Nạn nhân buôn người và lao động Việt hồi hương từ Ả Rập bằng chuyên cơ của đội tuyển bóng đá

  • Nhiều nạn nhân chưa được giải cứu và nhiều nghìn lao động còn kẹt lại

Mạch Sống, ngày 3 tháng 9, 2021

http://machsongmedia.com

Lúc 6:30 sáng nay, giờ Ả Rập Xê-Út, chuyên cơ của đội tuyển bóng đá Việt Nam cất cánh từ phi trường Riyadh đã chở thêm khoảng 190 lao động Việt cùng hồi hương. Đây chỉ là con số nhỏ của 8 đến 9 nghìn người lao động Việt đang kẹt lại ở quốc gia Trung Đông này. Trong số đó, không ít là nạn nhân buôn người.

Chị Đinh Thị Ca, quê ở Bình Định, là một trường hợp nạn nhân buôn người điển hình. Để lại 2 con trai sống với ông bà ngoại, tháng 10 năm 2018, chị sang Ả Rập Xê Út làm ô sin cho một gia đình người bản xứ. Chị bị ông, chủ, bà chủ, và mẹ của ông chủ đánh đập hàng ngày, đến nỗi chị bị chấn thương não, một tai bị điếc và một mắt bị mất thị giác.

Hình 1. Chị Đinh Thị Ca (áo đỏ, nón đỏ ở giữa) chuẩn bị lên máy bay hồi hương, thủ đô Riyadh, Ả Rập Xê Út, ngày 03/09/2021 (ảnh của người lao động hồi hương)

“Họ thay nhau đánh đập, dọng đầu tôi vào tường và xuống đất, và nắm tóc lôi từ lầu trên xuống lầu dưới để đánh tiếp. Họ nhổ nước bọt vào mặt tôi, nói rằng tôi chỉ là con vật, không phải là con người; ở Việt Nam thì chỉ có chết đói,” chị kể lại kinh nghiệm đau thương và khổ nhục.  

Chị Ca nhiều lần cầu cứu với công ty Cổ Phần Đầu Tư Thuận An DMC, nơi đã tuyển chị đi làm ô sin ở Ả Rập Xê Út, nhưng họ không can thiệp mà bảo chị phải vâng lời chủ, phải lao động tận tuỵ hơn. Chị gọi cho Đại Sứ Quán Việt Nam thì không bao giờ có người bắt máy.

Cuối cùng, chị đã phải chạy trốn khỏi nhà chủ, không mang theo được giấy tờ tuỳ thân, không tiền bạc trên mình. Chủ không trả tiền lương cho chị trong nhiều tháng. Cảnh sát Ả Rập đưa chị đi nhà thương (nhưng không chữa được gì), đòi lại hộ chiếu cho chị, và bắt chủ phải trả đủ số tiền lương.

Dinh Thi Ca

Hình 2. Chị Đinh Thị Ca, một mắt bị mất thị giác do bị chủ đánh đập liên tục vào đầu

Ngày 11 tháng 4, chị Ca cùng nhiều chị em phụ nữ đã lên Facebook cầu cứu. Khi được tin, BPSOS liền liên lạc với họ và bắt đầu lập hồ sơ những trường hợp là nạn nhân buôn người. Trong khi đó, Toà Đại Sứ Việt Nam ở Ả Rập Xê Út hoàn toàn làm ngơ khi các nạn nhân này cầu cứu.

Tháng 7, BPSOS chuyển gần 40 hồ sơ cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, một số văn phòng Quốc Hội Hoa Kỳ, và cơ quan hữu trách của LHQ.

“Trong số các nạn nhân này, có ít ra 4 trẻ vị thành niên; công ty xuất khẩu lao động đã lập hồ sơ giả, nâng tuổi các em lên để đẩy sang lao động ở xứ người,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết. “Ngày 18 tháng 7, một em đã chết do bị nhà chủ đánh đập dã man, khi chưa tròn 18 tuổi.”

Một số người trên chuyến bay hồi hương chỉ vừa được cảnh sát Ả Rập giải cứu chưa đầy 2 hôm trước đó.  Đến giờ chót, cảnh sát Ả Rập còn cố gắng giải cứu thêm một số nạn nhân nhưng không kịp vì thiếu thông tin định vị.

“Những trường hợp này hầu như không lối thoát vì bị chủ giam lỏng trong nhà và bị giám sát chặt chẽ 24/24,” Ts. Thắng giải thích. “Nạn nhân không biết họ đang ở đâu và rất khó khăn để liên lạc ra ngoài.”

Trong khi đó, thay vì bảo vệ nạn nhân, một số giới chức Việt Nam ở Ả Rập và ở trong nước lại tìm cách bịt miệng họ với những lời cáo buộc là đưa tin bêu xấu nhà nước, là liên lạc với thành phần phản động ở nước ngoài, là chống chính quyền.

“Chúng tôi đang phối hợp với một số toà đại sứ quốc tế ở Hà Nội để theo dõi và bảo vệ các nạn nhân để không bị trả thù chỉ vì đã lên tiếng cầu cứu,” Ts. Thắng nói. “Đồng thời, chúng tôi tiếp tục truy tìm để giải cứu các nạn nhân còn kẹt ở Ả Rập Xê Út.”

Repatriation 2

Hình 3. Các lao động Việt bao gồm cả nạn nhân buôn người hân hoan chuẩn bị lên máy bay về nước, thủ đô Riyadh, Ả Rập Xê Út, ngày 03/09/2021

Ngay cả một số nạn nhân đã được giải cứu, nhà nước Việt Nam bắt họ phải trả vé máy bay 1,200 USD một người để hồi hương. Có những nạn nhân gia đình ở Việt Nam quá nghèo nên bị bỏ rơi lại nơi xứ người.

Một số toà đại sứ và một tổ chức quốc tế cho biết họ sẽ theo dõi sát các chị em phụ nữ trên chuyến bay hồi hương ngày hôm nay, giúp họ khám sức khoẻ, hỗ trợ về hội nhập, và, dựa vào các thông tin do BPSOS cung cấp, bảo vệ những ai có thể bị trù dập.  

Việt Nam hiện có 9 tháng để chứng minh thực tâm phòng, chống nạn buôn người để tránh bị chế tài theo luật Hoa Kỳ.

Đinh Thị Ca chuẩn bị vào máy bay
Hình 4. Chị Đinh Thị Ca chuẩn bị vào máy bay

Video: Các lao động Việt Nam vui mừng vì sắp đoàn tụ gia đình sau nhiều tháng năm mòn mỏi ở xứ người

Thông tin liên quan:

Thêm Ôsin Việt ở Ả Rập Xê-Út bị hành hung và ngược đãi
https://machsongmedia.com/vietnam/chong-buon-nguoi/1734-them-osin-viet-o-a-rap-xe-ut-bi-hanh-hung-va-nguoc-dai

Các doanh nghiệp liên quan phải hồi hương gấp 30 nữ lao động Việt bị kẹt ở Ả Rập Xê-Út
https://machsongmedia.com/vietnam/chong-buon-nguoi/1726-cac-doanh-nghiep-lien-quan-phai-hoi-huong-gap-30-nu-lao-dong-viet-bi-ket-o-a-rap-xe-ut-2

Buôn người: Việt Nam ở sát bờ vực chế tài theo luật Hoa Kỳ
https://machsongmedia.com/vietnam/chong-buon-nguoi/1727-buon-nguoi-viet-nam-o-sat-bo-vuc-che-tai-theo-luat-hoa-ky

Viết một bình luận