- Những việc đơn giản để giải cứu nạn nhân và xoá bỏ nạn buôn người ở Việt Nam
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 4 tháng 7, 2021
http://machsongmedia.com
Ngày 1 tháng 7 vừa qua, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tiếp tục giữ Việt Nam trong Danh Sách Theo Dõi của Hạng 2 (Tier 2 – Watch List) về buôn người. Đây là năm thứ 3 Việt Nam ở trong danh sách này. Nếu trong 12 tháng tới, Việt Nam không chứng tỏ thực tâm bài trừ nạn buôn người thì sẽ tự động “rớt” xuống Hạng 3 và sẽ bị chế tài.
BPSOS kêu gọi các cá nhân và tổ chức người Việt ở trong và ngoài nước cùng chúng tôi tận khai thác cơ hội này nhằm giải cứu các đồng bào là nạn nhân buôn người và bài trừ tận gốc nạn buôn người ở Việt Nam. Có những việc làm đơn giản nhưng hiệu quả, nếu nhiều người cùng làm.
Hình 1. Lịch sử xếp hạng Việt Nam (nguồn: Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ)
Luật pháp Hoa Kỳ
Theo luật Hoa Kỳ, một quốc gia nằm trong Danh Sách Theo Dõi 2 năm liền mà vẫn không chứng minh được sự cải thiện đáng kể thì tự động bị đẩy xuống Hạng 3, nghĩa là hạng bét về phòng, chống buôn người. Các khoản viện trợ có thể bị cắt ngoại trừ các viện trợ nhân đạo hoặc liên quan đến mậu dịch. Các đơn vay tiền từ các định chế ngân hàng và quỹ tiền tệ quốc tế có thể bị chặn lại. Các cá nhân liên quan, kể cả các giới chức chính quyền, có thể bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ và tài sản của họ ở Hoa Kỳ có thể bị đóng băng. Nhưng thiệt hại lớn nhất có thể là về kinh tế: nhiều công ty Hoa Kỳ và quốc tế không muốn đầu tư vào một quốc gia bị xếp hạng tệ nhất về buôn người vì sợ bị người tiêu thụ tẩy chay.
Cũng theo luật Hoa Kỳ, Tổng Thống có quyền hoãn một năm cho quốc gia lẽ ra phải bị xếp vào Hạng 3. Sau một năm mà vẫn không cải thiện thì tự động rớt xuống Hạng 3 – Tổng Thống Hoa Kỳ không thể đặc miễn tiếp. Đó là hoàn cảnh của Malaysia. Trong các năm 2018 và 2019, Malaysia bị xếp vào Bảng Theo Dõi và được một lần đặc miễn năm 2020. Năm nay Malaysia tự động rớt xuống Hạng 3.
Hình 2. Lịch sử xếp hạng Malaysia (nguồn: Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ)
Năm nay Việt Nam được đặc miễn của Tổng Thống và cũng sẽ chịu chung số phận của Malaysia nếu trong 12 tháng tới không chứng minh được thực tâm xoá bỏ tình trạng buôn người.
Điều kiện để đặc miễn
Theo luật, quyền đặc miễn của Tổng Thống đi kèm điều kiện: nội trong 30 ngày từ khi Tổng Thống dùng quyền đặc miễn, Bổ Ngoại Giao phải giải trình cho Quốc Hội bằng văn bản và phải cử giới chức đích thân tường trình với Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện và của Thượng Viện nhằm bảo đảm:
(i) quốc gia được đặc miễn phải có kế hoạch cụ thể để bắt đầu những nỗ lực cải thiện đáng kể nhằm đạt tiêu chuẩn tối thiểu, theo định nghĩa của Hoa Kỳ, về bài trừ nạn buôn người;
(ii) kế hoạch đó phải có đầy đủ các yếu tố cần thiết để, nếu thực hiện, sẽ tạo nên sự cải thiện đáng kể như hứa hẹn; và
(iii) quốc gia đó phải đầu tư đủ nguồn lực cho việc thực hiện kế hoạch.
