Ts. Nguyễn Đình Thắng
Mô Hình Lô-gíc thoạt trông có vẻ phức tạp, nhưng thực ra phần lớn chỉ là sắp xếp lại thông tin đã có sẵn từ Cây Vấn Đề và Biểu Đồ Chuyển Đổi: mô tả vấn đề, mô tả tầm nhìn, mục tiêu phúc lợi, sách lược nhằm tác động các căn nguyên và (nếu có) các biện pháp can thiệp tắt và giai đoạn. Thông tin mới chỉ có nhập liệu và các yếu tố ngoại cảnh.
Các thông tin còn thiếu gồm có phương án và mục tiêu xuất liệu. Cả 2 thông tin này có thể rút ra từ Bảng Phương Án Lô-gíc, còn được gọi tắt là Bảng Phương Án. Sau khi hoàn tất Bảng Phương Án chúng ta phải xét lại phần nhập liệu để bảo đảm tính phù hợp. Nhập liệu chính là nguồn nhân-tài-vật lực có sẵn để thực hiện các phương án.
Thiết kế Bảng Phương Án
Mỗi mục tiêu phúc lợi phải có một phương án đi kèm, bao gồm chuỗi hành động để đạt mục tiêu phúc lợi. Thường, phải đạt nhiều xuất liệu thì mới tạo được phúc lợi cho đối tượng phục vụ. Chẳng hạn, để nạn nhân bạo hành gia đình biết cách và quyết tâm tìm đến dịch vụ hỗ trợ và bảo vệ, trước đó họ phải được thông tin về và hướng dẫn cách tiếp cận các dịch vụ ấy. Các xuất liệu tương ứng có thể là:
- Tài liệu 6 trang sẽ được thiết kế để phổ biến thông tin trong cộng đồng.
- 300 người sẽ nhận được thông tin tóm tắt qua dạng tờ bướm.
- 200 học sinh hoặc phụ huynh được nhà trường hướng dẫn về luật chống bạo hành gia đình và các chương trình hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân.
- 500 tài liệu với thông tin chi tiết về các dịch vụ hỗ trợ và bảo vệ được phân phối ở các nơi công cộng.
- 5000 người tiếp cận thông tin qua các trang Facebook và trang mạng.
Các xuất liệu này cần vì không có chúng thì khó mà đạt phúc lợi, nhưng tự chúng chưa phải là phúc lợi.
Để đạt các mục tiêu xuất liệu này và cuối cùng tạo được phúc lợi cho đối tượng phục vụ, chúng ta cần một phương án hành động có lớp lang. Bảng Phương Án Lô-gíc, tiếng Anh là Logframe (Logical Framework Matrix), hoặc Bảng Phương Án, là công cụ giúp thiết kế phương án. Mỗi mục tiêu phúc lợi sẽ cần một bảng riêng.
Bảng Phương Án
Bảng này được thiết kế gồm 4 dòng và 4 cột. Các dòng gồm có, từ trên xuống: Mục đích, phúc lợi, xuất liệu và hành động. Các cột gồm có, từ trái sang: Mô tả tóm tắt, chỉ dấu, phương pháp kiểm chúng, giả định về quan hệ nhân-quả. Giả định về quan hệ nhân-quả còn được gọi là “yếu tố rủi ro” vì một giả định sai sẽ vô hiệu hoá một phần hoặc toàn bộ phương án; trong trường hợp đó, phải điều chỉnh giả định sai và thiết kế lại Bảng Phương Án. Dưới đây là một ví dụ về Bảng Phương Án, tương ứng với ví dụ về nạn nhân bạo hành gia đình ở Huyện ABC.
Hình 1. Bảng Phương Án
Nếu xoay ngang Bảng Phương Án Lô-gíc thì chúng ta sẽ thấy là nó tương ứng với Mô Hình Lô-gíc đã học. Dòng “Hành động” tương ứng với cột “Sách lược”, dòng “Mục tiêu xuất liệu” và “Mục tiêu phúc lợi” tương ứng với cột “Mục Tiêu” và dòng “Mục đích” tương ứng với cột “Tầm nhìn”.
