- Nạn nhân và thân nhân nhiều lần kêu cứu với giới chức Việt Nam nhưng không được hồi đáp
Mạch Sống, ngày 25 tháng 10, 2021
Sinh năm 1982, cô Sông thuộc dân tộc Hmong ở xã Cổ Linh, huyện Bắc Năm, tỉnh Bắc Kạn. Cô có 2 con nhỏ ở Việt Nam, 6 và 7 tuổi.
Một cặp vợ chồng người Giao đã đến tận xã để tuyển cô cho công ty COLECTO. Cô được đưa lên Hà Nội huấn luyện một tháng ở nhà Ông Tạ Hữu Tấn, người tự giới thiệu là Giám Đốc của COLECTO.
Cô Sông đến Ả Rập Xê Út ngày 21 tháng 1, 2019. Tại đây, cô thuộc quyền quản lý của Bà Trương Thị Hiền và người đồng nghiệp Ả Rập là Ông Aziz.
Người chủ bắt cô Sông làm việc quần quật suốt ngày và phải khuân các bao rác nặng từ lầu 6 xuống tầng trệt mỗi ngày. Chỉ sau 1 tháng, cô kiệt sức và đổ bệnh. Nhà chủ trả cô về cho Bà Hiền và Ông Aziz. Họ bắt cô đóng 3 triệu đồng Việt Nam để được tá túc tại văn phòng dưỡng bệnh.
Với kinh nghiệm vừa trải qua, cô Sông yêu cầu được hồi hương. Bà Hiền từ chối và gửi cô đến người chủ thứ hai. Cô Sông không biết gì về người này và cũng không hề ký hợp đồng với họ. Nhưng không có cách nào hơn, cô đành chấp nhận sự sắp xếp của Bà Hiền.
Nhà chủ giữ tất cả giấy tờ tuỳ thân của cô. Trong suốt 2 năm cô chỉ được ăn cơm trắng và ít thức ăn thừa của nhà chủ. Thỉnh thoảng cô nài nỉ mới được tí thịt để ăn với cơm.
Trong khi cô Sông bị kẹt ở Ả Rập Xê Út, chồng của cô bỏ đi ở với người đàn bà khác dù chưa ly dị, và bỏ rơi luôn 2 người con chung.
Tháng 1 năm 2021, cô Sông hết hạn hợp đồng 2 năm với COLECTO và yêu cầu chủ cho hồi hương. Có vẻ nhà chủ muốn giữ cô ở lại làm việc một cách bất hợp pháp và vô hạn định.
Cô gọi cho Toà Đại Sứ Việt Nam để cầu cứu. Tại đây, Ông Nguyễn Quốc Khánh, Bí Thư Thứ Hai quản lý người lao động ở ngoài nước, nói với người chủ là không có chuyến bay và dặn cô Sông phải kiên nhẫn chờ. Thực ra, tháng 9 và tháng 10 đều có chuyến bay hồi hương.
Trong khi đó, người em trai của cô Sông ở Việt Nam đã gửi đơn cho Sở Lao Động – Thương Binh và Xã Hội của Tỉnh Bắc Kạn để cầu cứu và yêu cầu can thiệp với công ty COLECTO nhưng không đến đâu. Người em trai lại tiếp tục gửi thư cho chính phủ Việt Nam để hỏi về tình trạng của chị mình, nhưng cũng không nhận được hồi âm.
Ngày 14 tháng 10, sau khi được BPSOS liên lạc, Ông Chủ trả hộ chiếu và giấy tờ tuỳ thân cho cô Sông để cô sẵn sàng hồi hương. Ông chủ cũng đồng ý trả 50% vé máy bay cho cô.
Ngày 24 tháng 10, khi nghe sẽ có chuyến bay hồi hương ngày 28 tháng 10, cô Sông nhắc ông chủ mua vé. Người này nổi giận và xô cô Sông té nhào, rồi lấy dép quất vào mặt cô. Cùng ngày, cô lên Facebook kêu cứu với Toà Đại Sứ Việt Nam ở Ả Rập Xê Út:
“Tôi xin cầu cứu từ đại sứ quán; tôi đã đi làm giúp việc ở Nước ả rập được 3 nam bay giờ có chuyến bay ngày 28 tháng 10, tôi bảo chủ mua vé cho tôi về VN nhưng chủ không mua còn đẩy tôi ngã trúng đầu gối bị bầm tím hết. Sau đó tôi khóc nên chủ còn lấy dép về đánh tôi 2 phát ở tai nữa. Tôi là người dân tộc H’mông không biết nói nhiều nữa, nên xin tất cả mọi người giúp tôi sớm đc về vn.”
BPSOS đã chuyển hồ sơ của cô Giàng Thị Sông cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và một tổ chức quốc tế để phối hợp với cảnh sát Ả Rập trong việc giải cứu cô Sông.
Thông tin liên quan:
Xem chương trình “Việt Nam và thế giới trong thế kỷ XXI” thứ Bảy 23.10.2021: “Việt Nam: từ “xuất khẩu lao động” đến nạn buôn người”: