Hải Di Nguyễn
Theo lời kể của anh Y Arôn Êban ngày 19/5/2023, tháng 5/2019, chính quyền địa phương ở huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk phá dỡ nhà của người dân và cưỡng chế đất, đánh đập người dân và tín đồ. Nhà anh cũng có mảnh đất ở đó và gia đình vợ bị bắt và áp giải về đồn – anh cũng bị xem là “cầm đầu”.
Anh Y Arôn Êban (sinh năm 1985) là người Êđê theo đạo Tin lành ở Đắk Lắk, đã nhiều lần bị công an bắt giữ và đánh đập tra hỏi.
Tháng 11/2019, anh tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo hay Niềm tin Đông Nam Á tại Thái Lan để nói về vấn đề tự do tôn giáo của người Thượng. Vì gia đình ở Việt Nam liên tục bị sách nhiễu và bản thân từng nhiều lần bị bắt, anh quyết định ở lại và xin tỵ nạn, và ở Thái Lan từ đó đến nay.
Biểu tình năm 2001
Năm 2001, anh Y Arôn Êban “tham gia biểu tình để đòi lại đất đai tổ tiên, đòi tự do tôn giáo” vì “đất đai bị tịch thu làm nông trường cà phê, người dân ở đây bị thiếu đất canh tác”.
Anh cho biết từ đó mình “nằm trong tầm ngắm của an ninh Việt Nam, bị theo dõi rất gắt gao” – nhiều lần chính quyền địa phương mời lên thẩm vấn và cũng tới nhà hỏi anh tham gia biểu tình là “nghe từ ai, ai xúi giục, ai kích động”.
Vì một loạt bắt bớ sau đợt biểu tình năm 2001, “nhiều người Thượng chạy sang Campuchia lánh nạn”.
Năm 2002: bị “đánh bằng gậy cao su”
Theo lời anh Y Arôn Êban, anh và vài người bị bắt năm 2002 vì “chuẩn bị biểu tình đòi thả tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo, đòi trả lại đất đai”.
Bị công an phát hiện sớm, anh bị tạm giam ba tháng và “trong thời gian thẩm vấn, họ đánh rất nhiều, họ đánh bằng gậy cao su”. Anh cho biết công an đánh vào đầu, đánh từ vai xuống đốt ngón tay, đạp vào chân, đá vào ngực, đánh đến “tay chân tê, đi không nổi”.
Trong thời gian đó, anh cũng bị người trong tù đánh.
Biểu tình năm 2004
Sau khi được thả tự do năm 2002, anh Y Arôn Êban tiếp tục tham gia các hoạt động tôn giáo độc lập và năm 2004 lần nữa tham gia biểu tình ở Đắk Lắk – vì cùng lý do như các đợt biểu tình trước đó.
Anh cho biết người biểu tình không có vũ khí trong tay nhưng nhà cầm quyền trấn áp bằng lực lượng cơ động và máy bay trực thăng – “họ xịt nước, xịt hơi cay, họ đánh đập đoàn biểu tình”. Anh “thấy họ tấn công đoàn biểu tình, thấy đỡ không nổi, và nhiều người bị đánh” nên bỏ chạy.
Giải thích về vấn đề tự do tôn giáo của người Thượng, anh Y Arôn Êban nói “Mình thờ phượng Chúa, đi nhóm của hội thánh độc lập, nếu chính quyền phát hiện được, họ mời lên đồn công an tra hỏi, thẩm vấn dù mình không làm gì cả… Tôi thấy không có tự do về tôn giáo, mình phải lén lút, phải cảnh giác với chính quyền khi đi nhóm.”
Đi nhóm chỉ là sinh hoạt tôn giáo, đọc Kinh Thánh, cầu nguyện… nhưng “họ cáo buộc mình tuyên truyền về Tin lành Đêga, xây dựng cơ sở ngầm của FULRO” – một điều anh khẳng định là hoàn toàn phi lý và không chính xác.
Sau biểu tình năm 2004, anh cho biết công an địa phương cũng thường xuyên tới nhà, và cũng hỏi tại sao không tham gia hoạt động tôn giáo ở những nơi được nhà nước cho phép. Anh nói “Quyền tự do tôn giáo của mình, mình sinh hoạt ở đâu chẳng được”.
“Phải làm lý lịch” để học Kinh Thánh
Anh Y Arôn Êban nói “Năm 2009, chính quyền cho một điểm sinh hoạt công khai tại địa phương, thuộc Hội thánh Tin lành Miền nam Việt Nam, là hội thánh quốc doanh”. Anh ghi danh học Kinh Thánh căn bản và phải làm lý lịch.
Tuy nhiên anh bị từ chối vì bị coi là “phản động” và “thành phần phá hoại chính sách đại đoàn kết [dân tộc]”, và tiếp tục sinh hoạt trong hội thánh độc lập. Nhiều lần bị mời làm việc, nhiều lần bị tra khảo, nhiều lần bị giam giữ, nhưng anh “vẫn bảo vệ niềm tin tôn giáo của mình, mình không thấy có gì sai với pháp luật, với nhà nước”.