Khi thiết kê Bảng Phương Án, chúng ta đi từ dưới lên.
Cột “Giả định” mô tả quan hệ nhân-quả giữa dòng dưới với dòng trên theo công thức: Nếu “Mô tả tóm tắt” + “Giả định” ở dòng dưới thì kết quả sẽ là “Mô tả tóm tắt” ở dòng trên.
Ví dụ: Lấy từ ví dụ về nạn nhân bạo hành ở bài trước, một mục tiêu phúc lợi là trong 12 tháng tới sẽ có 20 nạn nhân sẽ biết cách tìm dịch vụ hỗ trợ và bảo vệ.
Hình 2. Cách thiết kế Bảng Phương Án
Màu vàng: NẾU “Phổ biến thông tin qua nhiều phương tiện, biện pháp đa dạng” VÀ giả định rằng “các phương tiện sử dụng sẽ đưa thông tin đến với người tiêu thụ” THÌ sẽ dẫn đến “300 gia đình nhận tài liệu; 200 học sinh/phụ huynh được hướng dẫn; 500 bản tài liệu được phân phối qua trung gian; 5000 người tham khảo trang FB hoặc trang mạng”.
Màu xanh lá cây: NẾU “Soạn tài liệu, lập trang FB và trang mạng để phổ biến thông tin” VÀ giả định là “Tìm được người nghiên cứu và biên soạn” THÌ sẽ sản xuất được “Tài liệu 6 trang để phổ biến, các tờ bướm, Facebook, trang mạng”.
Hình 3. Cách thiết kế Bảng Phương Án (tiếp theo)
Màu vàng: NẾU “300 gia đình nhận tài liệu; 200 học sinh/phụ huynh được hướng dẫn; 500 bản tài liệu được phân phối qua trung gian” VÀ giả định rằng việc “Tiếp cận thông tin giúp nạn nhân tăng ý thức và quyết tâm tìm sự giúp đỡ”
VÀ
Màu xanh lá cây: NẾU có “Tài liệu 6 trang để phổ biến, các tờ bướm, Facebook, trang mạng” VÀ giả định rằng “Thông tin phổ biến hữu ích và thực dụng cho nạn nhân”
THÌ sẽ có “20 nạn nhân sẽ tìm dịch vụ hỗ trợ và bảo vệ”. Lưu ý là phúc lợi này cần sự tác động tổng hợp của 2 giả định.
Hình 4. Cách thiết kế Bảng Phương Án (kết)
Cuối cùng, màu đỏ: NẾU có “20 nạn nhân tìm dịch vụ hỗ trợ và bảo vệ” VÀ giả định rằng “khi nạn nhân tìm sự hỗ trợ và bảo vệ, tình trạng bạo hành gia đình sẽ giàm” THÌ sẽ có ngày “mọi nạn nhân được an toàn và con cái có đời sống ổn định”. Lưu ý: Mục đích hoặc tầm nhìn thể hiện ước vọng, có thể sẽ phải mất thời gian dài mới đạt được. Cách làm là, sau khi đạt được mục tiêu phúc lợi cho 20 nạn nhân, chúng ta phải lập phương án mới để đạt phúc lợi cho, giả tỉ, thêm 50 nạn nhân trong 12 tháng tới. Cứ vậy sẽ tiến dần đến mục đích.
Nơi cột “Chỉ dấu” chúng ta ghi các yếu tố định lượng phản ảnh mức tiến triển khi thực hiện phương án. Chẳng hạn, tương ứng với hành động “soạn tài liệu” là yếu tố định lượng “số tài liệu hoàn tất”. Cột bên cạnh, “Phương pháp phối kiểm”, cho biết cách nào để phối kiểm mỗi “chỉ dấu”. Chẳng hạn, để phối kiểm số tài liệu đã hoàn tất, người thực hiện phương án mời một chuyên gia độc lập rà soát phẩm chất của từng tài liệu đã biên soạn xong.
