Trong nước là chủ lực, hải ngoại chỉ yểm trợ: Quan điểm lỗi thời và tai hại

  • Cần thay đổi cách nhìn trong thế giới hội nhập

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 9 tháng 9, 2021

http://machsonmedia.org

Một quan điểm mà tôi nghe nhiều là, trách nhiệm thay đổi đất nước thuộc về người ở trong nước; họ phải là chủ lực, phải đi trước; người Việt ở hải ngoại chỉ theo sau để hỗ trợ. Quan điểm này có thể đúng ở thế kỷ trước, khi Việt Nam còn cửa đóng then cài, nhưng giờ đây đã lỗi thời. Không thay đổi cách nhìn thì việc đổi thay đất nước sẽ dậm chân tại chỗ.

Một ví dụ minh hoạ

Về bản chất, buôn người là hoạt động xuyên quốc gia: nạn nhân bị di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác, có khi qua một hoặc nhiều quốc gia trung gian. Để giải cứu nạn nhân, bắt buộc phải hành động cùng lúc ở nhiều quốc gia. Cuộc giải cứu các ô-sin Việt bị bóc lột và ngược đãi ở Ả Rập Xê Út minh hoạ tác dụng của sự phối hợp đa quốc gia.

Các nữ lao động Việt Nam ở Ả Rập Xê Út cầu cứu, ngày 4 tháng 7, 2021

Ở Ả Rập: Truy tìm và lập hồ sơ nạn nhân, cung cấp thông tin cho cảnh sát giải cứu, phối hợp với trung tâm tạm trú cho nạn nhân được giải cứu, đối phó với đường dây buôn người sở tại, đẩy lùi áp lực từ giới chức toà đại sứ Việt Nam, vận động sự can thiệp và theo dõi của các toà đại sứ Phương Tây.

Ở Việt Nam: Hỗ trợ pháp lý cho gia đình nạn nhân để “đòi người” và đòi công lý, động viên tinh thần và hướng dẫn họ đối phó áp lực từ công ty xuất khẩu lao động và chính quyền, phối hợp với các toà đại sứ và tổ chức quốc tế ở Việt Nam để bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân khi hồi hương, áp lực nhà nước Việt Nam điều tra, truy tố và trừng phạt thủ phạm.

Ở Hoa Kỳ: Vận động văn phòng chống buôn người của Bộ Ngoại Giao theo dõi và đánh giá thực tâm phòng chống buôn người của nhà nước Việt Nam; cung cấp thông tin để Quốc Hội theo dõi và thúc đẩy Bộ Ngoại Giao chế tài nếu Việt Nam không hợp tác; làm truyền thông.

Ở LHQ: Cung cấp thông tin để Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về nạn buôn người yêu cầu nhà nước Việt Nam giải trình việc thực thi Nghị Định Thư Palermo.

Ở Thái Lan: Một số người tị nạn Tây Nguyên và Hmong liên lạc với cộng đồng sắc tộc của họ ở trong nước để truy tìm nạn nhân đang cần được giải cứu, lấy thông tin sơ khởi cho bộ phận lập hồ sơ và can thiệp.

Để giải cứu một nạn nhân, sự phối hợp đồng bộ và cùng lúc ở nhiều quốc gia là cần thiết. Mọi chức năng đều góp phần quan trọng cho cuộc giải cứu thành công. Như trong một chuỗi xích, mọi mắt xích đều quan trọng.

Toan Cau Hoa pic2

Hình 2. Các nữ lao động Việt trên đường hồi hương, ngày 4 tháng 7, 2021

Cách nhìn toàn cầu hoá

Cách đây nửa thế kỷ, một công ty đa quốc gia thường đặt cơ sở trung ương tại “mẫu quốc” và mở các chi nhánh ở những quốc gia khác. Ngày nay mô hình đa quốc gia mang tính cách tản quyền: Trung tâm nghiên cứu ở một quốc gia, trung tâm sản xuất ở quốc gia khác, trung tâm tiếp thị ở quốc gia khác nữa. Tất cả đều là “đầu tàu” trong lĩnh vực chức năng chuyên và tất cả đều phải phối hợp đồng bộ với nhau. Quan điểm chính và phụ không còn phù hợp.

Vì kinh tế phá sản, giữa thập niên 1980 chế độ ở Việt Nam phải chấp nhận mở cửa, rón rén hội nhập quốc tế. Trong khi đó, dân tộc Việt Nam đã khởi sự toàn cầu hoá qua các đợt di tản, tị nạn và di dân từ năm 1975. Chứng tích của sự toàn cầu hoá này là khoảng 5 triệu người Việt sinh sống ở tất cả các quốc gia văn minh và dân chủ trên khắp thế giới. Họ chính là đội tuyển trừ bị trên các sân chơi quốc tế. Đảng cộng sản Việt Nam nhìn ra được tiềm năng ấy khi ban thành Nghị Quyết 36.

Trong thế phối hợp toàn cầu, người Việt ở trong nước có chức năng phù hợp với sở trường, vị trí và năng lực đặc thù, như khai dụng luật nội địa để tạo những thay đổi ở địa phương, hình thành các tổ chức xã hội dân sự để cung cấp sự hỗ trợ trong các lĩnh vực chuyên, đào tạo các nhân sự chủ lực cho từng cộng đồng, liên kết toàn xã hội để tác động chính sách trung ương, v.v.

Tập thể người Việt ở hải ngoại có những chức năng phù hợp với sở trường, vị trí và năng lực đặc thù, như theo dõi các bản báo cáo vi phạm nhân quyền, vận dụng luật quốc tế về chế tài, vận động các quốc gia dân chủ cài điều kiện nhân quyền vào các hiệp ước với Việt Nam, kết nối với các tổ chức ủng hộ dân chủ và nhân quyền cho quốc tế vận, làm cầu nối cho người ở trong nước tham gia các phong trào toàn vùng hoặc toàn cầu, trao truyền kiến thức và đào tạo năng lực cho người ở trong nước, v.v.

Sự phân bổ chức năng trong thế toàn cầu đòi hỏi chuyên môn hoá về năng lực và kinh nghiệm. Nhân sự đảm trách mỗi chức năng phải được đào tạo và huấn luyện chuyên sâu. Nói cách khác, chuyên môn hoá đi đôi với toàn cầu hoá.

Toàn cầu hoá một vấn nạn

Để giải cứu các nữ ô-sin ở Ả Rập Xê Út, chúng tôi khai thác những định chế được thiết lập trong 20 năm qua nhằm đối phó nạn buôn người.  Tháng 11 năm 2000, Đại Hội Đồng LHQ ban hành Nghị Định Thư về phòng chống buôn người, được gọi tắt là Nghị Định Thư Palermo.

Cũng trong năm 2000, Hoa Kỳ ban hành luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người, với các điều khoản chế tài nhắm vào cá nhân các thủ phạm và vào các chính quyền chưa thực tâm phòng, chống buôn người. Bộ Ngoại Giao và Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ thành lập văn phòng chống buôn người, và các toà đại sứ Hoa Kỳ đều có viên chức theo dõi và báo cáo tình trạng buôn người ở các quốc gia.

Hai mươi năm sau, 98% các quốc gia trên thế giới đều đã ban hành luật phòng, chống buôn người, một cách chủ động do thực tâm hoặc một cách miễn cưỡng vì chịu áp lực của các quốc gia có thực tâm.

Toan Cao Hoa Pic3

Hình 3. Tỉ lệ các quốc gia đã ban hành luật phòng, chống buôn người

Tương tự, vấn đề tự do tôn giáo cũng đã theo một tiến trình toàn cầu hoá.

Năm 1998, Hoa Kỳ ban hành Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, rồi thành lập Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế và văn phòng Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế ở Bộ Ngoại Giao. Các toà đại sứ Hoa Kỳ đều có viên chức theo dõi và báo cáo tình trạng tự do tôn giáo nơi quốc gia sở tại. Luật còn đề ra những biện pháp chế tài đối với các cá nhân và quốc gia vi phạm.

Năm 2010, một nhóm nghị sĩ Âu Châu được hình thành nhằm thúc đẩy quốc gia của họ ban hành luật về tự do tôn giáo. Đến nay, nhóm này trở thành mạng lưới gồm gần 300 nghị sĩ ở 90 quốc gia trên thế giới.

Cũng năm 2010 một số nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo thành lập Bàn Tròn Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế với mục đích chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp hành động. Đến nay đã có 30 bàn tròn tương tự ra đời ở khắp thế giới.

Năm 2020, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khởi xướng Liên Minh Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin, với sự tham gia của 32 quốc gia thành viên và 5 quốc gia quan sát viên. Mới đây có thêm 3 quốc gia ngỏ ý muốn tham gia.

Năm 2021, một hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào tháng 7 vừa qua để phát động phong trào quần chúng toàn thế giới cho tự do tôn giáo. Hơn 1,100 người tham gia hội nghị này. Năm 2022, một hội nghị tương tự sẽ được tổ chức ở Anh.

Toan Cau Hoa pic4

Hình 4. Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, ngày 14/07/2021 (National Catholic Register)

Kết luận

Muốn thay đổi Việt Nam thì phải khai dụng các cơ hội của trào lưu toàn cầu hoá, khi mà nhà nước Việt Nam đang chập chững bước vào các sân chơi quốc tế.

Cách chúng tôi khai dụng là quốc tế hoá từng vấn đề một. Chẳng hạn, năm 2008, BPSOS khởi xướng Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia, CAMSA) để quốc tế hoá công cuộc phòng, chống buôn người ở Việt Nam. CAMSA đã giải cứu hoặc góp phần giải cứu khoảng 8 nghìn nạn nhân Việt ở 24 quốc gia và gần 3 nghìn nạn nhân thuộc các quốc gia khác. Nhờ đó, chúng tôi mở rộng mạng lưới phối hợp ra nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia bình thường không trực tiếp liên quan đến Việt Nam như Ả Rập Xê Út, Jordani hoặc Kuwait.

 Tương tự, năm 2015 BPSOS đồng chủ xướng mạng lưới Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Đông Nam Á (Southeast Asia Freedom of Religion or Belief Network, SEAFORB Network). Qua đó, các nỗ lực tranh đấu cho tự do tôn giáo ở Việt Nam ngày càng gắn kết với những nỗ lực tương tự ở toàn vùng Đông Nam Á và trên thế giới.

Với quan điểm toàn cầu hoá, chúng ta có thể cùng lúc tạo áp lực hoặc can thiệp trên nhiều sân chơi quốc tế và quốc nội, dù là để giải cứu một nạn nhân buôn người, đẩy lùi sự bách hại nhắm vào một cộng đồng tôn giáo hay sắc dân, hoặc vận động sự thay đổi chính sách địa phương, vùng hay quốc gia.

Đổi cách nhìn về trong và ngoài, ai chủ lực ai phụ lực, ai trước ai sau, chúng ta sẽ khai thác được nguồn lực tổng hợp và thế mạnh của dân tộc ở Việt Nam và trên khắp năm châu để thay đổi đất nước. Bằng không, hệ luỵ sẽ là sự chần chờ, đùn đẩy, và tê liệt kéo dài.

Bài liên quan:

Chúng ta đủ vốn liếng để dân chủ hoá đất nước
https://machsongmedia.com/vietnam/danchu/1503-2019-11-17-22-49-42

Viết một bình luận