BPSOS: 5 kiến nghị gửi Phó Tổng Thống Hoa Kỳ trước chuyến đi Đông Nam Á

  • Lịch trình và chương trình nghị sự của Phó Tổng Thống Kamala Harris

Mạch Sống, ngày 20 tháng 8, 2021

http://machsongmedia.com

Trước chuyến công du của Phó Tổng Thống Hoa Kỳ đến Singapore và Việt Nam, tổ chức BPSOS đã có nhiều buổi họp trong 2 tuần qua vói Bộ Ngoại Giao, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) và Toà Bạch Ốc. Buổi họp gần đây nhất là với 4 giới chức cao cấp của Hành Pháp Biden vào sáng ngày 20 tháng 8.

“Mục tiêu của chúng tôi là nâng vấn đề nhân quyền nói chung lên thành một ưu tiên trong nội dung của chuyến công du tới đây của Phó Tổng Thống Kamala Harris,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết. “Qua các cuộc họp này, chúng tôi tập trung vào 5 đề tài ưu tiên.”

Hình WSJ

Tự do cho tù nhân lương tâm

Trong thời gian qua, BPSOS đã phối hợp 2 lá thư chung gửi Phó Tổng Thống Harris về tù nhân lương tâm Việt Nam. Ngày 12 tháng 8, 31 nhân sĩ với thành tích đấu tranh nhân quyền cùng với 13 tổ chức nhân quyền quốc tế đã gửi văn thư kêu gọi Bà Harris đưa vấn đề tự do cho tù nhân lương tâm vào các buổi họp với giới lãnh đạo Việt Nam. Lá thư thứ hai, được gửi ra cùng ngày với chữ ký của 26 tổ chức và 20 nhân sĩ quan tâm đến tự do tôn giáo, tập trung vào Ông Nguyễn Bắc Truyển, một tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo và cũng là một luật gia về nhân quyền.

“Có thể nói, Ông Nguyễn Bắc Truyển là trường hợp tù nhân lương tâm tôn giáo tiêu biểu và nổi bật,” Ts. Thắng nói. “Ông Truyển cùng lúc đã được USCIRF và nữ Dân Biểu Hoa Kỳ Zoe Lofgren bảo trợ như tù nhân lương tâm.”

BPSOS kêu gọi Phó Tổng Thống Harris tiếp xúc trực tiếp với thân nhân của các tù nhân lương tâm và những người đang bị tạm giam vì hoạt động nhân quyền. BPSOS đã chuyển cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ danh sách của một số thân nhân như vậy mà đang có mặt ở Hà Nội.

Vai trò của xã hội dân sự và các tổ chức tôn giáo

Vấn đề thứ hai được BPSOS nêu lên tại các buổi họp là vai trò của xã hội dân sự, đặc biệt là các tổ chức tôn giáo kể cả những tổ chức chưa được nhà nước công nhận. Tháng 4, 2020, hơn 300 thành viên và lãnh đạo của các tôn giáo khác nhau, phần lớn ở trong nước, gửi văn thư cho Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc để khẳng định vai trò của xã hội dân sự trong việc đối phó đại dịch COVID-19.

“Lúc ấy, nhà nước đã không hưởng ứng có lẽ vì họ nghĩ là đã kiểm soát được đại dịch,” Ts. Thắng nhận định. “Gần đây, có nhiều chỉ dấu cho thấy nhà nước bắt đầu đón nhận những đóng góp của người dân, đặc biệt là các tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực cứu tế, từ thiện đối với các gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc lệnh phong toả.”

Ts. Thắng kêu gọi Phó Tổng Thống Harris khuyến khích Việt Nam không chỉ chấp nhận mà còn phải hỗ trợ vai trò của xã hội dân sự để cùng nhà nước đối phó các vấn đề ảnh hưởng xã hội, mà trước mắt là dịch bệnh và những hệ luỵ của nó.

“Sẽ không hợp lý hợp tình khi nhà nước Việt Nam đang cầu viện quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, giúp đối phó dịch bệnh nếu như không đồng thời đón nhận vai trò và nguồn lực của xã hội dân sự ngay trong nước.”

Tình trạng không giấy tờ tuỳ thân

Nhiều cộng đồng tôn giáo người Tây Nguyên và người Hmong đã không được cấp hoặc bị thu hồi giấy tuỳ thân – họ không có hộ khẩu — sau khi theo đạo Tin Lành. Một số chức sắc thuộc các tôn giáo khác cũng gặp trở ngại về giấy tờ tuỳ thân. Tình trạng này là mối quan tâm lớn của USCIRF và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong những năm gần đây.

