- Vấn đề lương tâm và trách nhiệm dành cho Liên Hội Người Việt Canada
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 16 tháng 1, 2023
http://machsongmedia.com
Vài ngày sau khi nhận được video cầu cứu của bà Thạch Thị Phay tôi lại nhận được thông điệp qua video từ một cựu thuyền nhân khác, khẩn thiết kêu cứu cho vợ đang mang bệnh hiểm nghèo. Lẽ ra họ đã phải định cư theo chương trình nhân đạo đặc biệt của Canada cách đây hơn 6 năm, nơi mà người phụ nữ kia có cơ may được chữa trị. Xem: https://www.facebook.com/TinanThailan/videos/884283772720530
Ông Sơn Doành và vợ, chụp từ video cầu cứu
30 năm gian nan tìm tự do
Cựu thuyền nhân lên tiếng cầu cứu là Ông Sơn Doành, người Việt gốc Khmer, quê ở Sóc Trăng. Vì tranh đấu để duy trì văn hoá, ngôn ngữ và Phật Giáo Khmer, Ông Doành bị công an khảo tra, sách nhiễu liên tục. Năm 1992, Ông Doành vượt biên đến Thái Lan, để vợ và 2 con ở lại. Tháng 10 năm 1996, từ trại Sikiew ông bị cưỡng bức hồi hương. Về nước, ông tiếp tục bị công an theo dõi, điều tra, sách nhiễu trong nhiều năm sau đó.
Tháng 5 năm 2009, ông đã cùng với khoảng 200 người Khmer Krom biểu tình tại sân chùa Kah Len để đòi quyền tự do tôn giáo. Công an tràn đến, dẹp đám biểu tình và bắt đi 5 người bị tình nghi là chủ mưu. Ông Doành ở trong số đó. Ông bị còng tay, bịt mắt đem đến trại giam. Nơi đây ông bị tra tấn trong nhiều ngày.
Sau 10 ngày giam giữ, công an bắt Ông Doành ký xác nhận không bị tra tấn rồi thả ông ra. Về nhà, ông phải đi bệnh viện cấp cứu vì phổi bị lủng và chảy máu. May mà ông dần dà bình phục trong khi 2 trong số 4 người cùng bị bắt đã chết vì hậu quả tra tấn chỉ vài tuần sau khi được thả.
Công an địa phương theo dõi ông Doành gắt gao và bắt ông phải cam kết không được đặt chân đến chùa Kah Len.
Ngày 30 tháng 12, năm 2012 vị sự trụ trì chùa Kah Len triệu tập buổi họp để sửa chùa. Ông Doành đến dự cùng với khoảng 40 phật tử khác. Chỉ vài phút sau, công an tấn công. Ông Doành may mắn chạy thoát. Không dám về nhà, ông ở tạm nơi người thân. Ngày 2 tháng 1, 2013 ông rời Việt Nam; 5 ngày sau, ông đến Thái Lan. Vợ và các con của ông sang Thái Lan sau.
Tại Thái Lan, ông nộp đơn xin Cao Uỷ Tị Nạn LHQ cứu xét tư cách tị nạn. Sau 3 năm chờ chực, họ công bố kết quả: từ chối. Ông Doành tìm đến luât sư của BPSOS để nhờ làm đơn kháng cáo, nhưng không thành công vì ông, do bôn ba quá lâu, không còn giữ tài liệu, chứng từ để hỗ trợ lời khai.
Cơ hội bị mất
Khi biết tin về chương trình định cư nhân đạo của chính phủ Canada dành cho các cựu thuyền nhân người Việt ở Thái Lan, cả gia đình Ông Doành đã điền đơn, chụp hình và chờ đợi. Cuối cùng gia đình ông đã bị bỏ lại không lời giải thích.
Đây không phải là trường hợp duy nhất. Cô Mã Tiểu Linh, một Facebooker, đã chuyển cho tôi danh sách 21 gia đình bị bỏ rơi như vậy. Tháng 11 năm 2018, khi được cô Grace Bùi cho biết chuẩn bị đi Canada để vận động định cư người tị nạn ở Thái Lan, tôi gửi danh sách 21 gia đình này, căn dặn là hãy chuyển cho Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải và Ts. Lê Duy Cấn để họ nêu vấn đề với Liên Hội Người Việt Canada. Gia đình Ông Sơn Doành ở thứ tự số 6 trong danh sách này. Khi ấy tôi trông mong những người có trách nhiệm sẽ hành động không chỉ vì trách nhiệm mà còn vì lương tâm.
Nhưng rồi khi trở về từ Canada, không thấy cô Grace Bùi nhắc nhở gì đến số hồ sơ cựu thuyền nhân này.
Niềm hy vọng mới
Sau một thời gian dài thu thập chứng cứ, năm 2020 văn phòng pháp lý của BPSOS yêu cầu CUTN/LHQ mở lại hồ sơ của ông Doành và gia đình. Tháng 5 năm 2021, gia đình của ông được tái phỏng vấn và được công nhân tư cách tị nạn liền sau đó. Hai người con trai, nay đã trưởng thành và đứng tên hồ sơ riêng, được cấp quy chế tị nạn cùng ngày.
Cánh cửa định cư nhân đạo bị đóng nhưng quy chế tị nạn lại mở ra cho ông và gia đình niềm hy vọng được định cư tị nạn ở một quốc gia đệ tam trong tương lai.
E không kịp
Xem video cầu cứu, tôi mới biết là vợ của Ông Doành đang mắc bệnh hiểm nghèo. Bà đã mắc chứng ung thư lâu năm. Khi sang Thái Lan lánh nạn lần hai, bệnh viện ở đây phát hiện bà có bướu trong não mà bác sĩ của họ không dám mổ. Theo họ, chỉ những quốc gia có nền y khoa tân kỳ mới có thể chữa trị.
Khi ghi danh định cư nhân đạo vào Canada, Ông Doành không chỉ mưu cầu tự do cho gia đình mà còn mong ước giữ được mạng sống cho vợ. Oái oăm, gia cảnh của ông và bệnh tình của vợ đúng nghĩa nhận đạo nhất thì chính họ lại bị loại khỏi chương trình mang danh nghĩa định cư nhân đạo của Canada.
Về phần mình, tôi lập tức yêu cầu toán luật sư của chúng tôi thu thập hồ sơ bệnh lý của vợ Ông Doành để yêu cầu CUTN/LHQ giới thiệu định cư ưu tiên đến bất kỳ quốc gia nào sẵn sàng đón nhận.
Đồng thời, tôi thiết tha kêu gọi Liên Hội Người Việt Canada, vì lương tâm và trách nhiệm, vận động chính phủ Canada mở lại chương trình định cư nhân đạo trước đây với lý do còn hơn hai chục hồ sơ cựu thuyền nhân bị bỏ sót, và ưu tiên định cư cho gia đình Ông Doành.
Đây là lúc phải chạy nước rút bằng nhiều ngả. Ngả nào đến trước, sớm được ngày nào thì hay ngày đó để không quá trễ cho người mang bệnh hiểm nghèo.
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS