Khoá đào tạo lãnh đạo 12 tháng] Cấp 2, Bài 12: Vốn Xã Hội

Ts. Nguyễn Đình Thắng

http://machsongmedia.com  

Ở một xứ kia có một ngôi chùa cổ nổi tiếng. Thuở vàng son trước đây, khách thập phương dập dìu thăm viếng. Nhưng vật đổi sao dời, chùa không còn mấy ai lui tới. Tương lai của chùa mờ mịt với sư thầy đã ngoài 80 và 4 vị sư đệ đều trên 70. Một hôm, sư thầy đến thăm người bạn cố tri là nhà hiền triết của một tôn giáo khác. Sư thầy tâm sự nỗi lo canh cánh. Nhà hiền triết nói: “Vị cứu tinh của chùa đến từ nhóm quý thầy đó.”

Sư thầy về kể lại với 4 vị sư kia. Người này đoán người kia chính là vị cứu tinh và đối xử với nhau trong sự quý mến, trân trọng. Và mỗi người cũng thay đổi chính mình cho xứng đáng trong trường hợp trời phật run rủi mình là vị cứu tinh. Dăm ba người khách còn đến chùa ngạc nhiên trước cung cách ứng xử và đối đãi với nhau của 5 vị sư già. Tiếng đồn lan xa. Ngày càng nhiều khách viếng chùa. Rồi có dăm người trẻ xin tu học. Chỉ vài năm sau, chùa tấp nập các sư trẻ từ khắp nơi đổ về và là chốn lui tới của hàng hàng lớp lớp khách thập phương.

Trên đây là mô phỏng truyện ngụ ngôn trong sách The Art of Possibility của 2 đồng tác giả Benjamin Zander và Rosamund Stone Zander. Câu truyện này thể hiện tác dụng của vốn xã hội, loại vốn quý báu nhất trong mọi loại vốn.

 

Hình minh hoạ (nguồn từ Internet)

Thế nào là vốn xã hội?

Đây cũng là loại vốn trừu tượng nhất và khó quản lý nhất. Khi 2 người tình cờ tương tác với nhau thì bắt đầu hình hành sợi dây vô hình giữa họ. Nếu qua câu chuyện họ cảm thấy đồng điệu thì sợi dây ấy nở ra về kích thước.  Đấy là sợi dây tình thân, mà căn bản là niềm tin. Nó là mạch dẫn tình cảm giữa 2 con người với nhau; kích thước càng lớn thì tình cảm càng dễ lưu thông. Cảm xúc cộng của con người cộng với niềm tin dành cho nhau tạo nên vốn xã hội giữa 2 con người.

Trong đời sống, nơi làm việc, ở nhà trường… từ mỗi con người đều tủa ra những sợi dây vô hình như vậy với rất nhiều những người khác, dù ở xa hoặc ở gần. Vốn xã hội của một tập thể, một tổ chức là tổng thể của những sợi dây vô hình chằng chịt ấy giữa các thành viên của tập thể, của tổ chức với nhau.

Các sợi dây tủa ra từ mỗi người đến những người khác ấy tuy vô hình, nhưng rất thực và có những đặc điểm sau đây:

  • ​Sợi dây càng to thì sự cảm thông càng dễ truyền từ người này sang người khác​. Giữa hai người không thân nhau lắm, khi một người được tin thân nhân của người kia qua đời thì cũng có chút động lòng. Nhưng nếu hai người rất thân thì sẽ là sự thương cảm mạnh – nỗi buồn của người này ảnh hưởng mạnh đến người kia. Niềm vui cũng thế.
  • ​Mọi hành động hoặc lời nói, dù cố ý hay vô tình, đều làm tăng lên hoặc giảm đi sợi dây vô hình ấy​. Hành động tử tế, lời nói ân cần làm tăng kích thước của sợi dây vô hình — đấy là ý nghĩa đằng sau câu truyện về 5 nhà sư ở trên. Ngược lại, sự giả trá hay nặng lời làm giảm nó đi.

Người Việt có câu “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lời nói cho vừa lòng có thể làm giảm vốn xã hội nếu chỉ là đãi bôi, không thật lòng. Ngược lại, câu nói không vừa lòng nhưng thể hiện tình yêu thương, sự tương kính lại làm tăng sợi dây tình cảm giữa 2 người.

Đặc tính của vốn xã hội

Vốn xã hội được xây dựng trên niềm tin giữa con người với nhau. Khi 2 người tin nhau thì sợi dây cảm xúc giữa họ ngày càng thêm bền chặt. Để tạo được niềm tin ấy, con người phải đối đãi với nhau trong sự nhân ái, tương kính, công bình, cảm thông. Muốn vậy, con người phải lấy giá trị đạo đức nhân bản làm nền tảng. Điều này áp dụng trong một gia đình, trong một tổ chức và trong toàn xã hội.

