Hướng về Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo 2022: Tiếng nói của các người tị nạn Hmong

  • Từ nạn nhân trở thành người đấu tranh cho tự do tôn giáo

Mạch Sống, ngày 24 tháng 6, 2022

http://machsongmedia.com

Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế sẽ diễn ra ở thủ đô Hoa Kỳ trong các ngày 28-30 tháng 6, ba người Hmong theo đạo Tin Lành đã từng tị nạn ở Thái Lan sẽ lên tiếng cho các đồng bào của họ ở Việt Nam cũng như đang lánh nạn ở Thái Lan.

Tại buổi hội luận ngày 29 tháng 6, lúc 9:30 sáng (giờ thủ đô Hoa Kỳ, tức 8:30 tối ở Việt Nam) Ông Vàng Chỉ Mình – một mục sư đã từng bị nhà nước Việt Nam bỏ tù nhiều năm hiện đang định cư tại Tiểu Bang Minnesota và Ông Hoàng Văn Pá, mới cùng với gia đình định cư tị nạn ở Hoa Kỳ từ Thái Lan, sẽ trình bày về tình trạng các người Hmong theo đạo Tin Lành bị bách hại ở Việt Nam và số phận của nhiều trăm đồng bào của họ đang lánh nạn ở Thái Lan.

Số người H’Mong ở Việt Nam theo đạo Tin Lành tăng nhanh trong thập niên 1980 do họ bắt được một làn sóng truyền đạo qua radio bắt nguồn từ Phi Luật Tân. Chính sách đàn áp tôn giáo đối với người H’mong của nhà nước Việt Nam cũng bắt đầu từ đấy và không khác gì đối với các tôn giáo khác và chia thành hai giai đoạn chính.

Từ năm 1986 đến khoảng năm 2012: Nhà nước Việt Nam dùng bạo lực tấn công trực diện nhằm không cho người H’Mong được quyền tiếp cận niềm tin tôn giáo mà họ mong muốn. Những người theo đạo bị đốt nhà, tịch thu giấy tờ tuỳ thân, bị đuổi ra khỏi làng bản; các nhà nguyện cũng bị đốt phá. Hậu quả hàng chục ngàn người H’Mong phải di cư khỏi nơi cư trú trong tình trạng không giấy tờ tuỳ thân (vô quốc tịch) trong nhiều thập niên. Nổi bật nhất là vụ đàn áp đẫm máu và chết người tại Mường Nhé, Tỉnh Điện Biên tháng 5 năm 2011. BPSOS đã nhanh chóng báo động với quốc tế về sự kiện này. Xem:

Hình 1 – Lực lượng vũ trang của Việt Nam chuẩn bị đàn áp cuộc cầu nguyện tập thể của hàng nghìn người Hmong theo đạo Tin Lành ở Mường Nhé, Điện Biên, ngày 3 tháng 5, 2011

Khoảng từ năm 2012 đến nay: Nhà nước Việt Nam cưỡng ép người H’Mong chỉ được sinh hoạt tôn giáo trong các tổ chức Tin Lành được nhà nước công nhận, mà điển hình là Tổng Hội Tin Lành Việt Nam – Miền Bắc và Tổng Hội Tin Lành Việt Nam – Miền Nam. Đây là sự chuyển đổi chiến thuật sau kế hoạch ngăn cấm người H’Mong theo đạo không thành. Hai tổ chức tôn giáo kể trên vốn đã bị chính quyền lũng đoạn thành công. Từ một tổ chức tôn giáo, những tổ chức này đã trở thành công cụ để chính quyền quản lý những người H’Mong theo đạo. Cho đến nay, rất nhiều điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo của người H’Mong có tới hàng trăm tín đồ nhưng họ không được phép sinh hoạt riêng theo văn hoá đặc trưng của người H’Mong. Họ chỉ có một lựa chọn duy nhất đó là trở thành điểm sinh hoạt tôn giáo trực thuộc hai tổng hội nói trên.

Ngay cả những người Hmong là thành viên của Tổng Hội Tin Lành Việt Nam – Miền Bắc cũng bị ngăn cản sinh hoạt tôn giáo và có khi bị bắt phải bỏ đạo trong khi tổ chức Tin Lành này hoàn toàn im tiếng. Mới đây đãi RFA đăng tin về 13 người Hmong ở Huyện Kỳ Sơn, Tỉnh Nghệ An bị trục xuất khỏi bản làng sau khi gia nhập tổ chức Tin Lành này: https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hmong-family-wasnt-granted-id-by-because-they-follow-protestantism-06202022081549.

Thực ra, còn nhiều trường hợp tương tự mà BPSOS đã theo dõi và báo cáo với LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và nhiều toà đại sứ phương tây ở Việt Nam. Các báo cáo này cũng nói về thái độ im tiếng của Tổng Hội Tin Lành Việt Nam – Miền Bắc và Miền Nam. Hai tổ chức này, để đổi lấy một số thuận lợi và dễ dàng trong hoạt động, đã không lên tiếng bảo vệ cho tín đồ người Hmong hoặc người Tây Nguyên của mình. Vô hình trung, họ đã giúp chế độ che đậy các vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo của công dân trước quốc tế. Xem: https://dvov.org/wp-content/uploads/2022/06/Government-created-religious-organizations.pdf.

Trong hơn 30 năm qua có khoảng 400 chức sắc, thầy truyền đạo và tín đồ Tin Lành bị nhà nước Việt Nam bắt tù giam. Người Hmong chiếm tỉ số không nhỏ trong đó.

Trong 20 năm qua, khoảng 800 đồng bào người Hmong theo đạo Tin Lành đã phải chạy sang Thái Lan lánh nạn. Văn phòng bảo vệ pháp lý với luật sư do BPSOS tài trợ, bắt đầu hoạt động ở Bangkok năm 2010, đã can thiệp hồ sơ tị nạn cho khoảng phân nửa. Ông Hoàng Văn Pá và gia đình thuộc số này.

HVP_1.jpg

Hình 2 – Gia đình Ông Hoàng Văn Pá và thân hữu tại phi trường Bangkok, ngày 11 tháng 4, 2022

Ông Pá, vừa đến định cư ở Denver, tiểu bang Colorado, sẽ trình bày về Chi Hội Tin Lành Bụi Tre và cái chết thương tâm của người anh trai Hoàng Văn Ngài, như một minh chứng cho chính sách bách hại tôn giáo ở Việt Nam.

Chi Hội Tin Lành Bụi Tre có trụ sở tại Thôn 20, Xã Đăk Drông, Huyện Cư Jút, Tỉnh Đăk Nông. Đây là tổ chức tôn giáo của những người H’Mong miền Bắc do nhiều hoàn cảnh bị xô đẩy tới vùng rừng núi tỉnh Đăk Nông. Tổ chức tôn giáo này được ra đời do những nỗ lực của anh Hoàng Văn Ngài và các thành viên trong gia đình mình trong việc giữ đạo, khai lập và tổ chức sinh hoạt đạo cho những người H’Mong ở nơi đây.

Năm 2006, chính quyền địa phương đã công nhận Điểm Nhóm Sinh Hoạt Tôn Giáo và thừa nhận quyền đại diện điểm nhóm của anh Hoàng Văn Quạ – một người anh của anh Hoàng Văn Ngài.

Năm 2009, Điểm Nhóm Sinh Hoạt Tôn Giáo xây dựng được nhà thờ trên phần đất do gia đình anh Hoàng Văn Quạ dâng hiến. Các cơ quan chức năng đã cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng các công trình trên đất.

Năm 2012, Điểm Nhóm Sinh Hoạt Tôn Giáo chính thức được chính quyền thừa nhận là một tổ chức tôn giáo của người H’Mong với tên gọi pháp nhân Chi Hội Tin Lành Bụi Tre. Tại thời điểm đó, tổ chức tôn giáo Chi Hội Tin Lành Bụi Tre có 582 tín đồ. Anh Hoàng Văn Quạ là người quản nhiệm.

