Hải Di Nguyễn
Ngày 22/6/2023, tôi đã có một bài viết về chị H Thái Ayun, một phụ nữ từng sang Ả Rập Xê Út qua chương trình xuất khẩu lao động và phải làm video cầu cứu để có chuyến bay về Việt Nam.
Vì bị sứ quán Việt Nam ở Ả Rập Xê Út nhiều lần sách nhiễu và cho người trà trộn, đe dọa trong trung tâm bảo trợ, và vì cảm thấy mình sẽ không còn an toàn ở Việt Nam, chị sang Thái Lan tỵ nạn ngày 26/12/2021.
Ở Thái Lan, chị H Thái Ayun làm việc cho CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia, tức Liên minh Bài trừ Nô lệ Mới ở Á châu) và giúp đỡ các nạn nhân buôn người có hoàn cảnh như mình trước đây.
Tôi phỏng vấn chị lần hai ngày 7/7/2023, và trong bài viết này sẽ chủ yếu viết về công việc của chị H Thái Ayun cho CAMSA.
Thông tin nạn nhân ở Ả Rập Xê Út
Sau khoảng hai năm làm giúp việc ở Ả Rập Xê Út, có lúc phải lau dọn cho bốn hộ gia đình mỗi ngày nhưng mỗi tuần chỉ được ba bữa cơm, chị H Thái Ayun muốn về lại Việt Nam nhưng không có chuyến bay trong mùa dịch, nên được đưa vào trung tâm bảo trợ ở Damman cuối năm 2020.
Đầu năm 2021, chị được chuyển đến trung tâm bảo trợ SAKAN ở Riyadh, và từ đó gặp nhiều phụ nữ Việt Nam khác cũng sang Ả Rập Xê Út theo chương trình xuất khẩu lao động.
Bị kẹt lại vì không có chuyến bay về Việt Nam, và vì các công ty môi giới bỏ rơi, chị H Thái Ayun và các nữ lao động khác quyết định làm video cầu cứu ngày 10/4/2021, từ đó nhận được sự chú ý của VOA, tổ chức Người Thượng Vì Công lý, và tổ chức BPSOS.
Như đã viết trong bài trước, từ trong thời gian này, chị H Thái Ayun đã bắt đầu gửi thông tin, hình ảnh, bằng chứng về các nạn nhân khác cho BPSOS—các nạn nhân bị chủ bóc lột, quỵt lương, bạo hành, hoặc cưỡng hiếp.
Dấu vết đánh đập trên người một phụ nữ sinh năm 1989.
Các thông tin đó được gửi cho Hội đồng Nhân quyền và IOM (International Organisation for Migration, tức Tổ chức Di trú Quốc tế).
Tỵ nạn ở Thái Lan
Như đã viết trong bài trước, khi ở trung tâm bảo trợ SAKAN, chị H Thái Ayun bị người của sứ quán Việt Nam nhiều lần sách nhiễu, đe dọa.
Tôi đã liên lạc với sứ quán Việt Nam ở Ả Rập Xê Út về những cáo buộc này, nhưng không nhận được câu trả lời.
Chị H Thái Ayun cũng nhận được lời khuyên là không nên về Việt Nam.
Ngày 7/7, chị nói “Chính phủ Ả Rập Xê Út không có chính sách tỵ nạn. Lúc đó BPSOS có đề nghị mình sang tỵ nạn ở một nước nào đó, hình như là Romania, nhưng mình không quen biết ai, lạ nước lạ cái. Mình hỏi có cách nào sang Thái Lan lánh nạn không. Sau đó nhờ IOM và tổ chức BPSOS sắp xếp cho mình sang Thái Lan.”
Chị sang Thái Lan tỵ nạn ngày 26/12/2021, và từ đầu năm 2022 bắt đầu làm tình nguyện viên cho BPSOS và hỗ trợ cho CAMSA để giúp các nạn nhân buôn người. Chị cũng tham gia các khóa học của BPSOS về xã hội dân sự và phòng chống buôn người.
Chị H Thái Ayun và các nữ lao động về Việt Nam
Chị H Thái Ayun giữ liên lạc với các nữ lao động trước đây cùng ở Ả Rập Xê Út và đã trở về Việt Nam. Chị “lấy thông tin họ về Việt Nam có bị sách nhiễu, có bị đàn áp, chính quyền có làm gì họ không, hoặc chính quyền có hỗ trợ gì cho họ không. Nhưng mà không có bất kỳ hỗ trợ nào từ chính quyền Việt Nam cả.”
Chị cho biết mình phối hợp với BPSOS để lập hồ sơ gửi cho IOM, để IOM giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.
“Họ muốn gia súc thì IOM hỗ trợ cho họ bằng gia súc, có nghĩa là chuyển khoản trực tiếp cho bên người bán… Chị em không muốn chăn nuôi, hoặc mong muốn cái khác, thì IOM chuyển khoản tiền mặt.”
Theo chị H Thái Ayun cho biết, tổ chức IOM xem xét kỹ hồ sơ: những người được giúp đỡ sớm nhất là những nạn nhân bị quỵt lương, bị đánh đập bạo hành hoặc cưỡng hiếp, và có đầy đủ bằng chứng; những trường hợp nhẹ hơn hoặc không đủ bằng chứng có thể phải chờ lâu, hoặc bị xem là không đủ tiêu chuẩn nạn nhân buôn người và sau đó phải kháng cáo.
Sứ quán và công an Việt Nam “không quan tâm”
Ngoài chuyện giúp lập hồ sơ để tái hòa nhập cộng đồng, chị H Thái Ayun cũng thu thập thông tin các nữ lao động bị sách nhiễu khi về lại Việt Nam.
Chị nói “Những trường hợp này, hồi còn ở Ả Rập Xê Út, có nói với sứ quán Việt Nam ở Ả Rập Xê Út, nhưng họ không quan tâm. Khi về, cơ quan công an ở Việt Nam cũng không hỏi thăm, chỉ hỏi thăm chuyện đưa thông tin ra bên ngoài, rồi [hỏi] ai là người cầm đầu video đó, và hỏi có liên lạc với mình không.”
Chị cho biết, bị nặng nhất là nạn nhân “bị nhà chủ đánh mù một mắt và bị nhà chủ cưỡng hiếp. Đó là nạn nhân công an tới nhiều nhất, thậm chí có cả công an Hà Nội. Nhưng họ không hỗ trợ gì hết. Mỗi lần tới thăm, họ chỉ cho vài gói kẹo, dầu ăn, đường, bột ngọt, thế thôi.”
Đó là người phụ nữ tôi đã nhắc đến trong bài trước, bị đánh gần mù mắt.
Người phụ nữ này sinh năm 1981.
“Sau khi được tiền hỗ trợ từ tổ chức IOM ở ngoài nước, chị này có đi khám và bác sĩ nói là mắt chị này không chữa được nữa, dù có thay giác mạc cũng không nhìn thấy được nữa.”
Chị H Thái Ayun cho biết “Mình đã không liên lạc được với chị ấy 4-5 tháng nay rồi. Chị ấy báo là chị ấy không theo đuổi vụ tố ác tội phạm, vì công an hay đến nhà và chị này ngại với hàng xóm. Mình mới về nước mà công an tới sách nhiễu hoài, đến nhà hoài, làm như mình là tội phạm. Đó là lý do chị này từ chối liên lạc với bên mình.”
Tố giác tội phạm
Chị giải thích “tố giác tội phạm có nghĩa là làm đơn gửi cho các cơ quan chức năng ở Việt Nam” về các “công ty tuyển dụng vô trách nhiệm”.
“Lúc nạn nhân gặp khó khăn, họ không giúp đỡ gì. Trong hợp đồng lao động, sau khi hết hạn hợp đồng hai năm, chính công ty là người mua vé để lao động về. Nhưng công ty đã bỏ rơi các lao động, không chịu mua vé cho họ, họ phải tự bỏ tiền ra để mua vé về. Họ muốn đòi lại công bằng, công lý cho họ, họ phải làm đơn tố giác tội phạm.”
Số tiền để về lại Việt Nam là 28 triệu đồng.
Chị H Thái Ayun làm việc với BPSOS để gửi đơn tố cáo. “Công an đã nhận được đơn, nhưng công an không làm gì cả.”
CAMSA và các nạn nhân buôn người khác
Ngoài những nạn nhân trước đây ở Ả Rập Xê Út và đã về lại Việt Nam, chị H Thái Ayun cũng giúp những nạn nhân vẫn còn kẹt lại, để Hội đồng Nhân quyền can thiệp, cho họ được gửi về trung tâm bảo trợ rồi từ đó có thể về Việt Nam.
Chị cũng thu thập thông tin cho CAMSA về nạn nhân buôn người ở Campuchia, Romania, Oman, Miến Điện, v.v…
Ngoài ra là những trường hợp mất tích. Chị cho biết chị theo dõi các trang về phụ nữ làm việc ở Ả Rập Xê Út, Đại sứ quán ở Ả Rập Xê Út, người Việt ở Ả Rập Xê Út… và thu thập thông tin khi có người ở Việt Nam cầu cứu tìm người thân mất tích.
Những người mất tích, theo chị H Thái Ayun, có hai dạng. Một dạng là sang Ả Rập Xê Út theo chương trình xuất khẩu lao động nhưng trốn ra ngoài làm việc khác và cắt đứt liên lạc với gia đình. Những trường hợp này được tìm thấy, hoặc tự liên lạc với người nhà.
Nhưng cũng có một số phụ nữ bị lừa bán làm gái mại dâm và trở thành nô lệ tình dục. “Trường hợp này là mất tích vĩnh viễn luôn, mình không liên lạc được luôn. Những người này không biết có còn sống hay không. Mất tăm luôn.”
Tuy nhiên, vì thông tin ít và bằng chứng không có, chị không biết nạn buôn bán tình dục của người Việt ở Ả Rập Xê Út có quy mô thế nào và có nhiều hay không.
Tương lai
Liệu chị H Thái Ayun sẽ tiếp tục làm việc giúp nạn nhân buôn người trong tương lai không, đặc biệt khi đã đi định cư nước thứ ba?
“Có chứ ạ. Mình thấy mình cần phải giúp gì đó cho những người cùng cảnh ngộ với mình trước đây.”