BPSOS: Tường trình hoạt động bảo vệ người tị nạn ở Thái Lan năm 2021

  • Đạt nhiều thành quả dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh

BPSOS, ngày 3 tháng 3, 2022

http://machsongmedia.com

Mặc dù tình hình dịch bệnh hoành hành và lệnh cách ly của chính phủ Thái Lan gây ra nhiều trở ngại, trong năm 2021 văn phòng pháp lý ở Bangkok, hoàn toàn do các mạnh thường quân của BPSOS tài trợ, vẫn hoạt động để bảo vệ đồng bào người Việt (cũng như một số người từ các quốc gia khác) đến tị nạn ở Thái Lan.

Văn phòng này, thành lập năm 2010, đã giúp đỡ khoảng 90% trong tổng số khoảng 2,500 người Việt đã đến xin tị nạn ở Thái Lan từ 15 năm qua. Tính đến nay, khoảng 1,700 đồng bào xin tị nạn đã có quy chế tị nạn và khoảng 800 người đã đi định cư ở nhiều quốc gia.

Bảo vệ người tị nạn là 1 trong 4 chương trình thuộc Các Đề Án Quốc Tế của BPSOS. Các chương trình kia bao gồm: Giải cứu nạn nhân buôn người ở 26 quốc gia trên thế giới, phát huy tự do tôn giáo toàn vùng Đông Nam Á, và phát triển xã hội dân sự ở Việt Nam.

Hình 1 – Các trẻ em được phát kem tươi bởi một nhà hàng Do Thái ở Bangkok, Thái Lan

Theo thông lệ hàng năm, chúng tôi tóm tắt dưới đây các công việc và các thành quả của chương trình bảo vệ tị nạn năm 2021. Chúng tôi sẽ tường trình thành quả của các chương trình khác trong những bài sau.

Các công việc thực hiện năm 2021:

  1. Can thiệp 50 hồ sơ xin tị nạn, bao gồm 30 hồ sơ bổ túc sau phỏng vấn với Cao Uỷ Tị Nạn LHQ, 17 hồ sơ kháng cáo, và 3 hồ sơ mở lại sau khi đã bị CUTN/LHQ đóng từ lâu năm.
  2. Tham gia 39 cuộc phỏng vấn tị nạn của CUTN/LHQ – đây là con số hàng năm cao nhất từ trước đến giờ. Luật sư của chúng tôi có quyền quan sát các cuộc phỏng vấn của CUTN/LHQ để có thể hướng dẫn người tị nạn bổ túc hồ sơ sau đó, nếu cần.
  3. Họp hàng tuần với CUTN/LHQ để vận động định cư cho người tị nạn, và bảo đảm sự vẹn toàn gia đình của những người tị nạn với thân nhân đến trước và đến sau.
  4. Thực hiện trang mạng hướng dẫn thể thức phỏng vấn tị nạn sẽ được chính phủ Thái Lan triển khai sau khi CUTN/LHQ bàn giao việc phỏng vấn tị nạn cho Thái Lan. Trang mạng này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động giữa năm 2022.
  5. Trả lời 500 cuộc gọi xin trợ giúp về quy chế tị nạn và nhu cầu khẩn cấp (bị bắt, bị giam, sức khoẻ, bạo hành giới tính, bạo hành gia đình, thực phẩm…).
  6. Tổ chức 2 buổi huấn luyện về chương trình và chính sách tị nạn ở Thái Lan cũng như chương trình tái định cư người tị nạn của Hoa Kỳ và Canada: tổng cộng 141 lượt người tham gia.
  7. Dạy Anh văn cho 86 người đã có quy chế tị nạn để chuẩn bị cho tương lai định cư ở quốc gia thứ 3, với sự hợp tác của 23 giáo viên tình nguyện.

Các thành quả năm 2021:

  1. 60 người được công nhận tư cách tị nạn.
  2. 11 người Việt và 2 người Campuchia định cư Canada theo chương trình bảo trợ tư nhân; ngoài ra BPSOS vận động mạnh thường quân trợ giúp họ tổng cộng 68 nghìn Baht (US $2,100) để trả tiền phạt cư trú bất hợp pháp trước khi lên đường định cư.
  3. 71 người được lập hồ sơ định cư theo chương trình bảo trợ tư nhân của Canada: Trung Tâm Người Việt ở Ottawa nhận 8 người; số còn lại do các tổ chức của người Canada lập hồ sơ.
  4. 46 người được trợ giúp khẩn cấp, trong đó có 7 phụ nữ và 7 trẻ em.
  5. 5 người được giúp tiền thế chân để ra khỏi trại giam của Sở Di Trú (IDC): 1 người được BPSOS giúp trực tiếp và 4 người trong sự phối hợp với các tổ chức khác.
  6. Đưa 1 nạn nhân buôn người từ Ả Rập Xê Út sang Thái Lan xin tị nạn sau khi người này bị đe doạ đến tính mạng do lên tiếng tố cáo tình trạng buôn người.

Con số người tị nạn ở Thái Lan vào thời điểm giữa năm 2021 là 4,203, trong đó đứng đầu là Pakistan (1,160 người) và kế đến là Việt Nam (892 người). Số người tị nạn được nhận định cư trong năm 2021 ở mức rất thấp do Hoa Kỳ và các quốc gia nhận định cư đã dồn sức để định cư gấp rút số lớn người tị nạn từ Afghanistan.