Việt Nam đã 2 lần thoát nạn
Năm 2004 Việt Nam lần đầu tiên bị đưa vào Danh Sách Theo Dõi do các vụ buôn lao động mà BPSOS phanh phui ở ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ: American Samoa, Hawaii, Guam, và Texas. Liền sau đó Việt Nam đã:
- Truy tố một số vụ buôn tình dục phụ nữ và trẻ em.
- Tu chính Luật Lao Động để kiểm soát chặt chẽ hơn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, và cho phép nạn nhân điều đình với các doanh nghiệp này trong trường hợp bị lừa đảo.
Đây chỉ là diễn kịch. Buôn tình dục là dạng buôn người lén lút, cò con, không đáng để các quan chức dính vào. Ngược lại, buôn người qua chương trình xuất khẩu lao động là cả một kỹ nghệ, đem về khoảng 2 tỉ Mỹ Kim mỗi năm vào thời điểm ấy. Nhà nước bằng mọi cách bảo vệ nó. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động hoặc là quốc doanh hoặc được bảo kê bởi những quan chức quyền lực. Họ bằng mọi giá phải bảo vệ nguồn thu nhập. Dù biết vậy, năm 2005 Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã gỡ Việt Nam ra khỏi Danh Sách Theo Dõi.
Hình 3. Một nạn nhân trong số 176 công nhân ở Jordani được CAMSA giải cứu năm 2008
Năm 2010 và 2011, Việt Nam bị xếp vào Bảng Theo Dõi trong 2 năm liền. Phần lớn là do các vụ buôn lao động được sự can thiệp của Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia, CAMSA), một chương trình do BPSOS khởi xướng năm 2008. Các vụ này bao gồm khoảng 4 nghìn nạn nhân ở Malaysia, Jordani và Nga. Liền sau đó, Việt Nam ký Nghị Định Thư LHQ về chống buôn người (Nghị Định Thư Palermo) và thêm một số điều khoản chống buôn người vào Luật Hình Sự. Nhà nước xử phạt tượng trưng một ít doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Năm 2012, Việt Nam được tháo gỡ khỏi Danh Sách Theo Dõi.
Phải chăng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã bị qua mặt trong cả 2 lần? Không hẳn.
Che chắn cho Việt Nam
Khi định xếp một quốc gia vào Danh Sách Theo Dõi, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo trước nhiều tháng để chính phủ của quốc gia ấy có cơ hội giải thích hay phản biện. Do biết trước, Việt Nam lập tức thực hiện vài động thái ra vẻ quyết tâm chống buôn người. Một số giới chức ngoại giao Hoa Kỳ không muốn Việt Nam bị chế tài vin ngay vào đó để che chắn cho Việt Nam, dù trong thâm tâm có thể họ thừa biết rằng Việt Nam chỉ diễn kịch.
Lần này cũng thế, tháng 11 năm ngoái Quốc Hội Việt Nam vội vã thông qua Luật Người Lao Động Việt Nam Làm Việc ở Nước Ngoài Theo Hợp Đồng, cấm việc thu phí môi giới và giảm bớt hình phạt cho người lao động khi đơn phương huỷ hợp đồng trước thời hạn. Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội phạt hành chính 32 doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong số 84 doanh nghiệp bị kiểm tra – 6 doanh nghiệp bị rút giấy phép hoạt động.
Cũng chỉ là trình diễn. Người môi giới đâu cần thu phí trực tiếp từ người lao động; họ có thể lấy phí qua doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Tiền phạt hành chính mà một doanh nghiệp phải đóng chẳng là gì so với số thu nhập từ kỹ nghệ xuất khẩu lao động. Việc đóng cửa doanh nghiệp cũng chẳng có ý nghĩa gì. Từ lâu rồi, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động tự gỡ bảng hiệu để hôm sau treo bảng hiệu mới nhằm phủi tay mọi trách nhiệm với thân chủ.