“Tháng 5 vừa qua, 2 cộng đồng người Hmong theo Đạo Tin Lành bắt đầu được cấp thẻ căn cước công dân sau nhiều chục năm bị gạt ra lề xã hội vì không giấy tờ tuỳ thân,” Ts. Thắng trình bày trong các buổi họp. “Tôi mong là Phó Tổng Thống Harris sẽ khuyến khích Việt Nam lan toả ra toàn quốc sự thay đổi tích cực này.”

Các nạn nhân buôn người

Một vấn đề trong nghị trình của Phó Tổng Thống Harris đối với Việt Nam là quyền của người lao động. Trong email gửi văn phòng Phó Tổng Thống tiếp sau buổi họp sáng nay, Ts. Thắng viết:

“Nhiều phụ nữ Việt Nam, kể cả một số em gái vị thành niên, đã trở thành nạn nhân của sự bóc lột lao động, bị hành hung, và trong một số trường hợp bị sách nhiễu tình dục ở Ả Rập Xê-Út (cũng như ở một số quốc gia Trung Đông khác). Vì các chuyến bay về Việt Nam đều bị đình hoãn, các nạn nhân này bị kẹt trong tình trạng buôn người một cách vô hạn định. Chúng tôi kêu gọi Phó Tổng Thống nêu vấn đề này với Việt Nam, kêu gọi họ hợp tác với cảnh sát Ả Rập để giải cứu nạn nhân, thuê bao các chuyến bay để hồi hương nạn nhân, và đưa họ vào các khu vực tạm trú an toàn trong khi chờ đợi chuyến bay.”

Miến Điện

Củng cố vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, bao gồm Đông Nam Á, là một trong những mục tiêu hàng đầu cho chuyến công du Singapore và Việt Nam của Phó Tổng Thống Harris.

“Chúng tôi hoan nghênh việc Đại Sứ Hoa Kỳ ở LHQ Linda Thomas-Greenfield vừa công bố 50 triệu Mỹ kim viện trợ nhân đạo và cung cấp vaccine cho người dân Miến Điện phải chạy loạn sau cuộc đảo chánh của quân đội,” Ts. Thắng phát biểu tại các buổi họp hội ý với Hành Pháp Hoa Kỳ. “Đây là cơ hội để Hoa Kỳ lãnh đạo một liên minh gồm các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan y tế, các đơn vị chính quyền trong khu vực cho mục đích nhân đạo này, và qua đó đối tác trực tiếp với Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia của Miến Điện.”

Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia được thành lập bởi những nhà lập pháp được dân bầu vào Quốc Hội Miến Điện, đối trọng với chính quyền do quân đội thành lập sau cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 vừa qua.

Sau vụ đảo chính, BPSOS triệu tập buổi họp 2 tuần một lần về Miến Điện với sự tham dự của nhiều thành phần trong nước, ở các quốc gia lân bang, và trên thế giới để đối phó khẩn cấp về nhân đạo và đề ra sách lược dài lâu.

Lịch trình chuyến công du Singapore và Việt Nam

Phó Tổng Thống Kamala Harris sẽ rời Hoa Kỳ vào tối nay và sẽ đáp xuống Singapore chiều Chủ Nhật. Lịch trình làm việc ở Singapore:

  • Thứ Hai: Gặp Thủ Tướng và các giới chức chính quyền Singapore
  • Thứ Ba: Thăm căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở Changi, gặp gỡ các viên chức toà đại sứ Hoa Kỳ và gia đình, họp báo

Tối Thứ Ba sẽ rời Singapore để đến Việt Nam

  • Thứ Tư: Gặp Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng Chính Phủ và các giới chức chính quyền Việt Nam, khánh thành văn phòng khu vực Đông Nam Á của cơ quan CDC Hoa Kỳ
  • Thứ Năm: Tiếp xúc các người lãnh đạo trong lĩnh vực thay đổi xã hội, các đại diện xã hội dân sự; gặp gỡ các viên chức toà đại sứ và gia đình, họp báo

Trên đường trở về Hoa Kỳ, Phó Tổng Thống Harris sẽ ghé Honolulu, Hawaii và thăm hỏi các binh lính đóng quân tại căn cứ hỗn hợp Pearl Harbor – Hickman.

Thông tin liên quan:

Thư chung gửi Phó Tổng Thống Hoa Kỳ: hãy kêu gọi tự do cho tù nhân lương tâm ở Việt Nam

https://www.vnforb.org/post/thu-chung-gui-thu-tuong-nxp-keu-goi-tha-tu-nhan-luong-tam-covid-19-2020-06-05

Viết một bình luận