Những diễn tiến tốt hơn và xấu đi từ CUTN/LHQ

• Cần gấp luật sư và thông dịch viên tình nguyện cho hồ sơ xin tị nạn ở Thái Lan
BPSOS, ngày 14 tháng 3, 2023
http://machsongmedia.com
Trong thời gian gần đây có 2 diễn tiến, một tốt hơn và một xấu đi, đến từ Cao Uỷ Tị Nạn LHQ.
Diễn tiến tốt hơn
CUTN/LHQ đã và đang phỏng vấn định cư những người đã có quy chế tị nạn với mục đích chuyển hồ sơ cho Hoa Kỳ để cứu xét tái định cư. Đây là một diễn tiến tích cực vì trong 5 năm qua, việc giới thiệu hồ sơ định cư Hoa Kỳ hầu như bị đình trệ hoàn toàn, ngoại trừ một số ít trường hợp có sự can thiệp đặc biệt. Mỗi khi bị nêu vấn đề, chính phủ Hoa Kỳ và CUTN/LHQ đổ lỗi nhau.
Hoa Kỳ giải thích rằng họ chỉ có thể cứu xét định cư những hồ sơ đã được CUTN/LHQ chuyển đến. Ngược lại, CUTN/LHQ cho biết là đã chuyển cho Hoa Kỳ rất nhiều hồ sơ mà đến nay vẫn dồn đống, chưa được giải quyết định cư. Quả vậy, chỉ tính riêng số hồ sơ được CUTN/LHQ giới thiệu đến cuốc năm 2017, hiện còn 80 nghìn người tị nạn dồn đóng, chưa được giải quyết định cư.

Hình 1 — Gia đình Mục Sư Lò Văn Hén trên chuyến bay định cư Hoa Kỳ, ngày 08/02/2023

Từ hơn một năm qua, BPSOS liên tục kêu gọi các quốc gia nhận định cư cùng với CUTN/LHQ giải quyết tình trạng bế tắc này để định cư toàn bộ số 5 nghìn người đã có quy chế tị nạn, trong đó có 1 nghìn người Việt, ở Thái Lan trước khi CUTN/LHQ bàn giao việc “thanh lọc” người xin tị nạn cho chính phủ Thái Lan. Tháng 10 vừa qua, nội các Thái Lan đã chuẩn duyệt thể thức “thanh lọc” người xin lánh nạn. Đây có thể sẽ là một nguy cơ lớn cho người tị nạn vì:

1. Chưa có sự bảo chứng nào rằng tiến trình thanh lọc của chính phủ Thái Lan sẽ công bằng và tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ người tị nạn. Tiền lệ gần đây nhất là khi chính phủ Thái Lan thực hiện chương trình thanh lọc thuyền nhân Việt Nam trong những năm đầu của thập niên 1990, mà kết quả đã được chứng minh là đầy dẫy bất công.
2. Vì chính phủ Thái Lan chưa ký Công Ước LHQ về người tị nạn, họ sẽ không công nhận tư cách tị nạn mà chỉ xác minh người cần được tạm thời bảo vệ. Tình trạng được bảo vệ có thể bị chấm dứt bất kỳ lúc nào, và trên nguyên tắc ngay cả những người đã được CUTN/LHQ công nhận tư cách tị nạn cũng có thể bị rút quy chế được bảo vệ.

Trong tinh thần đó, BPSOS liên tục kêu gọi Hoa Kỳ phối hợp với các quốc gia đệ tam khác để thương thảo với CUTN/LHQ cho một giải pháp song đôi:

1. Hoa Kỳ và các quốc gia đệ tam nhanh chóng giải quyết định cư những hồ sơ đã được CUTN/LHQ chuyển.
2. CUTN/LHQ tiếp tục giới thiệu các hồ sơ tị nạn còn kẹt ở Thái Lan cho các quốc gia nhận định cư.

Cuối năm 2022, Trợ Lý Ngoại Trưởng đặc trách chương trình tị nạn của Hoa Kỳ đã đến Thái Lan để họp bàn với CUTN/LHQ, chính quyền Thái Lan, và một số tổ chức phi chính phủ có kinh nghiệm bảo vệ người tị nạn, bao gồm toán pháp lý của BPSOS ở Thái Lan.

Trong thời gian sau đó, chúng tôi ghi nhận số hồ sơ được CUTN/LHQ phỏng vấn định cư và chuyển cho Hoa Kỳ đã tăng lên. Đó là một dấu hiệu khả quan.
2

Hình 2 — Trợ Lý Ngoại Trưởng Julieta Valls Noyes gặp gỡ đại diện các tổ chức bảo vệ người tị nạn ở Thái Lan, Bangkok ngày 08/12/2022 (ảnh BPSOS)

Diễn tiến xấu đi
Trong tháng 2 vừa qua, Cao Uỷ Tị Nạn LHQ đã từ chối hàng loạt đơn xin tị nạn. Tỉ lệ “rớt” cao chưa từng có. Trong khi đó, thời hạn nộp đơn kháng cáo bị rút xuống chỉ còn 30 ngày, so với 60 ngày trước đây; những ai không nộp đơn kháng cáo kịp trước thời hạn, hồ sơ xin tị nạn sẽ bị đóng.
Sự kiện này có những tác động tức thời:

• Luật sư của chúng tôi bị quá tải vì lượng đơn kháng cáo vượt quá khả năng của số luật sư hiện có. Mỗi luật sư tối đa chỉ có thể thực hiện 2 đơn kháng cáo mỗi tuần nếu muốn bảo đảm phẩm chất. Chúng tôi hiện chỉ có 2 luật sư ở Thái Lan và đang cần huy động thêm luật sư ở ngoài Thái Lan để phụ thêm.
• Chúng tôi cũng cần thêm các thông dịch viên tình nguyện biết tiếng Việt, tiếng Ê Đê, tiếng J’rai, tiếng Hmong, và tiếng Khmer vừa để giúp các luật sư phỏng vấn người xin tị nạn vừa để phiên dịch các giấy tờ quan trọng.
• Do phải dồn mọi năng lực để làm đơn kháng cáo, chúng tôi phải tạm đình chỉ việc mở hồ sơ xin tị nạn cho những ai mới đến cũng như phải đẩy lùi việc mở lại những hồ sơ đã bị đóng.
• Luật sư của chúng tôi sẽ phải ngưng việc can thiệp hồ sơ định cư. Thay vào đó, Mục Sư Jordan Smith, thuộc toán nhân sự của BPSOS ở Thái Lan, sẽ đảm trách hoàn toàn việc liên lạc với CUTN/LHQ và các toà đại sứ trong mọi vấn đề liên quan đến định cư tị nạn.

Chúng tôi e rằng trên đây không chỉ là sự kiện ngẫu nghiên, xảy ra một lần rồi thôi mà là chỉ dấu của khuynh hướng mới của CUTN/LHQ trước khi họ bàn giao tiến trình “thanh lọc” cho chính phủ Thái Lan. Nếu quả vậy thì chúng tôi và người xin tị nạn phải chuẩn bị để đối phó lâu dài với một chính sách rất bất lợi cho người xin tị nạn.
Để sẵn sàng cho tình huống xấu đi này, chúng tôi kêu gọi các luật sư người Việt ở hải ngoại và các người có thể giúp thông dịch hoặc phiên dịch trong các ngôn ngữ Việt, Ê Đê, J’rai, Hmong và Khmer, hãy ghi danh tình nguyện để giúp các đồng bào đang xin quy chế tị nạn. Xin liên lạc với chúng tôi qua email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.. Xin chân thành cảm ơn.

Viết một bình luận