[Khoá đào tạo 12 tháng] Kết Luận về Tìm Giải Pháp

Ts. Nguyễn Đình Tháng

http://machsongmedia.com 

Khó khăn lớn nhất cho người muốn giải quyết một vấn nạn là hố ngăn cách giữa ước vọng và hành động cụ thể. Hai câu hỏi cốt lõi họ phải tự hỏi là:

(1) Làm sao biến ước vọng thành hành động cụ thể?

(2) Làm sao bảo đảm rằng hành động cụ thể đáp ứng ước vọng?

Ai không trả lời được câu thứ nhất thì sẽ bị khựng lại ở mức hô khẩu hiệu, đề ra chiêu bài nhưng bó tay, không biết phải làm gì cụ thể để thay đổi hiện trạng.

Ai không trả lời đươc câu thứ hai thì sẽ sa đà vào trạng thái làm đến đâu hay đến đó, làm cho có làm để rồi “đi dăm phút đã về chốn cũ”.

Quy trình tìm giải pháp là câu trả lời cho cả 2 câu hỏi. Nó gồm 6 bước:

  1. Xác định đối tượng phục vụ
  2. Định hình vấn nạn và truy căn nguyên, dùng Cây Vấn Đề
  3. Mô tả tầm nhìn, dùng lời viết hay hình ảnh
  4. Đề ra các sách lược tác động đến các căn nguyên, khởi động chuỗi chuyển đổi nhằm đạt các mục tiêu phúc lợi cho đối tượng phục vụ, dùng Biểu Đồ Chuyển Đổi
  5. Triển khai sách lược thành kế hoạch với các mục tiêu xuất liệu cụ thể, dùng Mô Hình Lô-gíc
  6. Triển khai kế hoạch thành hành động cụ thể, dùng Phương Án Lô-gíc và Chương Trình Hành Động

Quy trình này tuần tự triển khai ước vọng thành hành động cụ thể. Theo chiều ngược lại, quy trình này bảo đảm mỗi hành động đều đúng việc, đúng cách để tiến dần đến ước vọng.

Dưới đây là một số khái niệm đã học, liên quan mật thiết với quy trình tìm giải pháp:

  • Đối tượng phục vụ, còn gọi tắt là đối tượng:Khi nhận diện một vấn đề, chúng ta phải biết rõ đấy là vấn đề của ai, nhóm nào. Như một bác sĩ chữa bệnh thì phải biết đích xác bệnh nhân là ai.
  • Vấn đề hệ thống, còn gọi là vấn nạn: Vấn đề mang tính hệ thống khi nguyên nhân tách rời khỏi hậu quả. Chỉ những vấn đề mang tính hệ thống mới đòi hỏi một quy trình tìm giải pháp. Ngược lại, khi nguyên nhân và hậu quả là một hoặc nằm chồng lên nhau thì chỉ cần đối phó hậu quả là xong.
  • Mục đích và tầm nhìn, còn gọi là viễn kiến: Nếu vấn nạn là điểm khởi hành thì mục đích là điểm đến của giải pháp. Điểm đến ấy thường xa xôi, có khi phải mất nhiều thế hệ mới đạt đến. Tầm nhìn hoặc viễn kiến mô tả hoặc phác họa trạng thái của đối tượng phục vụ khi họ đạt mục đích.
  • Mục tiêu: Vì mục đích thường xa xôi, để hướng dẫn hành động chúng ta cần đề ra các mục tiêu cụ thể trong tầm tay với. Có 2 loại mục tiêu: Mục tiêu phúc lợi thể hiện những phúc lợi mà đối tượng phục vụ hoặc một thành phần của đối tượng phục vụ đạt được; mục tiêu xuất liệu là kết quả của những nỗ lực của chúng ta, cần thiết nhưng chưa đủ vì chưa đem lại phúc lợi cho đối tượng phục vụ.
  • Sách lược:Sách lược là một kế hoạch lớn và dài hạn nhằm tác động đến một căn nguyên của một vấn nạn.
  • Đại sách lược:Tổng thể các sách lược cần thiết để tác động cùng lúc đến tất cả các căn nguyên của vấn nạn.
  • Kế hoạch: Kế hoạch là chiến lược để đạt các mục tiêu trường kỳ, trung kỳ hay đoản kỳ theo lộ trình thực hiện sách lược.
  • Phương án:Phương án là kế hoạch để đạt mục tiêu phúc lợi. Thường, muốn đạt một mục tiêu phúc lợi thì trước đó phải đạt nhiều mục tiêu xuất liệu.
  • Chương trình hành động:Chương trình hành động là bảng công tác cụ thể với thời điểm và sự phân công rõ ràng nhằm đạt các mục tiêu xuất liệu và phúc lợi.

