Trả lời thắc mắc của các cựu thuyền nhân về lời phản biện của cô Grace Bùi

  • Cả 3 điểm phản biện đều không chính xác

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 17 tháng 1, 2023

http://machsongmedia.com

Hôm qua, một cựu thuyền nhân bị bỏ rơi ở Thái Lan chuyển cho tôi bài phản biện của cô Grace Bùi về bài viết trước đó của tôi: “Thêm cựu thuyền nhân bị bỏ rơi ở Thái Lan cầu cứu”.

Thấy cựu thuyền nhân này tỏ vẻ ưu tư, tôi trả lời vắn tắt: “Lời phản biện có nhiều điểm không chính xác.” Hôm nay, thêm 2 người nữa chuyển cho tôi cũng bài phản biện ấy. Cho tiện, tôi trả lời chung ở đây về những điểm không chính xác.

Lời phản biện nêu 3 điểm: (1) tôi nhờ cô Grace Bùi chuyển danh sách 21 gia đình cựu thuyền nhân cho TNS Ngô Thanh Hải và TS Lê Duy Cấn nên có trách nhiệm liên lạc cô ta để biết kết quả; (2) BPSOS nhận được nhiều ngân quỹ tài trợ nhất để lo cho người tị nạn; (3) tại sao BPSOS không đứng ra bảo trợ cho người tị nạn?

(1) Tôi nhờ cô Grace Bùi nên có trách nhiệm liên lạc để hỏi thăm kết quả

Cô ta viết: “Tôi đã gặp ông Ngô Thanh Hải và làm tròn nhiệm vụ mà ông nhờ cậy. Tất cả các chi tiết cũng như danh sách người tị nạn mà ông nhờ trao cho TNS Ngô Thanh Hải cũng như sự mong đợi của ông là hoàn toàn do ông chủ động.”

Tôi không nhờ cậy gì cô ta. Chữ của tôi dùng là “căn dặn” nhưng cô ta sửa lại thành “nhờ cậy” để lấy cớ phản biện. Đúng ra là cô ta nhờ tôi thì có.

Trước đây cô ta đã có lần hỏi tôi là có thể làm gì cho các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi mà cô ta tình cờ gặp. Tôi không trả lời ngay. Khi cô ta cho biết sắp đi Canada, tôi gửi email “căn dặn” nên nêu vấn đề này với TNS Ngô Thanh Hải và TS Lê Duy Cấn, người đã thay mặt Liên Hội Người Việt Canada ký thoả thuận với chính phủ về chương trình định cư nhân đạo các cựu thuyền nhân ở Thái Lan.

Cô ta liền trả lời là đã chuyển một số trường hợp cho cô Mã Tiểu Linh và sẽ hỏi LM Nam Vong thêm vì biết còn nhiều cựu thuyền nhân sống quanh nhà thờ nơi LM Nam Vong phục vụ để bổ túc danh sách. Xem email trao đổi dưới đây thì sẽ rõ.

Như thế, chính cô Grace Bùi dặn thuyền nhân liên lạc cô Mã Tiểu Linh để lập danh sách và cô Mã Tiểu Linh đã chuyển cho tôi danh sách đó. Và tôi đã “căn dặn” cô Grace Bùi nên làm gì với danh sách đó nhân chuyến đi Canada của cô ta chứ tôi không nhờ cậy cô ta gì cả. Tôi biết TNS Ngô Thanh Hải và TS Lê Duy Cấn nên liên lạc trực tiếp lúc nào chả được, việc gì nhờ một người chưa quen biết họ làm trung gian?

Ít ra, theo phép lịch sự, cô ta nên báo cho tôi biết công việc tiến triển đến đâu sau chuyến đi ấy.

(2) BPSOS nhận được nhiều ngân quỹ tài trợ nhất để lo cho người tị nạn

BPSOS không nhận được một xu ngân quỹ tài trợ nào để lo cho người tị nạn. Các hoạt động bảo vệ đồng bào tị nạn hoàn toàn trông cậy vào những đóng góp nghĩa tình của các mạnh thường quân trong cộng đồng, trong đó có chính chúng tôi, thành phần lãnh đạo, điều hành và cộng sự viên của BPSOS.