Đến năm 2010, anh Y Arôn Êban lần nữa lại bị bắt và thẩm vấn, vì in và chia sẻ DVD Thánh ca bằng tiếng Êđê, và gửi thông tin cho cậu ở Thái Lan về các buổi tuyên truyền tập huấn của chính quyền địa phương, bị cáo buộc là “gửi bí mật quốc gia ra bên ngoài”.
Năm 2012: bị đánh, “tai trái hơi điếc”
Năm 2012, anh Y Arôn Êban bị giam giữ bảy ngày vì tiếp tục chia sẻ Thánh ca và nhạc ca ngợi quê hương bằng tiếng Êđê, bị cáo buộc đó là của “bọn phản động FULRO”.
Trong thời gian thẩm vấn, anh cho biết “họ đánh vào đầu nhiều nhất”, đặc biệt vào mặt và tai, và “từ đó tai bên trái của tôi hơi điếc”. Anh cũng bị người tù đánh, bị đạp vào ngực và “dập đùi bầm tím”.
“Tôi nghĩ là công an cho phép đánh, họ mới dám đánh.”
Sau khi được trả tự do, anh bị kiểm điểm trước quần chúng. Theo lời anh mô tả, ở đó có cán bộ xã, huyện, tỉnh, có ban dân vận, có chi bộ Mặt trận của buôn… và trước dân làng – mỗi hộ gia đình phải có mặt một người – họ nói anh “hoạt động FULRO, làm tay sai cho những thành phần xấu, phản động ở nước ngoài, nhận chỉ thị chỉ đạo từ bên ngoài”.
“Chính quyền chỉ cho già làng đứng ra nói. Họ nói theo chính quyền thôi… Họ nói đối tượng này đã nhận sự chỉ đạo của bên ngoài, bây giờ chính quyền đã mời làm việc, điều tra làm rõ, [đối tượng] đã nhận sai trái của mình để dân làng không mắc mưu, không nghe theo kẻ xấu.”
Năm 2014: kiểm điểm hàng tháng
Năm 2014, anh Y Arôn Êban bị áp giải lúc bốn giờ sáng và nhốt 15 ngày.
Anh nói trong thời gian này anh không móc nối với bên ngoài cũng không viết báo cáo, chỉ sinh hoạt tôn giáo, nhưng “số người theo tôi nhiều hơn tín đồ ở nơi nhà nước cho phép sinh hoạt, nên họ lo”.
Anh bị công an “đánh khắp người”, bị đánh vào ngực và bụng, “không thể nào đỡ, không thể nào né được”. Anh cũng bị người tù đánh, và “từ đó sức khỏe mình yếu đi, lao động chân tay hay mệt… và trí nhớ cũng giảm, hay quên”.
Sau đó anh bị buộc phải hàng tháng đi trình diện ở xã và làm kiểm điểm, và không được ra khỏi địa phương.
Tuy nhiên từ năm 2015, anh quyết định lén đi Sài Gòn học Kinh Thánh từ Hệ phái Trưởng lão, và năm 2019 chuyển sang Hệ phái Truyền giảng Phúc âm, bắt đầu giảng Kinh Thánh và quản nhiệm hội thánh.
Cưỡng chế đất năm 2019
Theo lời anh Y Arôn Êban, tháng 5/2019, chính quyền địa phương có “có dự án giao cho các nhà phát triển” và cưỡng chế đất của người dân ở làng Buôn Dhia, xã Cư Ne, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk. Họ cưa đốn nhà, đánh đập tín đồ và người dân, và áp giải về đồn những ai chống cưỡng chế đất.
Anh nói có một hộ gia đình người Kinh, còn lại là người Êđê.
Sau khi “tháo dỡ hết nhà cửa… họ san bằng phần đất đó. Bây giờ phần đất đó họ giao cho nhà phát triển, họ không phân phát lại cho người dân như họ nói trước đây… Hiện tại đất đó bên nhà phát triển làm gì, tôi không biết. Lúc thì họ nói là làm công viên, lúc thì họ nói dự án khu định cư.”
Tỵ nạn tại Thái Lan
Anh Y Arôn Êban đoàn tụ với vợ con năm 2023 (chúng tôi làm mờ hình ảnh vì lý do an toàn).
Tháng 11/2019, sau khi gia đình bị sách nhiễu nhiều lần trong khi anh Y Arôn Êban tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo hay Niềm tin Đông Nam Á ở Thái Lan, anh quyết định ở lại và xin tỵ nạn.
Vì đời sống thiếu thốn và công việc bấp bênh, đến tháng 4/2023, anh mới đưa được vợ con sang.
Tuy nhiên, cả gia đình hiện nay vẫn chưa có quy chế tỵ nạn.