Ai đã trải qua biến cố 30 tháng 4 năm 1975 ở miền Nam Việt Nam đều có thể cảm nhận sự giảm mạnh của vốn xã hội. Trước đó, lối xóm qua lại thân tình, sớm lửa tối đèn. Dưới chế độ mới, hầu như qua đêm, vốn xã hội phong phú ở miền Nam gần như khánh kiệt, không ai tin ai nữa. Tâm lý lo sợ con tố cha, vợ tố chồng trở thành phổ biến; hàng xóm láng giềng nghi ngại nhau vì chính sách cài người để rình mò và báo cáo.

Khi người dân tin nhau, họ sẽ tìm đến nhau và dễ hình thành xã hội dân sự. Xã hội dân sự có sức mạnh sẽ kiểm soát chính quyền, kiểm soát chế độ. Chính bởi vậy những chế độ độc tài, để duy trì được sự độc tôn về quyền lực, muốn phá huỷ niềm tin giữa người với người. Muốn thoát khỏi  thể chế độc tài, nhất thiết phải xây dựng niềm tin giữa con người với con người, và tích lũy vốn xã hội khởi từ những nhóm nhỏ nhất để rồi cộng lại thành vốn xã hội chung cho cả đất nước.  

Quan niệm “ngũ thường” trong đạo Nho có những điểm tương đồng với khái niệm vốn xã hội nếu “nhân” được hiểu là lòng nhân ái, “nghĩa” là tinh thần công bằng, “lễ” là cách đối xử trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, “trí” là sự hiểu thấu đáo về tác động của lời nói và hành động lên quan hệ giữa người với người, và “tín” là lòng tin của mình với người và người với mình. Hiểu như vậy thì “ngũ thường” chính là cách của người xưa để tăng trưởng vốn xã hội.

Cho dễ hiểu, chúng ta có thể ví vốn xã hội như một tài khoản ngân hàng chung, tương tự khái niệmtài khoản ngân hàng cảm xúcđược đề ra bởi Stephen Covey, tác giả sách “7 thói quencủa người hiệu quả. Tài khoản này sẽ tăng lên khi mọi bên cùng góp vốn. Có những lúc lục đục, cãi cọ, hờn giận thì tài khoản giảm đi. Liền sau đó mọi bên phải chủ động góp thêm vốn để nâng nó lên ngay, phòng khi nhỡ ngại còn có vốn liếng để tiêu ra. Nếu để tài khoản chạm đáy và chuyển thành âm, thì niềm tin không còn nữa. Sợi dây vô hình bị đứt lìa. Nguyên tắc này áp dụng cho quan hệ giữa người với người trong xã hội, giữa các thành viên của một tổ chức, hoặc giữa người thân trong gia đình.

 

 Cap 2 Bai 12 2

Hình minh hoạ (nguồn từ Internet)

Hai dạng vốn xã hội

Niềm tin nơi nhau là chất keo ​gắn bó những thành viên của một tập thể với nhau. Vốn xã hội trong một tập thể (còn gọi là vốn xã hội thân hữu hoặc nội bộ) có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến vốn xã hội giữa tập thể ấy với cộng đồng bên ngoài (còn gọi là vốn xã hội bắc cầu hoặc hướng ngoại). Khi vốn xã hội nội bộ dựa trên sự cấu kết, bao che cho nhau thì tập thể ấy sẽ mang đặc tính của băng đảng mafia — các thành viên sẵn sàng sống chết cho nhau để bảo vệ lợi ích nhóm, bất chấp luật pháp và không ngần ngại dù phải gây tai hại cho cộng đồng hay xã hội xung quanh. Đó cũng là đặc tính của nhóm cầm quyền trong thể chế độc tài. Họ sẵn sàng triệt hạ bất kỳ ai khác và huỷ hoại xã hội để bảo vệ quyền lực của nhóm. Họ làm quyết định dựa trên lợi ích thay vì giá trị đạo đức.
 
Khi một tập thể đặt nền tảng trên các giá trị đạo đức nhân bản thì sự gắn bó nội bộ cũng sẽ giúp phát triển vốn xã hội ở ngoài tập thể ấy. Nói cách khác, xây dựng nền tảng đạo đức không chỉ tạo lợi ích riêng cho tổ chức mà còn góp phần lợi ích chung cho xã hội. Đạo đức là yếu tố cốt lõi của một tổ chức và nó cũng là cốt lõi cho cả xã hội.

