Ông Y Dú Ksơr: hai lần đi tù, một năm bị nhốt trong hầm kín

Hải Di Nguyễn

“[Công an] nhốt tôi vào hầm kín mịt mù, không thấy mặt trời mặt trăng, đúng một năm”, ông Y Dú Ksơr nói về lần bị tạm giam năm 2005.

Ông sinh năm 1953. Như Y Pher Hdruê, Y Phic H’dok, Y Quynh Buondap, và Y Arôn Êban (đã xuất hiện trong mục Mỗi Tuần Một Gương Mặt Tị Nạn), ông Y Dú Ksơr cũng là người Êđê theo đạo Tin lành, nhưng sống ở Phú Yên.

Ông từng hai lần đi tù ở Việt Nam, bị cáo buộc “Phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc”, và hiện nay đang tỵ nạn tại Thái Lan.

Tôi phỏng vấn ông ngày 26/5/2023.

Vì sao bị bắt giam năm 2005?

Ông Y Dú Ksơr cho biết bắt đầu bị công an địa phương mời làm việc và yêu cầu bỏ đạo là năm 2000, vì theo Tin lành Đêga: họ “mời lên mời xuống, một năm không biết mấy chục lần”. Ông phải chuyển sang Hội thánh Truyền giảng Phúc âm (đứng đầu là Mục sư Đoàn Trung Tín) nhưng công an vẫn không tin và tiếp tục tra hỏi, cáo buộc ông “chỉ mặc áo khoác” của hội thánh nhưng làm việc cho nơi khác.

“Năm 2001 ở Đắk Lắk có biểu tình nhưng tôi lúc đó không đi. Đến năm 2004 tôi mới đi, vì bị Đảng Cộng sản đàn áp quá đáng.”

Ông giải thích lý do biểu tình là “chúng tôi muốn đòi lại đất đai của dân bản địa Đêga chúng tôi, đó là một. Hai là, để dân Đêga chúng tôi được tự do đi lại. Ba là, hãy cho dân Đêga chúng tôi được tự do tín ngưỡng. Bốn là, hãy trả tù nhân lương tâm Đêga của chúng tôi.”

Từ Phú Yên, ông chạy xe đến Đắk Lắk để tham gia biểu tình nhưng trên đường về, nghe tin công an đã đến nhà, quyết định trốn trong rẫy.

Ông bị phát hiện vì “công an rình rập trong rẫy bà xã đưa cơm” và bị bắt năm 2005, đưa vào trại giam tỉnh Phú Yên.

Tù lần đầu tiên: 2005-2007

Ông Y Dú Ksơr nói “Lúc điều tra, họ tra tấn dã man lắm. Họ ghép tội, ông móc nối người FULRO, người lưu vong ở Mỹ… Tôi nói tôi không có móc nối, chỉ có nghe điện thoại anh em ở Mỹ, mà không phải người FULRO.”

Ông cũng nói họ cáo buộc ông “vượt biên trái phép” vì biến mất một năm, dù đã giải thích mình chỉ trốn trong rẫy và không ra khỏi Việt Nam.

Theo lời kể của ông Y Dú Ksơr, ông bị điều tra và đánh đập suốt một năm: “họ đánh tôi bằng dùi cui, vào xương sườn, xương sống… Họ cũng đá vào hòn dái, đánh vào ngực, tát vào miệng… tôi cũng bị gãy răng.”

Trong thời gian một năm đó, ông bị nhốt trong hầm “tối tăm, mịt mù… Nhốt ở dưới lòng đất, mịt mù, không thấy mặt trời mặt trăng, giống bị điên khùng luôn… Một hầm chỉ có một người, không có hai, không có ba. Chỉ ở trong đó, ăn trong đó, kinh khiếp luôn.”

Sau quá trình điều tra và ra tòa, ông được chuyển sang nhà tù – chỉ lúc đó mới thoát khỏi cảnh tra tấn và hầm tối.

Sau khi ra tù

Ông Y Dú Ksơr ra tù năm 2007. Cuộc sống sau khi ra tù, ông cho biết, rất khó khăn, phải nuôi bốn người con.

Trước kia trông coi hội thánh, ông đi Sài Gòn học truyền đạo và bắt đầu đi rao giảng từ năm 2009, và tiếp tục gặp khó khăn với chính quyền địa phương. Ông nói họ mời vào xã làm việc và ép ông uống rượu hút thuốc – ông không chịu, nói “tôi theo đạo, tôi bỏ lâu rồi” – nhưng công an cứ ép và nói ông “ngoan cố”.

