LHQ tố giác nạn buôn người từ Việt Nam sang Serbia

  • 4 Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ đồng gửi giác thư cho Việt Nam

Mạch Sống, ngày 28 tháng 3, 2022

http://machsongmedia.com

Hôm 21 tháng 3, văn phòng của Cao Uỷ Nhân Quyền LHQ công bố giác thư gửi cho nhà nước Việt Nam  về tình trạng của hơn 400 công nhân Việt bị 2 công ty Trung Quốc đối xử như nô lệ ở Serbia.

Giác thư chung này do 4 Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ, là những chuyên gia về nhân quyền, cùng gửi ra ngày 8 tháng 1, 2022. Theo quy tắc của LHQ, chính phủ nhận giác thư có 60 ngày để trả lời trước khi LHQ công bố nội dung của giác thư.

Giác thư mô tả tình trạng của 402 người lao động bị các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam tuyển mộ để làm việc tại khu công nghệ Zrenjanin của Serbia cho 2 công ty xây dựng Trung Quốc. Hai công ty này nhận thầu của công ty Shandong Linglong ở Trung Quốc xây nhà máy sản xuất lốp xe với quy mô xuất khẩu khắp Âu Châu. 

Từ giữa tháng 11, BPSOS phối hợp với tổ chức luật sư nhân quyền A11 Initiative ở Serbia để phanh phui vụ buôn lao động này. Tổ chức A11 Initiative giữ lấy thông tin từ các nạn nhân trong khi BPSOS điều tra các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam. Cả 2 tổ chức cùng phối hợp việc cung cấp thông tin cho LHQ, trong đó có phần phân tích về các bản hợp đồng và bản cam kết với những điều khoản vi luật trắng trợn mà người lao động phải ký với công ty xuất khẩu lao động.

Hình 1 – Nơi sinh sống của các người lao động Việt Nam (hình của ASTRA)

Trong một động thái hiếm khi xảy ra, các báo cáo đặc biệt của LHQ cũng gửi giác thư trực tiếp đến 3 công ty xuất khâu lao động Việt Nam dựa vào thông tin do BPSOS cung cấp: Kaizen, Song Hỷ Gia Lai, và Bảo Sơn.

Giác thư của các chuyên gia LHQ nhắc nhở các công ty này về bộ nguyên tắc bảo vệ nhân quyền dành cho các doanh nghiệp, được LHQ thông qua năm 2011. Giác thư yêu cầu mỗi công ty trả lời những câu hỏi cụ thể về các cáo buộc và về các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích của nạn nhân.    

“Có lẽ LHQ nhận thấy nhà nước Việt Nam có khuynh hướng bao che cho các công ty xuất khẩu lao động thay vì bảo vệ nạn nhân buôn người,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nhận định. “Do đó họ phải đặt vấn đề trực tiếp với các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam.”

Trước đó, ngày 25 tháng 10, 2021, 5 báo cáo viên đặc biệt của LHQ cũng đã gửi giác thư cho chính phủ Việt Nam về tình trạng các phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị buôn sang Ả Rập Xê Út. Họ yêu cầu Việt Nam trả lời các câu hỏi cụ thể, nhưng chỉ nhận được văn thư hồi đáp với  những thông tin chung chung và hoàn toàn không đả động gì đến việc điều tra hoặc truy tố các công ty xuất khẩu lao động.

Theo Ts. Thắng, việc LHQ công bố giác thư thứ hai vào thời điểm này sẽ tạo áp lực lên Việt Nam vì đây cũng là thời điểm Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ bắt đầu tiến trình xếp hạng các quốc gia, trong đó có Việt Nam, về phòng, chống buôn người.

Trong bản báo cáo giữa kỳ gửi cho Quốc Hội ngày 4 tháng 2 vừa qua, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam tiếp tục tu chính luật về phòng, chống buôn người; ban hành 3 chương trình hành động cấp bộ về chống buôn người; và tiếp tục các nỗ lực lập pháp để siết chặt việc giám sát các hợp đồng lao động ở ngoài nước. Tuy nhiên, cũng theo bản báo cáo, chính phủ Việt Nam đã không hoàn toàn hình sự hoá việc buôn mãi dâm trẻ em, áp dụng các biện pháp để rà soát [hồ sơ tội phạm buôn người], và chỉnh sửa các khiếm khuyết trong luật hình sự.

“Nhận xét của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ e rằng chưa đúng mức,” Ts. Thắng nói.

Trong tuần qua, BPSOS cung cấp cho Bộ Ngoại Giao các thông tin cho thấy là chính phủ Việt Nam đã không làm gì để bảo vệ nạn nhân mà, ngược lại, đe doạ để bịt miệng những ai lên tiếng đòi công lý. Nhà nước Việt Nam cũng không hề điều tra, chứ đừng nói khởi tố và trừng phạt, các tổ chức và cá nhân trong đường dây buôn người, bao gồm nhiều công ty xuất khẩu lao động cũng như một số giới chức lãnh sự và công an.

“Hệ thống báo đài ở trong nước, hoàn toàn đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước, không hề đăng tin về các trường hợp nạn nhân buôn người mà BPSOS nhận diện và giải cứu ở Ả Rập Xê Út,” Ts. Thắng nói. “Lẽ ra họ phải chạy tin rầm rộ để cảnh báo nguy cơ trở thành nạn nhân, như biện pháp phòng ngừa nạn buôn người.”

Vụ buôn người lao động sang Serbia cũng thế. Nhà nước Việt Nam chưa làm gì để bảo vệ nạn nhân. Vào trung tuần tháng 3, một số nạn nhân hoảng hốt cầu cứu khi được tin 2 công ty sử dụng lao động của Trung Quốc có kế hoạch “bán” phần lớn người lao động Việt Nam cho một công ty khác và đưa số còn lại về nước. Sau đó, những người đưa tin đã bặt vô âm tín.

Nếu Việt Nam không chứng minh được những nỗ lực cải thiện tình trạng buôn người trong 12 tháng, từ 1 tháng 4, 2021 đến 31 tháng 3, 2022, thì sắp tới đây sẽ khó thoát bị Bộ Ngoại GIao Hoa Kỳ xếp vào Hạng 3, nghĩa là hạng tệ nhất, và phải đối mặt với các biện pháp chế tài của chính phủ Hoa Kỳ.

Thư tố giác chung được ký bởi:

  • Bà Siobhan Mullally, Báo Cáo Viên Đặc Biệt về nạn buôn người, đặc biệt phụ nữ và trẻ em
  • Bà Fernanda Hopenhaym, Tổ Công Tác về vấn đề nhân quyền và các công ty hoạt động xuyên quốc gia và các doanh nghiệp
  • Ông Felipe Gonzales Morales, Báo Cáo Viên Đặc Biệt về nhân quyền của di dân
  • Ông Tomoya Obokata, Báo Cáo Viên Đặc Biệt về các hình thức nô lệ, bao gồm các nguyên nhân và hậu quả

BPSOS có thành tích hơn 20 năm phòng, chống buôn người. Năm 2008, BPSOS hình thành Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia, CAMSA). Đến nay, liên minh này đã giải cứu hoặc hỗ trợ giải cứu cho 11 nghìn nạn nhân, với khoảng 80% là người Việt, bị buôn làm nô lệ lao động hoặc tình dục đến 26 quốc gia.

Thông tin liên quan:

LHQ công bố thư tố giác tình trạng lao động Việt bị buôn bán sang Ả Rập Xê Út

Viết một bình luận