(3) Tại sao BPSOS không bảo lãnh định cư người tị nạn?

Đó không là cách sử dụng có trách nhiệm tài nguyên hiếm quý của cộng đồng.

Nhu cầu của đồng bào tị nạn thì bao la, tài nguyên của cộng đồng dành cho họ thì eo hẹp. Cách sử dụng hiệu quả đồng tiền ân nghĩa của các mạnh thường quân là: nối kết đồng bào tị nạn với các chương trình và dịch vụ có sẵn và dành phần tài nguyên hiếm quý của cộng đồng để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết nhưng không ai khác quan tâm.

Có hàng trăm tổ chức ở Canada định cư người tị nạn theo diện bảo lãnh tư nhân. Chúng tôi không việc gì phải làm những việc mà họ làm rất hiệu quả. Từ 1978 đến nay họ đã định cư 225,000 người tị nạn.  Chúng tôi chỉ cần giới thiệu đến họ những đồng bào đã có quy chế tị nạn để được bảo lãnh định cư. Trong năm 2022, chúng tôi đã lập hồ sơ cho 73 đồng bào tị nạn theo cách đó và sẽ tăng con số này trong năm 2023.

Thay vì sử dụng tài nguyên của cộng đồng cho những việc đã có biết bao tổ chức khác đã làm từ lâu năm và hiệu quả, chúng tôi dành trọn số tiền đóng góp của các mạnh thường quân (trong đó có chính chúng tôi) để can thiệp quy chế tị nạn với CUTN/LHQ và bảo vệ những ai gặp nguy hiểm. Không tổ chức nào khác làm những việc này. Bài viết “Cập nhật cuối năm về công tác bảo vệ người tị nạn” đăng trên báo Mạch Sống ngày 2 tháng 12, 2022 trình bày chi tiết hơn công việc và cung cách bảo vệ đồng bào tị nạn của BPSOS.

Minh hoạ cho cách làm hiệu quả và tinh thần trách nhiêm này không gì rõ hơn các trường hợp cựu thuyền nhân mà chính cô Grace Bùi đã chuyển cho cô Mã Tiểu Linh:

  • 7 gia đình thay vì bị kẹt vĩnh viễn ở Thái Lan do bị bỏ rơi nay có cơ hội định cư vì có quy chế tị nạn, nhờ luật sư của chúng tôi can thiệp.
  • 1 gia đình đang chờ kết quả phỏng vấn của CUTN/LHQ
  • 5 gia đình vừa liên lạc để nhờ luật sư của chúng tôi giúp mở lại hồ sơ.

Bài viết phản biện của cô Grace Bùi còn hàm chứa một số điều tự khoe không căn cứ, nhưng vì không liên quan trực tiếp đến bài viết nguyên thuỷ của tôi nên tôi miễn bình luận ở đây. Tuy nhiên, ai tinh ý thì qua sự tự tiện sửa chữ của người khác từ “căn dặn” thành “nhờ cậy” để lấy cớ phản biện là có thể suy ra thực hư.

Tôi hy vọng các cựu thuyền nhân thôi bị hoang mang vì những điều bâng quơ.

Thông tin liên quan:

Thêm cựu thuyền nhân bị bỏ rơi ở Thái Lan cầu cứu
https://machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1892-them-cuu-thuyen-nhan-bi-bo-roi-o-thai-lan-cau-cuu

Cập nhật cuối năm về công tác bảo vệ người tị nạn
https://machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1880-cap-nhat-cuoi-nam-ve-cong-tac-bao-ve-nguoi-ti-nan

Bài phản biện của cô Grace Bùi
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02kbdEsfWMWcBkdWKaFZb6j3eDYS4Z8gNkJ8o9rAiEMioyf5ksAmGBfngNhSRwUHaxl&id=100010615296489

Viết một bình luận