Việt Nam sắp phải giải trình với LHQ về thực thi Công Ước Quyền Trẻ Em

* BPSOS sẽ trực tiếp truyền hình và tường thuật tại chỗ sự kiện này

Thông Báo của BPSOS

Ngày 4 tháng 9, 2022

http://machsongmedia.com

Ngày 12 và 13 tháng 9, Uỷ Ban hữu trách của LHQ sẽ rà soát Việt Nam về thực thi Công Ước LHQ về Quyền Trẻ Em. BPSOS sắp xếp người tham dự, góp ý và tường thuật về cuộc rà soát kéo dài 2 ngày này. Đồng thời, bộ phận truyền thông của BPSOS sẽ trực tiếp truyền hình cuộc rà soát, với phần dịch tiếng Việt, tại trang Facebook: https://www.facebook.com/VNAdvocacy. Lịch trình rà soát:

  • Ngày 12, lúc 3pm – 6pm giờ Geneva (tức 8pm – 11pm giờ VN)
  • Ngày 13, lúc 10am – 1pm giờ Geneva (tức 3pm – 6pm giờ VN)

BPSOS sắp xếp cho phái đoàn 3 người Việt tham dự: một nhà báo từ Anh Quốc, một nhà đấu tranh nhân quyền từ Hoà Lan, và tiếng nói đại diện Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ từ Hoa Kỳ. Họ sẽ tham dự và tường thuật diễn tiến cuộc rà soát.

Hình 1 — Quang cảnh buổi kiểm điểm Việt Nam về việc thực thi Công Ước về Quyền Dân Sự và Chính Trị tại trụ sở LHQ – 11-12/03/2019 (ảnh BPSOS)

Tại buổi họp kín với Uỷ Ban LHQ trước cuộc rà soát, họ sẽ chia nhau cập nhật các vấn đề đã được BPSOS nộp hồ sơ trước cho uỷ ban này: buôn bán trẻ em sang Ả Rập Xê Út trong chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước Việt Nam, chính sách tước giấy tờ tuỳ thân của các gia đình Hmong theo Đạo Tin Lành làm ảnh hưởng đến học vấn và tương lai của trẻ em, các trường hợp con nhỏ của những nữ tù nhân lương tâm là mẹ đơn thân, và một số trường hợp trẻ em là nạn nhân của các vụ hiếp dâm mà thủ phạm được nhà nước bao che. BPSOS đã nộp trước 6 hồ sơ và nhóm NextGen, thuộc chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ của BPSOS, đã nộp trước 3 hồ sơ.

Các tài liệu liên quan đến cuộc rà soát này có thể truy cập tại đây: https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/15/treatybodyexternal/SessionDetails1.aspx?SessionID=2503&Lang=en. Riêng tài liệu về các trẻ em liên quan vụ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ chưa được cập nhật ở trang mạng này, và phiên bản đã được cắt bỏ những thông tin cá nhân của nhân chứng có thể truy cập tại: https://dvov.org/wp-content/uploads/2022/08/BPSOS-UNCRC-report-on-TABBVT-for-public-release.pdf

Ngoài ra, BPSOS còn nộp cho uỷ ban này và nhiều cơ quan LHQ một hồ sơ không phổ biến về các tổ chức mà nhà nước Việt Nam dựng lên và cử đến các sự kiện quốc tế để vừa theo dõi và báo cáo các tiếng nói độc lập ở trong nước, vừa làm loa tuyên truyền cho nhà nước. Đó là lý do BPSOS sắp xếp cuộc họp kín với Uỷ Ban LHQ về quyền trẻ em.

Ngoài việc tham dự, quan sát và tường thuật về cuộc rà soát kể trên, phái đoàn người Việt sẽ còn có các buổi họp bên lề với nhiều bộ phận của LHQ:

  1. Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về quyền của các nhóm thiểu số: Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ là một nhóm thiểu số muốn độc lập với Giáo Hội PGVN nên bị trù dập.
  2. Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về quyền của các sắc dân bản địa: Đây là cơ hội để nêu các vấn đề liên quan đến các cộng đồng Tây Nguyên và Hmong.
  3. Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về quyền tự do biểu đạt: Vụ TABBVT cũng có yếu tố tự do biểu đạt vì họ diễn giải Phật pháp cách khác với các chức sắc của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, nhận định là công an bắt cóc người và bỏ xót tội phạm, cũng như nhận xét cá nhân về Ông Thích Nhật Từ mà bị truy tố và xử án tù. Ngoài ra có vụ công an ngăn cản hoặc trừng phạt các nhóm Tây Nguyên và Cao Đài hưởng ứng Ngày Quốc Tế 22 Tháng 8 của LHQ để tưởng niệm các nạn nhân của hành vi bạo lực vì lý do tôn giáo hay niềm tin.
  4. Báo Cáo Viên Đặc Biệt về quyền tự do tôn giáo hay niềm tin: Vụ TABBVT và các hồ sơ kể trên đều mang tính đàn áp tôn giáo. Bên cạnh đó là trường hợp của hàng chục nghìn (có thể lên đến cả trăm nghìn) người Hmong trở thành vô hộ tịch, vô hộ khẩu do theo Đạo Tin Lành.
  5. Báo Cáo Viên Đặc Biệt về phòng, chống buôn người: Sự lên tiếng mạnh mẽ và kịp thời của vị báo cáo viên này đã góp phần thúc đẩy Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào Hạng 3 về buôn người với nguy cơ bị chế tài. Tại buổi họp sắp đến ở Geneva, BPSOS sẽ cập nhật thông tin về những hồ sơ buôn người mới phát hiện.
  6. Tổ Công Tác về Giam Giữ Tuỳ Tiện: BPSOS đã nộp nhiều hồ sơ của những người đi tù vì thực thi quyền tự do biểu đạt như Đinh Thị Thu Thuỷ, Nguyễn Thuý Hạnh, nhà thơ Trần Đức Thạch, nhóm Hội Nhà Báo Độc Lập (Phạm Chí Dũng…). Các hồ sơ do BPSOS nộp cho tổ công tác này có thể truy cập tại đây: https://dvov.org/special-procedures/ (phần UN Working Group on Arbitrary Detention). Vụ TABBVT sẽ là hồ sơ mới nhất.
  7. Toán nhân viên về hăm doạ và trả thù: Các nhân viên này, trực thuộc văn phòng Cao Uỷ Nhân Quyền LHQ, chuyên theo dõi các trường hợp bị trả thù vì báo cáo các vi phạm nhân quyền. Trong nhiều năm, BPSOS đã cung cấp nhiều hồ sơ cho bản báo cáo hàng năm của Tổng Thư Ký LHQ về hăm doạ và trả thù.

Viết một bình luận