Các lãnh đạo trẻ người Thượng chứng tỏ bản lãnh trước chính sách vu khống của nhà nước Việt Nam

  • Chương trình đào tạo của BPSOS giúp các cộng đồng yếu thế tăng năng lực và bản lãnh

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 28 tháng 7, 2023

http://machsongmedia.com

Cuộc hội luận ngày 14 tháng 7, 2023 trên đài RFA với tựa đề “Người Thượng trẻ nói về tình hình tại Tây Nguyên sau vụ tấn công hôm 11 tháng 6” đến nay đã thu hút hơn 128 nghìn lượt người xem. Các người Thượng trẻ này bao gồm cô H’biap Krong ở Thuỵ Sĩ, anh Y Phíc H’dok ở Hoa Kỳ, và anh Y Quỳnh Bdap ở Thái Lan. Người phỏng vấn là anh Nguyễn Trường Sơn ở Đài Loan.

Tôi khuyến khích những ai quan tâm đến tình hình Việt Nam xem chương trình phỏng vấn này để:

  • Thấy được sự trưởng thành về năng lực và bản lãnh của lớp người Thượng trẻ ở ngoài Việt Nam
  • Hiểu về sách lược dân chủ hoá Việt Nam mà BPSOS thực hiện trong 10 năm qua

Xem chương trình phỏng vấn:

Hình 1 – Buổi phỏng vấn trực tuyến ngày 14/07/2023

Phản ứng nhanh

Chỉ vài tiếng sau khi 2 vụ nổ súng xảy ra ở Tỉnh Đắk Lắk rạng sáng ngày 11 tháng 6, các người Thượng trẻ ở ngoài Việt Nam đã ngay lập tức dành thế chủ động.

Ngày 11 tháng 6, từ Bangkok, Thái Lan, anh Y Quỳnh Bdap phát đi bản thông báo tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Ê Đê dưới danh nghĩa Hội Người Thượng Vì Công Lý (Montagnards Stand for Justice, MSFJ) mà anh đồng sáng lập. Bản thông báo lên án mọi hành vi bạo lực đến từ người dân hoặc từ chính quyền và báo động quốc tế về nguy cơ nhà nước Việt Nam sẽ lợi dụng vụ nổ súng để vu khống và bách hại những người Thượng đấu tranh ôn hoà cho nhân quyền và tự do tôn giáo. 

Cùng ngày, từ Quận Cam, California anh Y Phíc Hdok, cũng là đồng sáng lập viên của MSFJ, bắt đầu dùng trang Facebook cá nhân để phổ biến và giải thích lập trường kể trên.

Sau đó hơn 1 tuần Cô Hbiap Krong, cố vấn cho MSFJ, cùng với tôi dự họp với viên chức của văn phòng Cao Uỷ Nhân Quyền LHQ ở quốc gia này để cập nhật các diễn tiến ở Đắk Lắk và bàn kế hoạch đối phó.

Ba người trẻ này nhanh chóng trở thành nguồn thông tin đáng tin cậy cho LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế. Họ cũng được nhiều giới truyền thông quốc tế phỏng vấn đưa tin.

Pic2_-_Nguoi_Thuong_tre.png

Hình 2 – Cô Hbiap Krong trong tham luận đoàn, Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, Washington DC, ngày 01/07/2022 (ảnh BPSOS)

Giành thế chủ đông

Biết trước thế nào nhà nước Việt Nam cũng sẽ dùng vụ nổ súng để vu khống, các thành viên MSFJ đã báo động trước với quốc tế về triển vọng này.

Y như rằng, nhà nước đã huy động đội ngũ dư luận viên cáo buộc trên mạng xã hội rằng MSFJ đứng sau vụ nổ súng. Bộ Công An không trắng trợn như vậy nhưng cho đăng lại các bài viết vu khống cũ có kèm thêm hình ảnh về vụ nổ súng, ám chỉ rằng cách nào đó MSFJ có liên can.

Phải mất 10 ngày sau vụ việc, Bộ Công An mới trực tiếp cáo buộc, thông qua cổng thông tin chính thức của Công An Huyện Chư Se, Tỉnh Đắk Lắk: https://www.facebook.com/conganhuyenchuse/posts/pfbid02WDM8SpKc5nQaPWhdnv64doGYGg3cE9zNVGZAcajPLeo2hkGXWfngdxS6FjAyan5el

“Cơ quan An ninh điều tra xác định, Y Phic Hdok và Y Quynh Bdăp vốn sinh ra lớn lên tại tỉnh Đắk Lắk nhưng từ nhỏ, cả hai đối tượng này đã sớm tham gia tổ chức FULRO, nhận sự chỉ đạo của số đối tượng FULRO lưu vong ở nước ngoài hoạt động tuyên truyền, phát triển lực lượng trong nước, lôi kéo kích động bà con tại các buôn làng trên địa bàn huyện Cư Kuin, huyện Krông Ana tham gia biểu tình bạo loạn đòi yêu sách thành lập ‘Tin lành Đêga’, ‘Nhà nước Đêga’.”

