- Tường trình chuyến công tác 19 ngày ở Thái Lan
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 4 tháng 7, 2023
http://machsongmedia.com
Trong chuyến đi Thái Lan kéo dài 19 ngày vừa qua, tôi đón nhận nhiều tín hiệu phấn khởi về định cư tị nạn và tin chắc rằng nhiều đồng bào tị nạn, có những người đã chờ 5 năm, 7 năm ở Thái Lan, sẽ lên đường định cư trong những tháng tới đây và tiếp tục đến cuối năm 2024.
Triển vọng định cư đang tăng
Qua những gặp gỡ ngẫu nhiên, tôi được nhiều đồng bào có quy chế tị nạn cho biết đã được Cao Uỷ Tị Nạn LHQ (CUTN/LHQ) phỏng vấn tái định cư. Đồng thời, khá nhiều đồng bào đã được phái đoàn của các quốc gia nhận định cư phỏng vấn và không ít người đã khám sức khoẻ, chích ngừa, chỉ còn chờ chuyến bay. Trong 6 tháng qua, tôi biết nhiều đồng bào tị nạn đã đến Hoa Kỳ và Canada. Đây là những kết quả đầu tiên thấy được sau 2 năm rưỡi BPSOS vận động Hoa Kỳ và một số quốc gia Phương Tây về định cư tị nạn.
Mục tiêu vận động của chúng tôi là lôi kéo sự quan tâm của họ đến số hơn 5 nghìn người đã có quy chế tị nạn ở Thái Lan, trong đó có 1 nghìn đồng bào Việt Nam. Trong nhiều năm, họ tập trung giải quyết định cư cho người tị nạn và người di tản ở các điểm nóng như Afghanistan, Ethiopia, Ukraine, Bangladesh… mà hầu như bỏ quên thành phần tị nạn ở Thái Lan.
Hình 1 — Bà Julieta Valls Noyes tại buổi họp với đại diện của các tổ chức chuyên bảo vệ người tị nạn ở Bangkok, Thái Lan, ngày 8/12/2022 (từ trái): Cô Naiyana Thanawattho, Giám Đốc Điều Hành Asylum Access Thailand; Bà Chalida Tajaroensuk, Giám Đốc Điều Hành People’s Empowerment Foundation; Alex Sonsev, luật sư trưởng toán pháp lý của BPSOS; Trợ Lý Ngoại Trưởng Julieta Valls Noyes; Chris Eades, Tổng Thư Ký Asia Pacific Refugee Rights Network; Louie Bacomo, Giám Đốc Jesuit Refugee Service Asia Pacific
Chính phủ Hoa Kỳ vào cuộc
Cuộc vận động của BPSOS đạt bước ngoặt quan trọng khi Bà Julieta Valls Noyes, Trợ Lý Ngoại Trưởng đặc trách chương trình tị nạn của Hoa Kỳ, đến Bangkok cuối năm 2022 để thảo luân tình trạng người tị nạn với các giới chức chính quyền Thái Lan, CUTN/LHQ và Cao Uỷ Nhân Quyền LHQ. Bà cũng đã gặp đại diện của một số nhỏ các tổ chức bảo vệ người tị nạn, trong đó có BPSOS. Tại các buổi tiếp xúc, Bà Valls Noyes chia sẻ những nỗ lực từ phía Hoa Kỳ:
- Tăng đáng kể số người tị nạn được định cư
- Rút ngắn thời gian cứu xét hồ sơ định cư
- Khuyến khích toà đại sứ Hoa Kỳ giới thiệu các hồ sơ Bộ Ngoại Giao cần quan tâm
- Vận động các chính phủ Phương Tây tiếp sức
Ngày 20 tháng 6, từ Thái Lan tôi tham dự buổi họp tổng kết 6 tháng thực hiện chương trình định cư tị nạn của Hoa Kỳ; các giới chức Bộ Ngoại Giao và Văn Phòng Định Cư Tị Nạn tường trình 2 thành quả lớn:
- Trong 6 tháng đầu năm, Hoa Kỳ đã cứu xét định cư tị nạn cho 41 nghìn người, so với 44 nghìn trong cả năm 2022, nghĩa là đã tăng gấp đôi so với năm trước.
- Thời gian cứu xét hồ sơ tị nạn được rút ngắn, khoảng 1/3 số hồ sơ kể trên được giải quyết trong vòng 4 tháng thay vì 1 năm hoặc hơn trước đây.
Những thay đổi ngay tại hiện trường
Dưới sự lãnh đạo của Bà Valls Noyes, chính sách định cư tị nạn của Hoa Kỳ đã có những thay đổi lớn và tích cực về chính sách. Rất may mắn, người áp dụng các thay đổi về chính sách này ở Thái Lan lại là người rất có lòng.
