Muốn giúp đồng bào tị nạn định cư, không phải chờ chương trình Welcome Corps và không cần gây quỹ

  • Nhóm 5 người được thành lập ở Toronto để bảo lãnh bà Thạch Thị Phay

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 17 tháng 6, 2023

http://machsongmedia.com

Triển vọng cao nhất để định cư đồng bào tị nạn là các chương trình định cư tị nạn có sẵn của các chính phủ Phương Tây. Tiếc rằng trong nhiều năm qua các chương trình này ưu tiên cho người tị nạn ở những vùng nóng sốt như Afghanistan, Venezuela, Bangladesh… Người tị nạn Việt Nam bị lơ là. Trọng tâm của BPSOS là vận động quốc tế định cư người tị nạn Việt Nam. Gần đây đã có tiến triển khả quan: Trong nửa đầu của năm 2023, đồng bào tị nạn đã lên đường định cư vào Hoa Kỳ và Canada nhiều hơn và một số đã có tên đi Úc và Tân Tây Lan.

Đứng thứ hai về triển vọng là chương trình định cư tư nhân của Canada. Mỗi năm hàng trăm tổ chức Canada định cư khoảng 22,500 – 30,000 người tị nạn theo dạng bảo lãnh tư nhân. Trong các năm 2023-2025, con số sẽ tăng gấp rưỡi. Khoảng phân nửa số gần 100 người tị nạn, 80% là Việt Nam, được BPSOS lập hồ sơ sẽ lên đường định cư cuối năm nay hoặc đầu sang năm. Người kế tiếp được lập hồ sơ bảo lãnh là bà Thạch Thị Phay, cựu thuyền nhân bị bỏ rơi lại ở Thái Lan.

Hình 1 — Ông Nay Y Khot, mới cùng gia đình đến từ Thái Lan, chia sẻ kinh nghiệm đời tị nạn với đồng hương ở Edmonton, tại trụ sở Hội Người Việt Edmonton, ngày 17/06/2023

 

Để dễ so sánh, chúng tôi đánh giá tác dụng của từng chương trình kể trên như sau, dựa trên kinh nghiệm thực tiễn:

  • Chương trình định cư tị nạn của các chính phủ phương Tây: 60% – 70%
  • Chương trình bảo lãnh tư nhân của Canada: 25% – 30%
  • Welcome Corps: 2% – 4%

Người Việt ở hải ngoại quan tâm đến đồng bào tị nạn ở Thái Lan cần dồn nỗ lực cho 2 chương trình đầu, không cần chờ đợi và không cần gây quỹ. Khi nào chương trình Welcome Corps được mở ra để áp dụng toàn cầu thì xem như cầu may, thêm người tị nạn Việt Nam nào được định cư thì hay người nấy.

Vận động các chính phủ Phương Tây

Hoa Kỳ là quốc gia có lịch sử đứng đầu về định cư tị nạn nhưng trong các năm 2020 – 2022 đã nhận rất ít người tị nạn Việt Nam: 12 người năm 2020, 2 người năm 2021, 14 người năm 2022 — giảm mạnh so với 96 người năm 2018 và 94 người năm 2019. (Ghi chú: Các con số này tính theo tài khoá, từ 1 tháng 10 năm trước đến 30 tháng 9 năm hiện hành.) Các quốc gia đệ tam khác cũng nhận định cư ít người tị nạn Việt Nam. Lý do chính là quốc tế phải đối phó với những tình huống nóng sốt ở những khu vực khác trên thế giới.

Chủ trương của Hành Pháp Biden nhằm cải thiện chương trình định cư tị nạn của Hoa Kỳ bao gồm:

  1. Nhanh chóng giải quyết số hồ sơ định cư bị kẹt trong dòng chờ từ nhiều năm qua,
  2. Rút ngắn thời gian cứu xét mỗi hồ sơ xuống còn 6 tháng so với 2 đến 3 năm trước đây
  3. Vận động các quốc gia đồng minh Phương Tây tiếp tay định cư thêm người tị nạn

BPSOS kêu gọi Hoa Kỳ áp dụng chủ trương này cho Thái Lan, nơi có hơn 1000 người tị nạn Việt Nam. Đáp ứng đề nghị của BPSOS, tháng 12 năm 2022, Trợ Lý Ngoại Trưởng Julieta Valls Noyes đã công du Thái Lan để tìm hiểu tình hình và chia sẻ chủ trương kể trên với các tổ chức bảo vệ người tị nạn, các giới chức Cao Uỷ Tị Nạn LHQ và các giới chức chính quyền Thái Lan. Bà Valls Noyes là giới chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ về định cư tị nạn.

Sự thay đổi đã bắt đầu thấy được: số người Việt được định cư vào Hoa Kỳ năm 2023 đến nay đã là 27 người. Tôi kỳ vọng con số này sẽ tăng lên khoảng 60 người tính đến cuối tài khoá 2023 và gấp đôi như thế trong tài khoá 2024. Ngoài ra, một số gia đình tị nạn Việt Nam cũng có tên trong danh sách định cư Úc và Tân Tây Lan.

Pic2_-_Julieta_Valls_Noyes_in_Bangkok.jpg

Hình 2 — Bà Julieta Valls Noyes tại buổi họp với đại diện của các tổ chức chuyên bảo vệ người tị nạn ở Bangkok, Thái Lan, ngày 8/12/2022 (từ trái): Cô Naiyana Thanawattho, Giám Đốc Điều Hành Asylum Access Thailand; Bà Chalida Tajaroensuk, Giám Đốc Điều Hành People’s Empowerment Foundation; Alex Sonsev, luật sư trưởng toán pháp lý của BPSOS; Trợ Lý Ngoại Trưởng Julieta Valls Noyes; Chris Eades, Tổng Thư Ký Asia Pacific Refugee Rights Network; Louie Bacomo, Giám Đốc Jesuit Refugee Service Asia Pacific

Khai dụng chương trình bảo lãnh tư nhân của Canada

Không như chương trình Welcome Corps ở Mỹ còn đang trong thời kỳ thử nghiệm, chương trình bảo lãnh tư nhân của Canada đã hoạt động ổn định 48 năm và đã định cư 225,000 người tị nạn, trong đó không ít những người tị nạn Việt Nam từ 1978 đến giờ.

Trong 2 năm qua BPSOS đã lập hồ sơ cho gần 100 người tị nạn, 80% là người Việt, để tham gia chương trình bảo lãnh tư nhân của Canada. Phân nửa số này có triển vọng định cư vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024. Rất tiếc, một tổ chức bảo lãnh mới cho biết họ không còn quỹ nên phải rút lại việc bảo lãnh cho 23 người tị nạn Việt Nam đã có hồ sơ. Chúng tôi đang tìm tổ chức thay thế.

Một tin vui: Nhóm 5 người đã được hình thành để bảo lãnh định cư bà Thạch Thị Phay, cựu thuyền nhân / bộ nhân bị bỏ rơi lại Thái Lan nhưng sau đó may mắn được luật sư của BPSOS giúp để có được quy chế tị nạn của CUTN/LHQ. Nhóm 5 người bảo lãnh gồm người chị song sinh với bà Phay và 4 nhà hảo tâm ở Toronto. Một tổ chức Công Giáo với nhiều kinh nghiệm bảo lãnh tư nhân sẽ hỗ trợ về đơn từ; người của BPSOS ở Thái Lan sẽ giúp bà Phay điền đơn. Xem lời tự thuật của bà Phay:

 

Pic3_-_Thach_Thi_Phay.jpg

Hình 3 — Bà Thạch Thị Phay

Hoan nghênh nhưng không thổi phồng chương trình Welcome Corps

BPSOS là thành viên nguyên thuỷ của Welcome Coalition, liên minh do 3 cựu tổng thống Hoa Kỳ cùng các đệ nhất phu nhân thành lập năm 2021 nhằm định cư những người di tản Afghan. Welcome Coalition sau đó trở thành cột trụ của chương trình Welcome Corps được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố tháng 1 năm nay. Vì ở trong cuộc từ đầu, chúng tôi theo dõi sát tình hình và hoan nghênh chương trình này nhưng không đặt kỳ vọng quá cao vào nó.