Làm khác
Với kinh nghiệm của những lần trước, lần này BPSOS đổi chiến thuật: ghim lại một số hồ sơ cho đến gần cuối năm 2020 mới bắt đầu báo động và chuyển cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Khi ấy, đã quá trễ để Việt Nam xoay xở dù được báo trước hoặc được mách nước bởi ai đó. Kết quả là Việt Nam tuy thoát được Hạng 3 nhưng chỉ là cầm chừng 12 tháng. Trong 12 tháng đó, chính quyền Việt Nam phải chứng minh thực tâm bằng cách:
- Nghiêm cấm mọi hình thức buôn người nghiêm trọng và phải trừng phạt thủ phạm;
- Xử tương đương trọng tội hình sự đối với thủ phạm chủ ý buôn người cho mục đích mại dâm, buôn trẻ em, hoặc buôn người dính líu đến hãm hiếp, bắt cóc hoặc tử vong;
- Có biện pháp trừng phạt thoả đáng trong trường hợp buôn người mang tính cách nghiêm trọng và có chủ ý;
- Có nỗ lực thực sự và bền vững để xoá bỏ các hình thức buôn người nghiêm trọng.
Hình 4. Các nạn nhân ở Ả Rập Xê-Út cầu cứu, tháng 5 năm 2021
Cơ hội để giải cứu nạn nhân và bài trừ nạn buôn người
Việt Nam đang đứng sát bờ vực thẳm và không thể thoát việc bị xếp vào Hạng 3 nếu không giải quyết thoả đáng các hồ sơ buôn người mà Bộ Ngoại Giao hoặc Quốc Hội Hoa Kỳ biết đến. Đây chính là cơ hội để gia đình của các nạn nhân cầu cứu cho thân nhân. Nếu có thông tin đầy đủ, BPSOS sẽ lập hồ sơ để chuyển cho Bộ Ngoại Giao và Quốc Hội Hoa Kỳ dùng làm phép thử thực tâm của nhà nước Việt Nam.
Số nạn nhân hiện nay không hề nhỏ. Sau vụ nhiễm độc biển gây ra bởi nhà máy gang thép Formosa vào tháng 4 năm 2016, hàng chục nghìn trai tráng ở các làng chài lưới bị ảnh hưởng đã tham gia chương trình xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc và Đài Loan, làm thuyền viên trên các tàu đánh cá ở 2 quốc gia này. Chúng tôi biết không ít giáo dân thuộc các Giáo Phận Vinh và Hà Tĩnh đã và đang bị bóc lột, bị đánh đập và bị ngược đãi trên các thuyền đánh cá. Tháng 7 năm ngoái, khoảng 30 thuyền viên bị tai nạn lao động ở Hàn Quốc không được chữa trị mà bị hồi hương gấp rút, có lẽ để phi tang. Họ cam chịu cảnh tiền mất tật mang.
Sau khi ruộng rẫy bị nhà nước tịch thu, nhiều người Tây Nguyên đã phải tham gia chương trình xuất khẩu lao động để nuôi gia đình. Nam thì làm lao công ở Malaysia và ở nhiều quốc gia Trung Đông. Nữ thì làm gia nhân trong các gia đình Ả Rập. Nhiều người bị bóc lột, bị đánh đập và nữ thì bị hãm hiếp. Những người bỏ trốn về nước thì bị công an đến tận nhà đe doạ; một số nhỏ phải chạy sang Thái Lan lánh nạn.
Ở quanh Moscow, Nga, hàng chục nghìn lao động người Việt, phần lớn đến từ các tỉnh miền Bắc, bị các chủ hãng may chui sử dụng như nô lệ; họ bị giam hãm từ năm nay sang năm khác. Có nạn nhân bị giam dưới hầm cả năm không thấy ánh mặt trời. Nhiều quan chức công an đã sắp xếp cho thân nhân mở hãng may chui ở Nga và tổ chức đưa người lao động sang đó.
Tất cả các nạn nhân này, và nhiều nữa, nay có cơ hội được giải cứu.
Hình 5. Nhiều chục nạn nhân về đến Việt Nam sau khi được cảnh sát Nga giải cứu ở Moscow năm 2012
Những việc làm đơn giản để cứu người
Có 3 việc đơn giản, dễ làm mà cứu được nhiều đồng bào khốn khổ:
- Nhận diện và báo động: Mỗi người chỉ cần hỏi han trong cộng đồng tôn giáo hoặc sắc tộc của mình. Nếu phát hiện những gia đình có thân nhân đang là hoặc đã từng là nạn nhân buôn người thì hãy hướng dẫn họ liên lạc với BPSOS để chúng tôi lập hồ sơ can thiệp: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
- Thông tin: Đối với nạn nhân không thuộc một cộng đồng tôn giáo hoặc sắc tộc, các người sử dụng Facebook hãy giúp phổ biến thông tin của chúng tôi qua các trang Facebook của mình. Thông tin càng đi xa, sẽ càng có thêm nạn nhân được giải cứu. BPSOS vừa khởi động lại trang Facebook CAMSA: https://www.facebook.com/CAMSA.International.
- Hướng dẫn và hỗ trợ: Đối với những người chuẩn bị đi lao động ở ngoài nước, một số hướng dẫn rất căn bản có thể giúp họ tránh trở thành nạn nhân. Có 2 cách:
- Cộng đồng tôn giáo hoặc sắc tộc lập nhóm người giúp soát bản thảo hợp đồng trước khi đương sự ký tên. BPSOS sẽ cử luật sư, luật gia huấn luyện cho các nhóm như vậy về các điểm phải lưu tâm trong bản hợp đồng ký với công ty xuất khẩu lao động và bản hợp đồng với chủ sử dụng lao động.
- Các Facebookers ở bất kỳ nơi đâu cũng có thể giúp đương sự kiểm tra trước tình hình của công ty hoặc nơi chốn mà họ sẽ đến làm việc. Nếu có những dấu hiệu khả nghi thì phải có biện pháp đề phòng. BPSOS sẽ hướng dẫn cách kiểm tra cũng như về biện pháp đề phòng.
Thậm chí, các tổ chức tôn giáo, các cộng đồng sắc tộc hoặc các nhóm người dân có thể ấn hành bản tin định kỳ về phòng, chống buôn người. Nếu nhà nước gây khó dễ thì đó là chỉ dấu thiếu thực tâm.
Kết luận
Lần đầu Việt Nam bị dồn đến sát bờ vực bị chế tài kể từ khi Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người được Hoa Kỳ ban hành cách đây 21 năm. Để tránh các hệ luỵ của Hạng 3, trong 12 tháng tới đây nhà nước Việt Nam phải chứng minh thực tâm xoá bỏ nạn buôn người theo điều kiện của luật pháp Hoa Kỳ. BPSOS sẽ cung cấp cho Bộ Ngoại Giao và Quốc Hội Hoa Kỳ các hồ sơ làm phép thử. Việt Nam sẽ phải giải quyết thoả đáng các hồ sơ này, bao gồm: giải cứu và hỗ trợ nạn nhân, và truy tố và trừng phạt thủ phạm, kể cả các doanh nghiệp quốc doanh và các quan chức bảo kê ở đằng sau. Chúng tôi cũng sẽ lập hồ sơ cho các trường hợp nạn nhân đã hồi hương trong vài năm đổ lại nhưng tình trạng chưa được giải quyết thoả đáng.
Chúng tôi rất cần sự tiếp tay của mọi người quan tâm, đặc biệt là các chức sắc tôn giáo và các lãnh đạo cộng đồng, để chuyển các thông tin rộng thiết thực đến gia đình của các nạn nhân và đến mọi đồng bào có ý định tham gia chương trình xuất khẩu lao động. Đi xa hơn một tí, những ai có lòng có thể hướng dẫn và hỗ trợ cho những người chuẩn bị lên đường đi lao động ở ngoài nước.
Mỗi người một tay, chúng ta có thể tận dụng cơ hội của 12 tháng tới đây để giải cứu cho nhiều nghìn đồng bào và xoá bỏ dần nạn buôn người xuyên quốc gia mà Việt Nam là điểm xuất phát.