Gia đình đầu tiên được BPSOS hỗ trợ theo diện bảo lãnh tư nhân bắt đầu tiến trình định cư Canada

  • BPSOS chỉ tốn 1,500 USD để lập hồ sơ cho 80 đồng bào tị nạn

Ngày 8 tháng 9, 2023

http://machsongmedia.com

Một gia đình gồm 3 người Jarai ở Tây Nguyên đã lên lịch phỏng vấn với Bộ Di Trú Canada để hoàn tất thủ tục định cư theo chương trình bảo lãnh tư nhân. Gia đình này thuộc nhóm hồ sơ đợt đầu được cô Becky, nhân viên của BPSOS, giúp lập hồ sơ đầu năm 2021. Từ đó đến nay, tổng cộng đã có 80 người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan và một số ít người tị nạn Pakistan được BPSOS giúp lập hồ sơ định cư vào Canada theo chương trình bảo lãnh tư nhân.

“Có lẽ phần lớn số người này sẽ lên đường tái định cư nội trong năm 2024,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nhận xét. “Chúng tôi không tính họ vào con số khoảng 500 đồng bào tị nạn sẽ tái định cư trước cuối năm 2024 qua các chương trình của chính phủ Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand…”

Chương trình bảo lãnh tư nhân của Canada

Canada đứng thứ 2, chỉ sau Hoa Kỳ, về định cư người tị nạn ở Thái Lan. Canada có 2 chương trình định cư tị nạn: chính phủ bảo lãnh và tư nhân bảo lãnh.  

Hình 1 – Biểu đồ định cư theo diện bảo lãnh tư nhân vào Canada. Nguồn: https://www.migrationpolicy.org/article/canada-private-sponsorship-model-refugee-resettlement

 

Từ năm 1978, chương trình bảo lãnh tư nhân đã định cư 225,000 trong tổng sô 770,000 người tị nạn vào Canada. Nhiều thuyền nhân Việt Nam vượt biển sau ngày 30 tháng 4, 1975 được tư nhân bảo lãnh vào Canada. Trong biểu đồ dưới đây, màu tím là số người tị nạn định cư vào Canada theo diện bảo lãnh tư nhân. Mầu xanh dương là số người được chính phủ bảo lãnh. Có năm số người tị nạn được tái định cư theo chương trình bảo lãnh tư nhân đã vượt xa con số được chính phủ bảo lãnh tái định cư.

Có nhiều tổ chức phi chính phủ, nhất là các tổ chức tôn giáo, tham gia chương trình bảo lãnh tư nhân. Chính phủ Canada ấn định đỉnh số cho chương trình này là tổng cộng 67,500 cho 3 năm 2021-2023. Xem: https://www.canada.ca/en/immigration-refugees-citizenship/corporate/mandate/policies-operational-instructions-agreements/timely-protection-privately-sponsored-refugees

Con số cho những năm sau đó có triển vọng sẽ tăng đáng kể.

Để mọi người hiểu rõ về chương trình định cư theo diện bảo lãnh tư nhân của Canada, BPSOS đã thực hiện cuộc phỏng vấn cô Becky: https://www.facebook.com/BPSOSTiNanThaiLan/videos/24097417183175889

Kế hoạch của BPSOS nhằm khai thác chương trình bảo lãnh tư nhân của Canada

Trọng tâm của BPSOS là vận động các chính quyền đệ tam quốc định cư người tị nạn ở Thái Lan thay vì chỉ chú tâm đến các điểm nóng như Afghanistan, Sudan, Congo, Ukraine, Nicaragua… và đồng thời vận động Cao Uỷ Tị Nạn LHQ đặt ưu tiên cho người tị nạn Việt Nam khi chuyển hồ sơ tái định cư đến các quốc gia đệ tam. Cách này giúp giải quyết được số lượng lớn người tị nạn một cách nhanh chóng – người tị nạn có thể được giải quyết định cư trong vài tháng cho đến 1 năm so với khoảng 3 năm nếu đi theo chương trình bảo lãnh tư nhân của Canada.

Gần đây, cuộc vận động này đã bắt đầu có kết quả.

“Chúng tôi ước lượng khoảng 100 đồng bào tị nạn sẽ lên đường định cư ở Hoa Kỳ, Canada, Úc và New Zealand trước cuối năm nay và khoảng 400 người nội trong năm 2024,” Ts. Thắng nói. “Trong tháng 9 này, ít ra có 3 gia đình bồm 19 người sẽ rời khỏi Thái Lan để đến Hoa Kỳ và Canada.”

Song song, BPSOS cũng khai thác các chương trình định cư tị nạn theo bảo lãnh tư nhân, đặc biệt chương trình của Canada. Từ đầu năm 2021, BPSOS đã phân bổ nhân sự để hỗ trợ việc lập hồ sơ bảo lãnh tư nhân vào Canada.

Private_Sponsorship_Pic_2.jpg

Hình 2 – Cô Becky giải thích về chương trình bảo lãnh tư nhân của Canada

Theo Ts. Thắng, công thức của BPSOS là tiếp cận các tổ chức Canada chuyên bảo lãnh tư nhân và đề nghị với họ hồ sơ của người tị nạn Việt Nam. Các tổ chức này hoặc có sẵn quỹ và nhân lực hoặc lập nhóm 5 người để lo tài chánh và hướng dẫn người tị nạn khi mới đặt chân đến Canada. Từ Thái Lan, BPSOS giúp các gia đình được bảo lãnh lập hồ sơ theo yêu cầu của Bộ Di Trú Canada.

“Cách này không đòi hỏi chúng tôi phải gây quỹ vì chính các tổ chức hoặc nhóm bảo lãnh phải chịu trách nhiệm tài chánh,” Ts. Thắng giải thích. “Hơn nữa, chính các tổ chức và nhóm bảo lãnh này sẽ nắm được rõ lý lịch của người tị nạn mà họ bảo lãnh cho nên khó xảy ra gian lận hoặc bị thất thoát tài chánh.”

Tổ chức hoặc nhóm bảo lãnh nắm quyền kiểm soát tiền ký quỹ để bảo lãnh người tị nạn; nếu không dùng hết thì đó vẫn là tiền của họ, không mất đi đâu.

“Để thực hiện hồ sơ bảo lãnh cho số 80 đồng bào tị nạn kể trên, cô Becky đã bỏ ra tổng cộng khoảng hơn 1 tháng và BPSOS chỉ tốn khoảng 1,500 USD,” Ts. Thắng nói. “Chúng tôi muốn dành nguồn lực tài chánh quý báu do đồng hương đóng góp cho những công tác quan trọng mà không ai khác làm.”

Những công tác ấy bao gồm can thiệp quy chế tị nạn với CUTN/LHQ, can thiệp với cảnh sát Thái Lan cho đồng bào bị bắt, bảo lãnh ra khỏi trại giam của sở di trú khi họ bị giam, điều đình với chủ sử dụng lao động cho những đồng bào bị quịt lương, giới thiệu người ốm bệnh đến dịch vụ y tế, và vận động các chính quyền…

Trong mấy tháng qua, BPSOS đã bắt đầu tiếp xúc với thêm một số Hội Thánh Tin Lành và Giáo Phận Công Giáo ở nhiều tỉnh bang của Canada để đề nghị họ nhận hồ sơ của người tị nạn Việt Nam cho chương trình bảo lãnh tư nhân.

Viết một bình luận