Yếu Tố Nào Đã Đưa Việt Nam vào Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt Vì Đàn Áp Tôn Giáo?

  • Các tấm gương về nạn nhân làm nhân chứng và vận động quốc tế

Ts. Nguyễn Đình Thắng, 21 tháng 12, 2022

http://machsongmedia.com

Gần đây, liên quan đến sự kiện Việt Nam bị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa vào Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt (Special Watch List, viết tắt là SWL) vì đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng, tôi đã nhận được nhiều câu hỏi có thể gom lại như sau:

– Ai, tổ chức nào đã tác động nhiều nhất đến quyết định của BNG Hoa Kỳ?

– Hệ quả đối với một quốc gia ở trong danh sách SWL?

– Cần làm những gì để khai thác tình thế mới?

Ở đây, tôi trả lời câu hỏi thứ nhất và sẽ tiếp tục trả lời các câu hỏi còn lại trong những bài sau. Vì không thể trả lời từng người, tôi xin trả lời chung và cầu mong giới truyền thông, các tổ chức tôn giáo, các cộng đồng sắc tộc, và những ai quan tâm đến tự do tôn giáo tiếp tay phổ biến loạt bài này.

Ai? Tổ chức nào?

Chắc chắn BNG Hoa Kỳ đã nhận thông tin từ nhiều nguồn. Tuy nhiên, theo tôi, chính các nạn nhân làm nhân chứng và biến mình thành người hành động đã tác động đáng kể nhất đến quyết định của BNG. Dưới đây là cách tôi phân biệt:

  • Nạn nhân là người có tâm thế tiêu cực, chỉ biết ta thán và cầu cứu với người khác.
  • Nhân chứng là người đủ bản lĩnh để đứng ra tố cáo sự vi phạm và điểm mặt thủ phạm.
  • Người hành động là người chủ động thay đổi thân phận của cộng đồng mình bằng năng lực nội tại kèm với sự hỗ trợ từ ngoài.

Hình 1 – Nữ Chánh Trị Sự Cao Đài Nguyễn Xuân Mai trong phái đoàn đa tôn giáo Việt Nam tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, ngày 29/06/2022 tại Washington DC (ảnh BPSOS)

Một ví dụ

Cuối tháng 6 vừa rồi, Bà Nguyễn Xuân Mai, nữ Chánh Trị Sự Cao Đài ở Vĩnh Long, tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh ở thủ đô Hoa Kỳ do BPSOS đồng tổ chức. Dịp này bà đã tiếp xúc nhiều giới chức lập pháp và hành pháp Hoa Kỳ kể cả Đại Sứ Lưu Động Đặc Trách Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Rashad Hussain, người có thẩm quyền trực tiếp về quyết định đưa Việt Nam vào Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt.

Trước khi Bà Xuân Mai về nước, nhiều giới chức Hoa Kỳ đã công khai gửi lời chúc an toàn với ngụ ý nhắc nhở nhà nước Việt Nam là Hoa Kỳ đang theo dõi sát chuyến trở về của nữ chức việc Cao Đài này.

Tại phi trường Tân Sơn Nhứt, Bà Xuân Mai bị công an đưa vào phòng riêng để thẩm vấn trong nhiều tiếng đồng hồ. Công an lục soát toàn thân thể của bà, xúc phạm đến phẩm giá của một phụ nữ là chức việc Cao Đài. Sự việc được báo cáo ngay cho BNG Hoa Kỳ, LHQ, và Ban Chỉ Đạo của hội nghị thượng đỉnh. Tất cả đều thể hiện sự bất bình.

Cuối tháng 9, Đại Sứ Hussain cử 2 phụ tá trong toán tiền trạm đến Việt Nam. Hai vị phụ tá này đã gặp Bà Xuân Mai để lấy thêm thông tin nhằm báo cáo về BNG trước khi Đại Sứ Hussain đích thân tham gia cuộc đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ – Việt Nam vào đầu tháng 11 ở Hà Nội.

