- Giải pháp nào cho số cựu thuyền nhân bị bỏ rơi lại ở Thái Lan
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 30 tháng 3, 2023
http://machsongmedia.com
LM Prayoon (Peter) Namwong, vị ân nhân của những ai từng ở trại Sikiew năm xưa, lần nữa kêu gọi các bên hữu trách hãy giải quyết định cư số cựu thuyền nhân bị bỏ rơi lại Thái Lan sau khi chương trình định cư nhân đạo của chính phủ Canada dành cho họ đã kết thúc. Trong lời kêu gọi ngày 20 tháng 1, 2023, LM Namwong xác nhận nhiều gia đình còn kẹt ở Thái Lan là cựu thuyền nhân ở trại Sikiew trước đây.
Không kể 6 hồ sơ bị mất liên lạc và 8 hồ sơ hoặc đã hồi hương hoặc đang lánh nạn sang một quốc gia khác trong vùng, hiện có 14 hồ sơ cựu thuyền nhân gồm 26 người bị bỏ rơi lại Thái Lan.
Hình 1 — Thủ bút của LM Namwong, ngày 20/01/2023
Bất công
Trong khi 14 hồ sơ, gồm 26 cựu thuyền nhân, bị bỏ rơi lại, thì cũng có 14 hồ sơ, gồm 34 người, hoàn toàn không đủ điều kiện lại thay họ đi định cư Canada, bao gồm:
- 7 hồ sơ gồm 19 người không hề là cựu thuyền nhân
- 7 hồ sơ gồm 15 người là cựu thuyền nhân đã hồi hương và không hề lưu lạc, vô tổ quốc
Ngoài ra, có 7 hồ sơ gồm 16 người là cựu thuyền nhân sang tị nạn lần 2 ở Thái Lan vì những hoạt động sau khi hồi hương. Lẽ ra họ phải qua thủ tục cứu xét tư cách tị nạn của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ y như người mới đến Thái Lan lần đầu. Nhưng họ đã giả làm cựu thuyền nhân lưu lạc, vô tổ quốc lâu năm ở Thái Lan để đi định cư tắt theo chương trình nhân đạo của Canada.
Năm 2011, tôi cùng với Ts. Lê Duy Cấn gặp gỡ một nhóm cựu thuyền nhân vừa chạy sang Thái Lan. Chỉ một số ít đến với luật sư của BPSOS để làm đơn xin quy chế tị nạn với CUTN/LHQ; số còn lại chẳng thiết tha gì việc này. Dò lại danh sách của thành phần này, tôi chợt nghĩ rằng ý hướng của họ ngay từ đầu là “ăn gian” và họ đã ăn gian thành công.
Ts. Thắng và Ts. Cấn cùng với 2 cựu thuyền nhân vừa trở lại Thái Lan, Bangkok, ngày 10/06/2011 (ảnh BPSOS)
Không phải lần đầu
Cuối năm 2017, LM Namwong từng lên tiếng kêu cứu cho các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi và ngỏ ý muốn gặp tôi ở Thái Lan để bàn việc này. Đáp lại, tôi nhờ anh Vũ Hoàng Hải ở Nam Cali làm hẹn để mời LM Namwong đến văn phòng của BPSOS ở Bangkok.
Tôi mời Ông Nam Lộc, lúc ấy trong Hội Đồng Quản Trị của VOICE, từ Hoa Kỳ đến Thái Lan để họp chung. Cũng hiện diện tại buổi họp còn có cựu Đại Sứ Joseph Rees, tư vấn thâm niên của BPSOS về các đề xuất quốc tế. Ông Võ Văn Dũng, có biệt danh là Dũng Loa, cũng có mặt vì là người chở LM Namwong đến nơi họp. Đó là ngày 14 tháng 11, 2017.
LM Namwong khẩn khoản kêu gọi giải quyết định cư cho số cựu thuyền nhân bị bỏ rơi, mà phần lớn đang sống quanh nơi ở và làm việc của nhà tu hành này. LM Namwong cho biết là cảnh sát Thái Lan sắp đến sẽ kiểm soát gắt những người cư trú bất hợp pháp. Nếu bị bắt thì không chỉ họ bị phạt tù mà người chứa chấp họ cũng bị phạt tiền rất nặng mà LM Namwong e sẽ không cáng đáng nổi.
Tôi trả lời là BPSOS không thể giúp các cựu thuyền nhân này định cư theo chương trình nhân đạo của Canada vì đó là công việc và trách nhiệm của VOICE. Tôi hứa với LM Namwong là các luật sư của BPSOS sẽ giúp các cựu thuyền nhân làm đơn xin cứu xét tư cách tị nạn với CUNT/LHQ; nếu được quy chế tị nạn thì họ có thể đi định cư theo diện tị nạn, và không cần đến chương trình định cư nhân đạo đã đóng của Canada. Những ai không được quy chế tị nạn thì VOICE phải giải quyết định cư cho họ.
