Ông Sơn Doành: 8 năm để có quy chế tỵ nạn tại Thái Lan

LTS: Gần đây có tin đồn là chính phủ Hoa Kỳ bây giờ nhận người tị nạn rất dễ, chỉ cần đến Thái Lan chẳng bao lâu sẽ được định cư Hoa Kỳ. Chúng tôi xin kể về trường hợp ông Sơn Doành và gia đình, và hành trình gian truân và đằng đẵng để được công nhận tư cách tị nạn tại Thái Lan. Một số người Việt ở Texas gần đây đã ngỏ ý giúp gia đình ông Sơn Doành qua chương trình bảo lãnh tư nhân Welcome Corps, nhưng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vẫn chưa công bố cách nào để những nhóm bảo lãnh tư nhân chỉ định người tị nạn mà họ muốn giúp định cư.

 

Tác giả: Hải Di Nguyễn

Cuối năm 2012, ông Sơn Doành một lần nữa sang Thái Lan tìm đường tỵ nạn. Đầu năm 2013, ông chỉ đường cho vợ cùng hai con sang với mình. Thế nhưng tới tận năm 2021, gia đình mới được quy chế tỵ nạn, và hiện nay vẫn không rõ bao giờ sẽ được định cư ở nước khác.
Ngày 13/3/2023, tôi nghe vợ chồng ông Sơn Doành (sinh năm 1964) và bà Lưu Thị Yến (1966) và con trai, anh Sơn Tín Mậu (1988), kể về gia đình mình và cuộc sống ở Thái Lan.

Từ trái qua phải: anh Sơn Tín Mậu, ông Sơn Doành, bà Lưu Thị Yến, anh Sơn Thục Tảo. 

Lần đầu ở Thái Lan: 1991-1996
Khi còn ở Việt Nam, ông Sơn Doành sống ở Sóc Trăng.
“Tôi bị cưỡng bức lao động, chịu không nổi, tôi mới bỏ nước ra đi.”
Năm 1991, ông trốn sang Thái Lan.
Ông kể “Năm 1991, hai đứa con còn nhỏ, không đi được. Đứa lớn mới bốn tuổi, đứa nhỏ hai tuổi… Tôi bị cưỡng bức lao động, sống không nổi, nên đi luôn. Gia đình cũng không biết tôi đi đâu về đâu. Tới gần một năm trời, viết một lá thư về, mới biết tôi ở Thái Lan.”
Ông nói khi ở trại, mỗi tuần được 3,5kg gạo, 100g thịt gà, 100g thịt heo, 1,5kg rau, và 1,7kg than để nấu nướng.
“Ở trại khổ lắm, nhưng phải ráng ở. Bề ngang 5 tấc để ngủ, chiều dài 2m, người nào lớn con phải ngủ nghiêng, không ngủ thẳng được.”
Vợ con ở Việt Nam
Bà Lưu Thị Yến kể “Ba mấy đứa nhỏ đi rồi, tôi ở nhà khổ lắm, đi xin gạo ông bà, xin tiền nuôi mấy đứa con, cho nó ăn học.”
“Công an lại hỏi hoài, tôi nói tôi không biết chồng tôi đi đâu.”
Khi đó chưa có internet, hai vợ chồng chỉ có thể viết thư, nửa năm hay mỗi năm một lần.
Bị cưỡng bức hồi hương
Năm 1996, ông Sơn Doành cùng nhiều người Việt khác bị cưỡng bức hồi hương.
Khi đó đang có chương trình ROVR (Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees, tức Cơ hội Tái Định cư cho Người Việt Hồi hương), tức là chương trình cho người Việt tỵ nạn được xem xét định cư ở Hoa Kỳ sau khi trở về Việt Nam, nhưng ông nói “Không tham gia, vì ai tham gia phải tự nguyện hồi hương… Không muốn sống trong chế độ cộng sản nữa, tôi mới bỏ nước ra đi, tôi không muốn trở về nữa.”
Ông kể những người không chịu trở về Việt Nam bị tống vào khu biệt giam, không được ra ngoài.
“Cỡ hai tháng, gần ba tháng, chịu không nổi, một nhóm anh em nổi lên biểu tình bất bạo động. Cho đến ngày 29/6, họ cưỡng bức về Việt Nam, ai không chịu trở về thì mổ bụng.”
Ông là một trong số những người mổ bụng, sau đó bị đẩy sang nhà tù ở Bangkhen, nhưng rồi vẫn bị cưỡng bức hồi hương năm 1996.
Lần hai sang Thái Lan: 2012
Về Việt Nam, ông thường xuyên bị tra khảo, chất vấn. “Họ bắt tôi một tuần lễ có khi lên hai lần, có khi lên một lần.”
Năm 2012, một lần các sư mời mọi người đến họp để nói về tu bổ chùa, thì công an ập vào, vì “năm 2009 có biểu tình bất bạo động, công an không cho tụ tập tại chùa.”
“Tôi trốn thoát rồi bỏ nước ra đi luôn.”
Cuối năm 2012, ông Sơn Doành lần hai sang Thái Lan tỵ nạn, và không lâu sau đó, dẫn đường cho cả gia đình cùng sang Thái Lan.

