Nguyễn Đình Thắng
http://machsongmedia.com
Muốn tiến nhanh, hãy đi một mình. Muốn tiến xa, hãy đi cùng nhau.
(Tục ngữ không rõ xuất xứ)
Giải quyết một vấn nạn, trừ trường hợp rất đơn giản, luôn luôn đòi hỏi sự hợp tác của nhiều người. Điều này dễ hiểu. Quy trình tìm giải pháp, trình bày ở Cấp 1, dẫn đến chương trình hành động với các công việc, thời điểm và mục tiêu cụ thể. Một chương trình hành động thường bao hàm nhiều lĩnh vực công việc đòi hỏi sự bổ trợ lẫn nhau giữa những người có năng lực chuyên. Những cá nhân hoạt động đơn lẻ không đủ năng lực và sở trường để quán xuyến mọi lĩnh vực đòi hỏi bởi chương trình hành động và như thế không thể giải quyết một vấn nạn.
Hình minh hoạ (nguồn từ Internet)
Nếu hợp tác với nhau thì có triển vọng. Đó là lý do để những cá nhân rời rẽ đến với nhau để hình thành tổ chức hoặc hoạt động mang tính tổ chức. Mục đích của tổ chức là tạo phương tiện cho một nhóm người đạt thành quả mà họ không thể nào đạt được nếu hoạt động riêng rẽ. Cách cụ thể, tổ chức:
- Làm cho sở đoản của các thành viên trở thành không đáng quan tâm vì mỗi công việc hoặc chức năng đều được quán xuyến bởi thành viên với sở trường tương xứng.
- Bảo đảm tính liên tục và trường tồn trong hoạt động bất luận sự đổi thay nhân sự vì các nhân sự sẵn sàng điền thế cho nhau.
- Huy động được các nguồn và loại vốn trong và ngoài tổ chức.
- Tạo thế đối tác với những tổ chức khác — những cá nhân hoạt động rời rạc khó trở thành đối tác của những tổ chức có năng lực và uy tín.
Muốn đạt được các tác dụng kể trên, một tổ chức cần một nền văn hoá vững chắc, cấu trúc quy củ, và chương trình hành động cụ thể và có định hướng. Văn hoá tổ chức phải lấy giá trị đạo đức nhân bản làm nền tảng và các quy tắc ứng xử chuẩn mực làm cột trụ. Trên nền tảng và quanh các cột trụ ấy, nhóm tiên khởi hình thành tổ chức phải xây dựng một cấu trúc ngăn nắp với những chức năng chuyên và bổ trợ để vừa phát triển hướng nội vừa phục vụ hướng ngoại. Mọi hoạt động phát triển và phục vụ đều phải nằm trong chương trình hành động và chương trình hành động này phải nằm trong kế hoạch chiến lược của tổ chức.
Không phải cứ một nhóm người đến với nhau, quyết định lập tổ chức, đặt tên cho nó, rồi thông báo ra mắt là xong. Những người muốn khởi dựng một tổ chức cần tuân thủ một quy trình lớp lang và nghiêm ngặt để đặt nền móng vững chắc và xây dựng cấu trúc thượng tầng ngăn nắp trước khi đưa tổ chức vào hoạt động phục vụ. Bằng không, sự tập hợp nhân sự chỉ giống như sắp xếp những viên gạch rời cho có hàng, có lối nhưng chỉ cần một cú hích đủ mạnh thì chúng lại thành đống gạch ngổn ngang. Một tổ chức đúng nghĩa phải tương tự một công trình kiến trúc, nơi mà mỗi viên gạch có vị trí riêng của nó, trong tổng thể các quan hệ giữa nó và tất cả các viên gạch khác; tất cả các quan hệ này phải được duy trì và củng cố một cách thường xuyên.
Để duy trì hoạt động và phát triển, một tổ chức cần 5 loại vốn: tài chính, nhân lực, tri thức, tổ chức, và xã hội. Muốn quản lý một loại vốn thì trước hết chúng ta phải am tường các đặc tính của nó và cần được đào tạo chuyên. Hơn nữa, tổ chức còn phải có kế hoạch đầu tư để tăng các loại vốn cho tổ chức. Kế hoạch này bao gồm 3 công đoạn: nhận diện các xuất liệu hoặc các giá trị phúc lợi đã tạo ra mà có thể thu hoạch, thu hoạch các xuất liệu và giá trị phúc lợi, và tái đầu tư các xuất liệu và giá trị phúc lợi đã thu hoạch được — tái đầu tư không chỉ riêng vào cho tổ chức mà còn phải vào cho xã hội chung quanh nơi tổ chức hoạt động.
Con người sinh ra không tự động biết cách sinh hoạt có tổ chức mà cần học từ trường sở và sách vở hoặc qua kinh nghiệm của bản thân và của người khác. Môi trường ở Việt Nam không thuận lợi cho việc thu thập kiến thức và kinh nghiệm hoạt động mang tính tổ chức. Do đó, nhiều người hoạt động để thay đổi xã hội hay thể chế ở Việt Nam đã chọn cách thức hoạt động đơn độc, nhưng hiểu lầm rằng họ đang giữ tính độc lập với mọi tổ chức. Năng lực cá nhân của họ không đủ để quán xuyến một chương trình hành động đúng nghĩa nhằm giải quyết ngay cả những vấn nạn nhỏ trong xã hội.
