Cập nhật về triển vọng định cư cho người Việt tị nạn ở Thái Lan

  • Cải chính thông tin sai từ RFA

BPSOS, ngày 6 tháng 9, 2021

http://machsongmedia.com

Chính sách định cư tị nạn của Hoa Kỳ dưới Hành Pháp Biden có những thay đổi tích cực nhưng đang bị rối rắm do nhiều yếu tố tác động. BPSOS tiếp tục vận động chính sách để bảo vệ cơ hội định cư của những người Việt đã có quy chế tị nạn ở Thái Lan và một số quốc gia trong vùng. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục trợ giúp pháp lý cho đồng bào đang xin quy chế tị nạn hoặc chuẩn bị phỏng vấn định cư. Để giảm thiểu tác hại của những thông tin sai, BPSOS đã lập trang Facebook dành riêng cho người Việt tị nạn ở Thái Lan.

Những diễn tiến tích cực

Hành Pháp Biden tăng đỉnh số tị nạn lên 62,500 cho 6 tháng từ tháng 4 đến tháng 9, 2021, và sẽ nhân đôi con số này cho 12 tháng sau đó. Đây là thay đổi lớn so với đỉnh số 18,000 mà Hành Pháp Trump ấn định cho thời gian 12 tháng từ tháng 10 đến tháng 9, 2021. Phản ảnh sự thay đổi chính sách, phái đoàn Hoa Kỳ đã phỏng vấn một số gia đình người tị nạn ở Bangkok.

Trong các buổi họp hội ý với các tổ chức định cư hay bảo vệ người tị nạn, Toà Bạch Ốc cho biết Hành Pháp Biden ủng hộ việc mở lại chương trình bảo lãnh tư nhân. Năm 1975-1980, hơn 200 nghìn người tị nạn Đông Dương đã định cư vào Hoa Kỳ qua chương trình bảo lãnh tự nhân. Đây là diễn tiến tích cực nhưng có lẽ phải đến năm 2022, chương trình này mới được phục hồi.

Chính phủ Canada cũng bắt đầu mở rộng hơn cánh cửa định cư người tị nạn sau khi Thủ Tướng Trudeau công bố Canada sẽ nhận định cư 400 nghìn di dân mỗi năm trong 3 năm tới. Có ít ra 100 người Việt, phân nửa là người Tây Nguyên, đã lên danh sách phỏng vấn định cư Canada trong 12 tháng tới đây.

Gia đình Mục Sư A Ga đến Raleigh, North Carolina, ngày 23/09/2018

Những trở ngại

Tuy đỉnh số định cư tị nạn của Hoa Kỳ tăng mạnh, nhưng tiến trình giải quyết định cư đang diễn ra rất chậm và có thể bị khựng lại vì:

  1. Trong 4 năm của Hành Pháp Trump, các tổ chức định cư tị nạn đã cắt giảm nhiều nhân viên, đóng cửa nhiều văn phòng vì số tị nạn đến Hoa Kỳ ngày càng giảm. Nay các tổ chức này phải mất một thời gian để xây dựng năng lực trở lại.
  1. Các cơ quan và tổ chức định cư đang ưu tiên định cư người Afghanistan và có thể sẽ trì hoãn việc định cư các thành phần tị nạn khác.
  1. Người tị nạn Afghanistan có thể lẹm đi số chỗ cho các nhóm tị nạn khác.

Nỗ lực vận động của BPSOS

 Cuối tháng 12 năm ngoái, BPSOS bắt đầu vận động Toán Chuyển Tiếp của Tổng Thống Đắc Cử Joseph Biden nâng đỉnh số tị nạn. Tháng 5 năm nay, sau khi Tổng Thống Biden công bố nâng đỉnh số định cư tị nạn, BPSOS vận động Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (nhóm tư vấn cho Tổng Thống) dành số chỗ định cư thích đáng cho người tị nạn trong vùng Đông Á, bao gồm Thái Lan. Hành Pháp Biden đã ấn định 6 nghìn chỗ cho vùng Đông Á, chưa kể 12,500 chỗ tuỳ nghi phân bổ theo nhu cầu, cho 6 tháng còn lại của năm 2021.

