Ông Ma Seo Cháng và ông Ma A Sính: Lưu lạc từ Hà Giang đến Tiểu khu 179 đến Thái Lan

Hải Di Nguyễn

 

Ông Ma Seo Cháng (sinh năm 1974) và ông Ma A Sính (1984) từng sống nhiều năm ở Tiểu khu 179, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Liên tục bị đàn áp vì là người H’mông theo đạo Tin lành, cả hai lưu lạc từ Hà Giang đến Điện Biên rồi đến Tiểu khu 179 nhưng vẫn không được yên ổn, và hiện nay đang tỵ nạn tại Thái Lan.

Tôi phỏng vấn họ ngày 18/9/2023, với anh Johnny Huy (thuộc tổ chức Hmong Human Rights Coalition) giúp thông dịch một phần.

Ông Ma Seo Cháng. 

Ma A Sinh cropped

Ông Ma A Sính. 

 

Đàn áp tôn giáo ở Hà Giang

Ông Ma Seo Cháng sinh ra và lớn lên ở Hà Giang. Bắt đầu theo đạo Tin lành từ năm 1989, thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), là hội thánh được nhà nước công nhận.

Bị “đàn áp tôn giáo rất nặng nề, bị chính quyền gọi lên gọi xuống… bắt cam kết bỏ đạo” và bị tước đi giấy tờ tùy thân, rơi vào tình trạng vô quốc tịch trên chính quê hương mình, ông trốn sang Điện Biên năm 1995 (khi đó vẫn thuộc tỉnh Lai Châu).

Ông Ma A Sính theo đạo từ năm 1991, cũng gặp khó khăn với chính quyền và rời đi năm 1996.

 

Thời gian ở Điện Biên

Sống ở Điện Biên năm 1995-2000, ông Ma Seo Cháng tiếp tục bị đàn áp về tôn giáo: “chính quyền đến từng nhà và cầm theo giấy bắt họ ký cam kết bỏ đạo, nếu không chính quyền sẽ đuổi họ ra khỏi địa bàn cư trú.”

Bản thân liên tục bị sách nhiễu, lại nhìn thấy người khác bị đánh đập, cưỡng ép bỏ đạo, và thấy các nhà truyền đạo phải vào tù, ông rời đi năm 2000.

 

Ông Ma Seo Cháng: từ Điện Biên xuống Đắk Lắk

Từ Điện Biên, ông Ma Seo Cháng tới huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk năm 2000. “Ở đây được hai tháng thì bị chính quyền đốt phá nhà.”

Anh Johnny Huy nói “Vào khoảng tháng 2 [năm 2000], sau khi ăn Tết Âm lịch, kiểm lâm đến đốt phá nhà anh ấy. Họ nói là phải rời khỏi địa bàn, nếu không họ sẽ trục xuất về nơi cư trú.”

 

Tiểu khu 179

IMG 0847 tieu khu 179

Theo lời ông Ma Seo Cháng, khi ông đến tỉnh Lâm Đồng thì được một số người H’mông cho biết “ở Tiểu khu 179, đất đai vẫn còn nhiều và tươi tốt, có thể sống ở ven sông, làm nông.”

Ông bắt đầu tới sống ở đó.

Hoàn cảnh tương tự, ông Ma A Sính phải rời khỏi Điện Biên sau mười năm sinh sống, và vì đã quen ông Ma Seo Cháng, quyết định cũng chuyển đến Tiểu khu 179 năm 2006. Ông được anh em chia miếng đất ở Tiểu khu 178 để làm ruộng.

Ông Ma A Sính cho biết, đến năm 2007 có thêm nhiều người di cư đến Tiểu khu 179—khoảng hơn 40 hộ gia đình—nên họ làm đơn báo lên chính quyền địa phương về sự hiện diện của họ.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương nói họ “phải ký cam kết bỏ đạo thì mới được ở.” Rồi “cướp đi con mương” người dân trước đó đã bỏ ra 100 triệu đồng để đào dẫn nước về làm ruộng.

“Chính quyền không chỉ cưỡng chế con mương mà cưỡng chế đất đai… bán lại cho công ty Hiền Tiến.”

 

Vô quốc tịch trên chính đất nước mình

Ông Ma Seo Cháng cho biết, bắt đầu từ năm 2011, họ đã liên tục nhiều năm làm đơn xin quy hoạch đất để thành lập thôn và xin cấp giấy tờ hộ khẩu, nhưng không thành công.

Không có giấy tờ tùy thân, ông Ma Seo Cháng và ông Ma A Sính và vô số người H’mông khác phải sống trong tình trạng vô quốc tịch: không được làm thẻ ngân hàng, không thể đứng tên mua xe máy, không thể đăng ký kết hôn, không được có bảo hiểm y tế, con cái cũng không được đi học…

 

Trường học ở Tiểu khu 179

Ông Ma Seo Cháng nói “Năm 2012, cả làng chúng tôi, con em không được đi học, nên bà con chúng tôi dựng lên một cái trường. Nếu chính quyền không đưa giáo viên đến dạy, anh em chúng tôi có thể thuê người ngoài để dạy con em cái chữ đầu tiên.”

