CAMSA và các hoạt động chống buôn người

Hải Di Nguyễn

“CAMSA là viết tắt của Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia, tiếng Việt là Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu, được BPSOS thành lập năm 2008”, TS. Nguyễn Đình Thắng của tổ chức BPSOS cho biết.

Vậy CAMSA có những hoạt động gì?

Với nạn nhân buôn người ở nước ngoài

Y Quynh 2

Vài đoạn tin nhắn giữa Y Quynh Buondap (thuộc tổ chức Người Thượng vì Công Lý, và cũng làm việc với CAMSA) và H Nguôt Êban, nạn nhân bị lừa và bắt cóc sang Campuchia năm 2022. 

Theo anh Percy Nguyễn của CAMSA/ BPSOS cho biết ngày 27/7/2023, CAMSA thường nhận được thông tin nạn nhân buôn người từ các cộng đồng người Thượng, người Hmong… rồi từ đó bắt đầu làm việc theo hai nhóm.

Nhóm thứ nhất vận động quốc tế. “Mình sẽ phỏng vấn họ, phỏng vấn gia đình thân nhân họ ở Việt Nam, để viết hồ sơ và gửi cho Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ, và gửi cho Cao ủy Nhân quyền tại Bangkok. Sau đó mình thường cc cho Văn phòng Đặc cách về Vấn đề Buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.”

Anh Percy Nguyễn cho biết, trong năm 2022 Báo cáo viên Đặc biệt viết giác thư cho chính phủ Campuchia và trong đó “có sử dụng một số thông tin CAMSA cung cấp cho họ… yêu cầu chính quyền Campuchia làm rõ vấn đề buôn người.” 

Nhóm thứ hai nói chuyện với gia đình nạn nhân và giúp họ “gửi đơn cho công an Việt Nam cũng như Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, yêu cầu họ giúp đỡ đưa nạn nhân về Việt Nam”. Anh nói thêm, CAMSA yêu cầu người thân đưa giấy từ bưu điện chứng minh đã gửi đơn.

Tuy nhiên “chính quyền Việt Nam làm lơ.”

Anh nói “Riêng trường hợp của cô Mùa Thị La chẳng hạn, mình có viết đơn yêu cầu họ đưa về [từ Ả Rập Xê Út], nhưng chính quyền Việt Nam lại làm lơ và nói đây là việc giải quyết dân sự giữa công ty xuất khẩu lao động và gia đình, chính quyền Việt Nam không làm gì hết.”

Theo lời anh Percy Nguyễn, nạn nhân buôn người từ Việt Nam thường tìm cách tự về, hoặc có sự giúp đỡ từ nơi khác: chẳng hạn ở Ả Rập Xê Út, họ tự mua vé máy bay hồi hương hoặc được IOM (Tổ chức Di trú Quốc tế) ở Ả Rập Xê Út giúp đỡ; còn ở Campuchia, nạn nhân có thể được cảnh sát Campuchia giải cứu hoặc “tự bỏ tiền ra để chuộc mình về Việt Nam”, v.v…

Trong bài viết đã đăng trên Mạch Sống về nạn buôn người ở Việt Nam, tôi đã viết về trường hợp H Nit Niê, Y Oi Niê, và H Nguôt Êban, đều bị lừa sang Campuchia và ép làm việc cho công ty lừa đảo ở Trung Quốc. Cầu cứu công an trong vô vọng, hai gia đình của H Nit Niê và Y Oi Niê phải bán nhà bán đất chuộc con về, còn H Nguôt Êban không xoay nổi tiền chuộc nhưng cuối cùng được cảnh sát Campuchia giải cứu cùng hơn 20 người Việt khác, thông qua sự giúp đỡ của CAMSA.

Tuy nhiên khi về đến cửu khẩu, cả ba đều bị phạt 6 triệu rưỡi đồng do “qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật”, dù đã giải thích mình bị lừa sang Campuchia. Y Oi Niê khi đó mới 15 tuổi.

Anh Percy Nguyễn cũng cho biết, một số người đổi ý sau khi CAMSA làm xong hồ sơ.

“Chẳng hạn có một trường hợp ở Campuchia, mình làm hồ sơ rồi, gửi cho phía Bộ Ngoại giao của Hoa Kỳ rồi, anh này quyết tâm ở lại Campuchia dù biết mình đang bị bóc lột, vì lý do ở Việt Nam nợ nần nhiều quá, nên quyết định trốn nợ và ở lại Campuchia làm việc.”

Với nạn nhân buôn người đã hồi hương

Anh Percy Nguyễn cho biết, với những nạn nhân buôn người đã hồi hương, CAMSA giúp đỡ theo hai cách.

“Thứ nhất là, mình thảo tờ đơn để gửi cho IOM Việt Nam. Phía IOM Việt Nam sau khi nhận được đơn sẽ xem xét có đúng là nạn nhân buôn người không, và nếu đúng là nạn nhân buôn người, IOM sẽ giúp một khoản để tái hòa nhập cộng đồng. Thường họ sẽ giúp đỡ mua trâu mua bò, hoặc hỗ trợ tiền đi học, hoặc hỗ trợ chi phí như TV, tủ lạnh, máy giặt, để trang trải giúp đỡ gia đình.”