5

Gia đình họ lặt rau củ để bán ngoài chợ, mỗi lần bị bắt phải nộp phạt 500 baht. 

Sống không giấy tờ
Ông kể “Tôi ra đống rác lượm đồ về ăn, lượm đồ bán chút ít, lây lất sống qua ngày… Tôi gặp được một người Miên… họ nói không có nghề nghiệp, đi lại khổ lắm, họ kêu tôi ở nhà họ, kêu tôi đi lượm cà, lượm củ hành, cái gì tốt tốt để vợ ổng bán. Một ngày có khi ổng cho được 150-200 baht.” (khoảng 4-5 USD)
Đôi khi, ông phụ giúp ban đêm và được “người ta thương, mấy đồ gì bỏ người ta cho tôi, tôi đem về lặt lại, giao cho mấy người Thái bán cơm. Sống tới bây giờ.”
Năm 2013, ông nộp hồ sơ cho LHQ xin tỵ nạn nhưng bị từ chối, cả gia đình phải sống ở Thái Lan trong tình trạng bấp bênh không giấy tờ. Mỗi lần được người quen báo sắp có cảnh sát hoặc nhân viên Sở Di trú Thái Lan đến, họ đều trốn ở nhà, không dám đến chợ.
Mặc dù chưa bao giờ bị cảnh sát bắt, ông Sơn Doành bị bảo vệ bắt nhiều lần vì “bán đồ bất hợp pháp”, và phải nộp phạt mỗi lần 500 baht (khoảng 15 USD).
Ông và anh Sơn Tín Mậu cũng nói bà Lưu Thị Yến có vấn đề sức khỏe: vừa bị huyết áp cao, vừa bị tiểu đường, vừa có bướu ở cổ.
Anh Mậu nói “Nó bị biến chứng, mắt không thấy một bên, và nhiều khi đang đi tự nhiên té.”
Khi chưa được quy chế tỵ nạn, bà phải đi bác sỹ tư. Theo anh Mậu “Nhiều khi mình có tiền chút ít, mình đi chích một mũi cầm cự… Mẹ tôi lâu lâu huyết áp cao, phải đi chích liền.”
Tuy nhiên anh nói bệnh viện không dám phẫu thuật vì huyết áp lẫn lượng đường trong máu đều tăng.
Tỵ nạn tại Thái Lan
Anh Sơn Tín Mậu cho biết, năm 2019, họ tham dự một buổi họp mặt của thuyền nhân Việt Nam tại Thái Lan và livestream trên Facebook, sau đó những hình ảnh đó bị đưa lên VTV1, với gạch chéo, và bị gọi là “tổ chức phản động”.

4
Anh và ông Sơn Doành kể, từ đó họ được giới thiệu với BPSOS và được luật sư giúp bổ sung lại hồ sơ gửi lên LHQ.
Năm 2021, sau tám năm ở Thái Lan, gia đình họ chính thức có quy chế tỵ nạn từ LHQ.
Tuy vậy, dù không còn phải sống trong nơm nớp sợ hãi vì không giấy tờ, họ không được trợ giúp nào từ chính phủ Thái Lan, chỉ đôi khi được một tổ chức của người Đài Loan hoặc người Việt hải ngoại gửi tiền hoặc phát gạo. Anh Sơn Tín Mậu cũng nói LHQ chỉ giúp khi bệnh nặng, còn những chi phí như chụp CT hoặc thử máu phải tự trả.
Theo anh Mậu, chính phủ Thái Lan không ký công ước LHQ về người tỵ nạn và Thái Lan “không thích người tỵ nạn như mình, họ quy chụp mình là người sống bất hợp pháp ở đất nước họ. Họ không ưa gì mình.”
Ông Sơn Doành nói quyết định sang Thái Lan vì đã từng qua một lần, và vì “có Cao ủy Tỵ nạn, nếu may mắn, mình được đi định cư nước thứ ba.”
Ông và anh Sơn Tín Mậu đều nói không biết thời gian chờ đợi sẽ lâu như vậy, “chỉ cầu Trời Phật để Cao ủy Tỵ nạn cấp cái thẻ tỵ nạn”, và ngay cả khi đã có thêm bằng chứng để đưa vào hồ sơ cuối năm 2019/ đầu năm 2020, đến năm 2021 mới được quy chế tỵ nạn chính thức.
Anh Mậu nói “Có những người sống 17-18 năm [ở Thái Lan] còn chưa được gì.”
Hiện nay đã có giấy tỵ nạn, nhưng khi nào gia đình ông Sơn Doành sẽ được sang nước thứ ba định cư?
“Mình chỉ chờ đợi thôi, không biết khi nào được đi”, anh Mậu nói. 

Viết một bình luận