Thông tin cập nhật về chương trình định cư tị nạn qua bảo lãnh tư nhân của Hoa Kỳ

  • Tiến độ chậm và tương lai bấp bênh

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 22 tháng 4, 2023

http://machsongmedia.com

Định kỳ 3 tháng một lần, cùng với một số đồng nghiệp thuộc các tổ chức thân hữu, tôi có buổi họp với Bà Julieta Valls Noyes, Trợ Lý Ngoại Trưởng đặc trách chương trình định cư tị nạn của Hoa Kỳ, để được cập nhật về những phát kiến nhằm thúc đẩy việc định cư nhanh và số lượng lớn người tị nạn toàn cầu. Lần họp định kỳ mới đây là ngày 12 tháng 4 vừa qua.

Các phát kiến do bà Noyes khởi xướng bao gồm: tăng cường số nhân viên phỏng vấn định cư, rút ngắn thời gian cứu xét đơn xin tị nạn, vận động các quốc gia đệ tam khác nhận thêm người tị nạn, thúc đẩy chương trình định cư tị nạn qua bảo lãnh tư nhân. Các nỗ lực này tiến triển khả quan, ngoại trừ chương trình bảo lãnh tư nhân, còn biết đến là Welcome Corps.

Buổi họp định kỳ với bà Julieta Valls Noyes, Trợ Lý Ngoại Trưởng của Hoa Kỳ đặc trách chính sách tị nạn, ngày 12/04/2023 (từ trang Twitter của bà Noyes)

Tăng cường số nhân viên phỏng vấn định cư

Theo bà Noyes, số người tị nạn định cư trong tài khoá 2023 có triển vọng  vượt xa số 25,465 người năm 2022 và số 11,411 người năm 2021.  Riêng trong nửa năm đầu của tài khoá 2023, 18,429 người tị nạn đã đặt chân đến Hoa Kỳ, trong đó 6,112 người đã đến nội trong tháng 3. Với mức độ này, bà Noyes kỳ vọng số người được nhận định cư trong năm nay sẽ là 60 – 65 nghìn. Dù vậy, con số này vẫn chỉ bằng phân nửa đỉnh số do Tổng Thống chỉ định và Quốc Hội tài trợ: 125,000 cho tài khoá 2023.

Rút ngắn thời gian cứu xét hồ sơ định cư tị nạn

Cũng theo bà Noyes, trong năm nay đã có 2,500 người tị nạn được định cư với thời gian ngắn kỷ lục: chỉ 4 tháng từ ngày được mở hồ sơ cho đến khi đặt chân đến Hoa Kỳ. Trước đây, thời gian chờ là 30 tháng. Yếu tố chính để rút ngắn thời gian cứu xét là tiến hành nhiều công đoạn song song với nhau thay vì tuần tự như trước đây. Hiện nay, việc cứu xét song hành đang được thực hiện ở 10 quốc gia tạm dung và sẽ được nới rộng đến nhiều quốc gia khác nữa.

Vận động các quốc gia đệ tam

Bà Noyes tiếp tục thực hiện các buổi họp tư vấn với những người đồng cấp của các quốc gia đệ tam khác nhằm thúc đẩy các quốc gia này nhận định cư thêm người tị nạn. Buổi họp tư vấn kế đến sẽ là tháng 9 này ở Geneva.

Chương trình bảo lãnh tư nhân

Chương trình này mệnh danh là Welcome Corps, được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố đầu năm nay, gồm 2 giai đoạn.

Ở giai đoạn 1, chính phủ Hoa Kỳ giao cho các nhóm tư nhân người tị nạn để định cư và hiện nay chỉ áp dụng đối với người tị nạn ở các quốc gia Đông Phi Châu. Tuy có nhiều người quan tâm (500 nghìn lượt xem trang mạng, 40,000 người ghi danh để nhận thông tin cập nhật, và 4,000 người ghi danh để học trực tuyến về thể thức bảo lãnh tư nhân), nhưng đến nay mới chỉ có 16 hồ sơ đã nộp để trở thành nhóm bảo lãnh. Ở mức độ này, triển vọng định cư người tị nạn theo diện tư nhân bảo lãnh là rất thấp trong giai đoạn 1.

Giai đoạn 2, khi mà các nhóm bảo lãnh có quyền đề nghị người tị nạn mình muốn định cư, còn bấp bênh hơn nữa vì 2 lý do:

  • Ngày triển khai đã bị đẩy lùi: Thoạt tiên, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tiên liệu giai đoạn 2 sẽ được khởi động đầu tháng 6, nhưng giờ đây đã đẩy lùi nó đến cuối mùa hè. Theo tôi, có lẽ thời điểm cuối mùa hè vẫn là quá lạc quan.
  • Nhiều yếu tố khó kiểm soát: Yếu tố thứ nhất liên quan đến quan hệ quốc tế. Chính phủ Hoa Kỳ sẽ phải điều đình với CUTN/LHQ về thể thức chuyển hồ sơ tị nạn đã có nhóm bảo lãnh. Theo bà Noyes, tiến trình thương thảo này chưa bát đầu. Yếu tố thứ hai thuộc nội bộ Hoa Kỳ. Đầu tháng 10 là tài khoá mới của chính phủ. Khi ấy, số chỗ dành cho chương trình bảo lãnh tư nhân, hiện là 5000 chỗ cho tài khoá 2022, có thể bị cắt giảm nếu như giai đoạn 1 không đạt mục tiêu của nó.

