Tổng Thống Biden: Hãy lên tiếng về tình trạng ngôn ngữ hận thù và bạo lực nhắm vào các tôn giáo ở Việt Nam

• Thư chung gồm 205 chữ ký đã được gửi ra

 

Mạch Sống, ngày 11 tháng 5, 2022

 

Bức thư chung, với 57 tổ chức và 138 cá nhân ký tên, đã được gửi cho Tổng Thống Joseph Biden và các giới chức liên quan của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 9 tháng 5 vừa qua. Bức thư kêu gọi Tổng Thống Hoa Kỳ hãy nêu quan tâm khi gặp Thủ Tướng Phạm Minh Chính tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN về tình trạng ngôn ngữ hận thù và bạo lực nhắm vào các tôn giáo độc lập ở Việt Nam. 

 

“Điều đáng quan tâm đặc biệt là Nhà Nước đã chỉ đạo và hỗ trợ chương trình tuyên truyền dùng những ngôn từ kích động sự thù địch và bạo lực nhắm vào các nhà lãnh đạo tôn giáo và tín đồ, dẫn đến những hậu quả tai hại và đáng lo ngại,” bức thư chung viết.

Theo Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, mục đích của bức thư chung là báo động cho Hoa Kỳ và quốc tế nói chung về chiến thuật “ném đá giấu tay” của nhà nước Việt Nam.

 

“Trong những năm gần đây, các hành vi bạo lực trực tiếp của chính quyền đã giảm nhiều, do gặp phản ứng bất lợi từ quốc tế,” Ts. Thắng giải thích. “Thay vào đó, nhà nước Việt Nam dùng các nhóm ‘quần chúng tự phát’, các tổ chức tôn giáo ‘quốc doanh’ để công kích các cộng đồng tôn giáo độc lập với nhà nước.”

Đám tang LM Trần Ngọc Thành (nguồn: Đàn Chim Việt)

Bức thư nêu một số ví dụ cụ thể như “Hội Cờ Đỏ” đã phỉ báng các Linh mục Công giáo, gọi các vị này là “quạ đen”, “phản quốc”, “linh mục chó săn”, “kẻ buôn nến” và “cực đoan, quỷ quyệt,” trong số các tên gọi xấu xa khác. Hội Cờ Đỏ cũng đã dán nhãn lên các nhà sư đáng kính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là “những thế lực xấu” đã “xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam”.

 

Người trong Hội Cờ Đỏ ở tỉnh Đắk Lắk kêu gọi chính quyền “loại bỏ Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên ra khỏi cuộc sống của dân làng.”

 

“Cho đến nay, chưa một thành viên Hội Cờ Đỏ nào bị điều tra chứ đừng nói bị khởi tố hoặc trừng trị theo luật bảo vệ công dân trước lời lẽ vu khống,” Ts. Thắng nói. “Điều này cho thấy có sự bao che, dung dưỡng của chính quyền.”

 

Bức thư chung chỉ ra rằng, tháng Giêng năm nay, một đám đông thuộc Chi Phái Cao Đài do nhà nước dựng lên năm 1997 đã hai lần tấn công các tín đồ Cao Đài trong các buổi cầu nguyện tại nhà riêng của họ ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, và ngày 20 tháng 2, hai viên chức chính quyền đã xông vào một nhà thờ Công giáo ở tỉnh Hòa Bình để phá rối thánh lễ. Vài ngày trước đó, một cặp vợ chồng người Hmong và cha mẹ của họ ở tỉnh Lai Châu đã bị một đám đông đánh đập, lăng mạ vì theo đạo Thiên Chúa.

 

“Thông điệp hận thù và bạo lực, do nhà nước khuyến khích hoặc dung túng, chắc chắn đã góp phần vào những hành vi bạo động nhắm vào các tu sĩ và tín đồ của nhiều tôn giáo,” Ts. Thắng nhận định. “Vào ngày 29 tháng Giêng, tại Kontum, linh mục Trần Ngọc Thanh đang nghe giải tội thì một hung thủ dùng dao rựa chém, gây tử vong. Năm ngoái, một linh mục khác ở cùng tỉnh cũng bị một kẻ lạ mặt đâm vào bụng và phải nhập viện.”

 

BPSOS từ nhiều năm qua đã báo động với LHQ về hiện tượng ngôn ngữ hận thù và kích động bạo lực nhắm vào các tôn giáo. Năm 2019, Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ, tại buổi giải trình của nhà nước Việt Nam về thực thi Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị, đã xác định rằng Hội Cờ Đỏ là nguồn kích động thù địch và bạo lực:

 

“[Ủy ban] cảm thấy bất nhẫn về các báo cáo là các tác nhân phi chính phủ, chẳng hạn như ‘Hội Cờ Đỏ’ tấn công các cộng đồng Công Giáo và tham gia vào các hoạt động tuyên truyền cổ võ và kích động kỳ thị tôn giáo, bạo lực và lời lẽ căm thù (điều 2, 18 –20 và 26).”

Ts. Thắng cho biết là nội dung của bức thư chung này sẽ là một chủ đề được nêu lên tại Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế sẽ tổ chức ngày 28-30 tháng 6 tới đây ở thủ đô Hoa Kỳ.

 

Ông cũng cho biết là sau khi gửi thư chung đi, có thêm một số tổ chức và cá nhân tiếp tục ký tên.

 

“Chúng tôi sẽ tìm cơ hội để gửi ra danh sách chữ ký đầy đủ,” Ts. Thắng nói.

 

Thông tin liên quan:

 

 

Viết một bình luận