Trước sự lớn mạnh của tổ chức tôn giáo này, chính quyền bắt đầu gây khó khăn cho họ. Năm 2013, các thành viên trong gia đình anh Hoàng Văn Quạ, Hoàng Văn Ngài và Hoàng Văn Pá đều bị triệu tập tới trụ sở công an để làm việc. Trong quá trình làm việc, những người phụ nữ đã bị làm nhục và những người đàn ông đã bị đánh đập, ép cung. Hậu quả đau đớn đã xảy ra, anh Hoàng Văn Ngài chết sau 3 ngày bị giam tại trụ sở công an. Sau khi được thả tự do, các thành viên trong gia đình 2 anh Hoàng Văn Quạ và Hoàng Văn Pá cũng như vợ con của anh Hoàng Văn Ngài đều phải chạy trốn sang Thái Lan để bảo toàn sự sống. Chi Hội Tin Lành Bụi Tre gần như dừng hoạt động.

Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế 2022 năm nay, vấn đề Chi Hội Tin Lành Bụi Tre, cái chết thương tâm của anh Hoàng Văn Ngài và số phận của hơn 50 thành viên trong đại gia đình anh Hoàng Văn Ngài đã phải rời bỏ tổ quốc sẽ được báo cáo chi tiết.

Pastor_Vang_Chi_Minh.jpg

Hình 3 – MS Vàng Chí Mình cùng với một tín đồ Cao Đài tại Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự ASEAN, Manila, Philippines tháng 11 năm 2017

Mục Sư Vàng Chí Mình và gia đình là những H’Mong đầu tiên thuộc Huyện Mường Nhé, tỉnh Hà Giang theo đạo Tin Lành. Cha của MS Mình là một bộ đội từng tham gia cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược và đã được nhiều huân huy chương. Sau khi theo đạo Tin Lành, Ông bị bắt và bị đánh đập nhiều lần và đã chết vì các vết thương không được chăm sóc.

MS Mình học kinh thánh, trở thành mục sư và truyền đạo trong huyện cũng bị bắt giam tù nhiều tháng. Cuối cùng chính quyền CSVN quyết định trừng phạt ông quyết liệt hơn. Tại một phiên tòa ngụy tạo, họ đã kết án và giam giữ MS Mình 9 năm dài.

Sau khi mãn hạn tù, vì lo sợ cho tính mạng, Ông đem gia đình trốn thoát sang Thái Lan. Gia đình Ông có lẽ là những người H’Mong Việt Nam đầu tiên được tị nạn tại Hoa Kỳ. Hiện ông sống tại tiểu bang Minnesota và là một nhà hoạt động tích cực bênh vực cho quyền tự do tôn giáo của các dân tộc thiểu số, đặc biệt người H’Mong tại Việt Nam. Ông có quan hệ mật thiết với nhiều hội thánh Tin Lành của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

MS Mình đã từng tham gia các hội nghị về tự do tôn giáo hay niềm tin khu vực Đông Nam Á do BPSOS đồng tổ chức từ năm 2015 cũng như hội nghị cấp bộ trưởng về tự do tôn giáo quốc tế do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tổ chức năm 2018 và 2019.

Cả Ông Pá lẫn MS Mình cũng sẽ lên tiếng kêu gọi quốc tế bảo vệ và định cư người tị nạn ở Thái Lan.

Đoàn người Hmong ngoài ra còn có em Hoàng Văn Phanh, con trai của Ông Pá, và 3 người Việt từng hỗ trợ cho các nhóm người Hmong ở Việt Nam hoặc ở Thái Lan. Em Phanh sẽ tham gia các sinh hoạt của mạng lưới giới trẻ lãnh đạo, là chủ lực của Chiến Dịch Toàn Cầu cho Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo.

Để theo dõi hội nghị và thể hiện tinh thần hiệp thông với các tôn giáo trên thế giới, chúng tôi kêu gọi mọi người hãy đăng ký tham gia hội nghị tại địa chỉ: https://irfsummit.org/ hoặc theo dõi các sinh hoạt của đoàn người Việt tại hội nghị thượng đỉnh qua các trang FB và trang mạng của BPSOS:

https://www.facebook.com/VNFoRB

https://www.facebook.com/Vietnamcivilrights

https://machsongmedia.com/

https://www.vnforb.org/

Viết một bình luận