Một trong 2 vị phụ tá ấy khi vừa xong cuộc đối thoại nhân quyền đã bay thẳng từ Hà Nội đến Bali, Indonesia để tham dự Hội Nghị SEAFORB do BPSOS đồng tổ chức. Tại đây, viên chức này được 2 đồng đạo của Bà Xuân Mai đến từ Việt Nam báo cáo là bà đã bị chặn tại phi trường Tân Sơn Nhứt nên không thể cùng đến Bali. Dù vậy, Bà Xuân Mai cũng đã gửi lời phát biểu bằng video đến các tham dự viên của hội nghị, trong đó có các giới chức BNG Hoa Kỳ, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, LHQ, khối ASEAN…

Trong ví dụ này, Bà Xuân Mai đã đến Hoa Kỳ hồi cuối tháng 6 như một nhân chứng và sau khi trở về, bà trở thành người hành động đối tác mật thiết với BNG Hoa Kỳ và quốc tế. Không những thế, nhiều đồng đạo của bà cũng là nhân chứng và người hành động. Khi một người gặp trở ngại thì lập tức nhiều người khác lên tiếng và hành động thay.

Chính những nạn nhân đã trở thành nhân chứng và người hành động đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của BNG Hoa Kỳ, chứ không ai khác.

Ms._Xuan_Mai_AAL_Hussain.png
Hình 2 — CTS Nguyễn Xuân Mai cùng với Đại Sứ Lưu Động Cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Rashad Hussain, ngày 28/06/2022 tại BNG Hoa Kỳ (ảnh BNG Hoa Kỳ)

Chương trình đào tạo

Muốn biến mình thành nhân chứng thì trước hết nạn nhân, bao gồm cá nhân từng tín đồ lẫn cộng đồng của họ, phải ý thức được quyền của mình, biết nhà nước đã cam kết những gì với LHQ, và biết những cam kết quốc tế nào đã được “luật hoá” vào hệ thống luật quốc gia. Kế đến, họ phải nhận diện các hình thức vi phạm và biết cách báo cáo vi phạm theo tiêu chuẩn và thủ tục của LHQ.

Để hỗ trợ cho sự chuyển hoá này, từ năm 2015 chúng tôi cung ứng các khoá đào tạo ngắn hạn về luật quốc tế và luật Việt Nam liên quan đến quyền tự do tôn giáo, và cách thu thập và phối kiểm thông tin về những vụ vi phạm. Đến nay, khoảng 2 nghìn người đến từ hơn 200 cộng đồng tôn giáo và sắc tộc đã được đào tạo. Họ là nguồn thông tin cho khoảng 500 bản báo cáo vị phạm mà chúng tôi gửi cho LHQ, BNG Hoa Kỳ, Uỷ Hội Hoa Kỳ Về Tự To Tôn Giáo Quốc Tế, và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế là đối tác cận kề của BPSOS.

Để chuẩn bị cho những người hành động, cũng từ năm 2015 chúng tôi cung ứng khoá đào tạo kéo dài 12 tháng cho khoảng 400 thành viên cốt lõi của số cộng đồng kể trên. Qua đó, họ được trang bị các kiến thức và kỹ năng để hội nhập sân chơi quốc tế và rồi phối hợp với các đối tác quốc tế để đẩy lùi dần chính sách đàn áp tôn giáo ở Việt Nam. Qua khoá đào tạo dài hạn này, học viên học cách phân tích vấn đề, tìm giải pháp, ứng xử trong các tình huống khó khăn, vận động quốc tế, liên kết, truyền thông, điều hành, đánh giá…

Dĩ nhiên, 12 tháng là thời gian chỉ đủ để tập sự. Họ cần sự hỗ trợ của các chuyên gia trong những lĩnh vực chuyên môn mà họ có khi phải mất nhiều năm hoặc nhiều thập niên để trở thành thuần thục. Để làm nhẹ gánh cho các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc đang bị bách hại, chúng tôi hình thành các toán hỗ trợ chuyên về pháp lý, báo cáo vi phạm, phiên dịch, thông dịch, vận động quốc tế, lập hồ sơ chế tài, truyền thông… Người hành động không cần trở thành chuyên gia mà chỉ cần biết cách sử dụng sự hỗ trợ của các toán chuyên môn kể trên.

