Kỷ niệm 25 năm hình thành chương trình ROVR, phát biểu của những người trong cuộc

  • 18 nghìn thuyền nhân sau khi bị hồi hương được tị nạn vào Hoa Kỳ

Mạch Sống, ngày 30 tháng 8, 2021

http://machsongmedia.com

Để đánh dấu 25 năm từ khi chương trình Cơ Hội Tái Định Cư Người Việt Hồi Hương (Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees, ROVR) được  hình thành, BPSOS công bố video tài liệu gồm cuộc phỏng vấn với cựu Đại Sứ Grover Joseph Rees và lời phát biểu của Dân Biểu Christopher Smith, hai người trong cuộc. Xem video: https://youtu.be/U6015MPVMfU

Qua chương trình ROVR, 18 nghìn cựu thuyền nhân đã được Hoa Kỳ nhận định cư tị nạn sau khi hồi hương về Việt Nam – một sự kiện có một không hai trong lịch sử định cư tị nạn của Hoa Kỳ.

Năm 1994 chính quyền Hồng Kông và chính quyền các quốc gia Đông Nam Á thúc đẩy chính sách cưỡng bách hồi hương thuyền nhân Việt Nam, với sự hậu thuẫn của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và LHQ. Cũng năm ấy BPSOS khởi xướng cuộc vận động Quốc Hội Hoa Kỳ để bảo vệ quyền tị nạn của đồng bào thuyền nhân. Nỗ lực lội ngược dòng này cuối cùng đã thành công với sự ra đời của chương trình ROVR.

Cựu Đại Sứ Grover Joseph Rees kể lại lịch sử hình thành chương trình ROVR, tháng 12, 2019 

Thành công này có được phần lớn nhờ có sự hưởng ứng của Dân Biểu Christopher Smith (Cộng Hoà, NJ), lúc ấy là Chủ Tịch Tiểu Ban Nhân Quyền của Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện Hoa Kỳ. Ông là tác giả của điều luật cấm LHQ dùng quỹ viện trợ của Hoa Kỳ để cưỡng bách hồi hương thuyền nhân Việt Nam. Cựu Đại Sứ Rees, khi ấy là Giám Đốc Nhân Viên của DB Smith, soan ngôn ngữ cho điều luật.

Các quốc gia tạm dung muốn cưỡng bách hồi hương thuyền nhân nhưng không có ngân quỹ; họ trông chờ vào quỹ của LHQ. Phần lớn quỹ này do Hoa Kỳ đóng góp. Vì vậy, điều luật do DB Smith đưa ra làm khựng lại chính sách cưỡng bách hồi hương.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chống đối điều luật này một cách mạnh mẽ, với sự phụ hoạ của một số tổ chức mang danh nghĩa bảo vệ người tị nạn kể cả một tổ chức do người Việt đứng đầu. Theo tờ Washington Post ngày 24 tháng 5, 1995, khi điều luật chuẩn bị được Hạ Viện biểu quyết, Bà Phyllis Oakley, Trợ Lý Ngoại Trưởng về chương trình tị nạn, và Ông Lê Xuân Khoa, Giám Đốc tổ chức SEARAC, công khai lên tiếng chống lại điều luật này. Họ lập luận rằng, nếu điều luật được thông qua thì nó sẽ tạo hy vọng cho thuyền nhân, và như thế sẽ làm hỏng chương trình hồi hương. Xem: https://dvov.org/wp-content/uploads/2020/05/Washington-Post-article.pdf

“Chúng tôi chấp nhận lội ngược dòng khi mà số tổ chức còn ra sức chống chỏi cùng với chúng tôi ngày càng thưa dần và cuối cùng chỉ đếm được trên một bàn tay,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, chia sẻ. “Chúng tôi muốn đồng bào tị nạn nuôi hy vọng đến bến bờ tự do.”

Cuối cùng điều luật này được cả Hạ Viện và Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua. Tổng Thống Bill Clinton phủ quyết điều luật, nhưng đổi lại đã thoả hiệp với Quốc Hội để hình thành chương trình ROVR.

Video phỏng vấn cựu Đại Sứ Grover Joseph Rees, lúc ấy là Giám Đốc Nhân Viên của DB Smith và cũng là người thảo điều luật kể trên, được thực hiên năm 2019. 

Trước khi làm việc ở Quốc Hội, Ông Rees đã từng là giáo sư luật, thẩm phán, và cố vấn trưởng của Sở Di Trú Hoa Kỳ. Sau khi rời Quốc Hội, Ông Rees được bổ nhiệm làm đại sứ toàn quyền của Hoa Kỳ đầu tiên tại Đông Timo, sau khi vùng đất thuộc địa Indonesia này giành được độc lập. Ông Rees sau đó giữ nhiều vai trò cấp đại sứ khác trong Bộ Ngoại Giao cho đến khi về hưu. Trong 12 năm qua, cựu Đại Sứ Rees là cố vấn thâm niên của BPSOS về các đề án quốc tế, bao gồm bảo vệ người tị nạn; phòng, chống buôn người; và phát huy tự do tôn giáo ở Việt Nam và toàn vùng Đông Nam Á.

Xem video: https://youtu.be/U6015MPVMfU

Viết một bình luận