Về vụ BPSOS kiện VTV: đôi lời giải thích

  • Dùng luật Hoa Kỳ để khoá miệng cơ quan ngôn luận của đảng và nhà nước ở Việt Nam

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 11 tháng 6, 2023

http://machsongmedia.com

Mới đây có người gửi tôi xem buổi phỏng vấn của Ông Nguyễn Thanh Tú trên chương trình Trực Diện TV, ngày 31 tháng 5, về vụ kiện do BPSOS khởi xướng nhắm vào Đài Truyền Hình Việt Nam (VTV) và các cơ quan và nhân sự phụ thuộc. Khi trả lời phỏng vấn, Ông Tú đã có một số nhận định hoặc không chính xác hoặc thiếu sót. Xem:

Trước hết, một số thông tin căn bản về vụ kiện:

Các đương đơn bao gồm BPSOS, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, Mục Sư A Ga, Hội Người Thượng Vì Công Lý, Ông Y Phic H’Dok, và Cô Tanya Nguyễn-Đỗ

Các bị đơn bao gồm: VTV, VTV1, VTV4, Vietnam Television Los Angeles LLC và Ông Lê Trí Minh, người đứng đầu bộ phận của VTV4 ở Hoa Kỳ

Hình 1 – Ông Nguyễn Thanh Tú trên chương trình Trực Diện TV

Ngày 16 tháng 3, 2023, BPSOS gửi Tổng Giám Đốc của VTV văn thư yêu cầu, nội trong 7 ngày, phải xin lỗi, sửa sai và rút lại các nội dung phỉ báng nhắm vào BPSOS, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch của BPSOS là Ts. Nguyễn Đình Thắng, và những cá nhân và tổ chức hợp tác với BPSOS.

Ngày 6 tháng 4, do VTV đã không hồi âm, đơn kiện được nộp vào toà án của tiểu bang California ở Orange County.

Ngày 26 tháng 5, các trát toà được tống đạt đến cả 5 bị đơn tại địa chỉ chính thức của VTV4 chi nhánh Los Angeles. Đây cũng là nhà ở của Ông Minh. Con trai của ông ta nhận trát toà tống đạt cho VTV4. Sau đó, vợ của ông ta từ chối không nhận các trát toà dành cho các bị đơn còn lại, chối rằng không biết họ là ai. Toà phán quyết rằng các trát toà còn lại đều được xem là đã tống đạt qua địa chỉ nhà của Ông Minh.

Ngày 13 tháng 9, 2023 là ngày mà toà dự trù bắt đầu xét xử. Thường thì thời điểm xét xử sẽ được thay đổi qua sự thoả thuận của luật sư 2 bên.

Căn cứ cho vụ kiện:

Ngày 7 tháng 4, 2022, VTV4 khởi xướng chiến dịch vu khống, bôi bẩn và đe doạ BPSOS, Ts. Nguyễn Đình Thắng và các đương đơn là những cá nhân và tổ chức hợp tác với BPSOS. Chiến dịch này bao gồm 6 chương trình truyền hình – một số chương trình xuất phát từ VTV1 — và 1 bài viết đăng trên trang mạng của hệ thống VTV. Chiến dịch này kéo dài đến ngày 22 tháng 10, 2022.

Các bị đơn bị kiện về tội:

  1. Phỉ báng theo nghĩa đương nhiên: đây là những lời vu khống mà luật pháp Hoa Kỳ xem như đương nhiên là phỉ báng, như cung cấp thông tin sai để nhận tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ, ủng hộ các nhóm ly khai để lật đổ chính quyền, hợp tác với tổ chức khủng bố…. Những cáo buộc như vậy đương nhiên bị xem là phỉ báng, chúng tôi không cần phải chứng minh là các bị đơn cố tình, có ác ý.
  1. Phỉ báng không đương nhiên: đây là những vu khống chỉ trở thành phỉ báng nếu như cố tình, có ác ý như là cáo buộc rằng cô Tanya Nguyễn-Đỗ hỗ trợ cho các thủ phạm lạm dụng các chú tiểu, như dựng chuyện rằng Ts. Nguyễn Đình Thắng là một quan chức của chế độ Sài Gòn, như là cáo buộc rằng Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên là thành phần FULRO… Các cáo buộc này trở thành phỉ báng nếu như chúng tôi chứng minh rằng bị đơn bất chấp sự thật vì có ác ý.
  1. Phỉ báng nhằm cạnh tranh thương trường: VTV4 nhắm vào thành phần độc giả và khán giả của Mạch Sống Media, cơ quan truyền thông của BPSOS, và có chủ ý làm giảm uy tín của cơ quan truyền thông này với mục đích cạnh tranh độc giả, khán giả.
  1. Cố ý gây tổn hại vật chất và tinh thần: VTV là công cụ của nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam. Chiến dịch phỉ báng của VTV ăn khớp với các cuộc bố ráp gần đây nhắm vào Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, các điểm nhóm tin lành tư gia độc lập của người Thượng, v.v. ở trong nước, theo chính sách của đàng và nhà nước cộng sản. Nội dung phỉ báng dùng lại tài liệu của Bộ Công An, của đảng cộng sản. Nó cũng ăn khớp với các thông điệp kích động hận thù của của đội ngũ dư luận viên ăn lương cũng như của các nhóm quần chúng được nhà nước nuôi dưỡng như Hội Cờ Đỏ. Nói tóm lại, chiến dịch phỉ báng của VTV nằm trong chính sách, chủ trương của đảng và nhà nước cộng sản.

Căn cứ pháp lý để kiện:

Bình thường, luật Hoa Kỳ (luật Foreign Sovereign Immunities Act) không cho phép công dân kiện một cơ quan nhà nước ngoại bang. Tuy nhiên, có các trường hợp ngoại lệ. Trường hợp ngoại lệ quan trọng và thường được sử dụng nhất là: Ngoại lệ về hoạt động thương mại.

Ngoại lệ này áp dụng khi một cơ quan nhà nước: (1) hoạt động thương mại ở Hoa Kỳ, (2) có hành vi ở Hoa Kỳ liên quan đến hoạt động thương mại ở ngoài Hoa Kỳ, hoặc (3) có hành vi ở ngoài Hoa Kỳ  liên quan đến hoạt động thương mại ở ngoài Hoa Kỳ nhưng có tác động trực tiếp đến người dân ở Hoa Kỳ.

VTV rơi vào cả 3 điều kiện:

Điều kiện 1: VTV đăng ký hoạt động ở Hoa Kỳ như một công ty trách nhiệm hữu hạn, dưới tên Vietnam Television Los Angeles LLC.

Pic_2.jpg

Hình 2 — Giấy đăng ký hoạt động công ty trách nhiệm hữu hạn ở Hoa Kỳ

Pic_3.jpg

Hình 3 — Hoạt động của VTV4 ở nhiều quốc gia

Điều kiện 2: Giả sử, VTV đóng văn phòng ở Hoa Kỳ nhưng nếu gây tổn hại cho một số cá nhân hoặc tổ chức ở Hoa Kỳ thì vẫn có thể bị kiện.

Điều kiện 3:  Giả sử, VTV đóng văn phòng, cắt sóng và rút nhân viên khỏi Hoa Kỳ nhưng nếu gây tổn hại cho một số cá nhân hoặc tổ chức ở Hoa Kỳ thì vẫn có thể bị kiện.

Cách duy nhất để không bị kiện (trong tương lai) là VTV ngưng mọi hoạt động mang tính cách thương mại.

Pic_4.jpg

Hình 4 – VTV là tổ chức hoạt động thương mại, ví dụ về dịch vụ quảng cáo và dịch vụ truyền hình

Những điểm lưu ý

Điểm lưu ý thứ nhất: Ông Nguyễn Thanh Tú đã có những nhận xét cá nhân của người ngoài cuộc về vụ kiện, do đó có một số điểm không chính xác. Đáng kể nhất là ông ta suy đoán rằng phía bị đơn sẽ trích dẫn các tài liệu của đảng và nhà nước Việt Nam để chứng tỏ rằng họ phát biểu có căn cứ chứ không phải do cố tình và ác ý dựng chuyện. Điều này không thể. Ngay trong đơn kiện chúng tôi đã chỉ ra rằng VTV là công cụ của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, nghĩa là các thực thể này không độc lập với nhau. Do đó, các bị đơn không thể dùng bất cứ tài liệu hoặc thông tin nào xuất phát từ đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam để chạy tội. Ngược lại, bất cứ sự cáo buộc nào của nhà nước Việt Nam, của Bộ Công An, của các cơ quan ngôn luận do nhà nước kiểm soát, của các dư luận viên… nhắm vào các bị đơn trong tương lai đều sẽ tạo thêm bất lợi cho các bị đơn khi ra toà.