Ngoài ra, hiện có khoảng 700 – 800 đồng bào hoặc đang chờ quyết định về quy chế tị nạn hoặc đã bị đóng hồ sơ (nghĩa là dứt khoát bị từ chối tư cách tị nạn). Các luật sư của chúng tôi đại diện người đang xin tị nạn trong thủ tục phỏng vấn với CUTN/LHQ và giúp mở lại hồ sơ cho những đồng bào có thể chứng minh là đã bị từ chối quy chế tị nạn một cách oan sai.

Trong năm 2022, chương trình bảo vệ tị nạn của BPSOS có 3 trọng tâm chính:

  1. Vận động định cư số đồng bào đã được công nhận tư cách tị nạn.
  2. Mở lại hồ sơ cho những trường hợp đã bị CUTN/LHQ đóng hồ sơ một cách oan sai – trong thời gian gần đây, tỉ lệ mở lại hồ sơ thành công đã tăng đáng kể (78% so với 40% năm 2016).
  3. Tiếp tục can thiệp pháp lý cho những người trong tiến trình xin cứu xét quy chế tị nạn.

Ngoài ra, BPSOS yểm trợ nhiều nhóm tình nguyện trong công tác hỗ trợ người Việt tị nạn ở Thái Lan.

Tháng 10 năm 2021, BPSOS yểm trợ chương trình giúp đỡ những người già neo đơn và bệnh tật đang tị nạn tại Thái Lan và đã nhận được $1,500 (50,250 Baht) do một số linh mục thuộc Dòng Chúa Cứu Thế và giáo dân ở Mỹ đóng góp. Số tiền này được các thiện nguyện viên trao cho 41 người.

Nhà hàng Do Thái “J Cafe Sukhumvit 20” đã tình nguyện giúp thực phẩm khô, kem tươi cũng như một số vật dung cho các người tị nạn ở 3 cộng đồng Tây Nguyên, Hmong và Khmer Krom mỗi 3 tháng một lần. Tính từ năm 2020 J Cafe Sukhumvit 20 đã giúp hơn 3 chuyến xe tải kem tươi cho các em tị nạn, 1 lần ở cộng đồng Hmong, 2 chuyến ở cộng đồng Tây Nguyên và 5 chuyến phát lương thực khô cho cộng đồng tị nạn Tây Nguyên.

Owner of Jewish Restaurant

Hình 2 — Chủ nhân nhà hàng Do Thái, là ân nhân của nhiều người tị nạn Việt Nam

Chúng tôi dồn toàn bộ các đóng góp của quý mạnh thường quân choo việc bảo vệ pháp lý về tư cách tị nạn cho đồng bào, là lĩnh vực mà không ai khác thực hiện ngoại trừ BPSOS và một tổ chức Hoa Kỳ vốn tập trung vào các người tị nạn không phải Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi vận động các nguồn lực và chương trình có sẵn để đáp ứng phần nào các nhu cầu khác của đồng bào tị nạn.

Chẳng hạn, chúng tôi giới thiệu 46 đồng bào đến các chương trình y tế, trợ giúp đời sống của các tổ chức khác đang hoạt động ở Bangkok. Hoặc, trong lĩnh vực định cư, chúng tôi vận động CUTN/LHQ giới thiệu định cư người tị nạn với các quốc gia Hoa Kỳ, Canada, Thuỵ Điển, Úc… Tính đến nay khoảng 800 đồng bào đã định cư ở nhiều quốc gia. Riêng Canada, chúng tôi còn hỗ trợ lập hồ sơ với các tổ chức chuyên bảo trợ tư nhân với kinh nghiệm hoạt động nhiều thập niên. Năm 2021, 11 đồng bào đã định cư theo chương trình này và 71 đồng bào khác đang trong tiến trình lập hồ sơ hoặc chờ phỏng vấn; hoàn toàn không phải dùng đến phần đóng góp tài chánh của các mạnh thường quân.

Chúng tôi chân thành cảm ơn các mạnh thường quân tiếp tục yểm trợ tài chánh và các tình nguyện viên đã hợp tác với chúng tôi từ để phục vụ cho hàng nghìn đồng bào tị nạn kém may mắn. Các đóng góp này, vốn vô cùng quý báu, lại càng trở nên cần thiết khi mà BPSOS, do tình trạng dịch bệnh, đã phải huỷ bỏ tất cả chương trình gây quỹ trong 2 năm qua.

Để đóng góp tài chánh cho chương trình bảo vệ người tị nạn, quý vị mạnh thường quân có thể gửi nhân phiếu đến cho:

BPSOS/RPP
6066 Leesburg Pike, Suite 100
Falls Church, VA 22041 USA

Hoặc đóng góp trực tuyến qua nút “Donate” trên trang mạng: https://www.bpsos.org/ và ghi chú “Refugee Protection Program” hoặc “RPP”.

Mọi đóng góp đều được miễn trừ thuế liên bang Hoa Kỳ.

Thông tin liên quan:

BPSOS: Tạ ơn những người đã thương yêu, tin tưởng và yểm trợ
https://machsongmedia.com/vietnam/danchu/1770-bpsos-ta-on-nhung-nguoi-da-thuong-yeu-tin-tuong-va-yem-tro

Viết một bình luận