Lưu ý:
- Bảng Phương Án nhắc nhở chúng ta rằng “phúc lợi cho đối tượng phục vụ” là cứu cánh cho mọi hành động; các mục tiêu xuất liệu là cần nhưng chưa đủ. Thường, sau khi đạt nhiều kết quả xuất liệu thì mới tạo được một phúc lợi cho đối tượng phục vụ.
- Trước khi hành động thì đã phải đề ra mục tiêu, kể cả phúc lợi và xuất liệu, sẽ phải đạt thay vì làm cho có làm còn kết quả đến đâu thì mặc.
- Thu hoạch thành quả của bước trước để tái đầu tư cho bước kế tiếp — trong Bảng Phương Án, dòng dưới là bệ đỡ để leo lên dòng trên, giống như leo lên từng bậc thang. Có nghĩa là Bảng Phương Án ép chúng ta phải suy nghĩ và hành xử theo tư duy chiến lược.
- Mỗi giả định đều là một yếu tố rủi ro vì giả định ấy có thể sai từ đầu hoặc không còn chính xác do hoàn cảnh đã thay đổi; khi ấy sẽ phải xét lại cấu trúc của Bảng Phương Án và có khi phải điều chỉnh cả Mô Hình Lô-gíc, Biểu Đồ Chuyển Đổi và Cây Vấn Đề, nghĩa là phải đi lại từ đầu quy trình tìm giải pháp. Thái độ ngoan cố, khư khư ôm lấy một ý tưởng hoặc một chủ nghĩa cổ hủ, là do không chấp nhận rằng một hay nhiều giả định kiến tạo nên ý tưởng hoặc chủ nghĩa đã sai về bản chất hoặc đã lỗi thời.
- Phải theo dõi tiến độ công việc qua những chỉ dấu nhằm điều chỉnh phương án khi cần. Phải kiểm chứng xem hành động có theo đúng phương án, đo lường xem xuất liệu có đạt mục tiêu như dự phóng, thẩm định xem đối tượng phục vụ có thụ hưởng phúc lợi như ước vọng. Thẩm định việc áp dụng phương án, đo lường xuất liệu, kiểm chứng các giả định và đánh giá thành quả phúc lợi phải là phần không thể thiếu của giải pháp. Các hoạt động này cũng thuộc lĩnh vực tư duy chiến lược.
Hoàn tất Mô Hình Lô-gíc
Với Bảng Phương Án, chúng ta có thông tin mới để điền vào những phần còn để trống trong Mô Hình Lô-gíc, gồm có: các xuất liệu gắn liền với mỗi mục tiêu phúc lợi, và phương án nhằm đạt các xuất liệu ấy. Dưới đây là ví dụ cho mục tiêu phúc lợi là 20 nạn nhân biết cách tìm dịch vụ hỗ trợ và bảo vệ. Công đoạn này sẽ phải tái lập cho từng mục tiêu phúc lợi một.
Hình 5. Mô Hình Lô-gíc với thông tin bổ sung
Kết luận
Đến đây, Mô Hình Lô-gíc đã được hoàn tất và quy trình tìm giải pháp cũng gần xong. Ngoài ra, chúng ta còn có các phương án làm khung sườn để thảo chương trình hành động với công việc cụ thể, thời gian bắt đầu và hoàn tất mỗi công việc, những kết quả kỳ vọng sẽ gặt hái qua công việc, và sự phân bổ chức năng trách nhiệm trên từng công việc.
Bố cục chặt chẽ về lô-gíc — từ nhận diện và phân tích vấn đề, đến truy căn nguyên, rồi mô tả tầm nhìn, rồi đề ra sách lược để đạt các mục tiêu phúc lợi, và triển khai phương án hành động nhằm đạt các mục tiêu xuất liệu — giúp chúng ta vượt hố ngăn cách giữa tư tưởng và hành động, giữa tầm nhìn bao quát và công việc cụ thể. Hố ngăn cách này là trở ngại lớn trong tiến trình tìm giải pháp.