Tại buổi họp ngày 28 tháng 6, vị Phối Hợp Viên Tị Nạn của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Bangkok cho tôi biết Ông đã làm việc cật lực để tăng số người tị nạn ở Thái Lan được cứu xét tái định cư vào Hoa Kỳ, để không bỏ phí số chỗ đã được Tổng Thống đề nghị và Quốc Hội Hoa Kỳ chuẩn duyệt. Ông cũng phối hợp chặt chẽ với CUTN/LHQ và người đồng cấp ở các toà đại sứ Phương Tây khác để tăng tối đa số người tị nạn được định cư và giảm đi thời gian chờ của họ.
Điều bất ngờ là trước đây Ông đã từng phục vụ tại Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Saudi Arabia nên biết đến các hồ sơ buôn người do BPSOS can thiệp và giải cứu ở quốc gia Trung Đông này. Tôi cho ông ta biết là trong số nạn nhân buôn người ở Saudi Arabia được giải cứu, có người đang lánh nạn ở Thái Lan và cần được ưu tiên tái định cư.
Một nỗ lực đáng ghi nhận của Bà Valls Noyes là lấy Hoa Kỳ làm gương để vận động các quốc gia Phương Tây nhận định cư thêm người tị nạn. Qua các buổi họp, tôi đã có thể phối kiểm rằng sáng kiến này đã bắt đầu phát huy tác dụng. Tôi đã thấy chính phủ Canada trong mấy tháng qua tái định cư nhiều gia đình người tị nạn Việt Nam. Úc và Tân Tây Lan đã phỏng vấn một số đồng bào tị nạn và hy vọng đến cuối năm, một số sẽ lên đường định cư.
Hình 2 — Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, tại buổi họp định kỳ với Trợ Lý Ngoại Trưởng Julieta Valls Noyes (bên trái, đeo khẩu trang), Phòng Dân Số, Tị Nạn và Di Dân của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ngày 7/9/2022
Người Việt tị nạn thuộc thành phần ưu tiên định cư
Tại buổi gặp gỡ thân mật ở một quán cà-phê, vị Đại Diện CUTN/LHQ ở Thái Lan cho tôi biết văn phòng của Ông hiện quan tâm định cư người tị nạn đến từ Việt Nam, Lào, Campuchia và Trung Quốc. Đây là một bước chuyển quan trọng. Trước đây, CUTN/LHQ cho rằng người tị nạn Việt Nam ít gặp nguy hiểm hơn người tị nạn đến từ các quốc gia như Pakistan, Iran… cho nên không ưu tiên định cư người Việt. Tại các buổi họp hàng tuần với CUTN/LHQ, luật sư của BPSOS đều thúc đẩy hồ sơ người Việt tị nạn, nhưng chỉ đạt kết quả nhỏ giọt.
Qua phản ảnh từ chính người tị nạn, tôi được biết là trong mấy tháng trở lại đây tuần nào cũng có những gia đình người Việt được CUTN/LHQ phỏng vấn tái định cư. Lời xác nhận của người đứng đầu văn phòng CUTN/LHQ khẳng định rằng đấy không là hiện tượng ngẫu nhiên mà là do chính sách. Đây là một thay đổi quan trọng vì các quốc gia đệ tam có muốn định cư người tị nạn cũng phải bó tay nếu CUTN/LHQ không giới thiệu hồ sơ cho họ.
Các yếu tố đóng góp cho sự thay đổi về chính sách này có thể kể đến:
- Cuộc gặp gỡ của Trợ Lý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Julieta Valls Noyes với Đại Diện CUTN/LHQ ở Thái Lan vào cuối năm ngoái;
- Vụ mất tích của Ông Đường Văn Thái đầu tháng 4 vừa qua — CUTN/LHQ đã không bảo vệ được ông ta dù đã có quy chế tị nạn;
- BPSOS phát hiện và báo cho CUTN/LHQ nguồn rò rỉ thông tin của một số người tị nạn Việt Nam và thông tin này có thể đã lọt vào tay của công an Việt Nam;
- Công an Việt Nam có thể đã cử người sang Thái Lan để theo dõi, chụp hình một số người Tây Nguyên sau vụ nổ súng ở Đắk Lắk.
BPSOS đã nộp 3 bản báo cáo về các điểm 2, 3 và 4 cho CUTN/LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoà Kỳ và toà đại sứ Hoa Kỳ ở Thái Lan.
Hình 3 — Người lạ rình rập, theo dõi và lén chụp hình các người tị nạn Tây Nguyên ở Thái Lan, ngày 29/06/2023
Những hồ sơ cần can thiệp đặc biệt
Trong số khoảng 1 nghìn người Việt đã có quy chế tị nạn và đang chờ định cư, một ít trường hợp cần được định cư khẩn cấp. Trong chuyến đi Thái Lan lần này, tôi được giới thiệu đến 2 chương trình dành cho số ít trường hợp.như vậy.
- Chính phủ Canada có thể nhận định cư nhanh chóng người tị nạn đang trong tình trạng nguy cập đến an ninh bản thân. Trước đây, BPSOS đã dùng chương trình đặc biệt này một đôi lần nhưng chỉ theo cách tuỳ tiện. Lần này, tôi được giới thiệu với một tổ chức hoạt động có hệ thống trong lĩnh vực định cư khẩn cấp. Hồ sơ đầu tiên mà BPSOS chuyển cho họ đã nhận kết quả chỉ vài ngày sau đó.
