 này Ủy ban Xóa bỏ Kỳ thị Chủng tộc sẽ có phiên rà soát nhà nước Việt Nam về thực thi công ước xóa bỏ kỳ thị chủng tộc mà Việt Nam đã ký. Vì Việt Nam đã vi phạm công ước này nên chúng tôi hy vọng rằng Ủy ban sẽ xem xét cẩn thận các bản báo cáo và hồ sơ chúng tôi đã nộp lên”.

Mặc dù gia đình người Hmong này đã đến Úc Châu nhưng họ vẫn còn lo lắng về sự an toàn của gia đình người thân ở Việt Nam nên họ không dám chia sẻ nhiều về câu chuyện của mình. Chị Jay chỉ muốn gửi lời cảm ơn tới chính phủ Úc, các tổ chức và cá nhân đã hỗ trợ gia đình chị đến được bến bờ tự do. Chị Jay cũng gửi một vài thông điệp tới cộng đồng người Hmong ở Úc Châu rằng:

“Tôi mới đến nên cũng lạ nước lạ cái, cái gì cũng không biết. Từ học hành cho đến tìm kiếm việc làm, nếu khi nào tôi kêu gọi sự giúp đỡ của quý vị thì xin quý vị hãy giang rộng cánh tay giúp đỡ tôi”.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng từ tổ chức BPSOS nói thêm rằng:

“Chúng tôi đang vận động chính phủ Úc nhận càng nhiều người Hmong càng tốt. Hiện tại chính phủ Mỹ cũng đang làm điều đó, chính phúc Úc, New Zealand hay Canada đều đang đón nhận người tị nạn. Đó là một tín hiệu đáng mừng”.

Viết một bình luận