Ông nói xã lúc đầu không cho, nhưng ông nói “Con em lớn lên rồi, không được tiếp xúc con chữ.”

Cuối cùng khi họ dựng trường, Phòng giáo dục tới khảo sát và gửi giáo viên đến, nhưng chỉ dạy cấp tiểu học và chỉ dạy hai môn Toán và Tiếng Việt.

 

Giải tỏa, cưỡng chế đất

Cuong che dat nam 2016

Hình ảnh công an cưỡng chế đất năm 2016. 

Ông Ma A Sính cho biết năm 2015, chính quyền huyện Đam Rông tuyên bố giải tỏa khu vực, “không muốn người H’mông theo đạo sinh sống ở khu vực đấy.” Họ lại cưỡng chế đất của người dân, bán cho công ty Ngân Lâm của Trung Quốc.

“Họ cứ đuổi ra khỏi đấy thôi. Anh em tôi đã khổ từ ngoài Bắc để vô đấy rồi, không biết đi đâu nữa, cố ở đấy,” ông Ma Seo Cháng nói. “Năm 2016, chính quyền tiếp tục cưỡng chế đất của người dân chúng tôi, đang làm cà phê, đang làm ruộng.”

Họ gửi đơn cho Quốc hội, cho Chủ tịch nước, cho Thủ tướng… và chính phủ gửi phái đoàn tới vào năm 2016. Tuy nhiên, ông Ma Seo Cháng kể, đến năm 2019, công ty Ngân Lâm mang đá và xi măng tới, dựng trụ ngay giữa nương rẫy của người dân.

Cần sự chú ý và can thiệp của quốc tế, họ liên lạc với BPSOS và được giúp làm báo cáo cho LHQ về vấn đề của Tiểu khu 179.

 

Dự án quy hoạch Tiểu khu 179

Ông Ma Seo Cháng nói “Ông Lưu Văn Đức, phái đoàn của Quốc hội, tới đối thoại với bà con” và nói là “chính phủ đã công nhận quy hoạch đất đai tại Tiểu khu 179.”

Họ cũng đưa ra kế hoạch và bản đồ quy hoạch Tiểu khu 179—tuy nhiên, tới nay vẫn chưa được thực hiện.

Ông cũng nói trong năm 2021, người dân đi chụp hình làm căn cước, nhưng sau đó lại không được cấp. 

Năm 2021, phái đoàn của Anh Quốc muốn tới khảo sát Tiểu khu 179, nhưng chính quyền huyện Đam Rông phong tỏa khu vực một tuần lễ, không cho vào.

Riêng hai ông Ma Seo Cháng và Ma A Sính bị công an tỉnh Lâm Đồng bắt, bị tra hỏi về BPSOS và các báo cáo.

IMG 2421 giay moi

 

Tiếp tục lưu lạc: trốn sang Thái Lan

Ông Ma Seo Cháng cho biết, ngày 21/2/2023, sau khi gặp phái đoàn của Hoa Kỳ ở Đắk Lắk, hai người bị công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ rồi đánh đập, tra khảo.

Theo lời ông Ma A Sính, họ bị dọa tù, bị cáo buộc là “cấu kết với người nước ngoài, nói xấu Đảng và nhà nước.”

Đó là khi họ nhận ra họ không thể tiếp tục sống ở Việt Nam.

Ông Ma A Sính trốn sang tỵ nạn ở Thái Lan ngày 4/3/2023. Ông Ma Seo Cháng, ngày 14/4/2023.

 

Cuộc sống hiện nay

Hiện nay gia đình ông Ma A Sính (5 người lớn, 4 trẻ con) và gia đình ông Ma Seo Cháng (4 người lớn, 6 trẻ con) đang sống trong cơ cực và lo sợ tại Thái Lan, không dám đi làm.

Ông Ma A Sính nói “Trong tháng 7, mình nghe tin là chính quyền lại cử một ông sang Thái Lan để theo dõi Ma A Sính, Ma Seo Cháng… chỗ ở ở đâu.”

Ông Ma Seo Cháng chỉ mong được giúp đỡ. “Rất là lo sợ… không biết lúc nào bị công an bắt. Nếu họ bắt về Việt Nam là bị tra tấn, bị tù, không biết sống kiểu nào.” 

 

Note:

Trong bài viết lúc đầu, tôi viết nhầm là hai người bị công an tỉnh Lâm Đồng bắt giữ ngày 21/2/2023. Chi tiết này đã được sửa lại. 

Viết một bình luận