Phơi bày thực trạng tôn giáo ở Việt Nam bằng cách tạo cơ hội để nạn nhân tiếp cận quốc tế

  • Hỗ trợ Hoa Kỳ và LHQ giám sát tình hình tôn giáo ở Việt Nam

Mạch Sống, ngày 20 tháng 1, 2023

http://machsongmedia.com

Để hỗ trợ cho LHQ, Hoa Kỳ và các chính quyền quan tâm đến quyền tự do tôn giáo có thể giám sát thực trạng ở Việt Nam, BPSOS tạo cơ hội cho chính các nạn nhân bị bách hại lên tiếng trực tiếp với các giới chức quốc tế qua một diễn đàn trực tuyến định kỳ.

Kế hoạch này được mở đầu bằng buổi tiếp xúc trực tuyến với Đại Sứ Lưu Động của Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Rashad Hussain vào ngày 13 gháng 1 vừa qua. Tổng cộng 8 nạn nhân làm nhân chứng tường trình những hành vi đàn áp tôn giáo xảy ra sau ngày Việt Nam bị đưa vào Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Hình 1 — Đại Sứ Lưu Động Rashad Hussain đang trao đổi trực tuyến với các nạn nhân của sự bách hại tôn giáo ở Việt Nam, ngày 20/01/2023

“Mục đích của chúng tôi là vừa giúp cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ dễ dàng theo dõi và kiểm chứng thực trạng ở Việt Nam, vừa giúp cho chính các nạn nhân vượt qua nỗi sợ hãi để làm nhân chứng,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, giải thích.

Theo Ông, nhà nước Việt Nam trong thời gian dài đã sử dụng chiêu “làm láo báo cáo hay” khi ký kết các công ước quốc tế về nhân quyền vì đinh ninh rằng quốc tế không thể nào phối kiểm thực trạng ở Việt Nam.

Để vô hiệu hoá chiêu này, từ năm 2015 BPSOS đã đào tạo 2 nghìn người thuộc hơn 200 cộng đồng bị bách hại về cách nhận diện và báo cáo vi phạm quyền tự do tôn giáo. Từ đó đến nay, họ đã đóng góp thông tin cho trên 500 bản báo cáo gửi LHQ, BNG Hoa Kỳ và nhiều chính quyền phương tây.

Theo Ts. Thắng, số hành vi bị báo cáo cao hơn vậy vì một bản báo cáo có thể bao gồm nhiều vụ việc liên quan. Mỗi năm BPSOS đào tạo trung bình thêm khoảng 200 người ở các cộng đồng mới kết nối. Kết quả là số báo cáo vi phạm ngày càng tăng.

“Tuy nhiên, không gì bằng lắng nghe trực tiếp câu chuyện của nạn nhân, thấy được nỗi lo trên khuôn mặt của các họ, mục kích cuộc sống trong đày đoạ của gia đình họ ở bối cảnh,” Ts. Thắng giải thích. “Điều này tác động lên cảm xúc và đánh động đến lương tâm của các giới chức quốc tế.”

Số 8 nạn nhân làm nhân chứng tai buổi họp trực tuyến vừa qua bao gồm 2 người Hmong theo đạo Tin Lành từ Huyện Kỳ Sơn, Nghệ An; 2 tín đồ Tin Lành người Tây Nguyên, một ở Đắk Lắk và một ở Phú Yên; 2 tín đồ Cao Đài, một ở Vĩnh Long và một ở Gò Công; và 2 chức sắc Phật Giáo, một ở Kontum và một ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ngoài các nạn nhân làm nhân chứng còn có trên 30 tham dự viên bao gồm một số người ở trong và ngoài nước đang hỗ trợ hoặc cưu mang các nạn nhân này, một số chuyên gia về lĩnh vực tự do tôn giáo liên quan đến các cộng đồng bị bách hại, và một số nạn nhân bị bách hại nhưng chưa sẵn sàng để báo cáo.

Dr_Thang.jpg

Hình 2 — Ts. Nguyễn Đình Thắng điều hành buổi họp trực tuyến

“Qua quan sát, các nạn nhân này thấy người khác làm được thì sẽ bớt dần sợ hãi cũng như học được cách trình bày gãy gọn,” Ts. Thắng giải thích. “Sau buổi họp trực tuyến vừa qua, nhiều nạn nhân cho biết họ muốn làm nhân chứng trong các buổi họp sau.”

Để giúp các nạn nhân vượt qua rào cản ngôn ngữ, BPSOS đã sắp xếp để có người thông dịch từ tiếng Anh sang các tiếng Ê Đê, Jarai, Hmong và Việt Nam và ngược lại.

Theo Ts. Thắng, mục đích phụ của việc mở rộng bàn tròn đa tôn giáo như kể trên là để nhà nước Việt Nam hiểu rằng các hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo sẽ được chính nạn nhân báo cáo trực tiếp với quốc tế không quá 30 ngày sau sự việc.

Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam, thành lập tháng 3 năm 2016, là diễn đàn định kỳ hàng tháng để các cá nhân thuộc các tôn giáo cập nhật sự kiện, trao đổi kinh nghiệm, và tìm cơ hội hợp tác với nhau.

Thông tin liên quan:

Yếu Tố Nào Đã Đưa Việt Nam vào Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt Vì Đàn Áp Tôn Giáo?
https://machsongmedia.com/vietnam/quyenconnguoi/1885-yeu-to-nao-da-dua-viet-nam-vao-danh-sach-theo-doi-dac-biet-vi-dan-ap-ton-giao

Viết một bình luận