BPSOS, ngày 29/12/2022
http://machsongmedia.com
Khi nhận được tin về số cựu thuyền nhân ở Thái Lan đã bị bỏ sót trong khi những trường hợp tương tự được định cư nhân đạo vào Canada, cuối năm 2018 BPSOS đã thu thập danh sách của số đồng bào này. Danh sách gồm 23 hộ gia đình, phần lớn là những người đã tránh cưỡng bức hồi hương năm 1996 và sống bất hợp pháp ở Thái Lan từ đó, và cũng có một ít người đã quay trở lại Thái Lan sau khi bị cưỡng bức hồi hương.
9 trong số 23 hộ gia đình này đã đến với luật sư của BPSOS tại văn phòng Center for Asylum Protection (CAP) và 2 hộ đến với luật sư của Asylum Access Thailand (AAT) để lập hồ sơ xin tị nạn từ đầu với Cao Uỷ Tị Nạn LHQ.
Trong số trường hợp đến với CAP, 6 hộ đã được công nhận tư cách tị nạn, 1 hộ đang chờ kết quả, 1 hộ bị từ chối và bị CUTN/LHQ đóng hồ sơ, và 1 hộ mất liên lạc. Trong số này chỉ có 1 trường hợp cựu thuyền nhân đã hồi hương và sau đó quay lại Thái Lan.
Các hộ được công nhận tư cách tị nạn giờ đây có thể đi định cư theo chương trình tị nạn của Hoa Kỳ, Canada hoặc quốc gia đệ tam nào khác, như một kết cục có hậu cho những người đã lưu lạc nhiều chục năm ở Thái Lan.
Lập hồ sơ xin tị nạn cho cựu thuyền nhân lưu lạc ở Thái Lan nhiều chục năm đòi hỏi nhiều công phu hơn là lập hồ sơ cho người vừa mới đến Thái Lan. Lý do là người đã rời Việt Nam và do đó không tiếp cận với chính quyền Việt Nam từ lâu sẽ khó chứng minh mối nguy bị đàn áp. Cuối tháng 11, BPSOS đã tuyển một thực tập sinh toàn thời với bằng cao học luật từ Anh Quốc để tăng cường việc mở lại các hồ sơ đã bị CUTN/LHQ đóng từ lâu.
Không kể 1 hộ đã hồi hương, hiện vẫn còn 11 hộ gia đình trong danh sách cựu thuyền nhân mà chúng tôi thu thập từ cuối năm 2018 vẫn chưa liên lạc với luật sư của CAP hoặc của AAT. Chúng tôi thông báo để những người này, nếu muốn được lập hồ sơ xin tị nạn từ đầu, thì liên lạc với luật sư của CAP hoặc AAT.
Quý vị có thể liên lạc văn phòng CAP qua số điện thoại: (+66) 021 160 405, (+66) 021 160 406
Hoặc để lời nhắn tại trang Facebook: https://www.facebook.com/TinanThailan