Gần 1 tháng sau vụ nổ súng, ngày 7 tháng 7, Bộ Công An chính thức lên tiếng trên báo Công An Nhân Dân, cáo buôc rằng:

“Sau khi vụ khủng bố xảy ra ở Đắk Lắk vào ngày 11/6 vừa qua, tổ chức ‘Ủy ban cứu người vượt biển’, gọi tắt là BPSOS lại trắng trợn vu cáo, xuyên tạc chính quyền kích động nhân dân đàn áp người Thượng, tổ chức bắt bớ, đánh đập ‘vô cớ’ nhằm mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc ở Tây Nguyên… qua đó biện minh cho các tổ chức ‘Người thượng vì công lý’, ‘Hội thánh tin lành Đấng Christ Tây Nguyên’ do một số đối tượng cầm đầu đang sống lưu vong ở Thái Lan.” Xem: https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/to-chuc-bpsos-lai-trang-tron-vu-cao-xuyen-tac-sau-vu-khung-bo-o-dak-lak-i699575/

 

Pic3_-_Nguoi_Thuong_tre.jpg

Hình 3 – Anh Y Phíc H’dok và Đại Sứ Lưu Động cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Sam Brownback tại Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ngày 16 – 18 tháng 7, 2019

Bài báo hăm he rằng ngày 20/6 Thứ trưởng Bộ Công An Việt Nam Nguyễn Văn Long đã họp với Tổng Cục trưởng Tổng cục Trại giam, Bộ Tư pháp Thái Lan để “thực hiện hiệu quả ‘Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù và hợp tác thi hành án hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Thái Lan’ đã ký kết năm 2010.”

Đó là cách bắn tiếng rằng các thành viên của MSFJ ở Thái Lan hãy coi chừng.

Các lời cáo buộc và hăm he ấy bị phản tác dụng vì, trong con mắt quốc tế, nó xác nhận lời báo động mà tổ chức MSFJ đã đưa ra từ đầu là đúng, rằng nhà nước Việt Nam thế nào cũng sẽ lợi dụng vụ nổ súng để gia tăng đàn áp người Thượng theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên và đe doạ các thành viên của MSFJ ở Thái Lan.

BPSOS đã chuyển đến nhiều giới chức LHQ và quốc tế bản báo cáo tóm lược về các cáo buộc và động thái đe doạ của nhà nước Việt Nam nhắm vào MSFJ.

Vận động hậu thuẫn quốc tế

Phản ứng có thể đoán trước của nhà nước Việt Nam đã xúc tác sự chú ý của quốc tế đến khu vực Tây Nguyên như chưa từng có trong khoảng một chục năm trở lại đây. Các người Thượng trẻ kể trên đang cùng với BPSOS chuẩn bị một loạt sự kiện để vận dụng và duy trì sự quan tâm đang có của LHQ, của nhiều cơ quan chính quyền quốc tế, và của giới truyền thông quốc tế:

  • Ngày 22 tháng 8: BPSOS sẽ tổ chức buổi hôi luận trực tuyến về tình trạng đàn áp tôn giáo đang tệ đi ở Tây Nguyên với sự tham dự của nhiều giới chức quốc tế và của nạn nhân là nhân chứng vừa mới đến Thái Lan lánh nạn. Cuộc hội luận này nhằm đánh dấu Ngày Quốc Tế Tưởng Niệm Nạn Nhân của Sự Bạo Hành vì Tôn Giáo hay Niềm Tin (ngày 22 tháng 8).
  • Ngày 25 tháng 8: Cô Hbiap Krong sẽ có nhiều buổi họp với iên chức và giới chức LHQ ở Geneva để trình bày về các biến chuyển tệ đi ở Tây Nguyên.
  • Ngày 25 tháng 8: BPSOS sẽ cùng với một số tổ chức thân hữu, bao gồm cả MSFJ, sẽ nộp nhiều bản báo cáo cho “Uỷ Ban LHQ về Xoá Bỏ mọi Hình Thức Kỳ Thị Chủng Tộc” để giúp uỷ ban này chuẩn bị rà soát Việt Nam về thực thi công ước. Cuộc rà soát sẽ diễn ra ngày 29 & 30 tháng 11.
  • Ngày 6 – 8 tháng 9: Cô Hbiap Krong sẽ cùng phải đoàn của BPSOS từ Thái Lan tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế ở Đài Bắc, do Chủ Tịch Quốc Hội Đài Loan đồng triệu tập. Đây là cơ hội để trình bày với nhiều trăm giới chức chính quyền và nhà hoạt động bảo vệ tư do tôn giáo quốc tế về tình hình ngày càng xấu đi ở Tây Nguyên.
  • Ngày 29 & 30 tháng 11: Cô Hbiap Krong sẽ đại diện BPSOS và MSFJ để tham gia buổi rà soát Việt Nam về thực thi Công Ước LHQ về Xoá Bỏ mọi Hình Thức Kỳ Thị Chủng Tộc.
  • Ngày 29 & 30 tháng 11: BPSOS phối hợp phái đoàn đa tôn giáo người Việt, kể cả đại diện người Thượng theo Đạo Tin Lành, tham gia Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế ở Praha, Cộng Hoà Séc.

