Ts. Nguyễn Đình Thắng
Tri thức bao gồm những thông tin như là kiến thức, sự hiểu biết, hay kỹ năng có được nhờ trải nghiệm, thông qua giáo dục hay tự học hỏi. Tri thức không đồng nghĩa với trí thức, mô tả người có học vấn hay người lao động trí óc.
Tri thức có thể tăng, giảm, tích luỹ nên có thể gọi là “vốn”. Khác với vốn tài chính tương đối hữu hình và cụ thể, có thể định lượng thì vốn tri thức vô hình và trừu tượng nên khó quản lý hơn.
Thông tin có thể phân làm 3 loại: biết, hiểu và biết cách.
• Liên quan đến “biết” là loại thông tin về sự việc hay sự kiện, càng sử dụng càng giảm giá trị, ví dụ như tin tức hàng ngày, chỉ cần đọc một lần. Càng dùng thì tin tức càng giảm giá trị vì tin đã cũ, “biết rồi, nói mãi”.
• Liên quan đến “hiểu” là loại thông tin về các nguyên lý trong xã hội, các định lý khoa học, các quy tắc vận hành, các quan hệ nhân-quả… Giá trị của loại thông tin này có tăng vì càng ứng dụng thì càng am tường, nhưng độ tăng tương đối chậm vì để hiểu thì đòi hỏi thời gian, đòi hỏi sự suy gẫm. Người ta có thể một ngày đọc vài chục bản tin nhưng để hiểu một vấn đề thì sẽ đòi hỏi vài tuần, vài tháng, vài năm hoặc cả đời. Ví dụ, để hiểu được quan hệ nhân-quả giữa căn nguyên và vấn nạn hoặc hiểu khái niệm vốn xã hội thì không thể chỉ đọc qua một lần, nghe thoáng một lần là đủ.
• Liên quan đến “biết cách” là loại thông tin thực dụng nhằm nhằm tạo ra sản phẩm, cung cấp dịch vụ, hoặc tác động đến sự thay đổi. Chẳng hạn, biết cách viết báo cáo vi phạm, biết cách làm kế hoạch ngân sách, biết cách lập cây vấn đề. Biết cách là phần quan trọng nhất của vốn tri thức vì nó có khả năng tăng nhanh và vô hạn. Càng dùng thì loại thông tin này càng tăng giá trị; càng chia sẻ cho càng nhiều người dùng, thì giá trị càng tăng nhanh.
Hình 1 – Hình minh hoạ (nguồn từ Internet)
Trong tinh thần của khoá giảng này, vốn tri thức bao gồm 2 loại thông tin “hiểu” và “biết cách”. Thông tin về “biết” không đóng góp vào vốn tri thức bởi vì cái biết càng sử dụng càng giảm giá trị. Khai dân trí chủ yếu là tăng vốn tri thức, nghĩa là tăng sự hiểu và sự biết cách, chứ không phải là chỉ đưa tin tức.
Đặc tính của thông tin biết cách
Hãy hình dung, người A truyền đạt cách làm kế hoạch ngân sách cho 5 người khác. 5 người này ứng dụng vào những hoàn cảnh riêng và qua đó có những quyền biến tuỳ theo những trở ngại hay thuận lợi đặc thù của hoàn cảnh. Sáu tháng sau, 5 người này họp lại với người A và chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng từ những gì họ đã học được. Kiến thức tổng hợp của mọi người giờ đây không chỉ bao gồm những hướng dẫn ban đầu của người A mà còn bao gồm kinh nghiệm của cả 5 người kia. Tổng vốn thông tin “biết cách” đã tăng vọt.
Ví dụ này minh hoạ đặc tính của thông tin “biết cách”: càng nhiều người sử dụng thì càng tăng, và sẽ hoàn toàn mất giá trị khi không ai dùng.
Ở những quốc gia luật pháp chưa phát triển thì người “biết cách” sẽ giữ “bí quyết” nên vốn tri thức tại các quốc gia này không được nhân rộng. Luật về quyền sở hữu trí tuệ cho phép bảo vệ thông tin “biết cách” vì nó khuyến khích người sở hữu thông tin ấy chia sẻ thông tin cho bất kỳ ai trả tiền sử dụng. Trong môi trường ấy, người sở hữu thông tin biết cách muốn thật nhiều người dùng nó thay vì giữ nó làm bí quyết riêng.
Tác dụng của các loại thông tin
• Biết thì mới lưu tâm: Vô tri bất mộ.
• Hiểu thì mới có ý thức về một vấn đề, về trách nhiệm của mình và khả năng của mình để thay đổi hiện trạng.
• Biết cách thì mới hành động hiệu quả để thay đổi hiện trạng.
Lấy ví dụ về nạn buôn người thời gian gần đây (2021). Khi được tin về tình cảnh của các chị em phụ nữ bị bán sang Vương Quốc Ả Rập Xê Út, một số người trong BPSOS thấy thương tâm nên để ý tìm hiểu về hoàn cảnh của họ. Chúng tôi truy ra nguyên nhân và hoạch định cách để giải cứu, giúp đỡ và bảo vệ. Đồng thời, chúng tôi đề ra một sách lược để bài trừ tận gốc nạn buôn người trong chương trình xuất khẩu lao động rồi chia nhau thực hiện các công tác thuộc sách lược này.
