Hải Di Nguyễn
“Vừ Bá Súa sinh ra hai đứa con, cứ sinh ra là con nó mất, cứ sinh ra là con nó mất,” anh Lý Phi nói. Vì trong gia đình có chị dâu “đã tin Chúa lâu năm” nên “lúc bắt đầu có em bé [thứ ba] trong bụng, hai vợ chồng [Vừ Bá Súa] đã cầu nguyện, nếu đứa con sinh ra và không mất, hai vợ chồng sẽ theo Chúa.”
Được đứa con khỏe mạnh, hai vợ chồng anh Vừ Bá Súa quyết định bỏ phong tục tập quán, bỏ bàn thờ truyền thống H’mông, và theo đạo Tin lành.
Thế nhưng từ đó cuộc sống hai vợ chồng trở nên vô cùng khó khăn – liên tục bị chính quyền địa phương đàn áp, bị ép bỏ đạo – và đến cuối năm 2022, gia đình phải sang Thái Lan xin tỵ nạn.
Tôi phỏng vấn anh Vừ Bá Súa ngày 1/8/2023, qua người thông dịch là anh Lý Phi, cũng là người H’mông đang sống tại Thái Lan.
Anh Vừ Bá Súa (trái) cùng với anh Ma A Dình (cũng là người H’mông tỵ nạn tại Thái Lan) và ông Stephen Schneck (thuộc Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế) tại SEAFORB năm 2022.
Gia đình bị ép trả lại bò
Anh Vừ Bá Súa sinh năm 1995, là người H’mông, trước đây sống ở bản Huồi Mũ, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Vợ là Và Y Sài, sinh năm 1999.
Gia đình theo nghề nông và là hộ nghèo, được địa phương cấp một con bò.
Sau khi sinh được đứa con như ý vào tháng 4/2022, hai vợ chồng bỏ phong tục tập quán H’mông và theo đạo Tin lành, tham gia Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc. Dù đây là hội thánh được nhà nước công nhận, anh Vừ Bá Súa cho biết công an xã và ban quản lý bản nhiều lần gọi anh lên làm việc, nhiều lần ép bỏ đạo, và đòi lại con bò.
Anh Lý Phi nói “Họ ép em Vừ Bá Súa đi bắt [con bò], em Vừ Bá Súa không chịu đi, họ cũng dẫn em Vừ Bá Súa đến nơi thả bò nhưng bắt không được… Đến ngày 18/6, họ dọa cả gia đình em Vừ Bá Súa là nếu không đi bắt con bò, họ bắt được, họ sẽ tính hết mọi chi phí họ đi bắt con bò.”
Thế là gia đình phải tự đi bắt bò trả lại địa phương.
“Ngày 14/8/2022, gia đình em Vừ Bá Súa đi hái trái cây của làng trên rừng, khu rừng nhà nước đã giao cho em Vừ Bá Súa quản lý… cả trưởng bản và bí thư chi bộ, các ban ngành, ban quản lý tới cướp.”
Anh Vừ Bá Súa nói những người “tới cướp” trái cây là Vừ Và Xênh (bí thư Mặt trận), Vừ Nỏ Trông (trưởng bản), và Vừ Bá Bi (công an viên).
Anh Lý Phi nói “Họ nói là do gia đình không chịu bỏ niềm tin tôn giáo, dù đi làm cái gì, họ sẽ ngăn chặn hết.”
Bị cắt điện
Theo bản kiến nghị của anh Vừ Bá Súa ngày 25/8/2022, ngày 11/6/2022 ông Mùa Bá Kỷ, trưởng Công an xã, nói anh “theo đạo là chống lại chính quyền và phá hoại sự đoàn kết phong tục tập quán của dân tộc H’mông” và “nếu như tôi không bỏ đạo thì tôi phải rời khỏi nơi này.”
Ngày 12/7/2022, gia đình anh Vừ Bá Súa bị cắt điện. Theo lời anh, anh hỏi người quản lý điện là ông Lầu Bá Của và nhận được câu trả lời là ông Của “được sự chỉ đạo của chủ tịch huyện và xã cho phép cắt.”
Gia đình phải sang dùng điện nhà chị dâu.
Tháng 8 anh Vừ Bá Súa làm đơn kiến nghị gửi khắp nơi, gửi công an và ban tôn giáo tỉnh Nghệ An, gửi ban tôn giáo chính phủ, gửi Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc… nhưng đến tháng 9 mới được công an huyện mời lên làm việc và không giải quyết.
Tình trạng “vô tổ quốc” của đứa bé
Không chỉ vậy, anh Vừ Bá Súa cho biết là chính quyền địa phương nhiều lần từ chối cấp giấy khai sinh cho con anh.
“Tháng 5 đi làm không được, tháng 7, tháng 8 đi làm cũng không được.”
Trong một bài viết đã đăng trên tờ Diễn Đàn Thế Kỷ và gần đây đăng lại trên Mạch Sống, tác giả Song Chi viết:
“Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam coi sự phát triển của đạo Tin lành trong cộng đồng người H’mông ở vùng núi Tây Bắc là mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia. Chính quyền nhiều tỉnh phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đã có chính sách không khoan nhượng đối với đạo Thiên Chúa và đã áp dụng rất nhiều cách khác nhau để sách nhiễu, đàn áp, buộc người dân phải từ bỏ niềm tin, kể cả đuổi khỏi làng hay bắt bỏ tù.
[…] Việc từ chối hộ khẩu và giấy tờ tùy thân đã được chính quyền một số tỉnh ở Việt Nam sử dụng như một biện pháp trừng phạt đối với các thành viên của các tôn giáo không được công nhận hoặc các nhà thờ bị cấm. Trong hai thập kỷ, người H’mông ở các tiểu khu này không được đăng ký hộ khẩu, và do đó, không thể có được thẻ căn cước, là bằng chứng chính về quốc tịch Việt Nam; nói cách khác, họ là những người “vô quốc tịch, vô tổ quốc” trên chính đất nước của mình và bị từ chối những quyền cơ bản nhất của công dân, không thể tiếp cận các dịch vụ cơ bản như chăm sóc sức khỏe và giáo dục.”
Người theo đạo trong khu vực
Theo anh Vừ Bá Súa cho biết, anh ruột của anh bị “cắt luôn ngành giáo viên của anh ấy, anh ấy đã dạy được 25 năm” vì vợ theo đạo Tin lành.
Anh Lý Phi giải thích, gia đình người anh không bị cắt điện vì chỉ vợ theo đạo Tin lành còn chồng vẫn theo phong tục tập quán H’mông, trong khi cả hai vợ chồng Vừ Bá Súa đều theo đạo.
Điện cắt, bò mất, giấy khai sinh cho con không được lấy, đơn kiến nghị chẳng được trả lời, anh Vừ Bá Súa thấy cuộc sống càng ngày càng khó khăn, không còn đường sống, và càng lo sợ khi ba tín đồ đạo Tin lành khác trong huyện Kỳ Sơn – Xồng Bá Thông, Xồng Nhìa Chùa, Vừ Bá Mai – bị bắt vào tù.
Theo RFA Tiếng Việt đưa tin ngày 26/10/2022, “Bà Xồng Y Dờ, vợ của ông Vừ Bá Mai ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho RFA biết, gia đình bà theo đạo Tin Lành từ năm ngoái nên bị chính quyền làm khó, tịch thu trâu, lợn và lấy ruộng của bà cho dân làng vào trồng lúa. Sau đó bắt chồng bà với lý do “ăn trộm lúa”.”
Cuộc sống hiện nay
Ngày 1/11/2022, anh Vừ Bá Súa cùng vợ con, theo hai đường khác nhau, sang Thái Lan xin tỵ nạn. Cùng tháng 11, anh đi dự Hội nghị Tự do Tôn giáo hay Niềm tin Đông Nam Á (Southeast Asia Freedom of Religion or Belief, hay SEAFORB) tại Bali, Indonesia để kể câu chuyện của mình.
Anh Lý Phi nói “Em Vừ Bá Súa bảo là cuộc sống hiện nay rất là khó khăn, không biết phải làm gì. Hiện tại thì không có giấy tờ hợp pháp nên không đi làm được, rất sợ bị bắt.”
Anh nói thêm “Vừa không biết tiếng, mắt thì cũng không sáng, chỉ thấy gần gần, đi xin việc cũng rất khó.”