BPSOS ủng hộ định cư người tị nạn Afghanistan, nhưng luôn nhắc nhở không bỏ quên các nhóm tị nạn khác. Do đó, BPSOS chủ trương là Hoa Kỳ tạm thời nâng đỉnh số định cư tị nạn cho năm 2022 lên trên 200 nghìn, thay vì 125 nghìn như Tổng Thống Biden đề nghị, vì số chỗ định cư người Afghanistan được ước lượng sẽ là 80 nghìn.

Ngày 3 tháng 6, Hội Đồng Tị Nạn Hoa Kỳ (RCUSA), một liên minh gồm 37 tổ chức định cư hay bảo vệ tị nạn, đã gửi văn thư cho Tổng Thống Biden ủng hộ đỉnh số tạm thời 200 nghìn cho năm 2022. Đồng thời 66 vị dân biểu Hoa Kỳ cũng gửi văn thư cho Tổng Thống Biden với cùng quan điểm. Bất luận đỉnh số có tăng lên hay không hoặc tăng lên bao nhiêu, Toà Bạch Ốc được nhắc nhở không bỏ quên các thành phần tị nạn khác, trong đó có người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan.

Ngoài ra, BPSOS tiếp tục chung sức với Mạng Lưới Bảo Vệ Quyền Tị Nạn Á Châu – Thái Bình Dương vận động các quốc gia Phương Tây khác cũng nhận định cư người Việt tị nạn ở Thái Lan.

June 12 2019

Ts. Nguyễn Đình Thắng cùng vợ chồng tị nạn chuẩn bị định cư Na Uy, ngày 12/06/2019

Các công tác bảo vệ và định cư tị nạn

Năm 2008, BPSOS bắt đầu cử các toán luật sư hỗ trợ pháp lý cho đồng bào sang lánh nạn ở Thái Lan. Năm 2010, chúng tôi thành lập văn phòng pháp lý thường trực ở Bangkok. Khoảng 90% người Việt xin tị nạn tại Thái Lan đã được sự giúp đỡ pháp lý của văn phòng này.

Hoạt động bảo vệ đồng bào tị nạn được tài trợ hoàn toàn bởi các mạnh thường quân, chúng tôi có trách nhiệm sử dụng số tiền đóng góp ấy một cách hiệu quả nhất, bằng cách:

  1. Ưu tiên hỗ trợ pháp lý để đồng bào được công nhận tư cách tị nạn bởi LHQ. Không có tư cách tị nạn thì sẽ không được đi định cư.
  1. Bảo đảm người có tư cách tị nạn được giới thiệu đến các chương trình định cư của các quốc gia để tam.
  1. Can thiệp cho một số trường hợp đặc biệt.

Ở các quốc gia đệ tam đều có những tổ chức chuyên định cư tị nạn, với nguồn tài chánh dồi dào và nhân viên có kinh nghiệm. Họ hoạt động hữu hiệu và có thể định cư số lượng lớn. Chúng tôi tận dụng hệ thống định cư có sẵn này và dành toàn bộ quỹ do ân nhân đóng góp cho việc giúp pháp lý về tư cách tị nạn, một lĩnh vực tối quan trọng nhưng hầu như không tổ chức nào làm.

Qua cách làm này, từ năm 2008, khoảng 1550 cá nhân được công nhận là tị nạn, trong đó khoảng 800 người đã đi định cư ở nhiều quốc gia mà đông nhất là Hoa Kỳ rồi đến Canada.

Giao dan Con Dau

Một gia đình giáo dân Cồn Dầu lên đường định cư Hoa Kỳ, năm 2015

Số 750 còn lại có triển vọng được giải quyết định cư trong vòng 2 năm tới.

Ngoài ra, vẫn còn khoảng trên 1000 người Việt hoặc đang trong tiến trình xin quy chế tị nạn hoặc đã bị từ chối tư cách tị nạn. Văn phòng pháp lý của chúng tôi đang giúp họ bằng cách:

  1. Tổ chức các buổi định hướng về thể thức xin quy chế tị nạn
  2. Lập hồ sơ xin tị nạn và, trong một số trường hợp, tham gia quan sát buổi phỏng vấn tị nạn của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ
  3. Lập hồ sơ kháng cáo
  4. Lập hồ sơ xét lại cho người bị đóng hồ sơ tị nạn một cách oan sai

photo Y Suai with friends RDU NC USA airport Feb. 9 2012

Anh Y Soái Êban đến phi trường Raleigh, North Carolina, ngày 09/02/2012

Thông tin sai từ RFA

Ngày 30 tháng 8, 2021, đài Á Châu Tự Do (RFA) chạy tin rằng: “Tuy nhiên, người tị nạn Việt Nam đã bị ngưng lại từ năm 2008 đến nay. Lý do được Chính phủ Mỹ giải thích là ‘người tị nạn Việt Nam không đủ tiêu chuẩn để được định cư ở Hoa Kỳ’.” Xem: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/advocating-for-the-us-government-to-accept-vietnamese-refugees-in-thailand-08302021153442

Thông tin này hoàn toàn sai.

Từ năm 2008 đến nay, khoảng 800 người tị nạn Việt Nam đã được định cư, khoảng 3/4 định cư ở Hoa Kỳ. Trong số các người định cư tị nạn vào Hoa Kỳ, có những trường hợp “nổi tiếng” như là cô Vũ Phương Anh (2010), 132 giáo dân Cồn Dầu (2012-2015), 2 chị Tuyết Nga và Thu Hương (2017), Mục Sư A Ga (2018)…

Chi Tuyet Nga Thu Huong

Chị Tuyết Nga và chị Thu Hương trên đường đến Hoa Kỳ, ngày 30/11/2017

Năm 2019 và 2020, số định cư vào Hoa Kỳ giảm hẳn, nhưng đó là do Hành Pháp Trump giảm đỉnh số định cư tị nạn nói chung, không nhắm riêng người VIệt.

Phát biểu rằng “người tị nạn Việt Nam không đủ tiêu chuẩn để được định cư ở Hoa Kỳ” là sai luật. Luật tị nạn không thể loại trừ cả một nhóm người kiểu “vơ đũa” vì sự đàn áp là do trải nghiệm riêng của từng cá nhân. Chúng ta đều biết, khi Hành Pháp Trump định loại trừ một vài thành phần sắc dân ở Trung Đông thì đã bị kiện tại toà.

Không những thế, Hoa Kỳ định cư nhiều người Việt tị nạn từ Thái Lan nhất so với mọi quốc gia khác. Một giới chức Bộ Ngoại Giao không lẽ phủ nhận thành tích nhân đạo ấy của đất nước mình?

Lẽ ra RFA nên phối kiểm thông tin trước khi chạy tin. Lỡ chạy tin rồi, thì vẫn có cơ hội đính chính.

Trang Facebook với nguồn tin có phối kiểm:

Để đối phó với những tin sai, tin giả, BPSOS đã lập trang Facebook dành riêng cho đồng bào tị nạn ở Thái Lan: https://www.facebook.com/TinanThailan

Cô Vũ Phương Anh ở phi trường Bangkok, chuẩn bị bay đến Houston, Texas, ngày 29/07/2010

Các thông tin liên quan đến người có quy chế tị nạn hoặc đang xin tị nạn đều được phối kiểm về tính chính xác trước khi đăng tải. Nơi đây cũng sẽ thông báo các sinh hoạt, lớp định hướng, các chính sách của Thái Lan hay các quốc gia định cư, các chương trình huấn luyện, và các dịch vụ pháp lý của văn phòng pháp lý của chúng tôi.

Trang Facebook này hiện có 1,500 người theo dõi. Mọi người có thể đặt câu hỏi nơi đó, chúng tôi sẽ có người trả lời.

Để liên lạc với văn phòng pháp lý, xin gọi: (+66) 02-116-0405, 02-116-0406

Thông tin liên quan:

Tuyên bố chung của Hội Đồng Tị Nạn Hoa Kỳ (RCUSA) gửi TT Biden: 

https://rcusa.org/resources/rcusa-recommends-president-biden-set-a-refugee-admissions-goal-of-200k-for-fy22/

Văn thư của 66 dân biểu Hoa Kỳ gửi TT Biden:
https://lee.house.gov/imo/media/doc/Letter%20to%20President%20Biden%20to%20increase%20FY22%20refugee%20entries%20-%20FINAL%20-%2008-26-2021[4].pdf

Cập nhật chương trình định cư tị nạn của Hoa Kỳ
https://machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1706-cap-nhat-chuong-trinh-dinh-cu-ti-nan-cua-hoa-ky

 

Viết một bình luận