Các quốc gia cần biết rõ về Việt Nam trước bầu cử Hội Đồng Nhân Quyền LHQ

  • BPSOS vận động 42 quốc gia quan tâm tự do tôn giáo

Mạch Sống, ngày 7 tháng 10, 2022

http://machsongmedia.com

BPSOS đã gửi lần 2 bức thư chung yêu cầu các quốc gia thành viên của Liên Minh Quốc Tế cho Tự Do Tôn hay Niềm Tin (International Religious Freedom or Belief Alliance, IRFBA) nêu quan ngại tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trước khi các phái bộ bỏ phiếu bầu 14 tân thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ vào ngày 11 tháng 10 tới đây. Bức thư chung được gửi ra lần 1 ngày 20 tháng 9 với 39 chữ ký.

“Trong lần 2 này, danh sách tổ chức và nhân sĩ ký tên đã tăng lên số 50,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết. “Đây cũng là cơ hội để nhắc nhở các quốc gia thành viên của IRFBA phải cân nhắc về đơn ứng cử của Việt Nam.”

Hình 1 – Chùa Thiên Quang tổ chức lễ tưởng niệm Nạn nhân của các Hành vi Bạo lực vì Tôn Giáo hay Niềm tin ngày 22 tháng 8, 2022

Bức thư chung do BPSOS khởi xướng xoáy vào sự việc chính quyền Việt Nam đã ngăn cản, đe doạ và xử phạt hành chính nhiều công dân để không hưởng ứng Ngày Quốc Tế Tưởng Niệm các Nạn Nhân của các Hành Vi Bạo Lực trên Căn Bản Tôn Giáo hay Niềm Tin. Tháng 5 năm 2019, Đại Hội Đồng LHQ đã đồng thuận thông qua nghị quyết ấn định ngày 22 tháng 8 hàng năm là ngày quốc tế tưởng niệm này.

Là quốc gia thành viên của LHQ, Việt Nam có nghĩa vụ động viên và tạo cơ hội để công dân tham gia các ngày quốc tế do LHQ khởi xướng.

“Lẽ ra họ phải chứng minh là tấm gương tốt về tôn trọng nhân quyền và tuân thủ các nghị quyết của Đại Hội Đồng LHQ khi đệ đơn ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ,” Ts. Thắng nhận định. “Rất tiếc, họ đã bất chấp.”

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và rủi ro, 54 cộng đồng Cao Đài, Thượng, Công Giáo và Phật Giáo ở trong nước đã có sinh hoạt hưởng ứng ngày 22 tháng 8 năm nay. Chính quyền ở một số địa phương đã sách nhiễu hoặc hăm doạ bỏ tù nhằm ngăn cản công dân tham gia. Riêng ở Đắk Lắk, tháng 6 vừa qua chính quyền địa phương đã xử phạt 3 người vì đã đứng ra tổ chức tưởng niệm ngày 22 tháng 8 năm ngoái, có lẽ nhằm dằn mặt để họ không dám tưởng niêm năm nay.

Trong tư cách là thành viên Hội Đồng Cố Vấn của IRFBA, Ts. Thắng Ts. Thắng đã cập nhật cho Ban Chỉ Đạo của liên minh này các vụ việc kể trên.

Song song với bức thư chung, Ts. Thắng còn nhắc nhở riêng các thành viên của IRFBA là đừng quên rằng Việt Nam gần đây đã chống lại việc trục xuất Nga ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền LHQ mặc dù quân đội của quốc gia này đã có những hành vi bị thế giới xem là tội phạm chiến tranh và chống lại loài người.

“Nhà nước Việt Nam đã ngăn chặn mọi sinh hoạt của công dân nhằm biểu tỏ sự ủng hộ dành cho Ukraine. Các sự kiện được toà đại sứ Ukraine đứng ra tổ chức cũng bị cản trở,” Ts. Thắng nhắn gửi qua email đến các thành viên IRFBA. “Thậm chí toà đại sứ Ukraine mới đây đã phải lên tiếng phản đối Báo Hà Nội Mới đã đục bỏ hình ảnh các nhân viên ngoại giao Ukraine tham gia giải Chạy Cho Hoà Bình do chính báo này tổ chức, nhưng lại đăng tải hình ảnh của các tham dự viên người Nga.”

“Nếu chưa đủ quan tâm về những vi phạm quyền tự do tôn giáo đang diễn ra ở Việt Nam, xin quý quốc gia ít ra hãy bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine,” Ts. Thắng viết.

IRFBA gồm 37 quốc gia thành viên và 5 quốc gia quan sát viên hoặc quốc gia bạn của IRFBA.

Thông tin liên quan:

Thư chung với danh sách chữ ký cập nhật ngày 7 tháng 10, 2022
https://dvov.org/wp-content/uploads/2022/10/2022.10.07-Joint-letter-to-IRFBA-Steering-Committee.pdf

Việt Nam ứng cử Hội Đồng Nhân Quyền LHQ: triển vọng thấp
https://machsongmedia.com/vietnam/quyenconnguoi/1856-viet-nam-ung-cu-hoi-dong-nhan-quyen-lhqtrien-vong-thap

Tổng Kết Hoạt Động Các Cộng Đồng Tôn Giáo Tham Gia Hưởng Ứng Ngày 22/8 năm 2022
https://machsongmedia.com/vietnam/quyenconnguoi/1858-tong-ket-hoat-dong-cac-cong-dong-ton-giao-tham-gia-huong-ung-ngay-228-nam-2022

Phản đối của Toà Đại Sứ Ukraine gửi báo Hà Nội Mới:
https://www.facebook.com/UKRinVNM/posts/pfbid02HLrp7oCWRtAZTqWyK9qiWNcX4eD3AwWUd8zSWpsCk3Zcj7JxsiTmQABkFJo6qqoil

Viết một bình luận