Ông Nam Lộc hứa chuyển lời kêu gọi của LM Namwong đến VOICE.
Định cư nhân đạo và định cư tị nạn
Các quốc gia đệ tam chỉ nhận định cư tị nạn những ai đã được CUTN/LHQ công nhận tư cách tị nạn và chuyển hồ sơ đến cho họ. Chính phủ Canada, qua sự vận động của Liên Hội Người Việt Canada, mở ra một ngoại lệ dành riêng cho các cựu thuyền nhân Việt Nam không có quy chế tị nạn và đã sống lưu lạc, vô tổ quốc lâu năm ở Thái Lan sau khi trại Sikiew đóng cửa. Theo đó, chính phủ Canada, với sự đồng ý của chính phủ Thái Lan và CUTN/LHQ, nhận định cư nhân đạo các cựu thuyền nhân này mà không đòi hỏi quy chế tị nạn.
Ts. Lê Duy Cấn nói đến ở trên là người đã thay mặt Liên Hội Người Việt Canada ký thoả thuận thư với chính phủ Canada về chương trình định cư nhân đạo này. Ông đã giao khoán phần thực hiện cho VOICE.
Khi chương trình định cư nhân đạo này đóng lại, nhiều cựu thuyền nhân tri hô lên là đã bị bỏ rơi. Cuối năm 2017, tôi sắp xếp để LM Namwong lên tiếng cho họ với VOICE, qua Ông Nam Lộc.
Giữ lời hứa với LM Namwong, luật sư của BPSOS đã can thiệp thành công để CUTN/LHQ công nhận tư cách tị nạn cho 7 hồ sơ gồm 11 người. Nay họ có thể định cư theo diện tị nạn ở một quốc gia đệ tam.
Số 7 hồ sơ còn lại, gồm 15 người, nếu muốn xin quy chế tị nạn thì sẽ phải mất nhiều năm nữa, chưa kể CUTN/LHQ đang chuyển giao cho chính phủ Thái Lan tiến trình “thanh lọc” người xin tị nạn. Khi ấy sẽ có vô vàn rủi ro. Cách tốt hơn và bảo đảm hơn là Liên Hội Người Việt Canada vận động chính phủ Canada mở lại chương trình nhân đạo cho họ.
Nhiều lần đôn đốc
Từ năm 2019, tôi đã nhiều lần liên lạc cách riêng với những người chủ chốt của Liên Hội Người Việt Canada để kêu gọi giải pháp này nhưng đến nay vẫn chưa có sự đáp ứng.
Cuối tháng 1 năm 2023, do không còn cách nào khác hơn, một số cựu thuyền nhân đích thân liên lạc với Liên Hội Người Việt Canada và VOICE Canada để kêu gọi 2 tổ chức này chung sức giải quyết tình trạng bị bỏ rơi. Họ gửi lá thư chung, với thủ bút yểm trợ của LM Namwong, để đề nghị:
1. VOICE Canada hãy dùng tiền đã gây quỹ còn dư để ưu tiên định cư tất cả các cựu thuyền nhân, kể cả những người đã có hoặc không có quy chế tị nạn. Chúng tôi được biết là phần lớn những đợt được định cư trước đây đã không dùng hết số tiền ký quỹ cho họ. Chúng tôi cũng biết từ trang Facebook của cô Grace Bùi rằng VOICE Canada đã định cư người không có quy chế tị nạn.
2. Liên Hội Người Việt Canada cần đòi hỏi VOICE Canada thực thi yêu cầu kể trên của chúng tôi khi được uỷ thác việc gây quỹ và lập hồ sơ cho chương trình định cư nhân đạo đặc biệt của Canada dành cho các cựu thuyền nhân Việt Nam. Là tổ chức ký thoả thuận thư về chương trình này, Liên Hội Người Việt Canada không những có trách nhiệm đối với chính phủ Canada mà còn có trách nhiệm đối với các mạnh thường quân đã đóng góp tài chánh và đặc biệt đối với các cựu thuyền nhân là đối tượng của chương trình.
Sau nhiều lần nhắc nhở, đến nay các cựu thuyền nhân ký thư chung vẫn chưa nhận được hồi âm.
Đổ lỗi
Thay vì mở lối thoát cho các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi, có người thuộc tổ chức hữu trách đã đổ lỗi là vì họ lên tiếng ầm ĩ nên chính quyền Canada ngưng nhận định cư nhân đạo. Thực ra, các cựu thuyền nhân này chỉ lên tiếng sau khi chương trình này đã đóng và vì hồ sơ của họ đã không được nộp cho chính phủ Canada.
