[Khoá đào tạo 12 tháng] Tìm Giải Pháp – Mô Hình Lô-gíc

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Cây Vấn Đề và Biểu Đồ Chuyển Đổi giúp hoặc đúng hơn ép chúng ta tập dần với cách tư duy cấu trúc: phân định được đâu là hiện tượng, đâu là bản chất, đâu là quả, đâu là nhân, đâu là nguyên nhân gần, đâu là nguyên nhân xa và nguyên nhân gốc, đâu là trọng tâm để tác động, đâu là điểm nhấn để can thiệp, và các mối tương quan nhân-quả giữa tất cả những yếu tố kể trên. Tư duy cấu trúc là cần thiết để chọn đúng việc, tác động đúng chỗ.

Dùng biểu đồ chuyển đổi, chúng ta đề ra được các sách lược nhắm vào gốc của vấn nạn và những biện pháp can thiệp tình huống hoặc phá vỡ vòng lẩn quẩn. Từ biểu đồ chuyển đổi, chúng ta cũng đề ra được một số mục tiêu phúc lợi cho đối tượng phục vụ nếu như sách lược là đúng đắn.

Tuy nhiên, sách lược chưa phải là giải pháp. Sách lược mới chỉ là một phác thảo mang tính bao quát. Để tạo sự thay đổi, phải hành động một cách cụ thể. Mô Hình Lô-gíc (Logic Model), còn gọi là mô hình luận lý, là công cụ để chuyển từ sách lược sang hành động. Công cụ đặc biệt quan trọng này giúp tránh được 2 lỗi rất phổ biến:

  • Bị khựng lại ở tầng ý tưởng mông lung và bị đóng băng trong trạng thái bất động
  • Hành động tuỳ tiện theo kiểu làm cho có làm vì thiếu định hướng

Cấu trúc của Mô Hình Lô-gíc

Mô Hình Lô-gíc là một bảng gồm 2 dòng. Dòng trên có 5 cột và dòng dưới có 2 cột.   

5 cột ở dòng trên, được hình thành theo thứ tự như sau:

  1. Ghi vào cột ở cực trái lời Mô Tả Vấn Nạn. Đó là điểm A. Chúng ta đã học cách viết lời mô tả vấn nạn.
  2. Nhảy thẳng sang cột ở cực phải và ghi vào đó lời Mô Tả Tầm Nhìn. Đó là điểm B. Chúng ta đã học cách viết lời mô tả tầm nhìn.
  3. Đi lùi từ điểm B về trái, lập cột Mục Tiêu. Nơi đây ghi các mục tiêu phúc lợi dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, theo thứ tự ngược thời gian như vậy: dài hạn trước, rồi đến trung hạn, và cuối cùng là ngắn hạn. Các mục tiêu phúc lợi này được rút ra từ Biểu Đồ Chuyển Đổi. Chúng ta sẽ quay lại cột này để ghi thêm các mục tiêu xuất liệu, sẽ được giải thích trong phần sau.
  4. Tiếp tục lùi về trái, lập cột Kế Hoạch. Ở cột này ghi các sách lược và các biện pháp can thiệp rút ra từ Biểu Đồ Chuyển Đổi.  
  5. Tiếp tục lùi về trái, lập cột Nhập Liệu. Đây là chỗ liệt kê các nguồn nhân-tài-vật lực đã có sẵn để bắt tay vào việc. Những gì cần mà chưa có thì phải được ghi vào cột Mục Tiêu như là những xuất liệu cần tạo ra. Khi đã được tạo ra, thì các xuất liệu sẽ trở thành nhập liệu trong Mô Hình Lô-gíc được cập nhật.

2 cột ở dòng dưới gồm:

  1. Các yếu tố ngoại cảnh thuận lợi
  2. Các yếu tố ngoại cảnh bất lợi

Mục Tiêu

Có 2 loại mục tiêu: phúc lợi và xuất liệu. Chúng ta đã nói đến mục tiêu phúc lợi trong bài về Biểu Đồ Chuyển Đổi. Đó là phúc lợi mà đối tượng phục vụ (hoặc một thành phần của đối tượng phục vụ) sẽ thụ hưởng do tác động của chúng ta, người phục vụ.

Xuất liệu là kết quả của hành động, không nhất thiết đã tạo được phúc lợi cho ai. Nói cách khác, phúc lợi cũng là một xuất liệu, nhưng là một xuất liệu đặc biệt vì đem lại lợi ích cho đối tượng phục vụ. Thường, để đạt được một phúc lợi thì trước đó phải tạo được nhiều xuất liệu. Ví dụ, muốn tăng ý thức cộng đồng về bình đẳng giới thì trước đó phải có tài liệu hướng dẫn, có các buổi huấn luyện, có những chương trình phát thanh và truyền hình, có những bài báo về đề tài này, v.v. Tất cả đều là xuất liệu, cần nhưng chưa phải là phúc lợi.