Điểm lưu ý thứ hai: Vụ kiện sẽ kéo dài từ 2 đến 3 năm. Không ai có thể tiên đoán kết quả. Tuy nhiên, điều lý thú là khi 2 bên lấy lời khai hữu thệ của nhau. Đó là cơ hội để chúng tôi trưng dẫn các tài liệu của các định chế nhân quyền LHQ, các bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, các tuyên bố của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, v.v. Ngược lại, phía bị đơn sẽ có những nguồn độc lập nào để trích dẫn? Chưa cần chờ ngày ra toà, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội để phơi bày sự thật ở Việt Nam ra trước ánh sáng công lý và dư luận Hoa Kỳ.

Điểm lưu ý thứ ba: Chúng tôi không chỉ thực hiện vụ kiện mà đồng thời nộp hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp chế tài “Khashoggi Ban” nhắm vào Ông Lê Ngọc Quang, Tổng Giám Đốc VTV, và Ông Lê Trí Minh, người đứng đầu bộ phận VTV4 ở Hoa Kỳ. Đây là biện pháp chế tài dành cho các thủ phạm của hành vi đàn áp xuyên quốc gia – phỉ báng, sách nhiễu, đe doạ những người bảo vệ nhân quyền ở ngoài lãnh thổ quốc gia của họ đều nằm trong định nghĩa đàn áp xuyên quốc gia. Nếu bị chế tài thì Ông Quang sẽ bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ còn Ông Minh và vợ con sẽ bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ. Sẽ khó xử cho VTV khi mà bị đơn bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ để hầu toà. Song song, chúng tôi nghiên cứu điều luật Hoa Kỳ để bắt VTV phải đăng ký hoạt động như một tổ chức nhà nước; như vậy, nhân viên của họ ở Hoa Kỳ sẽ bị ràng buộc và kiểm soát theo quy định dành cho viên chức chính quyền ngoại quốc.

Điểm lưu ý thứ tư: Tôi mong rằng nhiều cá nhân và tổ chức người VIệt ở Hoa Kỳ cũng sẽ áp dụng các biện pháp tương tự. Đó là cách để vô hiệu hoá một công cụ tuyên truyền chính yếu của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam. Các vụ kiện như thế lại còn có thể kéo ràng theo các cơ quan ngôn luận khác nữa của nhà nước và đảng, của các tổ chức thuộc Mặt Trận Tổ Quốc, hoặc của các nhóm quần chúng tự phát như Hội Cờ Đỏ. Vì chúng đều nhận chỉ thị từ một nguồn, người Việt ở Hoa Kỳ có thể dùng luật pháp Hoa Kỳ để trói gô chúng lại với nhau. Và cách thức này không chỉ dành cho VTV mà có thể áp dụng cho các công ty quốc doanh khác nữa (như Vietel). Vã cũng rất có thể các quốc gia dân chủ khác cũng có những điều luật tương tự như Hoa Kỳ.

Nói tóm lại, vụ kiện VTV và các bị đơn liên đới là một trong nhiều cách thức thuộc chiến lược “chuyển sân chơi” được BPSOS áp dụng từ bấy lâu nay: chuyển từ sân chơi nội địa ở Việt Nam, nơi đảng và nhà nước hầu như hoàn toàn khống chế, ra sân chơi quốc tế, nơi mà họ phải tuân thủ các luật chơi công bằng, không thể gian lận.

Thông tin liên quan:

Đài Truyền Hình Việt Nam phải rút lại, sửa sai và xin lỗi về các thông tin phỉ báng
https://machsongmedia.com/vietnam/danchu/1913-dai-truyen-hinh-viet-nam-phai-rut-lai-chinh-sua-va-xin-loi-ve-cac-thong-tin-phi-bang

Cách chặt cánh tay nối dài của chế độ vươn ra hải ngoại
https://machsongmedia.com/vietnam/quyenconnguoi/1818-cach-chat-canh-tay-noi-dai-cua-che-do-vuon-ra-hai-ngoai

Viết một bình luận