- Số báo cáo với quốc tế tăng vọt
BPSOS, ngày 26 tháng 5, 2022
http://machsongmedia.com
Từ năm 2015, BPSOS thực hiện các khoá đào tạo dài hạn và ngắn hạn cho thành viên của trên 200 cộng đồng tôn giáo và bản địa ở Việt Nam. Hơn 300 người đã tham gia khoá đào tạo 12 tháng và khoảng 2 nghìn người đã qua các khoá đào tạo ngắn hạn, từ vài buổi đến vài tháng. Một chỉ dấu về hiệu quả của chương trình đào tạo là khả năng thu thập, kiểm chứng và tổng hợp thông tin về các vụ vi phạm nhân quyền để báo cáo với LHQ cũng như một số chính quyền và tổ chức quốc tế.
Bảng thống kê dưới đây cho thấy số báo cáo đã tăng nhanh kể từ năm 2016, kết quả của chương trình đào tạo. Các báo cáo này được phân loại thành: (1) ở cột đầu là các báo cáo vi phạm, (2) ở cột kế là các báo cáo hiện trạng được tổng hợp từ các báo cáo vi phạm, (3) ở cột cuối là các bản tường trình ngoại lệ.
Trong 6 năm từ 2009 đến 2015, tổng cộng của 3 loại báo cáo này là: 11, 17 và 16. Trong hơn 5 năm từ 2016 đến cuối tháng 3 năm 2022 là: 281, 45 và 33.
Quy trình thực hiện các loại báo cáo
Các báo cáo về vi phạm được thực hiện theo công thức dây chuyền. Trước hết, người ở trong nước được đào tạo về nhận diện các vụ vi phạm về cam kết nhân quyền của Việt Nam với quốc tế, thu thập và phối kiểm thông tin thô theo tiêu chuẩn của LHQ, và tổng hợp các thông tin thô theo khuôn mẫu của LHQ. Khoảng 2 nghìn người đã được đào tạo những kỹ năng này qua các khoá học ngắn hạn.
Kế đến, bản báo cáo thông tin thô được chuyển thành bản báo cáo khá hoàn chỉnh trong tiếng Việt. Khoảng vài chục người trong số 300 học viên khoá 12 tháng đã đạt năng lực này.
Sau đó, ban phiên dịch của BPSOS, gồm một số nhỏ những người tình nguyện, dịch sang tiếng Anh. Trong quá trình dịch, họ kiểm tra lại thông tin và có thể yêu cầu thông tin bổ sung từ nguồn cung cấp thông tin thô.
Cuối cùng, nhóm vận động quốc tế của BPSOS chuyển hồ sơ vi phạm tiếng Anh đến các cơ quan LHQ, các cơ quan chính quyền Hoa Kỳ, Liên Âu, Đức, Pháp, Anh, Hoà Lan… và rồi tương tác với các cơ quan này để trả lời câu hỏi nếu có hoặc phối hợp hành động khi cần. BPSOS cũng chia sẻ một số bản báo cáo vi phạm với một số tổ chức quốc tế có quan hệ hợp tác bền chặt.
Nhiều vụ việc liên quan có thể được gom lại thành 1 bản báo cáo để nộp cho LHQ và các cơ quan quốc tế. Nghĩa là, 292 bản báo cáo vi phạm mà BPSOS đã hoàn tất thực ra bao gồm số vụ việc có thể gấp đôi, gấp 3.
Loại báo cáo về hiện trạng và các bản tường trình đặc biệt đòi hỏi kinh nghiệm nghiên cứu, phân tích và tổng hợp. Toán chuyên gia của BPSOS đảm trách biên soạn 2 loại tài liệu này.
Các lợi ích thu hoạch được
Câu hỏi đặt ra là, báo cáo có đem lại lợi ích gì?
Có 3 lợi ích cụ thể.
Trước hết, những cộng đồng có đầy đủ năng lực báo cáo vi phạm hầu như đều chứng kiến sự giảm đi thấy rõ hành vi đàn áp về số lượng và về mức độ nghiêm trọng. Trong số trên 200 cộng đồng có người biết viết báo cáo, trên 90% cho biết tình trạng của họ được cải thiện.
Nhưng quan trọng hơn, khi một cộng đồng có nhiều người hiểu được thế nào là quyền công dân và quyền con người và biết cách khai dụng luật Việt Nam và luật quốc tế để bảo vệ các quyền ấy thì lòng tự tin, năng lực và bản lĩnh của cộng đồng ấy tăng lên. Thay vì chỉ đối phó thụ động, họ bắt đầu chủ động thay đổi hoàn cảnh.
Lợi ích thứ 3, quan trọng không kém, là nhịp cầu với quốc tế đang dần được hình thành và củng cố. Trong thể chế hiện nay, người dân chưa thể kiểm soát nhà nước nhưng có thể cung cấp thông tin để quốc tế đòi hỏi nhà nước Việt Nam giải trình. Chính điều này tạo nên sự thay đổi tích cực cho các cộng đồng chứng minh được khả năng báo cáo vi phạm.
Nhân rộng lợi ích
Để giúp nhiều cộng đồng tăng năng lực, BPSOS sẽ tuần tự phổ biến nội dung của các khoá đào tạo ngắn hạn về luật quốc tế về nhân quyền, về một số điều luật Việt Nam liên quan mật thiết đến quyền tự do tôn giáo, về cách viết báo cáo, về cách tiếp cận với quốc tế…
Đến nay BPSOS đã phổ biến giáo trình Cấp 1 vàp Cấp 2 của khoá đào tạo lãnh đạo 12 tháng:
https://dvov.org/wp-content/uploads/2022/05/Dao-Tao-Lanh-Dao-Tim-Giai-Phap.pdf
https://dvov.org/wp-content/uploads/2022/05/Dao-Tao-Lanh-Dao-To-Chuc.pdf