Nạn nhân buôn người hồi hương từ Ả Rập Xê Út có thể được hỗ trợ

  • Chính quyền Ả Rập Xê Út có quỹ hỗ trợ nạn nhân

Mạch Sống, ngày 21 tháng 1, 2022

http://machsongmedia.com

Trong tuần qua, 3 cựu lao động hồi hương từ Ả Rập Xê Út đã có cuộc phỏng vấn về nhu cầu cần hỗ trợ với văn phòng ở Việt Nam của IOM, tổ chức chuyên bảo vệ di dân thuộc hệ thống LHQ. Cả 3 trường hợp này nằm trong danh sách khoảng 30 cựu nạn nhân buôn người mà BPSOS đã lập hồ sơ khi họ còn ở Ả Rập Xê Út. 

“Có 3 lĩnh vực nhu cầu khẩn cấp mà các nạn nhân hồi hương thường gặp phải; đó là tài chính, y tế, và pháp lý,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, giải thích.

Về tài chính thì nhiều nạn nhân bị quỵt tiền lương bởi nhà chủ; có người phải tự bỏ khoản tiền lớn để trả vé máy bay hồi hương, chi phí cách ly và tiền vận chuyển từ khu cách ly về nhà. Nhiều nạn nhân phải kêu gọi người nhà ở Việt Nam vay công mượn để trả các khoản chi phí hồi hương này. Và cũng có nạn nhân còn kẹt ở trung tâm bảo trợ xã hội SAKAN vô hạn định vì không có tiền.

Theo Ts. Thắng, cơ quan IOM đã phối hợp với cảnh sát Ả Rập Xê Út để giải cứu nhiều nạn nhân dựa vào thông tin của BPSOS trong khi toà đại sứ Việt Nam ở quốc gia này không mảy may làm gì.

Hình. 1 Cô Huỳnh Thị Gấm tại trung tâm cách ly sau khi hồi hương ngày 28 tháng 10, 2021

Sau khi bị quốc tế phê phán, đầu tháng 9 vừa qua nhà nước Việt Nam bắt đầu thuê bao các chuyến bay để đưa người lao động hồi hương với giá vé cao ngất ngưởng, và gọi đó là “chuyến bay giải cứu”. Giá vé trung bình là 1.200 USD một suất. Một số người Việt có quan hệ với toà đại sứ Việt Nam ở thủ đô Riyadh làm trung gian ghi danh hồi hương đã thổi giá lên đến 2.500 – 3.000 USD. Trong khi đó, chi phí chuyến bay thương mại từ Ả Rập Xê Út về Việt Nam chỉ tốn khoảng 800 USD.

“Thực chất, những chuyến bay này chẳng có ý nghĩa giải cứu gì cả.” Ts. Thắng giải thích. “Khi mà cảnh sát Ả Rập giải cứu nạn nhân, lẽ ra nhà nước Việt Nam phải trích quỹ hỗ trợ người lao động ở ngoài nước để đưa họ về nước.”

Việc mạo danh “chuyến bay giải cứu” để trục lợi gần đây bị nhiều người ở trong nước lên án. TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia về du lịch và hàng không, được báo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam tường thuật là đã lên án việc có đơn vị nhân danh chống dịch mà trục lợi trên nỗi khốn khó của đồng bào. Theo báo này, “So sánh chênh lệch giữa giá bay giải cứu của Vietnam Airlines, ông Nam cho rằng có thể lờ mờ hiểu ra câu chuyện tiền còn lại bao nhiêu và đi vào túi ai.”

Khi tham gia chương trình xuất khẩu lao động sang Ả Rập Xê Út, các nạn nhân không ngờ họ vác một gánh nợ lớn thay vì kiếm được tiền để cải thiện kinh tế gia đình.  Một số nạn nhân hồi hương giờ này vẫn chưa về đến nhà vì phải lập tức tìm việc làm nơi xa để trả nợ chồng chất.

Trong trường hợp của cô Huỳnh Thị Gấm, từ tháng 2 năm 2020 gia đình ở Việt đã phải vay tiền nặng lãi (120% một năm) để trả 4 nghìn USD cho thủ tục hồi hương của công ty xuất khẩu lao động HAVIMEC. Thay vì được hồi hương, cô đã bị bán qua tay thêm 5 nhà chủ. Kẻ bán cô, 1 người Việt đại diện công ty tuyển dụng nhân sự ở Ả Rập, đã giữ của cô 7 tháng lương, tương đương 2.800 USD. Khi về nước ngày 28 tháng 10 vừa qua, cô Gấm đã phải trả thêm 700 USD tiền dịch vụ cách ly phòng chống Covid.

Sức khoẻ cũng là một vấn đề quan tâm cho nhiều nữ lao động vì họ không hề được khám sức khoẻ trong suốt thời gian lao động ở Ả Rập Xê Út. Chưa kể, có những chị em phụ nữ bị đánh đến trọng thương và một số ít trường hợp bị sách nhiễu tình dục hoặc hiếp dâm. Ngoài những tổn thương về thể xác, họ còn bị chấn thương tâm lý. Họ cần được khám bệnh và điều trị nhưng phần lớn không có tiền.

Đối với nạn nhân quyết tâm đòi công lý, BPSOS giúp họ đòi công ty xuất khẩu lao động phải bồi thường các thiệt hại về tài chính, sức khoẻ, tâm lý cũng như yêu cầu nhà nước tiến hành điều tra, khởi tố và trừng phạt các công ty này về tội buôn người.

“Điều đáng tiếc là cơ quan hữu trách ở Việt Nam đến nay vẫn xem sự việc chỉ là tranh chấp dân sự giữa 2 bên ký hợp đồng,” Ts. Thắng nói. “Họ đã không xem đây là trường hợp buôn người để truy tố hình sự.”

Trong trường hợp của cô Gấm, công an đã gọi cho Ông Cù Cao Cường, người đại diện công ty HAVIMEC thu tiền từ gia đình cô Gấm, nhưng chỉ khuyến cáo ông ta nên tình nguyện trả lại tiền. Điều này đã không xảy ra.

“Trong khi đó, chính phủ Ả Rập Xê Út không chỉ giải cứu nạn nhân mà còn có quỹ trợ giúp nạn nhân buôn người theo đề nghị của cơ quan IOM,” Ts. Thắng nhận xét. “Đối với các nạn nhân mà chúng tôi đã lập hồ sơ, chúng tôi tiếp tục theo dõi để giúp họ tiếp cận quỹ hỗ trợ này.”

Thông tin liên quan:

Chấm dứt ngay chuyến bay hồi hương “trục lợi”, sớm nối thông đường bay thường lệ quốc tế
https://vneconomy.vn/cham-dut-ngay-chuyen-bay-hoi-huong-truc-loi-som-noi-thong-duong-bay-thuong-le-quoc-te.htm

Viết một bình luận