Ket Luan pic 2

Chúng ta cũng đã học cách sử dụng các công cụ hỗ trợ cho quy trình tìm giải pháp. Tất cả các công cụ này giúp người sử dụng thiết lập những chuỗi quan hệ nhân-quả để bảo đảm mỗi hành động đều đúng việc, đúng cách:

  • Cây vấn đề:Đây là công cụ để truy ra chuỗi quan hệ nhân-quả dẫn từ nguyên nhân gốc đến vấn nạn (tức thân cây) và từ vấn nạn đến các hiện tượng thể hiện nơi những thành phần đối tượng đặc thù. Cây vấn đề giúp chọn đúng việc, nghĩa là tác động đến căn nguyên. 
  • Biểu đồ chuyển đổi:Xây dựng từ cây vấn đề, công cụ này giúp người sử dụng đề ra những sách lược lớn nhằm tác động đến các căn nguyên của vấn nạn, nhằm chuyển đổi hiện trạng. Công cụ này giúp làm việc đúng cách.
  • Mô hình lô-gíc:Đây là công cụ trung chuyển từ sách lược sang kế hoạch hành động cụ thể cho từng giai đoạn. Nó bắc nhịp cầu giữa ước vọng xa vời và hành động cụ thể.
  • Phương án lô-gíc: Công cụ này phác hoạ mảng công việc và các mục tiêu xuất liệu cần thiết để đạt một mục tiêu phúc lợi.
  • Bảng chương trình hành động:Đây là bảng công tác chung của nhóm hành động hay toán công tác, với thời điểm và sự phân công rõ ràng nhằm đạt các mục tiêu xuất liệu và phúc lợi. Khi bắt tay vào việc, mỗi thành viên trong nhóm sẽ rút ra những việc của riêng mình thành bảng công tác cá nhân.

Đặc trưng của các xã hội phát triển là người dân tiêm nhiễm tư duy tìm giải pháp. Trước mỗi vấn nạn có không biết bao nhiêu bộ óc sáng tạo đi tìm giải pháp trong mọi lĩnh vực: chính quyền, doanh nghiệp, và xã hội dân sự. Ngược lại, biểu hiện của xã hội kém phát triển là trước một vấn nạn thường có vô vàn người than vãn nhưng lại rất ít ai cất công tìm giải pháp. Theo tôi, bản lĩnh của một dân tộc được định tính bởi văn hoá tìm giải pháp.

Thể chế độc tài thường đố kỵ văn hoá tìm giải pháp. Dễ hiểu thôi, khi truy căn nguyên của vấn nạn, khó tránh khỏi người dân ngộ ra là chính thể chế độc tài là một trong những căn nguyên cần giải quyết. Thay vì đào tạo tư duy tìm giải pháp, chế độ độc tài thường dậy người dân tôn thờ lãnh tụ, là vị cứu tinh có sẵn giải pháp cho mọi vấn nạn. Trình độ dân trí tỉ lệ nghịch với tinh thần sùng bái lãnh tụ.

Muốn phát triển đất nước để dân giàu, nước mạnh, và lãnh thổ vẹn toàn, người Việt ở trong và ngoài nước trước hết phải được huấn luyện hoặc tự đào tạo về tư duy tìm giải pháp. Đây là một công trình to tát nhưng khả thi vì giờ đây chúng ta đã có một giáo trình mạch lạc và chặt chẽ, tiện dụng và dễ phổ biến.

Bài đọc thêm:

Vấn Đề và Giải Pháp – Tư Tưởng và Hành Động: Thông Điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm, Trang 229 – 232:

 

Viết một bình luận