 

Pic4_-_Nguoi_Thuong_tre.jpg

Hình 4 – Anh Y Quỳnh Bdap

Sách lược dân chủ hoá Việt Nam

BPSOS chủ trương dân chủ hoá bằng cách phát huy năng lực cho các cộng đồng người dân bị bách hại để tự bảo vệ trước sự bức hiếp của chính quyền, vận động sự hậu thuẫn quốc tế nhằm làm giảm đi chính sách bức chế, và tương trợ trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Khi nhiều cộng đồng đã vững chãi liên kết với nhau thì họ sẽ dần dà đặt nhà nước vào thế phải tuân thủ luật pháp quốc gia và các cam kết quốc tế.   

Từ năm 2015, BPSOS đã tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn và dài hạn (12 tháng) cho nhân sự của trên 200 cộng đồng bị bách hại thuộc nhiều tôn giáo khác nhau. Khoảng 2 nghìn người thuộc các cộng đồng này đã được đào tạo để nhận diện, thu thập chứng cứ và báo cáo vi phạm. Họ đã đóng góp cho trên 500 bản báo cáo liên quan đến hơn 1000 vụ vi phạm. Trong số đó có 550 người được huấn luyện thêm về luật Việt Nam, luật quốc tế, cách ứng xử tình huống, kỹ năng tương trợ, kỹ năng truyền thông, khả năng điều hành và quản trị, kỹ năng vận động quốc tế…

Tôi khuyến khích những ai muốn tìm hiểu và đánh giá hiệu quả của chương trình đào tạo và huấn luyện này hãy xem chương trình phỏng vấn ngày 14 tháng 7 kể trên. Cả 3 người Thượng trẻ được phỏng vấn đều đã qua các khoá đào tạo ngắn hạn và dài hạn. Người phỏng vấn không chỉ tham gia mà còn phối hợp các khoá đào tạo ấy trong nhiều năm. Điều thú vị là họ tự phối hợp và sắp xếp chương trình phỏng vấn; tôi không hề biết.

Xin hãy xem để so sánh bản lãnh, tầm hiểu biết và cung cách ứng xử của những người trẻ này với các giới chức chính quyền Việt Nam. Tương phản một trời một vực.

Và cũng xin quý vị tiếp tay giới thiệu trang Facebook của tổ chức MSFJ:

Tiếng Việt: https://www.facebook.com/profile.php?id=100036214344176

Tiếng Anh: https://www.facebook.com/profile.php?id=100068005282308

Bài liên quan:

Anh Y Phic H’dok và người cha tình nghi bị sát hại
https://machsongmedia.com/vietnam/moi-tuan-mot-guong-mat-ti-nan/1942-anh-y-phic-hdok-va-nguoi-cha-tinh-nghi-bi-sat-hai

Anh Y Quynh Buondap: Một người Êđê bị công an tra tấn, “đánh vào đầu”
https://machsongmedia.com/vietnam/moi-tuan-mot-guong-mat-ti-nan/1938-anh-y-quynh-buondap-mot-nguoi-ede-bi-cong-an-tra-tan-danh-vao-dau

Vụ tập kích ở Cư Kuin: Những lời cảnh báo bị bỏ ngoài tai
https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/cu-kuin-attacks-warnings-ignored-06172023075025

Vụ hai đồn công an ở Đắk Lắk bị tấn công: ‘Tức nước vỡ bờ vì mâu thuẫn đất đai và tôn giáo’?
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-65886929

Giám đốc BPSOS: Bạo động ở Tây Nguyên ‘gây nguy hiểm cho người Thượng xin tị nạn’
https://www.voatiengviet.com/a/giam-doc-bpsos-bao-dong-o-tay-nguyen-gay-nguy-hiem-cho-nguoi-thuong-xin-ti-nan-/7145226

Viết một bình luận