Cách tăng vốn xã hội của tổ chức

Vốn xã hội của một tổ chức tuỳ thuộc 3 yếu tố:

  • Những giá trị đạo đức nền tảng và những quy tắc ứng xử áp dụng đồng đều và công minh, giúp cho các thành viên tăng niềm tin cho nhau và niềm tin vào tổ chức.
  • Những cơ chế vận hành, thủ tục hành chánh, và thể thức hoạt động rõ rệt, thống nhất và được định chế hoá, giúp giảm thiểu sự phát sinh những mâu thuẫn cá nhân và dễ hoá giải mâu thuẫn cá nhân nếu xảy ra.
  • Ý thức của thành viên về trách nhiệm gìn giữ và củng cố 2 yếu tố trên, nghĩa là gìn giữ và phát huy văn hoá tổ chức, kiện toàn cơ cấu tổ chức, và định chế hoá mọi hoạt động của tổ chức.

Một thành viên thiếu ý thức sẽ tạo nên những lục đục trong nhóm và làm giảm đi vốn xã hội chung của cả nhóm, vì niềm tin giữa các thành viên, là chất keo gắn kết họ với nhau, đã giảm đi. Chúng ta đã nói về sự tác hại của nhân sự thiếu đạo đức, mà nếu không giải quyết sớm thì sẽ lan nhanh như một tế bào ung thư. Những người tử tế sẽ bỏ đi. Những người ở lại chỉ vì lợi ích cá nhân. Nền tảng đạo đức bị thay bằng sự cấu kết mang tính mafia.

Để quản lý và tăng trưởng vốn xã hội, một tổ chức cần có chính sách và một bộ phận thực thi chính sách để bảo vệ các giá trị đạo đức, bảo đảm việc ứng dụng các quy tắc ứng xử, và giải quyết các bất cập hoặc vi phạm.

Quay lại vấn đề đảng chính trị

Trong những xã hội dân sự đã phát triển mạnh và bền vững như tại Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Úc, Hàn Quốc, Đài Loan… các đảng chính trị nhiều khi cũng được tính kể trong định nghĩa về xã hội dân sự. Các xã hội này bao gồm nhiều tổ chức của người dân mạnh mẽ đủ để không cho phép các đảng chính trị lấn át hoặc khuynh loát. Đảng chính trị nào không biết vị trí của mình và thiếu tôn trọng các tổ chức khác thì lập tức bị vô hiệu hoá và bị loại trừ ra khỏi xã hội dân sự.

Ở Việt Nam xã hội dân sự rất yếu, rất mỏng, chưa đủ sức kềm hãm quyền lực độc tài của đảng cầm quyền mà cũng không đủ kinh nghiệm và bản lãnh để đẩy lùi sự xâm nhập khuynh loát của các đảng chính trị đối lập. Các đảng chính trị đối lập rất yếu so với chế độ nên không dám hoạt động công khai. Họ thường hoạt động bí mật và ẩn mình trong các tổ chức không chính trị. Khi che giấu nhân thân, họ vi phạm các nguyên tắc đạo đức như là không gian dối, không phỉnh lừa, không gây nguy hại cho người khác. Khi phải làm quyết định, họ đặt quyền lợi và kỷ luật đảng lên trên giá trị đạo đức, và sự tham gia trong tổ chức chỉ là bình phong. Bị xâm nhập bởi đảng chính trị, rủi ro bị chế độ độc tài trấn áp sẽ tăng, nhưng mối nguy đáng lo hơn là nền tảng đạo đức sụp đổ và vốn xã hội cạn kiệt. Dù không bị áp lực từ chính quyền, tổ chức ấy vẫn sẽ tự động rã.

Kết luận

Vốn xã hội là loại vốn quan trọng nhưng khó quản lý vì nó vô hình, vô ảnh; vừa thuộc lĩnh vực xúc cảm cá nhân, vừa dựa vào niềm tin giữa các cá nhân. Bất kỳ lời nói hoặc hành động, dù có ý thức hoặc trong vô thức, đều tác động đến vốn xã hội, tăng hoặc giảm. Muốn quản lý và phát triển vốn xã hội, một tổ chức cần xây dựng văn hoá tổ chức, cấu trúc hoá sự vận hành, định chế hoá mọi hoạt động, và phát huy ý thức của mọi thành viên về những điều này. Ban điều hành và quản trị của một tổ chức trong xã hội dân sự còn phải quan tâm đến tác động tích cực hoặc tiêu cực của vốn xã hội nội bộ lên cộng đồng và xã hội ngoài tổ chức.

Như thế, vốn xã hội gắn kết chặt với khái niệm xã hội dân sư, là chủ đề của Cấp 4.

Bài đọc thêm:

Tổ Chức Xã Hội Dân Sự: Các Khác Biệt Bản Chất Với Đảng Chính Trị
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2889

Viết một bình luận