Biết và hiểu là cần, nhưng phải biết cách thì mới giải quyết được vấn nạn. Nếu chỉ dừng lại ở mức biết và hiểu thì không khác gì những người chỉ lướt qua tin tức và bình luận, nhưng không thực sự giải quyết được vấn đề nào cụ thể. Một phần lớn của khóa đào tạo 12 tháng này tập trung vào truyền đạt thông tin “biết cách”, như là biết cách tìm giải pháp, biết cách hình thành nhóm hoạt động có tổ chức, biết cách soạn thảo tuyên ngôn sứ mệnh…
Quản lý vốn tri thức
Vốn tri thức khó quản lý hơn vốn tài chính và vốn nhân lực vì nó trừu tượng hơn. Muốn quản lý vốn tri thức thì phải tạo cơ chế để liên tục thu gom, phân loại, và chia sẻ thông tin “biết cách”; đồng thời phải có quy trình đánh giá thành quả công việc, cập nhật mô hình can thiệp, và nhân rộng mô hình — đây là lĩnh vực “hiểu”. Nhân rộng mô hình là chủ đề của Cấp 5.
Dưới đây là một ví dụ minh hoạ kế hoạch và quy trình để phổ biến tối đa thông tin về “hiểu” và “biết cách”, liên tục thu hoạch kinh nghiệm của những ai sử dụng thông tin về “biết cách”, đúc kết thành các bài học, và rồi tiếp tục san sẻ đến vòng nhân sự ngày càng thêm rộng.
• Tạo vòng luân chuyển cho thông tin về “hiểu” và “biết cách” trong nội bộ
• Mỗi tháng một lần, thu hoạch và đúc kết thông tin về thực hiện một đề án để không bị thất thoát
• Tổ chức các buổi huấn luyện, hướng dẫn, và trao đổi kinh nghiệm nội bộ cho những ai thực hiện chung đề án hoặc một đề án tương tự
• Phổ biến thông tin ra quần chúng
Ví dụ, BPSOS áp dụng mô hình ma-trận (matrix) để quản lý vốn tri thức. Các đề án được liệt kệ theo cột và chức năng theo dòng. Nhân sự được gom lại theo chức năng, như ban tài chính, ban nhân sự, toán truyền thông… Nhân sự của các ban này được phân bổ đến các đề án khác nhau chiếu theo nhu cầu về năng lực chuyên môn. Chẳng hạn, một người trong ban tài chính được phân bổ để quán xuyến công việc báo cáo tài chính cho đề án A và B; tương tự, một thành viên khác của ban tài chính được cử vào đề án C, và D. Các thành viên của
từng đề án học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau đã đành. Kinh nghiệm này lại được trao đổi giữa những người trong ban tài chánh, và qua họ lan toả từ đề án này sang các đề án khác. Tương tự với các ban truyền thông, kỹ thuật, nhân sự…
Cấu trúc này khuyến khích việc chia sẻ kinh nghiệm toàn tổ chức, với điều kiện mỗi đề án và mỗi ban đều có quy trình chia sẻ kinh nghiệm định kỳ toàn đề án và toàn ban. Mô hình “ma trận” khuyến khích sự “học hỏi”, là 1 trong 4 giá trị chiến lược (quy tắc hành xử) đóng góp cho nền văn hoá tổ chức BPSOS, hiểu theo nghĩa “BPSOS là một định chế trau dồi, đào tạo và huấn luyện”. Giá trị chiến lược này nói lên ưu tiên của tổ chức đối với việc, quản lý và phát huy vốn tri thức.
Hình 2 – Mô hình “ma trận” về tổ chức nhân sự để thúc đẩy tăng trưởng vốn tổ chức
Và điều này không bị giới hạn trong phạm vi nội bộ tổ chức. BPSOS thiết lập nhiều kênh truyền thông để chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức với các tổ chức bạn, với các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc, và với quần chúng. Khoá học 12 tháng cũng là cách chúng tôi tăng vốn tri thức cho xã hội nói chung.
Thông tin biết cách là thành phần hữu ích và tăng trưởng nhanh nhất của vốn tri thức. Tuy nhiên, loại thông tin này rất ít khi được phát tán trên các mạng xã hội. Trong khi đó, loại thông tin về biết lại rất phổ biến. Đây là loại thông tin càng dùng càng giảm giá trị. Chẳng hạn, trên Facebook có rất nhiều thông tin về các chuyện bất cập trong xã hội ở Việt Nam nhưng lại rất ít ai đưa ra được giải pháp để đối phó hoặc giải quyết các bất cập này. Các trang mạng xã hội đã đóng góp rất ít cho sự tăng trưởng vốn tri thức, theo định nghĩa của khoá giảng 12 tháng này, cho xã hội ở Việt Nam.
Các xã hội phát triển luôn khuyến khích và có biện pháp để duy trì chế độ thông tin mở, như bảo vệ tác quyền, sở hữu trí tuệ. Nhờ vậy mà người ta thi đua nhau chia sẻ thông tin về biết cách, và càng phổ biến thì càng thu hoạch lợi nhuận. Vì trở ngại ngôn ngữ và tập quán tư
duy, người Việt ở trong nước và cả ở ngoài nước ít khi tiếp cận các cơ hội để tiếp thu thông tin biết cách. Vốn tri thức trong xã hội Việt Nam chậm phát triển là vậy.
Những ai muốn tăng vốn tri thức cho chính bản thân hoặc cho tổ chức của mình cần chú tâm tìm và hấp thụ loại thông tin hiểu và biết cách.