Vietnamese_advocates_with_USCIRF_team_Nov_9_2022.jpg

Hình 3 — Những người Việt vận động quốc tế cùng với phái đoàn của Uỷ Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế tại Bali, Indonesia, ngày 09/11/2022 (ảnh BPSOS)

Các thông điệp gây ảnh hưởng quốc tế

Dưới dây là các video thu tại chỗ lời phát biểu của một số nạn nhân làm nhân chứng và là người hành động tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Nữ Chánh Trị Sự Nguyễn Xuân Mai phát biểu tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, ngày 28-30 tháng 6 năm 2022 ở thủ đô Hoa Kỳ: https://www.facebook.com/RFAVietnam/videos/725902978739274

Ông Nguyễn Ngọc Diến và Bà Trần Thanh Tuyết, hai tín đồ Cao Đài chân truyền đã tham gia và phát biểu tại Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Khu Vực Đông Nam Á do BPSOS đồng tổ chức ngày 7 – 9 tháng 11 năm 2022  ở Bali, Indonesia: https://www.facebook.com/VNFoRB/videos/5863302967065829

Ông Mà A Dình, từ Tiểu Khu 179, Huyện Đam Rông, Tỉnh Lâm Đồng, sang Thái Lan lánh nạn mới hơn 3 tháng thì đã đến Bali để thay mặt tổ chức Hmong Human Rights Foundation lên tiếng cho hàng chục nghìn đồng bào Hmong không hộ khẩu, không hộ tịch do theo đạo Tin Lành: https://www.facebook.com/100070703421800/videos/pcb.220757500291029/659966565774855

Ông Vừ Bá Súa, người Hmong theo đạo Tin Lành ở Huyện Kỳ Sơn, Tỉnh Nghệ An, vừa đến Thái Lan lánh nạn được vài ngày cũng đã lên đường đến Bali để tham gia hội nghị kể trên: https://www.facebook.com/hmonghrc.org/videos/932282114418878

Cô Linda, tị nạn ở Thái Lan và thành viên của tổ chức Vận Động cho Đức Tin và Công Lý ở Việt Nam được thành lập bởi một số người Công Giáo sau cái chết của LM Trần Ngọc Thanh, trả lời phỏng vấn tại hội nghị ở Bali: https://www.facebook.com/ductincongly/videos/538549988070488  

Video phát biểu của Bà Nguyễn Xuân Mai tại Hội Nghị Thượng Đỉnh cuối tháng 6 vừa qua đã được gần 600 nghìn lượt xem trong khi các video phát biểu của Ông Dình và Ông Súa tại Hội Nghị Khu Vực Đông Nam Á mới đây đã có 28 nghìn và 24 nghìn lượt xem. Các video phát biểu của Ông Diến, Bà Tuyết và Cô Linda thì có khoảng 1 nghìn lượt xem.

Ngoại trừ Ông Súa, họ là bạn học đồng song trong khoá đào tạo 12 tháng năm 2022 của BPSOS.

Lời kêu gọi

Việt Nam bị đưa vào Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt của Hoa Kỳ là bước ngoặt quan trọng cho công cuộc đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo của mọi người Việt Nam, bất luận thuộc sắc dân nào, theo đạo nào. Ý nghĩa của sự kiện này sẽ được phân tích trong bài sau. Nơi đây, tôi muốn giới thiệu nhân tố đã đóng góp tích cực và hiệu quả nhằm tạo nên bước ngoặt ấy. Đó là những nạn nhân đã chuyển mình thành những người đi vận động quốc tế.

Tôi kêu gọi mọi người quan tâm đến quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam tiếp tay phổ biến các đoạn video phát biểu ở trên để:

  1. Động viên tinh thần cho mọi nạn nhân của sự đàn áp tôn giáo vượt qua nỗi sợ hãi và biến mình thành nhân chứng và người hành động;
  2. Giúp thành viên của các tôn giáo khác nhau học hỏi kinh nghiệm hay của nhau;
  3. Thể hiện tinh thần liên thông và đoàn kết giữa tín đồ của các tôn giáo với cùng tâm nguyện tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo cho mọi người ở mọi nơi;
  4. Tạo cho các cộng đồng tôn giáo đang bị bách hại niềm tin vào khả năng tự thân để thay đổi thân phận của chính mình.

Viết một bình luận