Như đã viết trong bài trước về phòng, chống buôn người ở Việt Nam, các nạn nhân bị bóc lột lao động, đặc biệt qua các chương trình xuất khẩu lao động, đều không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào từ nhà nước Việt Nam khi hồi hương.

“Cái thứ hai là, khi họ về Việt Nam, mình thảo thư tố giác tội phạm, để các nạn nhân có thể tố giác những thủ phạm đã đưa họ sang nước ngoài… và tố giác những công ty núp bóng sau hình thức xuất khẩu lao động nhưng thực chất là buôn bán người, sang Ả Rập Xê Út hoặc các quốc gia lao động.”

Tuy nhiên, anh Percy Nguyễn cho biết, nhà nước Việt Nam không những không giải quyết mà còn đe dọa, sách nhiễu các nạn nhân, khiến nhiều người lo sợ và cắt đứt liên lạc với CAMSA.

Chị H Thái Ayun, hiện đang tỵ nạn tại Thái Lan và cũng làm việc cho CAMSA, cho biết trong các nữ lao động trở về từ Ả Rập Xê Út năm 2021, nạn nhân bị nặng nhất là một phụ nữ “bị nhà chủ đánh mù một mắt và bị nhà chủ cưỡng hiếp. Đó là nạn nhân công an tới nhiều nhất, thậm chí có cả công an Hà Nội. Nhưng họ không hỗ trợ gì hết. Mỗi lần tới thăm, họ chỉ cho vài gói kẹo, dầu ăn, đường, bột ngọt, thế thôi.”

Chị nói ngày 7/7/2023 “Mình đã không liên lạc được với chị ấy 4-5 tháng nay rồi. Chị ấy báo là chị ấy không theo đuổi vụ tố ác tội phạm, vì công an hay đến nhà và chị này ngại với hàng xóm. Mình mới về nước mà công an tới sách nhiễu hoài, đến nhà hoài, làm như mình là tội phạm. Đó là lý do chị này từ chối liên lạc với bên mình.”

Vài con số

Theo báo cáo năm 2023 cho văn phòng TIP (tên đầy đủ Office to Monitor and Combat Trafficking in Persons, tức Văn phòng Giám sát và Chống Buôn bán Người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ), CAMSA đã giúp đỡ theo nhiều cách và gửi thông tin cho văn phòng TIP về 106 nạn nhân buôn người vì mục đích cưỡng bức lao động.

Trong đó có 57 nạn nhân bị buôn bán và cưỡng bức lao động ở Ả Rập Xê út, 2 người ở Oman, 21 người ở Romania, 19 người ở Campuchia, và 7 người ở Miến Điện.

TS. Nguyễn Đình Thắng của tổ chức BPSOS cho biết, từ khi thành lập năm 2008 đến nay “CAMSA đã trực tiếp giải cứu 5000 nạn nhân và hỗ trợ giải cứu 6000 nạn nhân, 80% là người Việt, ở 29 quốc gia.”

Vài lần giải cứu gần đây

Anh Percy Nguyễn cho biết lần giải cứu gần đây nhất của CAMSA là vào tháng 6/2023, cho một người đàn ông người Hmong bị lừa sang Campuchia.

“Sau khi cảnh sát Campuchia nhận được thông tin, họ không giải cứu mà gửi thông tin cho công ty Trung Quốc giam giữ anh này. Công ty Trung Quốc sau khi nhận được thông tin thì đánh đập dã man rồi mới thả ra ngoài.”

Đó là giải cứu cá nhân. Lần giải cứu nhóm người gần đây nhất là khoảng tháng 4, khi một nhóm 6 người, trong đó có một người Hmong, bị lừa bán sang Campuchia rồi qua Miến Điện, cũng cho công ty lừa đảo của Trung Quốc.

Anh cho biết, khi công ty phá sản, họ bán người lao động ngược về Campuchia và phải băng qua Thái Lan – từ đó các nạn nhân gửi vị trí định vị cho nhóm Hmong ở Thái Lan và được cảnh sát giải cứu.

song giua TL va MD

Con sông ngăn cách giữa Mae Sot, Thái Lan và Miến Điện – các nạn nhân phải vượt qua con sông này để đến các công ty lừa đảo ở Miến Điện.

Phòng và chống

TS. Nguyễn Đình Thắng cho biết trước đây “chúng tôi chỉ có thể thực hiện vế “chống” trong “phòng, chống” buôn người. Và như thế, không thể bài trừ được nạn buôn người vì cứ 1 nạn nhân được giải cứu thì chương trình xuất khẩu lao động lại tạo ra thêm 10 nạn nhân mới. Muốn “phòng” thì phải tác động đến cái gốc của vấn nạn, vốn nằm ở Việt Nam. Trước đây, chúng tôi không thực hiện được phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” vì không ai dám đụng đến nạn buôn người dạng nhà nước.”

“Năm 2021 tình hình đã thay đổi”. Ông cho biết BPSOS đã đào tạo nhiều cộng đồng tôn giáo người Thượng, người Hmong… và các cộng đồng này “có thể hướng dẫn cho chính những người ở địa phương cách đề phòng để không trở thành nạn nhân.”

Viết một bình luận