Nghĩa là, khi giai đoạn 2 được triển khai thì có lẽ cũng chỉ có 1, 2 nghìn chỗ phân bổ toàn cầu. Thái Lan có thể chỉ được 100 – 200 chỗ chia ra cho đủ mọi thành phần tị nạn đến từ nghiều quốc gia. Người tị nạn Việt Nam có lẽ được vài chục chỗ là nhiều. Ngay cả trước khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố chương trình bảo lãnh tư nhân, tôi đã cảnh báo “hy vọng nhưng thận trọng”, tránh lạc quan tếu.

Chúng ta phải làm gì?

Nỗ lực chính của BPSOS vẫn là thúc đẩy các quốc gia đệ tạm nhanh chóng định cư người tị nạn ở Thái Lan qua các chương trình sẵn có của các chính phủ. Lời kêu gọi này được nhắc lại tại buổi họp với bà Noyes ngày 12 tháng 4 vừa qua. Lúc ấy, tôi nêu lên trường hợp 3 người Miến Điện trong phong trào phản kháng đã bị chính phủ Thái Lan giao trả cho chính quyền quân phiệt Miến Điện vào ngày 1 tháng 4 và vụ 63 người Trung Hoa xém bị giao trả nhưng đã cản chặn kịp (trong đó có phần công sức của luật sư của BPSOS) xảy ra sau đó vài ngày. Ngay sau khi Ông Đường Văn Thái bị tình nghi bắt cóc và đưa về Việt Nam, tôi lại trực tiếp kêu gọi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sớm định cư tất cả những người Việt đã có quy chế tị nạn ở Thái Lan.

Nỗ lực kế đến là khai thác chương trình định cư tị nạn theo diện tư nhân bảo lãnh của Canada, là chương trình đã ổn định và chứng minh được hiệu quả. Từ năm 1978 đến nay, chương trình này đã định cư hơn 327,000 người tị nạn và hàng năm tiếp tục định cư thêm 22,500 – 30,000 người. Từ đầu năm 2022 đến giờ, BPSOS đã giúp lập hồ sơ cho hơn 80 đồng bào tị nạn theo chương trình này. Nhiều người trong số này chuẩn bị được phỏng vấn bởi phái đoàn của Sở Di Trú Canada.

Riêng đối với chương trình bảo lãnh tư nhân của Hoa Kỳ, quan điểm của chúng tôi là không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào có được. Dù cuối cùng chỉ có vài chục chỗ dành cho người Việt tị nạn ở Thái Lan, thì chúng ta cũng cần sẵn sàng tận dụng số chỗ ấy. Hiện nay, đã có trên 60 nhóm ở Hoa Kỳ ngỏ ý muốn bảo lãnh đồng bào tị nạn. Chúng tôi đang hướng dẫn họ từng bước hoàn thành thủ tục để được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chứng nhận là đủ tiêu chuẩn để bảo lãnh tư nhân.

Song song, chúng tôi cũng vận động CUTN/LHQ chuyển hồ sơ người tị nạn đến các chính quyền nhận định cư. Tại các buổi họp hàng tuần với CUTN/LHQ luật sư của BPSOS đều đề nghị các hồ sơ cần ưu tiên được định cư. Nay, nhân sự kiện CUTN/LHQ không thể bảo vệ Ông Đường Văn Thái, người đã được chính CUTN/LHQ công nhận tư cách tị nạn, chúng tôi đang thúc đẩy hơn nữa việc giải quyết định cư nhanh cho số đông những ai đã có quy chế tị nạn. Luật sư của chúng tôi đã và sẽ tiếp tục báo động CUTN/LHQ các trường hợp tình nghi thông tin riêng tư có thể bị lộ khi mà công an điều tra Ông Đường Văn Thái.

Thông tin liên quan:

Chương trình định cư tị nạn theo diện bảo lãnh tư nhân của Hoa Kỳ: hy vọng nhưng thận trọng
https://machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1888-chuong-trinh-dinh-cu-ti-nan-theo-dien-bao-lanh-tu-nhan-cua-hoa-ky-hy-vong-nhung-than-trong

 ======================

Thông Báo của Văn Phòng CAP, Thái Lan

Nếu nghĩ bị liên luỵ đến việc Đường Văn Thái tình nghi bị bắt cóc, hãy liên lạc với văn phòng luật sư  Center for Asylum Protection (CAP)

Trong mấy ngày qua, liên quan đến vụ tình nghi bắt cóc Ông Đường Văn Thái, nhiều người tị nạn ở Thái Lan đã gọi đến văn phòng luật sư CAP để báo động mối nguy đến bản thân vì có quan hệ gần gũi với Ông Thái.  Để tiện cho luật sư CAP, xin quý vị cung cấp các loại thông tin sau:

Thông tin về nhân thân: Tên họ chính thức, số UNHCR, số điện thoại cập nhật

Các thông tin đã chia sẻ với Đường Văn Thái: Mô tả vắn tắt các loại thông tin đã chia sẻ với Đường Văn Thái như tên họ của các thân nhân ở Việt Nam hay đang ở Thái Lan, địa chỉ cư trú… và giải thích tại sao thông tin này sẽ làm tăng mối nguy cho đương sự nếu lọt vào tay công an.

Phương thức lấy thông tin: Xin cho biết cách Đường Văn Thái đã thu thập thông tin cá nhân của quý vị và, nếu biết, đã lưu giữ các thông tin này ở đâu.

Không cần phải cung cấp thông in quá chi tiết.

Xin gửi các thông tin này đến CAP theo địa chỉ email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it., hoặc chuyển qua số Line hoặc WhatsApp: 086-398-1016 

Viết một bình luận