- Người tị nạn ở Thái Lan cần phối kiểm thông tin từ những nguồn đáng tin cậy
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 18 tháng 1, 2023
http://machsongmedia.com
Trong 2 tuần đầu năm 2023, hơn 100 người sắc tộc Jarai từ Việt Nam đã đến Thái Lan, trong khi không có một sự kiện đáng kể nào xảy ra nơi nguyên quán của họ, Tỉnh Gia Lai, trong thời gian gần đây để xúc tác cuộc ra đi ồ ạt này. Qua thăm dò của chúng tôi, yếu tó tác động đáng kể là những tin đồn thất thiệt về chương trình bảo lãnh tư nhân sắp được chính phủ Hoa Kỳ triển khai.
Trong thời gian gần đây, một nhóm người đã có những lời tuyên bố, những bài viết, những tin nhắn trên Facebook rằng chương trình bảo lãnh tư nhân của Hoa Kỳ là niềm hy vọng cho người Việt tị nạn ở Thái Lan. Đồng thời, người của họ ở Thái Lan lập danh sách người tị nạn Tây Nguyên để đưa đi định cư theo chương trình bảo lãnh tư nhân của Hoa Kỳ.
Hình 1 — Mẫu ghi danh để được trợ giúp “tái định cư” nhằm lấy thông tin của người tị nạn
Thông tin thất thiệt của họ đã tạo sự hiểu lầm đáng tiếc nơi công đồng người Tây Nguyên tị nạn ở Thái Lan, và từ đó đã được loan truyền về Việt Nam.
Trong 3 tuần qua, nhiều người ở Mỹ đã liên lạc với tôi để hỏi han về chương trình định cư tị nạn theo bảo lãnh tư nhân của Hoa Kỳ vì có người quen đang tị nạn ở Thái Lan. Họ mừng khi đọc, nghe, xem tin trên báo chí, truyền thanh, truyền hình, Facebook. Tôi dặn họ hãy chờ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ra thông báo chính thức thì sẽ rõ.
Như tôi giải thích qua bài “Chương trình định cư tị nạn theo diện bảo lãnh tư nhân của Hoa Kỳ: hy vọng nhưng thận trọng” đăng trên Mạch Sống ngày 28 tháng 12, 2022, chương trình này, ít ra trong vài năm tới đây, không cho phép các nhóm tư nhân ở Hoa Kỳ chọn người tị nạn để bảo lãnh theo ý mình mà chỉ được bảo lãnh người tị nạn do chính phủ Hoa Kỳ giao cho.
Nghĩa là, đối với người tị nạn ở Thái Lan, không có gì thay đổi. Họ vẫn phải qua cuộc cứu xét tư cách tị nạn bởi Cao Uỷ Tị Nạn LHQ (UNHCR), vẫn phải chờ để được UNHCR giới thiệu định cư với chính phủ Hoa Kỳ, vẫn phải được chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách phỏng vấn định cư (nếu may mắn), vẫn phải qua mọi thủ tục phỏng vấn, xét lý lịch… của Sở Di Trú Hoa Kỳ. Mọi thể thức, thủ tục, tiến trình đều y như cũ.
Chỉ khác một điều là, khi đến Mỹ thay vì tổ chức chuyên định cư người tị nạn được chính phủ Hoa Kỳ tài trợ giúp họ hội nhập đời sống thì nay một nhóm tư nhân đảm đương công việc này.
Lẽ ra, ai không ở trong cuộc thì nên chờ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chính thức công bố chương trình bảo lãnh tư nhân thay vì đón gió, đoán mò và tung tin thất thiệt. Họ không phải chờ lâu vì ngày mai, lúc 8 giờ sáng, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ sẽ công bố chương trình này dưới tên Welcome Corps.
Trong số hơn 100 người Jarai vừa chạy sang Thái Lan, một số nhỏ đã lục tục quay về nước. Họ đã tốn kém tiền bạc và thời gian một cách vô ích.
Ngoài những trường hợp quả thực có lý do phải ra đi lánh nạn, số còn lại không biết số phận sẽ ra sao. BPSOS có văn phòng pháp lý với luật sư sẵn sàng can thiệp cho những trường hợp có lý do chính đáng, nhưng chúng tôi không thể đổi trắng thay đen.
Để tránh cho đồng bào tị nạn đã khốn khổ không bị vướng mắc thêm điều nghiệt ngã, tôi kêu gọi:
- Người tị nạn, nhất là các đồng bào Tây Nguyên, hãy phối kiểm mọi thông tin. Trong kỷ nguyên tin học, việc phối kiểm này không quá khó. Nếu mình không biết cách truy cập thông tin từ nguồn đáng tin cậy, thì hãy nhờ một người biết cách giúp cho. Ngoài ra, chúng tôi có trang Facebook dành riêng cho người tị nạn hoặc lánh nạn ở Thái Lan, với thông tin chính xác và cập nhật: https://www.facebook.com/TinanThailan.
- Người tị nạn, nhất là các đồng bào Tây Nguyên, cần bảo mật thông tin cá nhân. Chỉ cần có số UNHCR và mã số định danh trên thẻ UNHCR, thì người khác có thể tra ra rất nhiều thông tin cá nhân của người tị nạn như: tên, tuổi, số thành viên gia đình, ngày phỏng vấn, tình trạng hồ sơ, v.v. Điều này có thể gây nguy hiểm cho người tị nạn.
- Một số phương tiện truyền thông Việt ngữ đã đưa tin một cách vô tội vạ như vừa xảy ra thì từ nay hãy phối kiểm thông tin từ những nguồn đáng tin cậy trước khi đưa tin. Đừng vô tình hay tắc trách gây thêm khổ ải cho đồng bào ở Thái Lan hoặc ở Việt Nam.
Thông tin liên quan:
Chương trình định cư tị nạn theo diện bảo lãnh tư nhân của Hoa Kỳ: hy vọng nhưng thận trọng
https://machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1888-chuong-trinh-dinh-cu-ti-nan-theo-dien-bao-lanh-tu-nhan-cua-hoa-ky-hy-vong-nhung-than-trong