Lại có người cùng tổ chức ấy đổ thừa cho LM Namwong là người cung cấp danh sách cựu thuyền nhân trực tiếp cho Sở Di Trú Canada, cho nên hồ sơ bị bỏ sót là do lỗi của LM Namwong. Đó là vu oan; chính nhà tu hành này đã nhiều lần bất bình lên tiếng cho những cựu thuyền nhân bị bỏ rơi.
Đôi dòng về LM Namwong
LM Namwong, gia đình là người Việt di cư sang Thái Lan nhiều thế hệ trước, là vị cứu tinh của nhiều người Việt ở trại Sikiew. Chính LM Namwong đã lén chuyển thông tin, kèm với hình ảnh, từ trại Sikiew cho BPSOS để vận động Quốc Hội Hoa Kỳ và quốc tế – việc làm này nguy hiểm cho chính bản thân của LM Namwong nếu bị chính quyền Thái phát giác.
Một trong số các tấm hình đó là cảnh một nữ thuyền nhân khi nhập viện vẫn bị xích chân. Nó nói lên thân phận của đồng bào thuyền nhân lúc bấy giờ. Chúng tôi treo tấm hình này thường trực tại văn phòng trung ương của BPSOS để tưởng nhớ đến giai đoạn hết sức đen tối trong lịch sử thuyền nhân vượt biển tìm tự do.
Hình 3 – Phụ nữ Việt bị xích chân khi nhập viện từ trại Sikiew
Lời kêu gọi trách nhiệm
Khi đánh bạo lên tiếng, các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi lo ngại các đòn đánh phủ đầu để bịt miệng. Để che chắn cho họ, ngày 10 tháng 2, 2023, BPSOS chính thức lên tiếng và đặt vấn đề trách nhiệm với Liên Hội Người Việt Canada. Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng.
Đồng thời, chúng tôi sẽ từng bước bạch hoá thông tin cho thấy họ bị bỏ rơi trong khi những người không đủ điều kiện lại lên đường định cư. Chúng tôi có những thông tin này vì:
- BPSOS nắm hồ sơ của nhiều cựu thuyền nhân trước đây ở trại Sikiew.
- Khi phỏng vấn các hồ sơ cựu thuyền nhân để định cư theo chương trình nhân đạo, phái đoàn Canada đã sử dụng 2 nhân sự của BPSOS làm thông dịch viên.
Tôi kêu gọi những thành phần hữu trách, vì lương tri, hãy ngưng ngay hành vi đổ lỗi cho một nhà tu hành đã hết lòng cưu mang người tị nạn Việt Nam và cũng ngưng ngay chiêu đánh phủ đầu nạn nhân là các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi. Thay vào đó, hãy thực tâm góp phần tìm giải pháp có hậu cho họ, những thuyền nhân Việt Nam cuối cùng.
Tôi cũng kêu gọi các người làm truyền thông có lương tâm đứng về phe của kẻ yếu thế, của các nạn nhân của sự bất công, của các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi lại Thái Lan.
Thông tin liên quan:
Ông Trần Thanh Mẫn: “hết đời người” mắc kẹt ở Thái Lan
https://machsongmedia.com/vietnam/moi-tuan-mot-guong-mat-ti-nan/1915-ong-tran-thanh-man-het-doi-nguoi-mac-ket-o-thai-lan
Ông Sơn Doành: 8 năm để có quy chế tỵ nạn tại Thái Lan
https://machsongmedia.com/vietnam/moi-tuan-mot-guong-mat-ti-nan/1912-ong-son-doanh-8-nam-de-co-quy-che-ty-nan-tai-thai-lan
Bà Thạch Thị Phay: Một cuộc đời quá đỗi bất hạnh và nỗi khao khát gặp lại con dù chỉ một lần…
https://machsongmedia.com/vietnam/moi-tuan-mot-guong-mat-ti-nan/1914-song-chi-mot-cuoc-doi-qua-doi-bat-hanh-va-noi-khao-khat-gap-lai-con-du-chi-mot-lan
Còn nhiều cựu thuyền nhân đang không lối thoát ở Thái Lan
https://machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1901-con-nhieu-cuu-thuyen-nhan-dang-khong-loi-thoat-o-thai-lan
Kêu gọi lòng trắc ẩn cho một cựu thuyền nhân bị bỏ rơi ở Thái Lan
https://machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1891-keu-goi-long-trac-an-cho-mot-cuu-thuyen-nhan-bi-bo-roi-o-thai-lan
Thêm cựu thuyền nhân bị bỏ rơi ở Thái Lan cầu cứu
https://machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1892-them-cuu-thuyen-nhan-bi-bo-roi-o-thai-lan-cau-cuu
Thông Báo Gửi Đồng Bào Cựu Thuyền Nhân Còn Kẹt Ở Thái Lan
https://machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1889-thong-bao-gui-dong-bao-cuu-thuyen-nhan-con-ket-o-thai-lan