Cuối tháng 6: Vận động cho Việt Nam ở thủ đô Hoa Kỳ

  • Chiến dịch toàn cầu cho các tù nhân tôn giáo

Mạch Sống, ngày 18 tháng 4, 2022

http://machsongmedia.com

Khoảng 60 người Việt và thân hữu ngoại quốc đã ghi danh tham gia “Hội Nghị Thượng Đỉnh Cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế” sẽ tổ chức ở thủ đô Hoa Kỳ ngày 28 – 30 tháng 6 tới đây. Đây là năm thứ hai BPSOS đồng tổ chức hội nghị thượng đỉnh này, và ước lượng sẽ có hơn một nghìn tham dự viên gồm các lãnh đạo tôn giáo, các giới chức chính quyền, các nghị sĩ, và các nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo đến từ nhiều quốc gia.

Đồng chủ tịch của Uỷ Ban Chỉ Đạo hội nghị gồm có Cựu Đại Sứ Lưu Động Hoa Kỳ đặc trách tự do tôn giáo quốc tế Sam Brownback và Ts. Katrina Lantos-Swett, cựu Chủ Tịch Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế.

BPSOS sẽ đảm trách mảng giới trẻ lãnh đạo và Chiến Dịch Toàn Cầu cho các Tù Nhân Tôn Giáo, một trong những chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh năm nay.

“Trong vai trò đồng tổ chức, chúng tôi tạo điều kiện cho các tôn giáo bị bách hại ở Việt Nam lên tiếng tại diễn đàn quốc tế này,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết.

Hình 1 – Trang web của Hội Nghị Thượng Đỉnh Cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế

BPSOS sẽ hỗ trợ các tổ chức và nhóm các tổ chức trên thế giới phát động chiến dịch đòi tự do cho TNTG mà họ chọn. Đến nay, đã có khoảng một chục tổ chức và nhóm các tổ chức đề cử TNTG mà họ nhận trách nhiệm vận động. Riêng Việt Nam có 3 tù nhân lương tâm tôn giáo được chọn để giới thiệu tại Hội Nghị Thượng Đỉnh:

  1. Tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo Nguyễn Bắc Truyển
  2. Giáo dân Công Giáo Nguyễn Văn Hoá
  3. Mục Sư Tin Lành Tây Nguyên Y Pum Bya

Đồng thời, một số TNTG ở Nigeria, Miến Điện, Yemen, và Trung Quốc cũng đã được tuyển chọn.

“Mục tiêu của chúng tôi trước hết là bảo đảm rằng mỗi chiến dịch sẽ liên tục, dài lâu và ngày càng leo thang; thứ hai là có sự hỗ tương giữa tất cả các chiến dịch vận động cho TNTG,” Ts. Thắng giải thích. “Chẳng hạn, các tổ chức vận động cho TNLT ở Nigeria sẽ hỗ trợ vận động cho TNLT ở mọi quốc gia khác, và ngược lại.”

Chiến dịch vận động cho Ông Nguyễn Bắc Truyển, được dùng làm mẫu cho tất cả các TNLTTG còn lại, sẽ bao gồm:

  1. Phát động kế hoạch truyền thông, bắt đầu cuối tháng 4, nhằm hâm nóng sự quan tâm của quốc tế: Khoảng một chục nhân vật có ảnh hưởng sẽ luân phiên lên tiếng kêu gọi trả tự do cho Ông Truyển;
  2. Trưng bày hình ảnh và thông tin về TNTG ngay tại hội nghị thượng đỉnh và khuyến khích mọi tham dự viên ký thư chung gửi chính quyền đang giam giữ TNTG và gửi bưu thiếp thăm hỏi TNTG trong nhà tù;
  3. Tổ chức buổi hội luận về TNTG trong sự phối hợp với Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế;
  4. Đưa tin về các sinh hoạt tại hội nghị thượng đỉnh đến với các cộng đồng bị bách hại ở trong nước;
  5. Tuyển mộ và huấn luyện các tình nguyện viên về truyền thông, vận động, và tổ chức quần chúng nhằm từng bước phát triển chiến dịch ra toàn thế giới.

“Chúng tôi sẽ dành một phòng họp riêng để phục vụ cho các sinh hoạt của Chiến Dịch Toàn Cầu cho các TNTG trong suốt 3 ngày hội nghị,” Ts. Thắng cho biết.

Ngoài chiến dịch toàn cầu cho TNTG, BPSOS sẽ tạo phương tiện và cơ hội cho các phái đoàn người Việt tiếp xúc với các giới chức chính quyền của nhiều quốc gia và kết nối với các tổ chức quốc tế. Chẳng hạn, các phái đoàn của giáo dân Công Giáo, tín đồ Tin Lành Tây Nguyên, và tín đồ Tin Lành Hmong sẽ có cơ hội kết nối với các tổ chức quốc tế bảo vệ người Cơ Đốc Giáo bị bách hại; hoặc, phái đoàn các tín đồ Cao Đài sẽ có cơ hội trình bày với các tham dự viên nói chung về kế hoạch triển khai “đại sách lược” phục hưng cơ đạo.

Theo Ts. Thắng, hiện đã có 60 người Việt ghi danh tham gia hội nghị, chưa kể một số người ngoại quốc cũng ghi danh chung với thành phần người Việt. Họ bao gồm các phái đoàn Công Giáo, Cao Đài, Tin Lành Tây Nguyên, và Tin Lành Hmong cũng như một số cá nhân không đi theo phái đoàn. Khoảng một chục thành viên Hội Đồng Quản Trị, nhân viên, thực tập sinh, và thiện nguyện viên từ các văn phòng BPSOS sẽ hiện diện để hỗ trợ cho các đồng bào chưa quen vận động quốc tế. Khoảng một chục học sinh trung học và đại học cũng sẽ có mặt trong các sinh hoạt đào tạo lãnh đạo trẻ.

Pic2

Hình 2 – Em Tri Ân, học sinh vùng San Jose, California, vận động tự do cho Nguyễn Bắc Truyển tại Hội Nghị Xã Hội Dân Sự ASEAN, Philippines, tháng 11, 2017 (nguồn BPSOS)

Ngay sau hội nghị thượng đỉnh, chiến dịch toàn cầu cho TNTG sẽ được phát động tại Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế và Niềm Tin, được tổ chức ngày 5 và 6 tháng 7 ở London, Anh Quốc. Nhiều bộ trưởng, thứ trưởng và giới chức ngoại giao cao cấp sẽ tham dự sự kiện này. Anh Quốc là đương kim chủ tịch của Liên Minh Cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế và Niềm Tin, bao gồm 35 quốc gia cùng mục đích bảo vệ và phát huy tự do tôn giáo quốc tế.

Sau đó, vào tháng 11, BPSOS sẽ đồng tổ chức Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Vùng Đông Nam Á tại Indonesia, đương kim Chủ Tịch nhóm G20.

“Chiến dịch toàn cầu cho các TNTG sẽ tiếp tục được giới thiệu tại sự kiện này,” Ts. Thắng cho biết.

Tất cả các sự kiện nêu trên đều nằm trong chiến lược rộng lớn được khởi động cách đây 12 năm nhằm bảo vệ và phát huy tự do tôn giáo toàn cầu. Chiến lược này bao gồm 4 bộ phận hỗ tương:

  1. Mạng lưới các bàn tròn tự do tôn giáo để phối hợp các tổ chức và cá nhân hoạt động chuyên về tự do tôn giáo. Hiện nay đã có khoảng 30 bàn tròn như vậy, kể cả bàn tròn đa tôn giáo Việt Nam (được hình thành tháng 3 năm 2016), nối kết gần một nghìn tổ chức và cá nhân đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo trên khắp thế giới. BPSOS ở trong Uỷ Ban Chỉ Đạo của bàn tròn tự do tôn giáo quốc tế ở Hoa Kỳ và đồng sáng lập bàn tròn ở toàn khu vực Đông Nam Á và riêng ở Việt Nam và Miến Điện.
  2. Mạng lưới các nhà lập pháp nhằm thay đổi luật quốc gia để phát huy tự do tôn giáo và/hoặc đề ra các biện pháp chế tài nhắm vào các thủ phạm đàn áp tôn giáo. Mạng lưới này hiện có gần 300 nhà lập pháp ở 90 quốc gia.
  3. Liên minh các chính quyền cùng mục đích bảo vệ và phát huy tự do tôn giáo toàn cầu. Hiện có 35 chính quyền tham gia liên minh. Ở Việt Nam, khoảng một chục toà đại sứ, phần lớn thuộc các quốc gia này, phối hợp chặt với nhau trong nhóm mệnh danh “thân hữu của tự do tôn giáo hay niềm tin”. Ts. Thắng thuộc Hội Đồng Cố Vấn của liên minh này.
  4. Phong trào quần chúng nhằm huy động các tổ chức tôn giáo (nhà thờ, đền thờ, hội thánh, chùa, thánh thất…), các nhóm sinh viên – học sinh, các trường đại học, giới truyền thông, các giáo sư và nhà nghiên cứu… để vừa hỗ trợ vừa thúc đẩy 3 bộ phận trên. Phát động phong trào quần chúng là mục đích của Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế. BPSOS là thành viên của Uỷ Ban Chỉ Đạo của hội nghị.

 

Pic3.jpg

Hình 3 – Các tổ chức đồng tổ chức hội nghị thượng đỉnh

BPSOS kêu gọi người Việt ở Hoa Kỳ, ở trong nước, và ở mọi nơi trên thế giới hãy tận dụng các cơ hội kể trên để cùng vận động cho tự do tôn giáo ở Việt Nam.

“Chúng tôi xin mỗi người một tay giúp phổ biến thông tin về hội nghị thượng đỉnh”, Ts. Thắng kêu gọi.

Để tham gia hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 6, xin ghi danh tại: https://irfsummit.org/. Mọi thắc mắc xin liên lạc: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Thông tin liên quan:

Cơ hội lên tiếng với quốc tế cho tự do tôn giáo ở Việt Nam tại thủ đô Hoa Kỳ
https://machsongmedia.com/vietnam/quyenconnguoi/1809-co-hoi-len-tieng-voi-quoc-te-cho-tu-do-ton-giao-o-viet-nam-tai-thu-do-hoa-ky

Viết một bình luận