- Úc gần đây đã phỏng vấn tái định cư nhiều người ti nạn Việt Nam theo chương trình nhân đạo “842”. Chương trình này tiếp nhận những ai có quy chế tị nạn và ưu tiên đặc biệt cho các phụ nữ trong tình trạng tứ cố vô thân. Đặc điểm của chương trình này là đơn xin định cư được cứu xét chỉ trong vòng vài tuần. BPSOS sẽ nghiên cứu để giới thiệu thêm các hồ sơ của người tị nạn Việt Nam cho chương trình này.
Vận động tân chính phủ Thái Lan
Một mục tiêu của chuyến công tác ở Thái Lan lần này là cùng với một số người bảo vệ nhân quyền và chính trị gia Thái Lan lên kế hoạch vận động tân chính phủ cho một chính sách nhân đạo đối với người xin tị nạn. Họ đã có cuộc họp báo để đưa ra những kiến nghị về chính sách tị nạn.
Nội trong vài tuần tới đây tân chính phủ sẽ được thành lập. Một số nhân vật có triển vọng tham gia tân chính phủ có thành tích đấu tranh nhân quyền và bảo vệ người tị nạn trước đây.
2 điều không vui
Giữa các tín hiệu phấn khởi, cũng có một số diễn tiến không được như ý.
Thứ nhất là chương trình Welcome Corps đã không tiến triển theo dự phóng. Tại buổi họp ngày 20 tháng 6 để tổng kết 6 tháng thực hiện chương trình định cư tị nạn, các cập nhật của giới chức Bộ Ngoại Giao cho thấy viễn cảnh không được khả quan.
Giai đoạn 1 của chương trình sau 6 tháng mới định cư được một gia đình đầu tiên gồm 8 người từ Ethiopia. Giai đoạn này chỉ áp dụng ở vùng Đông Phi Châu và nhóm bảo trợ được chính phủ giao cho người tị nạn để định cư. Không nhóm bảo trợ của người Việt nào được nộp đơn để bảo lãnh người tị nạn Việt Nam trong giai đoạn này.
Giai đoạn 2, khi mà chương trình được mở rộng toàn cầu và cho phép nhóm bảo trợ chọn người tị nạn để định cư, đã bị đẩy lùi thời điểm triển khai, thoạt đầu là tháng 6, rồi tháng 7, rồi tháng 9 và bây giờ là tháng 11. Thực tế, có lẽ phải qua đầu năm 2024.
Như thế, chỉ một phần trăm rất nhỏ của số 5000 chỗ dành cho Welcome Corps năm 2023 sẽ được sử dụng và như vậy số chỗ sẽ bị cắt giảm trong năm 2024. Theo đà này, e rằng chỉ vài chục đồng bào tị nạn ở Thái Lan may ra được hưởng lợi ích của chương trình Welcome Corps trong 18 tháng tới. Việc gì xảy ra sau đó là vô định vì hoàn toàn tuỳ thuộc kết quả cuộc tổng tuyển cử ở Hoa Kỳ vào tháng 11 sang năm.
Tại buổi gặp ở tiệm cà-phê vào ngày chót ở Thái Lan, đó cũng là buổi họp cuối cùng trong chuyến công tác, tôi được tin không vui: vị Đại Diện CUTN/LHQ ở Thái Lan sẽ về hưu cuối năm nay. Cách đây 13 năm, khi còn là trưởng toán phỏng vấn tị nạn, Ông đã góp phần không nhỏ để bảo vệ các người tị nạn đến từ Giáo Xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng bất chấp áp lực từ văn phòng trung ương ở Geneva. Sau khi thuyên chuyển đến nhiều quốc gia, cách đây 5 năm Ông được bổ nhiệm về lại Thái Lan, đứng đầu văn phòng CUTN/LHQ tại đây.
Là công dân Ý, Ông có 2 người con nuôi Việt Nam và đã từng chịu trách nhiệm chương trình ODP ở Việt Nam. Ông am hiểu tình hình Việt Nam và có nhiều thiện cảm với người tị nạn Việt Nam.
Chúng ta sắp mất đi một người bạn. Tôi tin rằng trong thời gian 6 tháng tại chức còn lại, Ông sẽ làm hết mình cho người tị nạn Việt Nam.
Có lẽ buổi gặp mặt ở tiệm cà-phê vừa rồi là lần chót tôi gặp Ông.
Thông tin liên quan:
Chương trình định cư tị nạn theo diện bảo lãnh tư nhân của Hoa Kỳ: hy vọng nhưng thận trọng
https://machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1888-chuong-trinh-dinh-cu-ti-nan-theo-dien-bao-lanh-tu-nhan-cua-hoa-ky-hy-vong-nhung-than-trong