Chúng ta hẳn đã thấy những cá nhân, những nhóm người, những tổ chức miệt mài tranh đấu cho tự do và dân chủ cho Việt Nam và tiếp tục lên án chế độ thống trị ngày càng tệ hơn, tình trạng đất nước ngày càng xấu đi, hoặc chí ít là không thay đổi gì. Nếu áp dụng biểu đồ chuyển đổi thì rõ ràng là họ đã làm sai việc hoặc sai cách, hoặc cả hai. Lẽ ra, sau vài năm hành động mà không thấy sự thay đổi nào nơi vấn nạn thì phải thay đổi cách làm và có khi cả việc làm. Cứ làm việc cũ và cách cũ thì đừng mong kết quả khác đi.
Ngược lại, chế độ thống trị đeo theo một chủ thuyết cổ hủ vì các giả định căn bản của nó được thực tế chứng minh là sai từ đầu hoặc đã lỗi thời vì xã hội loài người thay đổi nhiều so với thời lập thuyết. Thay vì chấp nhận thực tế và từ bỏ quyết định sai lầm về chủ thuyết, họ chỉ vá víu manh áo lý thuyết đã rách bươm. Kết quả là một mớ tư duy hổ lốn, đầy mâu thuẫn, và nặng tính phản động – hiểu theo nghĩa cưỡng lại trào lưu tiến bộ của nhân loại.
Theo tôi, cụ Phan Châu Trinh đề ra sách lược để thay đổi đất nước: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, vẫn còn giá trị đến ngày nay. Nhưng sách lược chưa là giải pháp, cho nên hậu thế loay hoay không biết làm gì hơn là nhắc đến sách lược như một khẩu hiệu. Nếu không có phương án và chương trình hành động cụ thể thì không thể tạo được sự đổi thay. Quyển sách chính đề Việt Nam, mà nhiều người cho rằng tác giả là Ông Ngô Đình Nhu, có những phân tích vấn nạn sâu sắc và vạch ra hướng đối phó nhưng rồi cũng dừng lại ở tầng sách lược.
Ai đọc bài Bình Ngô Đại Cáo của cụ Nguyễn Trãi, trong cách nhìn tìm giải pháp, thì sẽ thấy phảng phát phần nhận diện và phân tích vấn nạn, phần mô tả tầm nhìn, phần sách lược, và kế hoạch thu hoạch các chiến công đã tạo được làm bàn đạp cho bước kế tiếp trong công cuộc giải phóng đất nước. Tôi đồ chừng là trong 10 năm phiêu dạt ẩn mình, cụ Nguyễn Trãi đã đổ công tìm giải pháp, để không chỉ giành độc lập cho nước nhà mà còn tạo phúc lợi cho muôn dân. Nếu quả vậy thì đúng là bậc kỳ tài vì phải đến hơn 500 năm sau mới xuất hiện các công cụ tư duy lô-gíc như cây vấn đề, biểu đồ chuyển đổi, mô hình lô-gíc, phương án, v.v. Nếu thời ấy có sẵn những công cụ này, có lẽ cụ Nguyễn Trãi sẽ chẳng phải mất đến 10 năm ẩn mình tìm đường cứu nước, cứu dân.
Chúng ta may mắn hơn cụ Nguyễn Trãi nhiều. Với những công cụ lô-gíc và quy trình tư duy lớp lang và chặt chẽ được trình bày đến đây, ai cũng có thể tìm giải pháp cho các vấn nạn nhỏ hoặc lớn. Không cần là bậc kỳ tài. Không cần “thông minh vốn sẵn tính trời”. Chỉ cần tập luyện, tập luyện và tập luyện.
Bài đọc thêm: Phải chăng chúng ta diễn giải sai ý của cụ Phan Châu Trinh?