Ông Trần Thanh Mẫn: “hết đời người” mắc kẹt ở Thái Lan

LTS: Người đến Thái Lan xin tị nạn phải trải qua cuộc thẩm định tư cách tị nạn của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ. Nếu không có quy chế tị nạn thì không thể đi định cư, ngoại trừ một ít trường hợp đặc biệt. Để được cứu xét tư cách tị nạn bởi LHQ thường mất từ 1 đến 2 năm và đôi khi lâu hơn. Nếu bị từ chối tư cách tị nạn, thủ tục kháng cáo phải mất thêm từ 1 đến 2 năm. Nếu tiếp tục bị từ chối, đương đơn có thể xin mở lại hồ sơ và phải chờ đợi thêm từ 3 đến 5 năm. Câu chuyện của Ông Trần Thanh Mẫn nói lên nỗi gian truân trong tiến trình xin CUTN/LHQ cứu xét quy chế tị nạn. 

 

Tác giả: Hải Di Nguyễn

Năm 1989 là lần đầu tiên ông Trần Thanh Mẫn (sinh năm 1970) vượt biên sang Thái Lan, nhưng bị cưỡng bức hồi hương. Hiện nay, ông là một trong số những cựu thuyền nhân vẫn còn kẹt lại tại Thái Lan, không giấy tờ, không quy chế tỵ nạn.

“Một số người ở hải ngoại cũng không nghĩ là ở Thái Lan còn người tỵ nạn đâu, họ không nghĩ là còn thuyền nhân… Họ nói tại sao mấy chục năm vẫn còn thuyền nhân? Nói chung là, chúng tôi là thuyền nhân bị bỏ rơi.”

Ông Trần Thanh Mẫn nói ngày 16/3/2023.

Ông Trần Thanh Mẫn nói tay trái bị tật và mặt còn sẹo từ lần bị đánh năm 1998. 

Vượt biên

Ông Trần Thanh Mẫn tìm cách vượt biên từ năm 1987, và đến Thái Lan lần đầu tiên ngày 6/4/1989.

“Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Khi Cộng sản Bắc Việt vào chiếm Sài Gòn, gia đình tôi bị tịch thu tài sản và đưa về vùng kinh tế mới.”

Ông giải thích “Cha tham gia chế độ Sài Gòn, bị chèn ép quá, không thể sống nổi”, và sau khi cha ông “bị đày đọa… rồi bệnh chết” ở Kiên Giang, ông quyết định phải vượt biên. 

“Tôi đi bảy lần, lần thứ bảy mới thoát được qua Thái Lan. Tưởng là qua được định cư, ai ngờ qua sau ngày 14/3/89, phải bị thanh lọc.”

Theo ông, chính sách thanh lọc khi ấy đầy bất công, ông bị gán là đi vì lý do kinh tế và không được tỵ nạn.

Không tự nguyện hồi hương, ông cũng như nhiều người khác bị đưa vào tù biệt giam: “Vô đó khổ sở dữ lắm, có người mổ bụng, có người tuyệt thực.”

Bị cưỡng bức hồi hương

Ngày 26/9/1996, ông Trần Thanh Mẫn bị cưỡng bức về lại Việt Nam, rồi bị đưa tới Thủ Đức.

“Họ điều tra tôi trong vòng ba ngày. Mỗi ngày chỉ cho tôi ăn một bữa cơm thôi, một chai nước, cho mình sống qua ngày.”

Ông bị tra khảo rồi được trả về địa phương, không CMND, không hộ khẩu, cũng không nhà cửa, “nay sống chỗ này, mai sống chỗ kia”.

Bị ép về lại Việt Nam, ông nói cứ lâu lâu lại bị công an “gây chuyện”, “nhục mạ mình là thằng phản quốc”. Ông kể một lần hỏi một người công an địa phương tại sao cứ kiếm chuyện, “họ lấy ly chọi vào mặt tôi”.

“Ngày hôm sau, 5-6 người thanh niên bịt mặt, cầm dùi cui đánh tôi.”

Ông kêu cứu và được người trên đường can thiệp, và hai vợ chồng trốn đi ngay trong đêm. Đó là năm 1998.

Lần hai vượt biên: ở Campuchia

Từ Việt Nam, hai vợ chồng trốn sang Campuchia, nhưng sau một thời gian vẫn thấy bất ổn và sang Thái Lan năm 2000.

Hai vợ chồng và con nhỏ ở Thái Lan

received 169061275937646

Không giấy tờ, ông chạy bàn, sơn nhà, làm xây dựng, bốc vác…

Ông Trần Thanh Mẫn giải thích, chẳng hạn với một việc thông thường phải trả 500 baht (khoảng 15 USD) một ngày, người ta có thể trả ông khoảng 200-300 baht (khoảng 6-9 USD).

“Tối nhiều khi ra chợ rau… mình đi lựa rau họ bỏ, lựa lại về ăn.”

