Lao động Việt và nạn nhân buôn người từ Ả Rập Xê Út đã về đến Việt Nam

  • Họp báo, DB Christopher Smith kêu gọi xếp Việt Nam vào Hạng 3 về buôn người

Ngày 3 tháng 9, 2021

http://machsongmedia.com

Khoảng 8 giờ tối nay, chuyến chuyên cơ chở đội tuyển bóng đá Việt Nam đã hạ cánh ở sân bay Vân Đồn, chở theo hàng trăm nữ lao động Việt hồi hương từ Ả Rập Xê Út, trong đó có nhiều nạn nhân buôn người, kể cả nạn nhân chỉ vừa được cảnh sát bản xứ giải cứu trước đó 24 tiếng.

Hình 1. Các nữ lao động Việt đang ra khỏi máy bay

Sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh, các chị em lao động này được đưa về khu cách ly. Tuy nhiên, nhà xe đòi mỗi người phải đóng 500 nghìn VND. Một số ít trả tiền USD vì không có tiền Việt, còn tuyệt đại đa số hoàn toàn trắng tay sau thời gian sống lây lất ở Ả Rập Xê Út. Nhà xe đòi giữ hộ chiếu của những người không có tiền trả.

“Tôi kỳ vọng sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn từ giới chức hữu trách, nhất là khi họ biết rằng trên chuyến bay có những nạn nhân buôn người không xu dính túi,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc Kiêm Chủ Tịch BPSOS, nhận định. “Chúng tôi liên lạc với một vài chỗ quen biết để nhờ họ tìm cách giải quyết bế tắc này.”

Chỉ 60 phút sau đó, lúc 10 giờ sáng Miền Đông Hoa Kỳ, tại buổi họp báo để giới thiệu luật chuẩn chi về bảo vệ nạn nhân buôn người, do Dân Biểu Christopher Smith (Cộng Hoà, New Jersey) và nữ Dân Biểu Karen Bass (Dân Chủ, California) đồng chủ toạ, Ts. Thắng nói về tình trạng buôn người từ Việt Nam đến nhiều quốc gia.

“Có những nạn nhân đã can đảm đứng lên phanh phui đường dây buôn người ở Việt Nam nên phải đối mặt với sự trừng phạt, trả thù khi về nước vì các đường dây này thường có quan chức chính quyền chống lưng,” Ts. Thắng phát biểu. “Tiếc rằng Cao Uỷ Tị Nạn LHQ không hiểu thực trạng buôn người này ở Việt Nam để làm tốt hơn công việc bảo vệ họ.”

Xem (phút 36:50):

https://www.youtube.com/watch?v=t44QvZZm5CY

Hình 2. Buổi họp báo trực tuyến, ngày 3 tháng 9, 2021

DB Smith nhận xét là Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có vẻ tránh né không xếp Việt Nam vào Hạng 3, nghĩa là hạng chót, vì không muốn Việt Nam phải bị chế tài. DB Smith kêu gọi các đồng viện ủng hộ dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam (HR 3001), trong đó có điều khoản chống buôn người. Dự thảo luật này được DB Smith đưa vào Hạ Viện đầu tháng 4 năm nay và đến giờ đã có 25 vị dân biểu thuộc lưỡng đảng đồng bảo trợ.

Năm nay, Việt Nam tiếp tục bị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp vào Danh Sách Theo Dõi về tệ trạng buôn người trong 3 năm liền. Theo luật Hoa Kỳ, Việt Nam có đến tháng 3 năm 2022 để chứng tỏ thực tâm phòng, chống buôn người nếu không muốn bị chế tài.

Tại một buổi họp trước đó với Ts. Thắng, DB Smith gợi ý sẽ tổ chức buổi điều trần ở Quốc Hội về tình trạng buôn người ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

“Chúng tôi đã báo cho một số toà đại sứ Phương Tây và tổ chức quốc tế theo dõi sát sự an nguy của các nạn nhân đã lên tiếng khi còn ở Ả Rập Xê Út,” Ts. Thắng nói.

BPSOS tiếp tục hợp tác với một số tổ chức và cơ quan ở Ả Rập Xê Út để truy tìm thêm nhiều nạn nhân.

“Có trường hợp chồng ở Việt Nam vừa phải trông con nhỏ vừa tìm vợ biệt tăm ở xứ người trong nhiều năm qua,” Ts. Thắng nói. “Có trường hợp mẹ đang tìm con gái bị chủ giam lỏng nên mất liên lạc cả năm nay.”

signal 2021 08 08 182152

Hình 3. Chị và mẹ của em Siu H’Xuân trước căn chòi ọp ẹp của gia đình gồm mẹ và 5 con

Đáng thương tâm không kém là trường hợp của em Siu H’Xuân, người Tây Nguyên thuộc Giáo Xứ Ea Hleo Tỉnh Đắk Lắk, bị lừa đưa sang Ả Rập Xê Út làm ô sin khi mới 15 tuổi và đã chết tức tưởi ngày 18 tháng 7 vừa qua lúc chưa đủ tuổi 18. Mẹ, chị và 3 em nhỏ chỉ cầu được nhìn mặt em H’Xuân lần chót và cử hành tang lễ theo nghi thức Công Giáo. Trong mấy ngày qua, cảnh sát Ả Rập cố gắng truy tìm nơi giữ xác của em để đưa về cho gia đình trên chuyến bay kể trên.

“Rất tiếc, họ không nhận được sự hợp tác của công ty đã đưa em H’Xuân đi xuất khẩu lao động cũng như của toà đại sứ Việt Nam ở Ả Rập Xê Út,” Ts. Thắng nói. “Chúng tôi không bỏ cuộc và sẽ truy tìm đến cùng.”

Siu H Xuan photo 1

Hình 4. Em Siu H’Xuân vài hôm trước khi chết, tình nghi do bị chủ đánh đập

Năm 2008, BPSOS thành lập Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia, CAMSA). Đến nay chương trình này đã giải cứu khoảng 5 nghìn nạn nhân ở 24 quốc gia và hỗ trợ giải cứu khoảng 6 nghìn nạn nhân ở Nga.

Thông tin liên quan:

Video: Các lao động ở sân bay Vân Đồn, Tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam

Nữ lao động Việt bị bạo hành ở Ả-Rập Saudi được giải cứu về nước
https://www.voatiengviet.com/a/nu-lao-dong-viet-bi-bao-hanh-o-rap-saudi-duoc-giai-cuu-ve-nuoc/6211073

Nạn nhân buôn người và lao động Việt hồi hương từ Ả Rập bằng chuyên cơ của đội tuyển bóng đá
https://machsongmedia.com/vietnam/chong-buon-nguoi/1748-nan-nhan-buon-nguoi-va-lao-dong-viet-hoi-huong-tu-a-rap-bang-chuyen-co-cua-doi-tuyen-bong-da

Viết một bình luận