Anh Vàng Đức Sơn: nhân chứng vụ đàn áp Mường Nhé năm 2011

Hải Di Nguyễn

 

Ngày 14/9/2023, anh Vàng Đức Sơn cùng gia đình đặt chân đến bang Minnesota, Hoa Kỳ sau hơn 11 năm lưu lạc tại Thái Lan.

Anh sinh năm 1982, là người H’mông theo đạo Tin lành, và là một trong những nhân chứng của sự kiện Mường Nhé năm 2011.

 

Người H’mông theo đạo Tin lành

Trong phỏng vấn ngày 18/9/2023, anh Vàng Đức Sơn cho biết “Tôi sinh ra ở tỉnh Hà Giang. Hồi đó bố ở tỉnh Hà Giang.”

Khi cha anh theo đạo Tin lành và từ bỏ phong tục tập quán H’mông, ông bị chính quyền đàn áp, bắt bớ, ép bỏ đạo. “Đến năm 1996, bố trốn về sống ở tỉnh Điện Biên.” (Điện Biên khi đó vẫn thuộc tỉnh Lai Châu, chưa tách riêng).

Ở đó, họ tiếp tục bị đàn áp, bị mời lên làm việc, bị ép bỏ đạo, bị phạt tiền vì đi học Kinh thánh…

 

Không giấy tờ, không hộ khẩu

Anh Vàng Đức Sơn cho biết gia đình bị chính quyền địa phương gây khó khăn vì theo đạo Tin lành, dù thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), là hội thánh được nhà nước công nhận: họ không được cấp hộ khẩu khi tới Điện Biên, và bị tước đi giấy tờ tùy thân.

“Giấy khai sinh, giấy kết hôn, không có.”

Tước đi, hoặc từ chối cấp, giấy tờ tùy thân—đẩy người đó vào tình trạng vô quốc tịch trên chính quê hương mình—là cách chính quyền địa phương ở nhiều tỉnh ở Việt Nam trừng phạt các tín đồ Tin lành thuộc sắc tộc thiểu số hoặc bản địa, và là cách cưỡng ép họ bỏ đạo.

Theo lời anh Vàng Đức Sơn, anh đi làm chứng minh thư năm 2006 và không được cấp—được báo là hình bị cháy—tới năm 2008 đi làm lại vì cần bằng lái xe máy mới phát hiện ra chứng minh thư của mình bao lâu nay nằm ở trụ sở công an huyện Mường Nhé.

“Trong đất nước Việt Nam, Sơn có cái chứng minh thư. Còn các giấy tờ khác, Sơn không có.”

 

Vụ “cướp đất” ở Mường Nhé

“Anh em người H’mông ở Mường Nhé bị chính quyền cướp đất cho các công ty trồng cây cao su.”

Anh Vàng Đức Sơn nói thêm “[Năm 2009] họ làm đường ở biên giới… Họ có biên bản ký kết, bảo là họ ủi đường đến đâu, họ sẽ trả tiền [đến đó]… Họ ủi con đường đến tận biên giới, nhưng bà con không nhận được đồng tiền nào. Sơn là người đứng lên đòi bồi thường cho các anh em trong xã Nà Khoa [huyện Mường Nhé].”

Chính quyền địa phương cho xe ủi qua nương rẫy của người dân, ủi qua lúa, qua ngô, qua sắn…

Anh cho biết mình dẫn theo vài anh em đi chặn thi công, và bị công an đánh đập. 

 

Vụ biểu tình Mường Nhé năm 2011

Muong Nhe 1365

Ngày 1-6/5/2011 ở huyện Mường Nhé dấy lên biểu tình—hàng ngàn người H’mông đứng lên đòi tự do tôn giáo và đòi lại đất đai.

“[Ngày 4/5/2011] chính quyền Việt Nam cho máy bay trực thăng phun thuốc vào anh em ở đó… Họ phun thuốc, làm nước chuyển thành màu xanh… Có người mê luôn, có ba người không biết, uống nước đó và chết luôn tại chỗ. Có hai đứa trẻ con khoảng 12-13 tuổi và một người đàn bà khoảng 40 tuổi.”

Trong những ngày biểu tình, công an cũng bao vây khu vực—nội bất xuất, ngoại bất nhập.

“Ngày mùng 6 là ngày công an, cảnh sát cơ động, quân đội, các chính quyền địa phương hoặc huyện, tỉnh, trung ương đều đến giải tán… Người bị bắt rất đông, người bị đàn áp, bị chết cũng rất đông.”

Anh Vàng Đức Sơn nói “Sơn là người không sợ bị đàn áp, vì mình không có tự do, mình không có công lý, Sơn vốn là người đứng vững chắc. Nhưng khi tận mắt Sơn nhìn thấy quân đội dùng mũi nhọn súng AK… chọc vào cả những đứa bé 5 tuổi, họ cũng không tha… Họ chọc vào trẻ con, chọc vào người lớn…”

Hoảng sợ, anh chạy trốn vào rừng.

Đây là lời kể của anh Vàng Đức Sơn, một người tham gia vụ biểu tình ở Mường Nhé—chúng tôi không thể kiểm chứng. Các trang BBC, RFA, VOA Tiếng Việt… đều nói thông tin về sự kiện Mường Nhé rất trái ngược và khó chứng thực, còn phóng viên nước ngoài không thể đặt chân đến đó.

Tổ chức Human Rights Watch khi đó cũng kêu gọi nhà nước Việt Nam cho phóng viên độc lập, giới ngoại giao, và các nhà quan sát tới điều tra sự kiện Mường Nhé.

Theo RFA Tiếng Việt ngày 13/5/2011, truyền thông nhà nước nói chỉ có “một trẻ em chết do bệnh vì điều kiện vệ sinh kém và thời tiết xấu”, trong khi “một số tổ chức nước ngoài theo dõi tình hình người Hmông, cũng như tín hữu Cơ đốc giáo tại khu vực miền núi Tây bắc Việt Nam cho biết số người chết do bị quân đội và chính quyền địa phương sát hại lên mấy chục người.”

Riêng BPSOS đã làm báo cáo về vụ đàn áp Mường Nhé, dựa theo lời kể và mô tả của các nhân chứng người H’mông sống sót và sang lánh nạn ở Thái Lan, và cũng lập danh sách một số người chết trong biểu tình.

 

11 năm lưu vong

380246928 833224818497654 4926415300344764875 n

Anh Vàng Đức Sơn cho biết, tháng 2/2012, công an nói với vợ anh là nếu anh không đầu thú, “họ sẽ bao vây và sẽ không bắt nữa, họ sẽ bắn chết luôn tại chỗ.”

Không còn lựa chọn nào khác, anh cùng vợ con trốn sang Lào ngày 12/2/2012, và vì vẫn không an toàn, đến Thái Lan ngày 27/2/2012. Từ đó bắt đầu 11 năm lưu lạc tại Thái Lan.

Anh ghi danh xin tỵ nạn năm 2012, tới năm 2016 mới có quy chế, và tới năm 2023 mới được sang định cư nước thứ ba.

Anh Vàng Đức Sơn cho biết, sau khi tham gia một khóa học XHDS 12 tháng của BPSOS, năm 2017 anh bắt đầu thu thập thông tin và viết báo cáo về hình hình người H’mông bị đàn áp tôn giáo, bị đánh đập, bị phá nhà, bị đuổi khỏi làng… ở Sơn La, ở Lai Châu, ở Điện Biên…

 

Đến Mỹ

Vang Duc Son va Vang Chi Minh

Anh Vàng Đức Sơn (ngoài cùng bên trái) với Mục sư Vàng Chí Mình (ngoài cùng bên phải). 

Tháng 9/2023, sau khi nộp số tiền phạt 60,000 baht (hơn 1,500 USD), tức tiền phạt hai vợ chồng và một người con lớn sống bất hợp pháp ở Thái Lan, với BPSOS vận động và các mạnh thường quân giúp đỡ, anh Vàng Đức Sơn cùng vợ và sáu con cuối cùng cũng được rời khỏi Thái Lan.

Họ đặt chân đến bang Minnesota, Hoa Kỳ ngày 14/9/2023.

Theo Mục sư Vàng Chí Mình, một trong những người H’mông từ Việt Nam đầu tiên được tỵ nạn tại Mỹ, cho biết nhiều người H’mông đến Minnesota vì có việc làm và cũng vì có người H’mông chen được vào chính phủ.

Là người thành lập tổ chức Hmong United for Justice (Người H’mông Đoàn kết vì Công lý), Mục sư Vàng Chí Mình nhiều năm đi vận động quốc tế cho cộng đồng người H’mông và các cộng đồng thiểu số khác ở Việt Nam bị đàn áp tôn giáo và phải lánh nạn ở Lào, ở Miến Điện, ở Thái Lan, bao gồm trường hợp anh Vàng Đức Sơn, và cũng là một trong những người đến đón gia đình anh tại phi trường Minneapolis.

Mục sư nói ngày 18/9/2023 “Chúng tôi cũng rất vui cho Vàng Đức Sơn, đã tỵ nạn ở Thái Lan 11 năm, sau đó định cư tại Hoa Kỳ. Chúng tôi cảm ơn quý vị đã hết sức tạo điều kiện giúp đỡ để họ được tái định cư sang Hoa Kỳ.”

 

Bài liên quan:

Người tỵ nạn phải đối mặt với điều gì để ra khỏi Thái Lan?: https://machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/2014-nguoi-ty-nan-phai-doi-mat-voi-dieu-gi-de-ra-khoi-thai-lan

Anh Vàng Đức Sơn gửi lời tri ân đến cộng đồng Việt hải ngoại và quốc tế: https://machsongmedia.com/vietnam/quyenconnguoi/2016-anh-vang-duc-son-gui-loi-tri-an-den-cong-dong-viet-hai-ngoai-va-quoc-te 

Viết một bình luận