Trong năm 2023, Welcome Corps được cấp 5,000 chỗ từ tổng số 125,000 chỗ định cư tị nạn được Tổng Thống đề nghị và Quốc Hội chuẩn duyệt. Như thế, Welcome Corps chỉ chiếm tỉ lệ 4% của đỉnh số định cư tị nạn cho năm 2023. Tỉ lệ này chắc chắn sẽ không đạt được vì tài khoá 2023 chỉ còn 3 tháng rưỡi mà chương trình Welcome Corps vẫn chưa định cư được người tị nạn nào. Số chỗ dành cho Welcome Corps có thể bị cắt giảm trong tài khoá 2024 vì hoạt động kém hiệu quả.

Hiện nay chương trình Welcome Corps chỉ đang được thử nghiệm ở khu vực đông Phi Châu. Khi chương trình áp dụng toàn cầu — vẫn chưa biết lúc nào — thì tỉ lệ 4% tương đương khoảng 500 chỗ định cư cho khu vực Á Châu – Thái Bình Dương, nơi có khoảng 7 triệu người tị nạn. Nếu người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan giành được khoảng 30 – 40 chỗ thì xem như trúng số độc đắc. 

Gần đây một nhóm người không nắm rõ nội tình đã thổi phồng chương trình Welcome Corps như giải pháp định cư số lượng lớn đồng bào tị nạn ở Thái Lan. Sự thổi phòng này đã và đang hướng sự chú ý của cộng đồng người Việt hải ngoại vào một chương trình bấp bênh và ít tác dụng nhất để giải quyết định cư cho đồng bào tị nạn ở Thái Lan.

Là người trong cuộc từ đầu, chúng tôi hoan nghênh sự ra đời của Welcome Corps vì có còn hơn không, nhưng không kỳ vọng quá cao về nó ít ra cho đến hết năm 2024.

Pic4_-_Montagnard_in_Hamilton.jpg

Hình 4 — Cô Trần Trang Khanh và cô Nguyễn Mỹ Hạnh thăm gia đình người Thượng từ Thái Lan vừa định cư ở Hamilton, Canada, ngày 05/062023

Những việc thiết thực có thể làm ngay

Ai thực tâm với đồng bào tị nạn có thể bắt tay ngay vào những việc thiết thực sau đây:

  1. Hỗ trợ và uỷ lạo số đồng bào tị nạn vừa hoặc sắp đến định cư ở Hoa Kỳ, Canada, Úc, Tân Tây Lan… Con số này đang tăng. BPSOS sẽ giới thiệu các gia đình tị nạn mới đến với các cộng đồng ở địa phương.
  2. Kêu gọi chính phủ ở quốc gia nơi mình sinh sống quan tâm đến người tị nạn Việt Nam trong chính sách định cư tị nạn của họ; chúng tôi sẽ cung cấp các văn thư và tài liệu cho cuộc vận động.
  3. Gõ cửa các tổ chức Canada chuyên bảo lãnh tư nhân để thuyết phục họ nhận bảo lãnh người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan. Quý đồng hương ở Canada có thể truy tìm các tổ chức như vậy ở địa phương nơi mình cư ngụ tại đây: https://www.canada.ca/en/immigration-refugees-citizenship/services/refugees/help-outside-canada/private-sponsorship-program/agreement-holders/holders-list

Các việc làm thiết thực này có thể thực hiện ngay, có triển vọng cao để giúp đồng bào tị nạn được định cư, và ít tốn kém. Xin hãy tiếp tay.

Chừng nào chương trình Welcome Corps áp dụng cho người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan thì đó là phụ thêm, được phần nào hay phần nấy.

Để có thêm thông tin, xin liên lạc: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Thông tin liên quan:

Cập nhật cuối năm về công tác bảo vệ người tị nạn
https://machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1880-cap-nhat-cuoi-nam-ve-cong-tac-bao-ve-nguoi-ti-nan

Những điều cần biết về tình trạng và nhu cầu của người tị nạn ở Thái Lan để giúp họ một cách hiệu quả
https://machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1766-hieu-ve-tinh-trang-va-nhu-cau-cua-nguoi-ti-nan-o-thai-lan-de-giup-ho-mot-cach-hieu-qua

Bà Thạch Thị Phay: Một cuộc đời quá đỗi bất hạnh và nỗi khao khát gặp lại con dù chỉ một lần…
https://machsongmedia.com/vietnam/moi-tuan-mot-guong-mat-ti-nan/1914-song-chi-mot-cuoc-doi-qua-doi-bat-hanh-va-noi-khao-khat-gap-lai-con-du-chi-mot-lan

Viết một bình luận