Mục tiêu, dù là xuất liệu hay phúc lợi, phải thoả đáng 5 tiêu chí được viết tắt thành “SMART” trong tiếng Anh:

  • Specific: Cụ thể
  • Measurable: Có thể định lượng
  • Achievable: Khả thi
  • Relevant: Thích hợp với các mục tiêu dài lâu hơn
  • Timebound: Có mốc điểm thời gian

Vì mục tiêu là một mốc điểm cố định, phải dùng động từ mô tả trạng thái để diễn tả mục tiêu: “sẽ là”, “sẽ được”, “sẽ có”, “sẽ biết”… Ngược lại, để mô tả sách lược thì dùng động tự diễn tả hành động: “sẽ làm”, “sẽ huấn luyện”, “sẽ phổ biến”…

Vì mục tiêu phúc lợi thể hiện lợi ích mà đối tượng phục sẽ thụ hưởng, nên đặt đối tượng phục vụ, hoặc một thành phần của đối tượng phục vụ, vào vị trí chủ từ. Vì dụ: Sau 6 tháng, 20 nạn nhân bị bạo hành gia đình sẽ biết cách tìm dịch vụ hỗ trợ và bảo vệ. “20 nạn nhân” là chủ từ.

Ví dụ về mục tiêu hội đủ tiêu chí SMART: 

Mục tiêu xuất liệu: Sau 3 tháng, một tài liệu 6 trang hướng dẫn cách đối phó với bạo lực gia đình sẽ được hoàn tất để phổ biến tận tay đến các hộ gia đình và qua mạng xã hội.

Mục tiêu phúc lợi: Sau 12 tháng, 200 phụ nữ trong Huyện ABC sẽ chứng tỏ được kiến thức và khả năng đối phó với bạo lực gia đình nếu xảy ra.

Ví dụ về Mô Hình Lô-gíc

Mo Hinh Logic pic 1

Hình 1. Mô Hình Lô-gíc trong ví dụ về phụ nữ bị bạo hành gia đình

Ghi chú: Khi thiết kế Mô Hình Lô-gíc, hãy:

  • Cố gắng giữ trong phạm vi 1 trang giấy; tóm tắt những nét chính về sách lược và biện pháp.
  • Khi thiết kế thì bắt đầu từ điểm B, đi lùi về mục tiêu, kế hoạch và nhập liệu. Về thiết kế, Mô Hình Lô-gíc giúp sắp xếp tư tưởng theo cấu trúc: mọi phần tử trong mô hình đều có vị trí nhất định của nó. Phần tử nào không có chỗ trong mô hình thì cần loại bỏ mà không nuối tiếc.
  • Khi thực hiện, thì thứ tự diễn tiến sẽ đi từ trái sang phải: nhập liệu cung ứng cho việc thực thi kế hoạch; kế hoạch giúp đạt mục tiêu; mục tiêu gần sẽ cần được thu hoạch để làm nhập liệu cho mục tiêu xa hơn và xa hơn nữa, tiến dần đến tầm nhìn. Đây là phần tư duy chiến lược trong Mô Hình Lô-gíc, giúp làm đúng cách, theo đúng trình tự.
  • Ngoài ra, Mô Hình Lô-gích còn là một công cụ truyền thông, giúp truyền đạt ý tưởng một cách lớp lang, hữu lý, gọn gang.
  • Mô Hình Lô-gích còn có tác dụng đo lường tiến độ thực hiện sách lược, khi đối chiếu kết quả thực tế với các mục tiêu xuất liệu và mục tiêu phúc lợi đã đề ra.

Thêm một ví dụ

Dưới đây là Mô Hình Lô-gíc cho ví dụ về cộng đồng người Hmong theo Đạo Tin Lành ở Tiểu Khu 179, Xã Liêng Sronh, Huyện Đam Rông, Tỉnh Lâm Đồng.

Mo Hinh Logic pic 2

Hình 2. Mô Hình Lô-gíc trong ví dụ về cộng đồng Hmong ở Tiểu Khu 179

Kết Luận

Mô-Hình Lô-gíc chuyển ý tưởng bao quát về sách lược thành hành động cụ thể nhằm đạt các mục tiêu xuất liệu và phúc lợi trong từng giai đoạn.

Một phần nội dung của Mô Hình Lô-gíc được lấy từ Cây Vấn Đề và Biểu Đồ Chuyển Đổi: mô tả vấn nạn, mô tả tầm nhìn, mục tiêu phúc lợi, các sách lược dài lâu, và các biện pháp can thiệp mang tính giai đoạn. Các nội dung sau đây phải triển khai thêm để hoàn thành Mô Hình Lô-gíc:

  • Các mục tiêu xuất liệu cần thiết để dẫn đến mục tiêu phúc lợi
  • Nhập liệu

Với Mô Hình Lô-gíc, xem như đã thiết kế xong 80% giải pháp. 20% còn lại là phương án và chương trình hành động.

Thiết kế Mô-Hình Lô-gíc phải tuân thủ một nguyên tắc căn bản về làm kế hoạch: khởi đi từ điểm B (điểm  đích) và đi giật lùi về điểm A để vẽ lộ trình. Khi thực hiện, xuất phát từ điểm A, cứ lần theo lộ trình ấy thì sẽ tiến dần đến điểm đích. Nếu không tuân thủ nguyên tắc này, mất định hướng trong hành động là khó tránh khỏi.

Mô-Hình Lô-gíc là bước trung chuyển từ tư duy cấu trúc sang tư duy chiến lược: các hành động đều kết lại thành xâu chuỗi, và các kết quả đều phải được dự phóng rồi gặt hái để đầu tư cho bước sau, và bước sau nữa cho đến khi chạm đích.

Bài đọc thêm:

Dân chủ hoá: Từ sách lược lớn đến những việc làm nhỏ

Viết một bình luận