Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của nạn nhân buôn người

Mạch Sống, ngày 06 tháng 12, 2021

http://machsongmedia.com

(LTS – Từ giữa năm 2021, BPSOS đã phát giác ra khoảng 50 nạn nhân buôn người tại Ả Rập Xê Út và đã hỗ trợ giải cứu và hồi hương hơn 20 phụ nữ lao động. Ngoài việc hỗ trợ pháp lý cho các nạn nhân và gia đình đồng thời đề nghị các biện pháp phòng ngừa để tránh trở thành nạn nhân buôn người trong tương lai, Trang Facebook BPSOS – Đề Án Dân Quyền Việt Nam đã đăng tải một loạt các bài viết về các thông tin cần thiết cho các nạn nhân biết được quyền của họ nhằm tự bảo vệ cho bản thân và đòi hỏi những bồi thường thoải đáng. Sau đây là một bài viết điển hình).

Thanh lý hợp đồng hay còn gọi chấm dứt hợp đồng là việc ghi nhận bằng văn bản tiến độ thực hiện hợp đồng của các bên. Mục đích của việc thanh lý hợp đồng nhằm xác nhận hợp đồng đã kết thúc, quyền và nghĩa vụ còn lại giữa các bên, hậu quả pháp lý phát sinh sau khi chấm dứt hợp đồng. Vì vậy, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cần thanh lý hợp đồng sau khi về nước. Việc làm này giúp người lao động và công ty xuất khẩu lao động (hai bên) ngăn ngừa các tranh chấp phát sinh sau khi chấm dứt hợp đồng.

Theo hướng dẫn tại Phụ lục 2 Thông tư 22/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hai bên thanh lý hợp đồng trong các trường hợp sau:

– Người lao động không còn nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài;
– Bên đưa đi không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
– Người lao động về nước;
– Người lao động vi phạm hợp đồng lao động và tự ý bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp;
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật cụ thể là Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Việc thanh lý hợp đồng có thể được thực hiện dựa trên sự đồng thuận của các bên hoặc xuất phát từ ý muốn của một bên. Khi một bên muốn thanh lý hợp đồng mà không có sự đồng ý của bên còn lại thì được gọi là đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Đơn phương chấm dứt hợp đồng là hành vi pháp lý thể hiện ý chí của một bên trong hợp đồng nhằm chấm dứt quan hệ đã giao kết với bên kia. Cả người lao động và công ty xuất khẩu lao động đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nếu công ty xuất khẩu lao động vi phạm một trong các thoả thuận trong hợp đồng thì người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 không quy định các trường hợp người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng. Vì vậy, các bên có thể tự thoả thuận các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng và ghi nhận vào hợp đồng. Nếu trong hợp đồng không ghi nhận thì các bên có thể áp dụng quy định chung của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo quy định tại Điều 428 Bộ luật Dân sự năm 2015, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi công ty xuất khẩu lao động vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc khi các bên có thỏa thuận. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng phải thông báo ngay cho công ty xuất khẩu lao động biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Qua theo dõi hàng loạt các hồ sơ nạn nhân buôn người và hoặc bị bóc lột sức lao động ở Ả Rập Xê Út, các chuyên gia pháp lý của BPSOS nhận thấy điểm chung sau đây: Chủ sử dụng lao động ở Ả Rập Xê Út (bên liên quan) không đảm bảo các điều kiện về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi và tiền lương cho người lao động nhưng các công ty xuất khẩu lao động không hề có các động thái bảo vệ người lao động. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng. Do đó, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Trình tự và thủ tục thanh lý hợp đồng:

– Nếu hai bên đồng ý chấm dứt hợp đồng thì tiến hành lập biên bản thanh lý hợp đồng trong đó ghi nhận ý kiến của mỗi bên.
– Nếu một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng thì bên này phải gửi biên bản thanh lý đến bên còn lại để thông báo về việc chấm dứt hợp đồng.
Hiện nay, pháp luật không có các quy định bắt buộc về nội dung của biên bản thanh lý hợp đồng. Do đó, nội dung biên bản do hai bên thống nhất với nhau miễn không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

Trường hợp không thể thoả thuận được thì một bên có quyền khởi kiện để yêu cầu toà án có thẩm quyền giải quyết. Lưu ý: Tiền ký quỹ của người lao động được hoàn trả cả gốc và lãi cho người lao động khi thanh lý hợp đồng (khoản 3 Điều 23 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006).

Nhằm xác nhận quan hệ lao động đã kết thúc và giải quyết những công việc còn lại trong hợp, người lao động cần chủ động yêu cầu công ty xuất khẩu lao động phải tiến hành thanh lý hợp đồng. Trong đó, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng là phương thức mà nạn nhân buôn người hoặc bị bóc lột sức lao động phải biết khai thác tối đa để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Viết một bình luận