Ts. Nguyễn Đình Thắng
http://machsongmedia.com
Một Mô Hình Lô-gíc có thể hàm chứa nhiều mục tiêu phúc lợi; mỗi mục tiêu phúc lợi lại phải có một Phương Án Lô-gíc. Nghĩa là mỗi thời kỳ thực hiện sách lược đều có thể có nhiều phương án cần được triển khai cùng lúc. Chương Trình Hành Động (Activity Plan hay Work Plan) tổng hợp các công việc để triển khai cùng lúc các phương án song hành. Lập Chương Trình Hành Động là chặng cuối trong tiến trình tìm giải pháp.
Trong ví dụ về nạn nhân của bạo hành gia đình ở Huyện ABC, một mục tiêu phúc lợi cho 12 tháng sắp đến là: 20 nạn nhân biết tìm dịch vụ hỗ trợ và bảo vệ. Cũng trong 12 tháng đó, một mục tiêu phúc lợi thứ hai có thể là: 10 nạn nhân có chỗ tạm trú an toàn. Như thế, sẽ có 2 Phương Án Lô-gíc cần triển khai cùng lúc. Phương án cho mục tiêp phúc lợi thứ nhất đã được thiết kế trong bài trước và được ghi lại dưới đây.
Hình 1. Phương án cho mục tiêu phúc lợi thứ nhất
Và dưới đây là phương án để đạt mục tiêu phúc lợi thứ hai:
Hình 2. Phương án cho mục tiêu phúc lợi thứ hai
Dưới đây là Chương Trình Hành Động cho 12 tháng bao gồm các công việc để thực hiện cả 2 phương án. Nội dung của cột “Công Việc” và cột “Xuất Liệu” lấy từ 2 phương án. Các thông tin mới gồm có ngày khởi đầu, ngày kết thúc, và người trách nhiệm.
Trên đây chỉ là một ví dụ. Có nhiều cách trình bày một Chương Trình Hành Động. Hiện nay có nhiều ứng dụng điện toán để lập Chương Trình Hành Động và theo dõi việc thực hiện.Hình 3. Chương trình hành động cho cả 2 phương án
Với Chương Trình Hành Động, toán công tác có thể bắt tay ngay vào việc mà yên tâm rằng việc ấy hướng đến tạo phúc lợi cho đối tượng phục vụ trong sách lược giải quyết tận gốc một vấn nạn.
Nhìn vào Chương Trình Hành Động, chúng ta thấy ngay rằng, để thực hiện một phương án dù nhỏ, để tạo một phúc lợi dù khiêm tốn sự phối hợp đồng bộ của nhiều người với các chức năng và năng lực đa dạng là điều mà những cá nhân riêng lẻ không thể đáp ứng. Hiệu quả của sự phối hợp tuỳ thuộc trình độ tổ chức của nhóm người chung tay hành động. Đây sẽ là đề tài của khoá giảng Cấp 2 – Tổ Chức.
Những việc không làm
Peter F. Drucker, vị “thầy” của ngành quản trị kinh doanh hiện đại, nhấn mạnh khái niệm “posteriority” đối lại với khái niệm “ưu tiên” (priority), để chỉ những việc phải đặt ở cuối sổ công tác. Tôi tạm dịch “posteriority” là việc sau cùng, ưu tiên hạng chót.
Khi làm luận án tiến sĩ, Peter F. Drucker khám phá là các nhà điều hành và quản trị doanh nghiệp thường “hạ quyết tâm” về ưu tiên nhưng hàng ngày chỉ toàn làm những việc đâu đâu, không liên quan gì đến các ưu tiên mà họ tuyên bố. Đó cũng là tâm lý phổ biến nơi nhưng người hoạt động xã hội hoặc đấu tranh cho công lý. Họ dễ sa đà vào những sự kiện thời thịnh, bận rộn với đối phó tình huống, hoặc chạy theo cảm xúc trước việc “nổi cộm” mà hậu quả là hành động không có chủ đích, không hướng đến tầm nhìn, thiếu kỷ luật tư duy.
Một thói quen hữu ích là lập danh sách các việc sau cùng, là những việc sẽ không làm, để tránh phí thời gian, năng lực của mình và của người hợp tác với mình. Những việc sau cùng là những việc dù tốt nhưng không nằm trong chương trình hành động đã vạch ra, không thuộc về phương án lô-gíc đã thiết kế, và không liên quan đến sách lược đã chọn để giải quyết tận gốc một vấn nạn. Danh sách những “việc không làm” nhắc nhở và báo động chúng ta về nguy cơ lệch hướng vì những dao động nhất thời, sự phân trí và tản lực bởi những chuyện sôi nổi không liên quan đến sách lược.
Không rời mắt ra khỏi các ưu tiên là đặc tính của người hữu hiệu. Luôn tự nhắc nhở những việc không làm là đặc trưng của những người có kỷ luật tự giác. Chúng ta rất nên treo trên bàn làm việc danh sách những “việc sau cùng” để không quên.
Kết luận
Lập Chương Trình Hành Động là chặng chót của quy trình tìm giải pháp. Quy trình tìm giải pháp bảo đảm “làm đúng việc” từ sách lược tổng quát đến hành động cụ thể. Chương Trình Hành Động bảo đảm những hành động cụ thể ấy phục vụ cho sách lược đã chọn để thay đổi hiện trạng, giúp đối tượng phục vụ tiến dần đến tầm nhìn. Mỗi hành động trong Chương Trình Hành Động đều phải nhắm đến ít ra một mục tiêu cụ thể, đo lường được, khả thi, phù hợp và có thời hạn. Điều này giúp loại bỏ thái độ làm cho có làm, thể hiện qua các hành động bâng quơ, không chủ đích, không đo lường được thành quả và do đó không thể đánh giá.
Vì được triển khai từ Phương Án Lô-gíc, Chương Trình Hành Động nhất thiết phải hướng đến phúc lợi cho đối tượng phục vụ hoặc một thành phần của đối tượng phục vụ. Phúc lợi ấy, theo tôi, chính là sự cụ thể hoá khái niệm “dân sinh” của cụ Phan Châu Trinh. Hiểu như thế thì đào tạo khả năng tìm giải pháp là phần trọng yếu của việc “khai dân trí” và phát huy thái độ tìm giải pháp chính là chấn dân khí vì, cũng theo tôi, dân khí là thái độ không cam chịu, không bó tay trước thử thách hay hoàn cảnh nghiệt ngã, là tinh thần vượt qua mọi chướng ngại, tìm lối thoát trước mỗi vấn nạn, thấy cơ hội trong mọi tình huống.
Bài liên quan:
Phải chăng chúng ta diễn giải sai ý của cụ Phan Châu Trinh?