Trước đây ông không dám cho vợ ra ngoài đi làm vì không biết tiếng Thái, dễ bị bắt. Chính ông cũng bị cảnh sát bắt ba lần, mỗi lần phải nộp phạt 5.000-10.000 baht, tức là một hoặc hai tháng lương, dù không bị đưa vào IDC (Immigration Detention Centre), trại giam cho người nhập cư trái phép, bao gồm cả người tỵ nạn và người xin tỵ nạn tại Thái Lan.  

received 917347022945575

“Bây giờ được cái may mắn, vì tôi và vợ tôi là người Công giáo, các cha ở nhà thờ nhận vào làm. Hiện tại tôi đang làm việc cho nghĩa trang của một nhà thờ Công giáo, còn vợ giúp việc cho mấy soeur của dòng tu. Con gái cũng được mấy soeur nhận vào làng trẻ mồ côi… mấy soeur nuôi và cho đi học.”

Con gái ông sinh năm 2011. Ông giải thích, nếu không nhờ các soeur, con gái ông sẽ không bao giờ được đi học vì không có giấy tờ, nhưng vẫn bị phân biệt, không được nhận quà như các bạn cùng lớp.

“Nhiều khi thấy con bé về khóc, nó cũng tủi.”

Nghe nhạc Việt không dám mở lớn

Ở Thái Lan, gia đình ông dọn từ nơi này sang nơi khác, khi hết việc hoặc khi cảm thấy không an toàn, và tránh những nơi nhiều người Việt như Bangkok để không bị cảnh sát chú ý.

“Không có giấy tờ hợp pháp, mình làm gì cũng lo sợ.”

Ông kể, ở nhà nghe nhạc Việt không dám mở lớn, ra ngoài thấy người Việt không dám giao tiếp, đi trên đường cũng không dám nói chuyện điện thoại bằng tiếng Việt.

Công an chìm

Ông Trần Thanh Mẫn nói, năm 2018 ông gặp một người ông cho là công an chìm từ Việt Nam.

Theo ông, một người lạ đến nói với cha xứ mình đang đi kiếm việc, và được các soeur giới thiệu đến nhà ông tá túc.

Ông nói “Tôi cũng nghi ngờ nên khóa cửa lại, nhốt trong nhà để đi mua cơm” và khi về, thấy anh ta “đang cầm máy quay phim, chụp hình hết trong nhà mình”. Ông đập bỏ máy, đuổi anh ta đi, và ngày hôm sau dọn sang nhà khác.

Cựu thuyền nhân bị bỏ rơi

Năm 2019, ông nộp đơn xin tỵ nạn tại Thái Lan.

Khi được hỏi tại sao đến năm 2019 mới xin tỵ nạn dù đã sống ở đó từ năm 2000, ông nói “Mình nghĩ là Cao ủy rút rồi, chắc không còn ở Thái” và cũng không được ai cho biết vì không sống gần người Việt, tới khi nghe từ một người Campuchia cũng xin tỵ nạn.

“Dù sao mình qua Thái Lan vẫn an toàn hơn ở Việt Nam. Ở Việt Nam mình đã bị truy sát rồi, đã bị đánh thoát chết rồi, phải chạy thôi… không biết số phận đi về đâu.”

Thế nhưng một lần nữa ông lại không có bằng chứng – chưa từng đi tù ở Việt Nam, cũng chẳng có giấy truy nã – và hồ sơ bị đánh rớt.

Ông cũng kể trước đó được một tổ chức của người Việt đến phỏng vấn và lấy thông tin để lập hồ sơ đi định cư theo diện cựu thuyền nhân ở Canada, nhưng cuối cùng chẳng được gì.

“Họ lấy danh sách [thuyền nhân] nhưng cuối cùng lại đưa những người không phải thuyền nhân đi…[Cựu] thuyền nhân đã quá khổ rồi, bị nhốt trong trại bao nhiêu năm, bị lưu lạc bao nhiêu năm ở đây, mấy chục năm rồi, trong đó họ không có giấy tờ của Cao ủy cấp quy chế tỵ nạn.”

Theo ông Trần Thanh Mẫn, năm 2019 ông đi dự họp báo với người tỵ nạn ở Thái Lan và bị đưa lên VTV1 với gạch chéo, cùng với gia đình ông Sơn Doành (trong bài viết trước đã đăng trên Mạch Sống).

Ông cũng nói, ngày 17/2/2023, công an tới nhà chú ông ở Việt Nam và nói ông “là tội phạm nguy hiểm, cấu kết với ông Nguyễn Đình Thắng và tổ chức BPSOS, là một tổ chức khủng bố”. Người em họ của ông nói “anh đừng có về nha, anh về là anh chết.”

Kẹt tại Thái Lan, ông “sống trong hoang mang” và sợ bị đưa về Việt Nam lần hai – muốn mở lại hồ sơ cũng phải mất vài năm.

“Giờ ở đây cũng mấy chục năm rồi, cảm thấy buồn lắm. Hết đời người rồi.”

 

Chú thích: Bài viết lúc đầu có câu “Ông Trần Thanh Mẫn vượt biên lần đầu tiên ngày 6/4/1989.” Câu này không hoàn toàn chính xác, và đã được chỉnh sửa. 

Viết một bình luận