Cũng đã có một ít nhóm người thành lập tổ chức nhưng, vì thiếu kiến thức và kinh nghiệm, tổ chức của họ thực ra chỉ là những tập hợp lỏng lẻo, dễ tan rã dù không bị tác động từ ngoài. Điều này không khác gì chất gạch lên cao mà không nền, không móng, không hồ, không vữa, không kèo, không cột. Chồng gạch càng cao thì càng chơi vơi, chỉ cần khẩy nhẹ là đổ sụp.
Xã hội dân sự là tổng thể các tập hợp của người dân độc lập với chính quyền, không là doanh nghiệp và không phải đơn vị gia đình. Đơn vị của xã hội dân sự không phải là cá nhân mà là tập hợp của nhiều người dân với mục đích hoạt động mang tính tổ chức. Nếu một triệu người rời rạc thì XHDS là 0. Cũng một triệu người ấy mà có 10 tổ chức thì XHDS bắt đầu nhen nhúm. Nếu là 1000 tổ chức quy củ và có khả năng liên kết với nhau trên quy mô rộng thì đó là XHDS phát triển. XHDS càng phát triển thì người dân tự họ càng có khả năng giải quyết càng nhiều vấn nạn đa dạng và phức hợp trong xã hội. Khi có nhiều tổ chức của người dân với bản lĩnh mạnh và năng lực cao, xã hội dân sự kiểm soát được chính quyền và thay đổi được thể chế, nếu cần.
Muốn thay đổi xã hội hoặc thể chế, những cá nhân có tâm nguyện cần trước hết tăng khả năng và kinh nghiệm tổ chức cho chính mình. Bằng không, những nỗ lực đơn lẻ của họ sẽ chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, không đóng góp được gì thực tế cho sự phát triển XHDS và dân chủ hoá đất nước ở Việt Nam.
Bài đọc thêm:
Việt Nam: Quốc gia không chịu phát triển và trách nhiệm của những người có lòng và hiểu biết
https://machsongmedia.com/vietnam/danchu/1450-2019-04-13-17-47-50
Các bài Cấp 2:
Bài 1 – Dẫn Nhập: Tổ Chức và Lãnh Đạo:
https://machsongmedia.com/congdong/dao-tao-lanh-dao/1783-khoa-dao-tao-12-thang-cap-2-dan-nhap-to-chuc-va-lanh-dao
Bài 2 – Tại Sao Cần Tổ Chức?:
https://machsongmedia.com/congdong/dao-tao-lanh-dao/1786-khoa-dao-tao-12-thang-cap-2-tai-sao-can-to-chuc
Bài 3 – Văn Hoá Tổ Chức:
https://machsongmedia.com/congdong/dao-tao-lanh-dao/1787-khoa-dao-tao-12-thang-cap-2-bai-3-van-hoa-to-chuc
Bài 4: Chu kỳ đời sống của một tổ chức:
https://machsongmedia.com/congdong/dao-tao-lanh-dao/1788-khoa-dao-tao-12-thang-cap-2-bai-4-chu-ky-doi-song-cua-mot-to-chuc
Bài 5: Để Khởi Dựng Một Tổ Chức:
https://machsongmedia.com/congdong/dao-tao-lanh-dao/1789-khoa-dao-tao-12-thang-cap-2-bai-5-de-khoi-dung-mot-to-chuc
Bài 6: Tuyên Ngôn Sứ Mạng và Chương Trình Hành Động Hướng Nội:
https://machsongmedia.com/congdong/dao-tao-lanh-dao/1790-khoa-dao-tao-12-thang-cap-2-bai-6-tuyen-ngon-su-mang-va-chuong-trinh-hanh-dong-huong-noi
Bài 7: Hình Thành Nhóm Lõi và Thành Lập Cơ Cấu Tổ Chức: https://machsongmedia.com/congdong/dao-tao-lanh-dao/1791-khoa-dao-tao-12-thang-cap-2-bai-7-hinh-thanh-nhom-loi-va-thanh-lap-co-cau-to-chuc
Bài 8: Vốn Tài Chính: https://machsongmedia.com/congdong/dao-tao-lanh-dao/1792-khoa-dao-tao-12-thang-cap-2-bai-8-von-tai-chinh
Bài 9: Vốn Nhân Lực: https://machsongmedia.com/congdong/dao-tao-lanh-dao/1795-khoa-dao-tao-12-thang-cap-2-bai-9-von-nhan-luc
Bài 10: Vốn Tri Thức: https://machsongmedia.com/congdong/dao-tao-lanh-dao/1796-khoa-dao-tao-12-thang-cap-2-bai-10-von-tri-thuc
Bài 11: Vốn Tổ Chức: https://machsongmedia.com/congdong/dao-tao-lanh-dao/1798-khoa-dao-tao-lanh-dao-12-thang-cap-2-bai-11-von-to-chuc
Bài 12: Vốn Xã Hội: https://machsongmedia.com/congdong/dao-tao-lanh-dao/1799-khoa-dao-tao-lanh-dao-12-thang-cap-2-bai-12-von-xa-hoi
Bài 13: Thời Gian: https://machsongmedia.com/congdong/dao-tao-lanh-dao/1800-khoa-dao-tao-lanh-dao-12-thang-cap-2-bai-13-thoi-gian
Sách mỏng Cấp 1 – Tìm Giải Pháp:
https://dvov.org/wp-content/uploads/2022/01/Dao-tao-Lanh-Dao-Tim-Giai-Phap-Jan-2022.pdf