Ông cũng cho biết trong thời gian này, công an địa phương đến nhà và lấy đi một loạt giấy tờ, từ giấy khai sinh đến giấy ra trại và giấy bảo lãnh đi Mỹ. Ông đi đòi lại nhưng họ không trả lại giấy xuất trại, và đưa ông giấy khai sinh mới, đổi năm sinh của ông từ 1953 thành 1963, của vợ ông từ 1968 thành 1973 – theo lời ông, họ nói “Nếu ông muốn khai sanh cũ của ông, ông phải bỏ đạo”.

Tuy nhiên, ông quyết tâm không bỏ đạo.

Ông cũng truyền tin tức ra nước ngoài, chẳng hạn như thông tin về thủy điện Sông Hinh, thủy điện Sông Ba Hạ, thủy điện Krông H’Năng: “ngập trắng đất đai, bà con mất canh tác, mất hết.” Ông nói bà con đòi giải quyết nhưng bị “đảng Cộng sản đàn áp”.

Tù lần thứ hai: 2010-2015

Năm 2010, ông Y Dú Ksơr vào tù lần hai, với cáo buộc “Phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc”.

“Họ đánh đập, sau này họ cho đi trại cải tạo lao động, đi làm đá, cho tới ngày về luôn.”

Ông nói trong trại Thanh Hóa, “người Kinh làm toàn việc nhẹ” còn người sắc tộc thiểu số như ông phải đi đập đá và vác đá, mỗi ngày 60 viên. Đó là đá 4×6 và đá 4×8 để xây nhà.  

“Vác đá nặng quá, tôi vác không nổi, lúc đó cũng lớn tuổi rồi… khi tôi bỏ xuống, cán bộ đập tôi, đá tôi, lúc đó tôi vác đá trên vai, nó rớt xuống, may không trúng chân.”

Ông nói quản tù thậm chí còn xua cả đàn chó béc-giê về phía ông – ông “chỉ nhắm mắt cầu nguyện Chúa ở cùng với con”, may thay không bị cắn.

Liệt chân phải do giật điện

Ông Y Dú Ksơr nói “tôi ở trong trại tù còn một năm sáu tháng, tôi bị liệt chân phải… do bị giựt điện ép cung.”

“Lúc đó công an cũng sợ, công an đổ đá 1×2, đổ một đường dài 100 mét… để tôi tập đi. Không cho lao động nữa. Họ bắt tôi tập đi, sau này ông về nhà không đi được nữa, bây giờ cố gắng, ông tập đi, chúng tôi không ép ông nữa.”

Ông cho biết phải tập đi dần dần và “đi cà lết” một thời gian dài.

chan seo

Ảnh chụp năm 2023, chân vẫn còn sẹo. 

Sau khi ra tù lần hai

Sau khi ra tù năm 2015, ông Y Dú Ksơr không đi rao giảng nữa.

“Lúc đó tôi cũng bị đau chân, không làm gì được, đi cà nhắc, chỉ làm sơ sơ mè với bắp.” Đó là năm 2015-2017. Từ 2017, ông chuyển sang trồng mía, dần dần trả số nợ vợ vay trong thời gian ông ngồi tù.

Thế nhưng, công an địa phương vẫn liên tục mời làm việc và muốn ông cam kết bỏ đạo. Tôi đã xem qua hàng loạt giấy mời làm việc, giấy triệu tập ông Y Dú Ksơr từ công an xã Êa Bia và công an huyện Sông Hinh.

Ông cũng kể, năm 2016, con trai ông (sinh năm 1995) sang buôn khác xin mè giống và bị bắt giữ. “Công an ghép tội con tôi đi truyền giảng, rồi đi móc nối… Con tôi không có. Bị oan ức.”

“[Họ] giựt điện con tôi ngất xỉu”. Ông nói lúc đó công an “mới tháo xiềng xích” và cho đưa vào bệnh viện Phú Yên – hai ngày sau vào bệnh viện Chợ Rẫy.

“Bệnh viện không nói gì hết. Bệnh viện nói bị rối loạn tiền đình.”

Từ Việt Nam sang Thái Lan

“Nếu bị bắt lần nữa, tôi sẽ chết trong nhà tù. Cho nên tôi sợ quá, tôi làm mía. Thu hoạch xong rồi, có vốn, đến ngày mùng 7 [tháng 8/2018] tôi rời Việt Nam.”

Từ Việt Nam, ông Y Dú Ksơr và gia đình qua Campuchia rồi sang Thái Lan xin tỵ nạn tháng 8/2018. Họ đậu từ tháng 4/2022 và có quy chế tỵ nạn chính thức từ năm 2023.

Viết một bình luận